Đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn: Nguyên nhân và hướng xử lý
Đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn là những triệu chứng phổ biến có liên quan đến một số vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm cần được thăm khám và chữa trị kịp thời. Việc chủ quan hoặc áp dụng sai phương pháp điều trị có thể dẫn đến phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn
Đau ở vùng thượng vị kèm theo chứng ợ hơi, buồn nôn thường gặp ở nhiều người. Tình trạng này thường là hệ quả của việc ăn uống không khoa học, chế độ sinh hoạt bất hợp lý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biểu hiện đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn có liên quan đến các bệnh lý đường tiêu hóa cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe dưới đây:
1. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh trúng độc do dung nạp các thực phẩm nhiễm khuẩn, chứa hóa chất độc hại, thức ăn ôi thiu,… Đau ở vùng thượng vị là một trong những biểu hiện điển hình khi bị ngộ độc thực phẩm.
Trường hợp khi bị ngộ độc thực phẩm thường sẽ gây đau thắt ở vùng bụng trên rốn và dưới xương ức. Bên cạnh đó, khi bị ngộ độc người bệnh cũng sẽ có biểu hiện ợ hơi, buồn nôn và nôn mửa. Sau khi nôn hết thức ăn thì cơn đau thượng vị cũng sẽ có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh sẽ thoải mái hơn.
Ngoài ra, người bị ngộ độc thức ăn còn có biểu hiện đi ngoài nhiều lần, đại tiện phân lỏng và có thể kèm theo máu đối với các trường hợp bị ngộ độc nghiêm trọng. Ngộ độc thực phẩm nếu không được can thiệp xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
2. Viêm loét dạ dày tá tràng
Triệu chứng đau vùng thượng bị, ợ hơi, buồn nôn có thể là dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Đây là bệnh lý về đường tiêu hóa có xu hướng khởi phát khi niêm mạc dạ dày bị acid bào mòn, dẫn đến viêm, loét. Trường hợp các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng ở mức độ nặng, lúc này tại những vùng niêm mạc bị tổn thương sẽ xuất hiện các ổ loét.
Thông thường, những cơn đau ở vùng thượng vị do bệnh lý gây ra thường xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước và có thể khởi phát ngay khi đang no hay đang đói. Phần lớn người bệnh sẽ bị đau thượng vị dữ dội vào ban đêm.
Ngoài các triệu chứng điển hình như đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn thì người bệnh còn có thể đối mặt với các triệu chứng như suy nhược, nóng rát vùng bụng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi,…
3. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý đường tiêu hóa, điển hình bởi triệu chứng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn. Tình trạng này thường là hệ quả của việc ăn uống không điều độ, sinh hoạt thiếu khoa học dẫn đến tăng tiết acid dịch vị dạ dày, thức ăn trào ngược lên thực quản.
Mức độ triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản sẽ ở mức độ nghiêm trọng hơn khi hoạt động tiết acid dạ dày tăng đột ngột. Một số trường hợp cơn đau còn lan ra cả vùng lưng và vùng ngực. Không giống với viêm loét dạ dày tá tràng, biểu hiện trào ngược dạ dày thực quản thường đi kèm với các triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi, đau rát cổ họng, khan giọng, đầy bụng, khó tiêu, hôi miệng,…
4. Viêm thực quản
Viêm thực quản khởi phát khi lớp niêm mạc thực quản bị tấn công bởi các phản ứng viêm. Các biểu hiện của bệnh lý thường dễ bị nhầm lẫn với chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Do đó, viêm thực quản cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số biểu hiện như khó nuốt, bị vướng khi nuốt, cơn đau lan rộng ra vùng ngực.
Viêm thực quản nếu không được thăm khám sớm và điều trị, chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến bệnh tiến triển phức tạp và phát sinh các biến chứng nguy hiểm như hình thành khối u ác tính, vết loét ở vùng thực quản.
5. Xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng dạ dày và thực quản bị chảy máu. Đây thường là biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản, thậm chí là ung thư dạ dày.
Một số tác nhân làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa trên như sử dụng bia rượu thường xuyên, căng thẳng thần kinh, tác dụng phụ của thuốc điều trị (đặc biệt là thuốc chống viêm),…
Hầu hết các trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa trên sẽ có biểu hiện bị đau vùng thượng vị dữ dội, cơn đau có thể lan rộng ra phía sau lưng hoặc toàn bộ vùng ngực. Ngoài ra, xuất huyết dạ dày còn gây buồn nôn, nôn mửa ra dịch có màu cà phê hoặc máu, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp. Tình trạng này cần được điều trị kịp thời vì có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong do mất máu quá nhiều.
6. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày khởi phát khi các khối u ác tính xuất hiện trong niêm mạc dạ dày. Ở giai đoạn mới hình thành, đa số các khối u này đều không có các biểu hiện bất thường. Lâu dần, khối u sẽ có xu hướng tăng kích thước làm tăng áp lực cho dạ dày.
Khi đó sẽ gây ra tình trạng đau thượng vị, đôi lúc lan rộng ra phía sau lưng, vùng ngực và bụng dưới. Ngoài ra, người bị ung thư dạ dày thường có biểu hiện chán ăn, khó thở, buồn nôn và nôn mửa, đau thắt ngực, sụt cân không kiểm soát, cơ thể mệt mỏi.
Ung thư dạ dày là bệnh lý đặc biệt nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường hoặc nghi ngờ bị ung thư dạ dày, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán, làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.
7. Các vấn đề về túi mật
Triệu chứng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn có thể khởi phát khi túi mật bị tổn thương. Trong đó, viêm đường dẫn mật được xác định là bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến túi mật. Viêm đường túi mật xuất hiện khi đường dẫn mật bị nhiễm trùng.
Bên cạnh triệu chứng điển hình đau vùng thượng vị thì người bệnh cũng có thể đối mặt với các biểu hiện như khó tiêu, buồn nôn, nước tiểu vàng, thân nhiệt tăng,..
8. Hội chứng Zollinger-Ellison
Hội chứng Zollinger-Ellison đặc trưng bởi các khối u tiết gastrin xuất hiện ở tá tràng và tuyến tụy, đây cũng là hội chứng thường gặp. Khi nồng độ gastrin tăng quá mức sẽ dẫn đến lượng acid dạ dày tăng lên đột ngột. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khởi phát triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản.
Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Zollinger-Ellison rất khó nhận biết bởi biểu hiện của bệnh lý không được rõ ràng, đặc trưng. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận thấy các biểu hiện như đầy bụng, chán ăn, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, kèm theo đó là tình trạng đau vùng thượng vị.
9. Viêm tụy cấp
Tuyến tụy là một trong các cơ quan quan trọng có vị trí cạnh ruột non và dạ dày, ngay vùng thượng vị. Viêm tụy cấp điển hình bởi tình trạng nhiễm trùng tuyến bị một cách đột ngột. Nguyên nhân khởi phát thường là do hệ miễn dịch bị rối loạn, sử dụng rượu bia, các chất kích thích trong thời gian dài, sỏi mật, phản ứng viêm kích hoạt,…
Đa số các trường hợp bị viêm tụy cấp thường có cơn đau khởi phát tại vùng thượng vị, tình trạng này có thể lan tỏa ra phía sau lưng. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu như tim đập nhanh, sốt nhẹ, buồn nôn, ợ hơi, đầy bụng,…
10. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân thường gặp trên, triệu chứng đau vùng thượng vị ợ hơi, buồn nôn còn có thể bùng phát bởi một số nguyên nhân khác như:
Ăn quá no: Thói quen ăn quá no cũng có thể gây đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn. Bởi lúc này, lượng thức ăn bạn dung nạp sẽ tăng áp lực đè nén lên dạ dày và thực quản. Từ đó, dẫn đến khởi phát cơn đau thượng vị. Ngoài ra, khi ăn quá no sẽ khiến dạ dày không tiêu hóa kịp lượng thức ăn, tăng nguy cơ mắc chứng ợ hơi, đầy bụng và buồn nôn.
Vận động mạnh ngay sau khi ăn: Việc vận động mạnh ngay sau khi ăn có thể kích thích trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến đau thượng vị, một số trường hợp vận động quá sức có thể gây buồn nôn và nôn mửa.
Phụ nữ mang thai: Vào những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu thường phải đối mặt với những cơn đau thượng vị dữ dội. Đôi khi cơn đau còn lan rộng ra phía sau lưng, kèm theo chứng chướng bụng, ợ hơi, buồn nôn. Tác nhân chính là trong giai đoạn này thai nhi đã phát triển hoàn thiện, tăng áp lực, đè nén lên các cơ quan tiêu hóa.
Các biện pháp xử lý đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn
Tình trạng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn thường có mức độ nghiêm trọng hơn so với triệu chứng ợ hơi thông thường. Do đó, bạn cần chủ động theo dõi các triệu chứng để có các biện pháp chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời
Áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà
Để cải thiện triệu chứng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn tạm thời, bạn có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Dưới đây là một số cách được áp dụng phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Liệu pháp chườm ấm: Bạn có thể sử dụng túi chườm ấm hoặc chuẩn bị một chiếc khăn nhúng nước ấm vắt khô rồi chườm lên vùng thượng vị. Liệu pháp này sẽ giúp các vùng dạ và thực quản được thư giãn, từ đó cải thiện cơn đau thượng vị. Thực hiện chườm ấm trong vòng 15 – 20 phút để giúp làm giảm cơn đau tạm thời.
Uống nước muối ấm: Với các thành phần có trong nước muối ấm sẽ giúp điều hòa các hoạt động co thắt ở dạ dày và thực quản. Uống nước muối ấm có tác dụng làm giảm cơn đau thượng vị, cải thiện chứng ợ hơi, buồn nôn, cơ thể dễ chịu hơn.
Uống trà hoa cúc: Các thành phần trong trà hoa cúc có công dụng làm giãn các cơ ở vùng thực quản, điều hòa hoạt động tiết dịch vị, từ đó hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày. Do đó, khi bị đau thượng vị bạn có thể uống một tách trà hoa cúc giúp cơ thể dễ chịu hơn.
Đối với các trường hợp đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn do một số bệnh lý về dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, viêm thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng thường kéo dài dai dẳng và có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi.
Để giảm thiểu các triệu chứng bệnh lý tiến triển nghiêm trọng bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Tích cực và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trong quá trình điều trị. Sử dụng thuốc đúng liệu trình, tránh tự ý ngưng điều trị, thêm bớt liều dùng.
- Kiêng sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, uống trà đặc, cà phê, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng,…
- Thiết lập xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi cho cơ thể như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt nhằm giúp trung hòa acid dạ dày và điều hòa nhu động ruột. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung từ 2 – 2.5 lít nước lọc mỗi ngày để thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa tốt hơn.
- Duy trì luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao thể trạng, cải thiện chức năng tiêu hóa, đồng thời giúp cơ thể tăng khả năng chịu đựng cơn đau.
- Hạn chế thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng thần kinh. Nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi giúp cơ thể trong trạng thái thoải mái nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số giải pháp giúp giảm căng thẳng như nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền, yoga,…
- Tránh để bụng trong tình trạng quá đói hoặc quá no, tập thói quen ăn chậm nhai kỹ để làm giảm áp lực lên dạ dày. Bên cạnh đó, để tránh cơn đau thượng thượng vị ợ hơi, buồn nôn trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên ăn bữa tối trước 19 giờ.
- Tránh tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị, đặc biệt mà thuốc chống viêm vì có thể khiến triệu chứng trở nên nặng nề hơn. Nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định các loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý.
Tiến hành thăm khám và chữa trị
Trường hợp tình trạng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Lúc này bạn nên chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Căn cứ vào tình trạng từng bệnh lý mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có các biện pháp điều trị hợp lý. Cụ thể như:
Trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày tá tràng: Để kiểm soát các triệu chứng bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định các loại thuốc có tác dụng ức chế hoạt động bài tiết dịch vị hay trung hòa acid dịch vị. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến như: thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm proton, nhóm thuốc antacid,…
Đối với các trường hợp dương tính với xoắn khuẩn Hp, lúc này bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị riêng biệt phù hợp với từng người bệnh. Thông thường bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc kháng sinh với liệu trình điều trị từ 10 – 15 ngày.
Xuất huyết tiêu hóa: Để kiểm soát tình trạng xuất huyết, bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch và truyền máu giúp cân bằng huyết áp và điện giải. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cần máu và xác định nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa. Từ đó áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Viêm thực quản: Bệnh lý có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc điều trị, trào ngược dạ dày thực quản. Dựa vào nguyên nhân cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị phù hợp.
Ung thư dạ dày: Đối với trường hợp bị ung dạ dày cần can thiệp điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát và cân nhắc xem bệnh nhân có đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật không. Nếu người bệnh không đủ điều kiện tiến hành phẫu thuật hoặc khối u có diễn tiến phức tạp, lúc này bác sĩ sẽ áp dụng xạ trị và hóa trị.
Đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn là triệu chứng thường gặp có liên quan đến các vấn đề tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng đau thượng vị ợ hơi, buồn nôn, bạn cần đến bệnh viện để được khám và chữa trị kịp thời.
Xem thêm: Phẫu thuật tim hở và những điều cần lưu ý sau ca mổ
Tin mới nhất
- Khắc phục da không đều màu bằng cách đơn giản
- Ung thư vú giai đoạn 2 sống được bao lâu?
- Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với những tác nhân độc hại!
- Zona thần kinh (giời leo)
- Câu chuyện vào đề đầy thú vị của thầy giáo dạy văn
- Hành trình thoát khỏi viêm da cơ địa 7 năm đeo đẳng của bà mẹ 2 con
- Mua bán nấm lim xanh thật ở đâu Bắc Ninh và nấm lim rừng công dụng
- Đánh giá tác dụng viên hoàn “Phong tê thấp bà giằng”
- Bà bầu ho có đờm đặc – Cách trị an toàn, hiệu quả
- Nhung hươu ngâm rượu: Ngâm chuẩn công thức, lưu ý khi sử dụng