Khi nào nên mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng mức độ nhẹ hầu hết được điều trị bằng phương pháp bảo tồn (dùng thuốc, nghỉ ngơi, tập vật lý trị liệu…) là bệnh nhân sẽ dần bình phục. Chỉ với những trường hợp bệnh nặng, điều trị bảo tồn thất bại mới cần xem xét khả năng điều trị bằng phẫu thuật.
Phẫu thuật là phương pháp mà mọi bệnh nhân đều muốn tránh vì lo sợ biến chứng. Cũng chẳng ai muốn động dao động kéo và chịu một vết sẹo trên vùng cột sống, thắt lưng. Nhưng nếu so sánh các nguy cơ với lợi ích, một ca vi phẫu hay nội soi kéo dài không hơn 60 phút vẫn là lựa chọn tốt nhất trong điều trị thoát vị đĩa đệm nặng. Trong các trường hợp khối u chèn ép rễ thần kinh và tuỷ sống thì phẫu thuật loại bỏ chúng là phương pháp duy nhất cần thiết và hiệu quả (nhưng cũng tuỳ thuộc khối u lành tính hay ác tính).
Hiện có hai phương pháp được coi là chính thống trong điều trị thoát vị đĩa đệm được thực hiện hàng ngày tại nhiều bệnh viện lớn, là mổ vi phẫu và mổ nội soi. Hai phương pháp này là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Trên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng có thể được bác sĩ chỉ định mổ. Khi gặp bệnh nhân quá yếu, tuổi cao, có bệnh toàn thân như tim mạch, tiểu đường nặng, hoặc thoái hoá cột sống quá nặng thì không thể điều trị bằng phẫu thuật được vì rất dễ gặp biến chứng khi gây mê và trong quá trình mổ.
Nhưng có lúc chỉ mổ mới thoát
Chỉ định mổ bao giờ cũng phải dựa vào hai tiêu chuẩn chính là triệu chứng lâm sàng và kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống ngực và thắt lưng.
Thật ra, điều trị nội khoa không thể làm khối thoát vị biến mất hay đưa đĩa đệm trở lại vị trí cũ. Cái ranh giới mong manh này nhiều khi làm bệnh nhân có tâm lý đang phải chờ khối thoát vị lồi nhiều hơn để mổ một lần cho có kết quả tốt, nên tư vấn của bác sĩ chuyên khoa là vô cùng cần thiết.
Mổ hở thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bệnh nhân được đặt nằm sấp, gây mê toàn thân nội khí quản. Vị trí thoát vị đĩa đệm được xác định. Bác sĩ sẽ rạch vết mổ vừa đủ để thao tác. Vòng xơ phía trước đĩa đệm được cắt. Đĩa đệm thừa sẽ được cắt bỏ. Những vùng chèn ép tủy, rễ,… cũng được xử lí để chấm dứt tình trạng chèn ép.
Ưu điểm của phương pháp mổ hở
- Nhiều bệnh tích được lấy bỏ ra khỏi cơ thể như khối thoát vị, chồi xương, những dây chằng bị tổn thương nặng. Điều mà các phương pháp nội khoa không trực tiếp can thiệp được.
- Có thể phục hồi được chiều cao của đĩa đệm bằng vật liệu thay thế, xương tự thân, đĩa đệm nhân tạo.
- Có thể can thiệp giữ vững cột sống bằng nẹp, vít,…
- Chấm dứt cơn đau do thoát vị đĩa đệm.
Hạn chế của phương pháp mổ hở
– Biến chứng nhiễm trùng sau mổ.
– Cơn đau sau mổ tăng lên do tái phát.
– Rễ thần kinh bị dính.
– Liệt do tổn thương thần kinh không thể phục hồi.
– Nặng nhất là tử vong do các biến chứng trên. (tỷ lệ rất thấp)
Mổ nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Hiện tại, có hai đường tiếp cận chính để thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng là đường qua lỗ liên hợp (đường bên) và đường liên bản sống (đường sau). Đường thứ nhất thích hợp cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm ngực và thắt lưng cao, từ L4-5 trở lên; Đường thứ hai phù hợp cho thoát vị đĩa đệm ở tầng thấp nhất là L5-S1 và L4-5.
Bệnh nhân được mổ nội soi cột sống sẽ nằm sấp trên bàn mổ, đầu quay sang một bên nhìn vào màn hình đang quay cảnh mổ cho chính mình. Những người “yếu bóng vía” không muốn theo dõi ca mổ sẽ được yêu cầu cho xem một đoạn phim tình cảm yêu thích.
Khi nội soi từ đường qua lỗ liên hợp, một kim sẽ được chích vào đĩa đệm qua da từ phía bên hông, vừa để gây tê, vừa dẫn đường cho các dụng cụ khác. Da được rạch ngay chỗ chích kim khoảng 7 mm rồi luồn một cây thông và ống thao tác vào. Một đường hầm được mở thông từ ngoài vào tới đĩa đệm.
Đối với nội soi đường liên bản sống, da được rạch ở giữa lưng, cây nong và ống thao tác được đưa vào tới dây chằng vàng. Sau khi cắt dây chằng vàng, ống nội soi được đưa trực tiếp vào ống sống và các thao tác còn lại gần giống như mổ hở hoặc mổ vi phẫu thuật.
Các dụng cụ tạo đường hầm của Yeung được thiết kế vừa tạo được một đường hầm, vừa có chỗ để làm việc lại vừa che chắn được cho rễ thần kinh, ngăn ngừa dụng cụ mổ gây thương tổn cho rễ thần kinh. Ống nội soi được đưa vào qua đường hầm. Nhân nhầy và khối thoát vị được lấy đi bằng các dụng cụ gắp, cắt hoặc làm rã ra bằng điện cao tần. Sau cùng thì toàn bộ rễ thần kinh và các cấu trúc khác được quan sát tỉ mỉ trước khi kết thúc.
Đến nay, mổ nội soi đã có một số cải tiến. Sự phát triển của công nghệ khoan mài cao tốc đã làm thay đổi một số nét cơ bản của kỹ thuật: Tốc độ khoan được nâng lên, độ rung khi mài giảm nên sang chấn các mô xung quanh và sang chấn cho ống nội soi không nhiều, có thể dễ dàng dùng khoan mài cắt đi một phần xương giúp cho việc lấy các mảnh vỡ của khối thoát vị đã di lệch trở nên đơn giản hơn.
Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đã được áp dụng khắp thế giới. Việt Nam triển khai lần đầu tiên vào năm 2007 tại Trung tâm EXSON, nội soi bằng cả 2 đường đã trở thành phẫu thuật thường quy, thay thế hầu hết các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng khác. Một số nơi khác cũng áp dụng kỹ thuật này nhưng thường chỉ tiến hành mổ theo một đường vào qua lỗ liên hợp hoặc đường liên bản sống.
Cơ chế vận động sau mổ
1. Trong thời gian nằm viện:
– Để đứng lên: trong khi đang ở tư thế nằm, co chân lại, xoay nghiêng sang một bên, chân rời khỏi thành giường, đồng thời dùng tay đẩy người lên, rồi đứng thẳng lên.
– Để nằm xuống: làm ngược lại với tư thế đứng lên.
Phải đi lại đều đặn. Không ở trên giường suốt ngày, như đi dạo, ra khỏi phòng, nếu có thể. Thử đi lên hay xuống cầu thang, nếu không có điều kiện tập phục hồi chức năng, thì chú ý một vài lời khuyên sau: như không nên gắng sức, cần phải tránh vận động mạnh làm xuất hiện những dấu hiệu như mệt mỏi hay đau.
2. Trong thời gian dưỡng bệnh tại nhà:
– Trong thời gian chờ đợi nên biết rằng:
- Cần phải đi lại đều đặn
- Cần phải ngồi dậy đều đặn. đầu tiên để ăn uống, rồi càng ngày càng tăng.
- Hoạt động cũng sẽ phải tăng dần dần. Không quá thận trọng, không mang vác nặng, không làm những cử động với biện độ lớn của lưng. dần dần những vận động hàng ngày trở lại như đi lại, bơi, nấu ăn, nội trợ, lái ô tô từ sau một vài tuần.
– Vấn đề quan trọng là để điều trị tốt nhất không nên không hoạt động.
Bác Sỹ Nguyễn Cảnh Chương – PGĐ khoa chuẩn đoán trước sinh, BV Phụ sản Hà Nội. Chuyên Gia tư vấn của nhãn hàng Thảo Dược Củ Gai An Thái Phương
Xem thêm: Hạ thân nhiệt