Mẹo chữa mề đay bằng mướp đắng được lưu truyền và áp dụng rộng rãi trong phạm vi nhân dân. Với tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giảm viêm và giải độc, mướp đắng có thể cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nổi sẩn phù, phát ban, bong tróc do mề đay gây ra.
Tác dụng trị mề đay của mướp đắng
Mướp đắng còn được gọi là khổ qua, thường được dùng để nấu canh, xào hoặc ăn sống. Do có tính mát và tác dụng thanh tâm, minh mục, chỉ khát, trừ độc,… thảo dược này còn được nhân dân tận dụng để chữa bệnh sỏi thận, đau mắt đỏ, viêm đường tiểu, tiểu đường và sốt cao.
Ngoài ra, mướp đắng còn được dùng để chữa các bệnh da liễu thường gặp như chàm, viêm da cơ địa, mụn trứng cá và mề đay mẩn ngứa. Mẹo chữa mề đay bằng mướp đắng là biện pháp điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Mặc dù vậy cách chữa này vẫn được lưu truyền và áp dụng khá rộng rãi.
Ngoài ghi chép từ Đông y, một số nghiên cứu khoa học cũng cho thấy mướp đắng chứa nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa, có tác dụng làm mềm da, giảm ngứa và tăng tốc độ hồi phục của các tế bào tổn thương.
Bên cạnh đó, thảo dược này còn chứa lượng nước dồi dào giúp duy trì độ ẩm cho da, cải thiện ngứa ngáy và bong tróc ở vùng da cần điều trị. Hơn nữa vitamin A và C trong mướp đắng còn hỗ trợ loại bỏ các tế bào hư tổn, phục hồi da và giảm thâm sẹo.
Vì vậy với những trường hợp nổi mề đay nhẹ và khu trú, bạn có thể tận dụng thảo dược này để hỗ trợ làm giảm tổn thương da và cải thiện các triệu chứng cơ năng đi kèm như ngứa, nóng rát, khô da, khó chịu,…
Tuy nhiên mẹo chữa từ mướp đắng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị. Vì vậy với những trường hợp mề đay lan tỏa rộng, gây ngứa ngáy dữ dội hoặc đã xuất hiện bội nhiễm, bạn cần thăm khám để được bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.
Tìm hiểu 7 mẹo chữa mề đay bằng mướp đắng theo dân gian
Theo kinh nghiệm dân gian, để chữa mề đay bằng mướp đắng, có thể dùng đơn lẻ hoặc phối hợp các thảo dược khác như nha đam, mật ong,.. Để lựa chọn mẹo chữa thích hợp, bạn nên dựa vào nguyên nhân gây bệnh, phạm vi ảnh hưởng và mức độ của các triệu chứng.
Dưới đây là 7 cách chữa mề đay bằng mướp đắng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian:
1. Giã đắp mướp đắng
Nếu mề đay chỉ xảy ra ở vùng da nhỏ, bạn có thể giã và đắp mướp đắng trực tiếp lên da. Với lượng nước dồi dào và đặc tính mát, mẹo chữa này giúp giảm tình trạng nóng rát, ngứa ngáy và nổi sẩn phù.
Ngoài ra, biện pháp giã đắp mướp đắng còn có tác dụng giảm mụn nước và mụn mủ ở những trường hợp nổi mề đay do tiếp xúc với hóa chất, mủ thực vật và dịch tiết côn trùng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị ½ quả mướp đắng tươi
- Đem rửa sạch, cạo bỏ ruột và cắt nhỏ
- Sau đó giã nát và chắt bỏ bớt nước
- Đắp bã khổ qua lên da trong 15 – 20 phút và rửa lại với nước sạch
2. Dùng đá viên từ dịch ép mướp đắng
Sau khi áp dụng mẹo giã đắp mướp đắng, bạn có thể tận dịch ép để làm đá viên. Cách này không chỉ cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, nổi sẩn phù và sưng đỏ mà còn làm mát vùng da tổn thương và ngăn ngừa bội nhiễm.
Bên cạnh tác dụng giảm mề đay, đá viên từ dịch ép mướp đắng còn giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng da mặt do thời tiết, mỹ phẩm hoặc ánh nắng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cho dịch ép mướp đắng vào khuôn đá viên
- Để đông trong khoảng vài giờ
- Trước khi áp dụng nên rửa sạch vùng da cần điều trị
- Dùng đá viên thoa trực tiếp lên da để cải thiện triệu chứng
3. Giảm mề đay bằng lá khổ qua
Ngoài việc sử dụng quả mướp đắng, dân gian còn tận dụng lá non của thảo dược này để cải thiện triệu chứng của bệnh nổi mề đay. Theo lưu truyền từ dân gian, mẹo chữa này có thể giảm ngứa da, viêm đỏ, sẩn phù, làm tiêu mụn nước và giúp da nhanh lành.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá khổ qua tươi
- Đun sôi 2 lít nước và cho lá khổ qua vào đun thêm 5 phút
- Sau đó tắt bếp và đổ ra thau
- Thêm nước lạnh vào đến khi nước có nhiệt độ ấm vừa phải
- Dùng nước tắm và sử dụng lá khổ qua chà xát nhẹ lên da để giảm ngứa
- Nên thực hiện mẹo chữa này 2 lần/ ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm
Lưu ý: Khi áp dụng mẹo chữa này, nên pha nước tắm có nhiệt độ vừa phải. Nhiệt độ cao có thể kích thích tổn thương da lan tỏa rộng và gây ngứa dữ dội.
4. Phối hợp khổ qua và nha đam
Nếu mề đay xảy ra do thời tiết lạnh, đặc trưng bởi tình trạng nổi sẩn phù kèm ngứa và bong tróc, bạn nên áp dụng mẹo chữa bằng mướp đắng và nha đam. Mướp đắng có tác dụng làm dịu, giảm ngứa và sưng viêm. Trong khi đó, nha đam giúp dưỡng ẩm, cân bằng độ pH trên da và cải thiện tình trạng khô ráp, bong tróc da rõ rệt.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch ½ quả mướp đắng, bỏ ruột và nghiền nát
- Cạo lớp gel nha đam bên trong và trộn đều với khổ qua
- Đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị
- Để trong 15 phút và rửa lại với nước sạch
5. Chữa mề đay bằng khổ qua và mật ong
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh mề đay mẩn ngứa với mẹo chữa từ khổ qua và mật ong.
Mật ong không chỉ có tác dụng dưỡng ẩm thông thường mà còn chứa hàm lượng polyphenol và axit amin dồi dào. Các thành phần này giúp điều hòa phản ứng dị ứng ở vùng da tổn thương, chống oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng.
Cách thực hiện mẹo chữa mề đay bằng khổ qua và mật ong:
- Giã nát 1 ít khổ qua, sau đó chắt lấy 2 thìa cà phê dịch ép
- Trộn đều với 2 thìa cà phê mật ong
- Làm sạch vùng da cần điều trị và thoa hỗn dịch lên da
- Để trong khoảng 15 phút và rửa lại với nước sạch
Cách chữa mề đay bằng khổ qua và mật ong còn có tác dụng chống lão hóa, hạn chế hình thành sẹo thâm và nếp nhăn. Vì vậy bạn có thể tận dụng mẹo chữa này để nuôi dưỡng làn da và cải thiện các khuyết điểm trên da mặt.
6. Dùng trà khổ qua giảm mề đay
Theo y học cổ truyền, mề đay hình thành là do phong hàn ở bên ngoài xâm nhập kết hợp với huyết nhiệt bên trong gây ứ trệ và làm tổn thương da. Do đó bên cạnh các biện pháp dùng ngoài, nhân dân còn phối hợp với cách chữa bên trong để cải thiện bệnh một cách toàn diện.
Trà khổ qua có tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên thường được áp dụng cho người bị nổi mề đay thể phong nhiệt. Thể bệnh này đặc trưng bởi triệu chứng khởi phát đột ngột, ngứa ngáy dữ dội, kèm theo chứng táo bón, nóng trong người và nước tiểu vàng.
Thực hiện trà khổ qua giảm mề đay mẩn ngứa:
- Lựa chọn trái khổ qua có kích thước vừa phải, tươi và không quá chín
- Đem rửa sạch và để ráo nước
- Sau đó cắt thành từng khoanh nhỏ và đem sấy/ phơi khô
- Mỗi lần dùng 1 ít hãm với nước nóng và dùng uống
7. Bổ sung các món ăn từ mướp đắng
Ngoài cách dùng trà khổ qua, bạn có thể cải thiện tổn thương da, giảm ngứa ngáy và nóng rát do nổi mề đay bằng cách bổ sung các món ăn từ thảo dược này.
Mướp đắng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như vitamin A, C, K, chất xơ và các chất chống oxy hóa. Vì vậy bổ sung món ăn từ loại quả này không chỉ hỗ trợ làm giảm mề đay mà còn cải thiện sức khỏe, giảm cholesterol, hỗ trợ chức năng gan và tăng cường miễn dịch.
Tuy nhiên khi chế biến món ăn từ khổ qua, tránh kết hợp với các thực phẩm và loại gia vị gây ảnh hưởng xấu đến tiến triển của bệnh như tôm, mực, muối, dầu mỡ, tiêu, ớt,…
Những điều cần lưu ý khi thực hiện
Mướp đắng là nguyên liệu thiên nhiên, không chứa độc tính và ít có nguy cơ kích ứng khi sử dụng. Tuy nhiên nếu thực hiện mẹo chữa này sai cách, bạn có thể gặp phải một số tác dụng ngoại ý như kích ứng da, tổn thương lan tỏa rộng hoặc không nhận thấy hiệu quả như mong muốn.
Chính vì vậy khi dùng khổ qua trị mề đay, bạn lưu ý những thông tin sau:
- Chỉ áp dụng mẹo chữa mề đay bằng mướp đắng ở những trường hợp bệnh nhẹ, khu trú và không có bội nhiễm. Nếu tổn thương da có mức độ nặng và lan tỏa rộng, bạn nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng.
- Nổi mề đay có thể kéo dài nếu vẫn tiếp xúc với yếu tố thuận lợi. Vì vậy ngoài các biện pháp điều trị, bạn nên xác định nguyên nhân gây bệnh và loại trừ yếu tố này.
- Khi áp dụng mẹo chữa từ mướp đắng, nên rửa sạch nguyên liệu và vệ sinh da để tránh nguy cơ bội nhiễm.
- Mướp đắng rất ít khi gây dị ứng da. Tuy nhiên nếu nhận thấy da xuất hiện triệu chứng ngứa dữ dội, phát ban, nổi mụn nước, bạn nên ngưng áp dụng để hạn chế tình trạng chuyển biến nghiêm trọng.
- Cách chữa mề đay bằng mướp đắng còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Nếu không nhận thấy hiệu quả khi áp dụng, bạn nên thay thế bằng biện pháp khác.
- Món ăn và trà khổ qua đem lại lợi ích đối với sức khỏe và tiến triển của bệnh mề đay. Tuy nhiên tránh dùng quá nhiều vì thảo dược này có thể gây hạ đường huyết đột ngột và đau bụng.
- Với những người có cơ địa nhạy cảm, nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng bất cứ mẹo chữa nào.
Chữa mề đay bằng mướp đắng có thể giảm nhẹ các triệu chứng ngứa ngáy, nổi sẩn phù, bong tróc da,… Tuy nhiên biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ và đem lại hiệu quả tạm thời. Vì vậy bạn cần loại trừ nguyên nhân gây bệnh và can thiệp các biện pháp chuyên sâu để điều trị bệnh dứt điểm.
THÔNG TIN HỮU ÍCH
- Cách dùng lá lốt chữa mề đay đơn giản dễ thực hiện
- Muốn khỏi dứt điểm bệnh mề đay, hãy tham khảo bài thuốc nam gia truyền sau
Xem thêm: Bánh cho người tiểu đường: Gợi ý 3 loại vừa ngon vừa an toàn