Viêm nha chu là bệnh lý thường gặp có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với các vấn đề nha khoa khác. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới mất răng hay nhiễm trùng lan rộng. Đồng thời còn kích thích sự bùng phát triệu chứng của các bệnh lý mãn tính.
Viêm nha chu là gì?
Nha chu là thuật ngữ y tế đề cập tới tổ chức bao xung quanh chân răng. Nó có vai trò chống đỡ và bảo vệ chân răng. Tổ chức này bao gồm các bộ phận như nướu răng, xương ổ răng, gai lợi và lợi.
Viêm nha chu hiện đang là một bệnh lý nha khoa rất phổ biến. Bệnh khởi phát khi nướu răng bị nhiễm trùng nghiêm trọng và gây tổn thương tới mô mềm. Đồng thời phá hủy men răng và khiến cho chân răng trở nên lỏng lẻo. Ở giai đoạn sớm, bệnh chỉ gây sưng đỏ nướu, đau nhức răng, chảy máu chân răng và hôi miệng. Tuy nhiên nếu không sớm kiểm soát để bệnh kéo dài thì nướu có thể bị tổn thương nặng. Từ đó làm tăng nguy cơ mất răng.
Số liệu thống kê cho thấy rằng, viêm nha chu thường xảy ra ở những người trung niên và người cao tuổi. Phổ biến nhất trong độ tuổi từ khoảng 35 – 45 tuổi. Bệnh nha khoa này có diễn tiến chậm và âm thầm nên gây khó khăn cho việc phát hiện cũng như điều trị sớm.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu
Các nha sĩ cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới viêm nha chu là do hoạt động của vi khuẩn có trong mảng bám răng. Thông thường, mảng bám sinh học sẽ có chứa cả lợi khuẩn và hại khuẩn để giúp cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng. Từ đó ngăn ngừa sự kích hoạt của các bệnh lý nha khoa.
Tuy nhiên, nếu không vệ sinh và chăm sóc răng miệng tốt thì các mảng bám răng có thể sẽ dày lên theo thời gian. Đồng thời có xu hướng khoáng hóa và trở thành cao răng. Sự hình thành của cao răng sẽ làm tăng số lượng hại khuẩn.
Các loại hại khuẩn sẽ tương tác với tinh bột, đường, protein trong… khi tiêu thụ thực phẩm và bài tiết độc tố. Chính những độc tố này có thể gây viêm lợi và làm tổn thương mô nâng đỡ răng, gây ra bệnh viêm nha chu.
Bên cạnh yếu tố vệ sinh răng miệng thì một số yếu tố rủi ro dưới đây cũng được nhận định là có liên quan tới sự xuất hiện bệnh viêm nha chu:
1. Thay đổi nội tiết tố
Tại một số thời điểm cụ thể như mang thai, dậy thì hay mãn kinh, nồng độ các hormone nội tiết trong cơ thể sẽ thay đổi đột ngột. Chính sự thay đổi này được cho là có thể khiến cho nướu răng nhạy cảm. Đồng thời làm mất sự cân bằng hệ vi sinh trong răng miệng. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu.
2. Không lấy cao răng thường xuyên
Cao răng chính là kết quả của quá trình tích tụ và khoáng hóa mảng bám sinh học. Sự xuất hiện của cao răng sẽ làm tăng hại khuẩn. Đồng thời còn gây chèn ép mô nướu và khiến tổ chức nâng đỡ chân răng bị tổn thương. Không thường xuyên lấy cao răng cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha chu.
3. Hệ miễn dịch suy giảm
Số liệu thống kê ghi nhận rằng, bệnh viêm nha chu thường có nguy cơ xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch suy giảm. Nhất là bệnh nhân tiểu đường, người nhiễm HIV hay người vừa cấy ghép nội tạng…
4. Chế độ dinh dưỡng
Đây cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe răng miệng. Những người có chế độ ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, protein, ít rau xanh và ít uống nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao hơn.
Nguyên nhân là do đường, tinh bột và chất đạm trong thực phẩm có thể tương tác và thúc đẩy sự phát triển của hại khuẩn trong mảng bám. Từ đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc chống đau thắt ngực, thuốc kháng histamine hay thuốc chống co giật… có thể gây tác dụng phụ. Trong đó thường gặp là làm giảm hoạt động bài tiết nước bọt.
Bên cạnh nhiệm vụ làm mềm thức ăn thì nước bọt còn giúp cân bằng hệ vi sinh, giữ cho răng miệng luôn khỏe mạnh. Lượng nước bọt tiết ra quá ít do ảnh hưởng của các thuốc nói trên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu và các vấn đề nha khoa khác.
6. Hút thuốc lá
Thuốc lá có chứa rất nhiều các hóa chất độc hại. Đặc biệt là thành phần nicotin có thể gây vàng răng, làm tăng số lượng hại khuẩn và khiến mô nướu bị tổn thương. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao những người hay hút thuốc lá dễ bị bệnh sâu răng, viêm lợi và các bệnh nha chu khác.
7. Thiếu hụt vitamin C
Các nhà nghiên cứu cho biết, những người bị thiếu hụt vitamin C thường sẽ có hệ miễn dịch kém. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha chu nhiều hơn so với những người khỏe mạnh.
Ngoài những yếu tố rủi ro nếu trên thì viêm nha chu còn có thể bị ảnh hưởng từ các yếu tố khác. Ví dụ như tuổi tác cao, yếu tố di truyền, thừa cân – béo phì, mắc bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp…
Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm nha chu
Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng mà biểu hiện triệu chứng sẽ có sự khác nhau ở từng đối tượng người bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm nha chu:
- Lợi và mô nướu bị sưng đỏ, đau nhức và rất dễ chảy máu
- Cảm giác đau nhức, ê buốt thường nặng hơn khi chải răng hay ăn uống
- Hôi miệng
- Nhấn vào lợi thấy có dịch/ mủ tiết ra
- Răng có thể bị lung lay
- Nướu bị tụt khiến cho chân năng lỏng lẻo, nhìn vào sẽ thấy răng dài hoan bình thường
- Có các khoảng trống mới hình thành giữa các răng
Viêm nha chu có nguy hiểm không?
Trước khi xảy ra viêm nha chu thì vi khuẩn sẽ thường tấn công và gây viêm lợi. So với viêm lợi, sâu răng và các vấn đề nha khoa khác thì viêm nha chu có mức độ nặng nề hơn rất nhiều. Bởi lúc này, dây chằng, mô răng và các mô nâng đỡ đã bị tổn thương sâu. Từ đó rất dễ phát sinh biến chứng.
Nếu không sớm phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời thì bệnh có thể gây ra các vấn đề sau:
– Mất răng:
So với các biến chứng khác thì mất răng được ghi nhận là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm nha chu. Nó xảy ra khi vi khuẩn hoạt động mạnh và gây viêm nhiễm nặng nề. Từ đó làm hình thành các túi mủ và khối áp xe ở mô nướu khiến cho chân răng trở nên lỏng lẻo và dễ gãy rụng.
– Nhiễm trùng lan rộng:
Rất nhiều trường hợp, nhiễm trùng ở nha chu có thể ăn sâu. Lúc này có nguy cơ vi khuẩn sẽ xâm nhập và máu và gây nhiễm trùng ở tim, phổi, khớp và các cơ quan khác. Hơn nữa, nhiễm trùng lan rộng còn kích thích sự bùng phát triệu chứng của một số bệnh mãn tính. Ví dụ như bệnh hen suyễn, da liễu hay viêm khớp dạng thấp.
– Sinh non, trẻ nhẹ cân:
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh viêm nha chu nếu kích hoạt trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thai kỳ. Không chỉ làm tăng nguy cơ sinh non mà còn khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân, ốm yếu.
Phương pháp chẩn đoán viêm nha chu
Viêm nha chu và một số bệnh nha khoa khác thường gây ra những triệu chứng tương tự nhau. Điều này rất dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán. Để có thể phân biệt, bác sĩ sẽ thực hiện các chẩn đoán cần thiết, bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Kiểm tra tiền sử bệnh lý và đặt các câu hỏi liên quan tới một số vấn đề như vệ sinh răng miệng, sử dụng thuốc, thói quen hút thuốc lá…
- Thăm khám thực thể: Tiến hành quan sát mảng bám, cao răng, độ chắc của chân răng, màu sắc nướu…
- Đo độ sâu giữa răng và rãnh nướu: Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò đặt bên cạnh răng và bên dưới đường viền nướu để đo chiều dài. Nếu nướu khỏe mạnh thì chiều dài đo được thường sẽ dao động trong khoảng 1 – 3mm. Trong khi đó nướu tổn thương thì thường sẽ có xu hướng tụt xuống. Điều này làm tăng chiều dài giữa răng và rãnh nướu, thường sẽ khoảng trên 4mm.
- Chụp X-quang: Hình ảnh từ X-quang cho phép bác sĩ quan sát và xác định được tình trạng mất men. Đồng thời có thể đánh giá mức độ tổn thương của chân răng.
Các giải pháp điều trị cho bệnh viêm nha chu
Các biện pháp điều trị bệnh viêm nha chu có thể được chỉ định tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Cơn bản như mức độ nhiễm trùng, nguy cơ mất răng, độ tuổi hay lựa chọn của người bệnh.
Dưới đây là các giải pháp điều trị mà bạn có thể tham khảo:
1. Điều trị khẩn cấp
Điều trị khẩn cấp sẽ được chỉ định ngay khi người bệnh bị viêm nha chu có xuất hiện áp xe tại niêm mạc hay nướu lợi. Lúc này, bác sĩ sẽ kê toa thuốc dùng nhằm kiểm soát ổ mủ, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
Một số loại thuốc được dùng phổ biến bao gồm:
- Dung dịch súc miệng: Sản phẩm này có tác dụng vệ sinh răng miệng và loại bỏ mảng bám. Đồng thời ức chế hoạt động và tiêu diệt hại khuẩn. Các loại dung dịch nước súc miệng có chứa các thành phần như Zin gluconat, Hexetidin, Chlorin dioxide, Chlorhexidin… thường sẽ được ưu tiên.
- Thuốc kháng sinh: Được dùng phổ biến trong điều trị bệnh viêm nha chu thường là kháng sinh nhóm beta-lactam và macrolid. Mục đích là để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm.
- Thuốc giảm đau và kháng viêm không steroid: Có tác dụng làm giảm đau và cải thiện tình trạng viêm ở nướu răng. Paracetamol, Meloxicam, Diclofenac, Ibuprofen, Axit mefenamic… là một số loại thường được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc chống viêm chứa steroid: Trong trường hợp tình trạng viêm diễn tiến nặng thì bác sĩ có thể cân nhắc các thuốc chống viêm chứa steroid. Dexamthason và Prednisolon thường được dùng nhiều. Chúng có tác dụng kháng viêm mạnh, đồng thời khắc phục tình trạng sưng đỏ, đau nhức do viêm nha chu gây ra.
Việc sử dụng thuốc chỉ là giải pháp khẩn cấp tạm thời, nó không thể loại bỏ hoàn toàn mủ ở niêm mạc. Chính vì vậy, khi tình trạng đã ổn định thì bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các giải pháp điều trị phù hợp.
2. Điều trị không phẫu thuật
Với những trường hợp bị viêm nha chu nhẹ, không có diễn tiến phức tạp thì bác sĩ có thể chỉ định các giải pháp điều trị không phẫu thuật. Bao gồm:
– Dùng kháng sinh tại chỗ và đường uống:
Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định kháng sinh dạng súc miệng, thuốc bôi tại chỗ hay thuốc uống để kiểm soát vi khuẩn gây nhiễm trùng. Khi sử dụng các thuốc này, cần chú ý dùng đều đặn theo đúng hướng dẫn để tránh tình trạng vi khuẩn kháng thuốc sau đó tái phát trở lại.
– Cạo vôi răng:
Vôi răng chính là yếu tố tạo môi trường thuận lợi để hại khuẩn phát triển và gây viêm nha chu. Vì vậy, trong điều trị bệnh lý này, bác sĩ sẽ tiến hành cạo bỏ vôi răng. Điều này giúp làm giảm mức độ kích thích nướu và loại bỏ bớt vi khuẩn. Ngoài ra, khi cạo vôi, bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị như sóng âm hay laser để làm sạch vi khuẩn có trong ổ nhiễm trùng.
– Nhổ răng:
Trường hợp răng bị tổn thương sâu không còn khả năng hồi phục thì bác sẽ có thể sẽ chỉ định nhổ răng. Giải pháp này sẽ giúp loại bỏ ổ viêm nhiễm. Đồng thời tránh tình trạng tổn thương lây lan sang các răng lân cận.
– Cố định răng:
Viêm nha chu có thể khiến chân răng bị tổn thương. Với những chân răng bị lung lay nhẹ thì bác sĩ có thể cố định răng nhằm làm giảm nguy cơ mất răng.
3. Tận dụng thảo dược tự nhiên
Đây là giải pháp hỗ trợ mà người bệnh có thể lựa chọn áp dụng với trường hợp bị viêm nha chu nhẹ. Mặc dù không khắc phục hoàn toàn tình trạng viêm nhưng giải pháp này có thể hỗ trợ khắc phục triệu chứng rất tốt. Đặc biệt là làm giảm sưng tấy, đau nhức và hôi miệng.
– Dùng gừng chữa viêm nha chu:
Gừng là nguyên liệu quen thuộc có vị cay, tính ấm, giúp tiêu viêm sát trùng và làm ấm nướu răng rất tốt. Hơn nữa, hoạt chất gingerol dồi dào trong gừng còn hỗ trợ giảm đau và sưng viêm tại các tổ chức quanh răng.
- Cần chuẩn bị 2 – 3 lát gừng tươi cùng 1 ít muối hạt.
- Cho gừng vào ấm giữ nhiệt, thêm 300ml nước vào hãm trong 30 phút.
- Thêm muối vào khuấy đều và uống khi còn ấm.
- Nên ngậm nước gừng trong miệng một vài phút rồi mới từ từ nuốt.
– Chữa viêm nha chu bằng hoa cúc:
Ngoài công dụng thanh nhiệt và giải độc thì hoa cúc còn có tác dụng làm giảm đau, kháng viêm và tiêu thũng. Nhiều thành phần hoạt chất như adenin, cholin, acid amin và vitamin A, B1 trong hoa cúc còn giúp chăm sóc tốt cho giấc ngủ. Tránh triệu chứng viêm nha chu kích hoạt vào ban đêm gây khó ngủ, mất ngủ.
- Chuẩn bị 5 – 7 bông hoa cúc khô.
- Cho vào ấm giữ nhiệt rồi thêm vào 300ml nước sôi.
- Hãm khoảng 30 phút rồi dùng uống trực tiếp khi còn ấm.
- Nên ngậm trà hoa cúc trong miệng một lúc rồi mới nuốt.
– Dùng bạc hà trị viêm nha chu:
Bệnh viêm nha chu thường gây ra tình trạng hôi miệng rất khó chịu và làm bạn mất tự tin. Lúc này, sử dụng lá bạc hà là rất hợp lý để khắc phục tình trạng hôi miệng. Đồng thời các thành phần hoạt chất trong bạc hà còn giúp kháng viêm, sát trùng và diệt khuẩn rất tốt.
- Cần chuẩn bị khoảng 30g lá bạc hà tươi.
- Trước khi sử dụng cần ngâm rửa bạc hà với nước muối loãng để sát khuẩn.
- Sau đó cho vào nồi, thêm 500ml vào đun trên lửa nhỏ 5 – 7 phút.
- Sử dụng nước này để uống hằng ngày thay nước trà.
- Trước khi nuốt hãy ngậm nước này trong miệng hoảng một vài phút.
4. Can thiệp phẫu thuật
Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng có thể diễn tiến nghiêm trọng và không đáp ứng với điều trị không phẫu thuật. Lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định một trong số các giải pháp sau đây:
- Phẫu thuật túi nha chu: Túi nha chu chính là túi rỗng nằm ngay giữa nướu và răng. Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành làm giảm độ sâu của túi nha chu. Từ đó làm giảm số lượng vi khuẩn có hại. Đồng thời tạo điều kiện để việc vệ sinh răng miệng diễn ra thuận lợi hơn.
- Phẫu thuật ghép mô mềm: Được chỉ định trong những trường hợp bị tụt lợi nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mô mềm ở vòm miệng hoặc ở các vị trí khác để ghép vào mô nướu bị tổn thương. Biện pháp này vừa có thể làm tăng sự chống đỡ với chân răng lại vừa cải thiện được tính thẩm mỹ.
- Phẫu thuật ghép xương: Được cân nhắc trong trường hợp bệnh viêm nha chu gây phá hủy hoàn toàn chân răng. Phương pháp này dùng mảnh xương tổng hợp để ghép vào chân răng hư tổn. Mục đích là nhằm tái tạo men răng và giúp cho răng chắc khỏe hơn.
Viêm nha chu – Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Viêm nha chu là bệnh lý rất dễ mắc phải. Đồng thời sau quá trình điều trị thì nguy cơ tái phát cũng rất cao. Vì vậy bạn cần đặc biệt chú ý tới các biện pháp chăm sóc và dự phòng như sau:
- Chải răng đều đặn 2 lần/ ngày. Đồng thời nên sử dụng nước súc miệng và chỉ nha khoa để có thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám, ngăn ngừa vi khuẩn bùng phát.
- Có thể sử dụng giấm táo, nước sắc cam thảo, nước sắc bạc hà hay nước muối pha loãng để súc miệng. Các này có thể ức chế hoạt động của hại khuẩn và chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe răng miện
g. - Thường xuyên thay bàn chải đánh răng, tốt nhất chu kỳ 3 tháng nên thay 1 lần.
- Nên tăng cường bổ sung nước, rau củ quả tươi, sữa chua vào khẩu phần ăn. Bởi nước, chất xơ và hại khuẩn sẽ giúp ức chế hại khuẩn. Đồng thời hỗ trợ làm sạch và chăm sóc răng miệng.
- Cai thuốc lá, hạn chế uống nước ngọt có gas, rượu bia. Cùng với đó hãy hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo, tinh bột…
- Nếu sử dụng các loại thuốc có thể gây giảm bài tiết nước bột thì bạn nên uống nhiều nước, bổ sung thêm chất xơ và probiotic cho cơ thể. Cách này có thể hạn chế ảnh hưởng và làm giảm nguy cơ viêm lợi, sâu răng, viêm nha chu và các bệnh nha khoa khác.
- Nên thăm khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm để lấy cao răng sạch sẽ.
Viêm nha chu là bệnh lý nha khoa nghiêm trọng cần đặc biệt chú ý. Khi nhận thấy răng miệng có những biểu hiện bất thường thì nên chủ động thăm khám. Điều trị kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Cách chữa viêm nha chu bằng thuốc nam quanh nhà
- Viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì cho nhanh khỏi?