Kháng sinh là loại thuốc điều trị giúp thuyên giảm triệu chứng và chữa trị dứt điểm căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những loại thuốc này. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây để hiểu hơn về thành phần, công dụng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.
Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, hiệu quả
Các loại thuốc nói chung đều cần phải sử dụng an toàn mới đem lại hiệu quả. Riêng với thuốc kháng sinh trị bệnh nhiễm khuẩn lại cần phải đặc biệt chú ý vì nếu sử dụng không hợp lý sẽ đưa đến những tác hại rất lớn.
7 nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh cần phải thực hiện bao gồm:
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thật sự bị nhiễm khuẩn.
- Phải chọn đúng loại kháng sinh vì nếu không đúng loại bệnh, thuốc sẽ không có hiệu quả như mong đợi.
- Phải chọn thuốc phù hợp thể trạng người bệnh, đặc biệt đối với phụ nữ có thai, người cao tuổi, người bị suy gan, suy thận.
- Sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và cách dùng.
- Dùng kháng sinh đủ thời gian, ít nhất là 5 ngày.
- Chỉ phối hợp các loại kháng sinh khi thật sự cần thiết.
- Trường hợp phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh phải sử dụng thật hợp lý.
Các loại thuốc kháng sinh phổ biến hiện nay
Tùy theo tình trạng bệnh và thể trạng của từng người mà các bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn dùng riêng hoặc sử dụng kết hợp một số loại kháng sinh.
Thuốc kháng sinh liều thấp Amoxicillin
Amoxicillin là thuốc kháng sinh kê đơn thường được chỉ định để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Thuốc thuộc nhóm kháng sinh Penicillin, hoạt động bằng cách tiêu diệt và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Chính nhờ tác dụng này mà Amoxicillin không chỉ giúp tiêu diệt nguồn bệnh mà còn loại bỏ tận gốc căn nguyên gây bệnh.
Amoxicillin thường được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm nướu, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm xoang, nhiễm khuẩn da,… Tuy nhiên, loại kháng sinh này không mang lại nhiều tác dụng trong việc điều trị cảm cúm, cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh do virus.
Dạng bào chế: Thuốc kháng sinh Amoxicillin hiện nay được chia thành các dạng chủ yếu như sau:
- Dạng viên nang 250mg và 500mg.
- Dạng viên nén phóng thích kéo dài 775mg và viên nén phóng thích tức thời 875mg.
- Dạng thuốc bột để tiêm hoặc dung dịch uống.
Liều dùng và cách sử dụng:
Với người lớn và trẻ trên 40kg, tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ bệnh lý mà bác sĩ sẽ được chỉ định khác nhau.
- Bệnh ở đường hô hấp trên, tai và hệ tiết niệu: Trường hợp bệnh nhẹ, vừa phải dùng với liều là 250mg hoặc 500mg. Trường hợp bệnh nặng, liều 500mg hoặc 875mg.
- Bệnh về đường hô hấp dưới: Dùng 500mg hoặc 875mg.
Với bệnh nhi trên 3 tháng tuổi dưới 40kg
- Bệnh ở đường hô hấp trên, tai và hệ tiết niệu: Trường hợp bệnh nhẹ, vừa phải, liều dùng 25mg/kg/ngày, chia liều trong 12 giờ hoặc 20mg/kg/ngày chia liều dùng trong 8 giờ. Trường hợp bệnh nặng, 45 mg/kg/ngày chia liều trong 12 giờ hoặc 40mg/kg/ngày chia liều trong 8 giờ.
- Đối với bệnh đường hô hấp dưới: 40 – 45 mg/kg/ngày.
Với bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi nên sử dụng Amoxicillin dạng hỗn dịch nhỏ giọt trẻ em.
Chống chỉ định: Không dùng thuốc với các đối tượng mẫn cảm với thành phần của thuốc, hội chứng Mononucleosis, bệnh tiểu đường, suy thận, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tác dụng phụ: Thường gặp khi dùng thuốc là mất ngủ, tiêu chảy, phát ban, ngứa ngáy, răng đổi màu, mặt và cổ họng bị phù nề, xuất hiện mảng trắng trên lưỡi, trong miệng và cổ họng.
Thuốc kháng sinh Cephalexin
Cephalexin là thuốc kháng sinh cephalosporin, thuộc nhóm β-lactam. Loại kháng sinh này được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm tai giữa, viêm xương khớp, bệnh da liễu, nhiễm trùng răng, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Tương tự như các loại kháng sinh phổ biến khác, Cephalexin không có hiệu quả đối với bệnh do virus nên không có tác dụng trong điều trị cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản cấp tính,…
Dạng bào chế: Cephalexin được bào chế ở nhiều dạng dùng với nhiều hàm lượng khác nhau như
- Dạng thuốc uống 250mg/5ml.
- Dạng viên nang 250mg và 500mg.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh này còn xuất hiện trong nhiều thuốc biệt dược.
Liều dùng và cách sử dụng:
Liều dùng dành cho người lớn:
- Điều trị viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu: dùng 500 mg/lần, mỗi liều cách nhau 6 giờ, trong 10 đến 14 ngày.
- Điều trị viêm họng, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp: dùng 250 mg/lần, mỗi liều cách nhau 6 giờ hoặc 500 mg/lần, mỗi liều cách nhau 12 giờ.
Liều dùng cho trẻ em:
- Điều trị viêm tai giữa, viêm họng do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng da: Dùng từ 12,5 đến 25 mg/kg, chia thành các liều bằng nhau, mỗi liều cách nhau 6 giờ.
Chống chỉ định: Không dùng cho trường hợp bị dị ứng với penicillin nặng, suy thận, suy dinh dưỡng, viêm đại tràng và có tiền sử mẫn cảm với các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin.
Tác dụng phụ: Mệt mỏi, tiêu chảy, nổi mề đay, khó thở, sưng mặt hoặc môi, sưng lưỡi và cổ họng, tiết dịch âm đạo,…
Erythromycin
Erythromycin là thuốc kháng sinh kê đơn dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Cơ chế hoạt động của loại thuốc kháng sinh này là giúp ức chế và ngăn chặn sự tăng trưởng của vi khuẩn gram âm, gram dương.
Tuy nhiên, thuốc hầu như không có đáp ứng với vi khuẩn gram âm ưa khí và các bệnh do virus gây ra.
Dạng bào chế: Erythromycin được bào chế với nhiều dạng và các biệt dược khác nhau
- Tên thương hiệu: E-Mycin, Erythrocin,…
- Dạng thuốc: Thuốc bôi ngoài da, viên nén, viên nén bao phim, viên nang, thuốc cốm,…
Liều dùng và cách sử dụng:
Liều dùng dành cho người lớn:
- Trường hợp nhiễm trùng nhẹ, trung bình: Dùng 250 – 500mg (base, estolate, stearate) hoặc 400 – 800mg (ethylsuccinate).
- Trường hợp nhiễm trùng nặng: Dùng 1 – 4g, chia liều ra uống hoặc dùng dạng thuốc tiêm, truyền liên tục.
Liều dùng cho trẻ em:
- Trường hợp phòng ngừa nhiễm trùng viêm nội tâm mạc, chuẩn bị phẫu thuật ruột: Đường uống dùng 20 mg/kg (ethylsuccinate hoặc stearate) mỗi 2 giờ sau ăn và sau đó cách 6 giờ sau liều đầu tiên uống tiếp 1/2 liều.
- Trường hợp mắc bệnh viêm phổi, ho gà, viêm kết mạc sơ sinh chlamydia: Dùng 50mg/kg/ngày, chia đều thành các liều bằng nhau và cách 6 tiếng uống một lần, dùng thuốc ít nhất trong 2 tuần.
Chống chỉ định: Không dùng cho người bị thiếu máu, mất cân bằng điện giải, mắc các bệnh lý về tim và dị ứng với các thành của thuốc Erythromycin.
Tác phụ phụ: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ngứa và phát ban, thở khò khè, mặt và da bị vàng, đau bên phải dạ dày,…
Azithromycin
Thuốc kháng sinh Azithromycin thuộc macrolid. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nhạy cảm với các chủng vi khuẩn sau: Streptococcus pneumonia, Clostridium perfringens, Haemophilus parainfluenzae, Borrelia burgdorferi,…
Azithromycin thường được chỉ định trong các trường hợp như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sinh dục hay nhiễm khuẩn da và mô mềm.
Dạng bào chế:
- Dạng viên nang 250mg và 500mg chứa Azithromycin dihydrat.
- Dạng bột pha hỗn dịch uống Azithromycin dihydrat tương đương 200 mg/5 ml.
- Dạng tiêm tĩnh mạch Azithromycin 500mg.
- Dung dịch nhỏ mắt Azithromycin 1%.
Liều dùng và cách sử dụng:
Thuốc kháng sinh Azithromycin dùng 1 lần/ngày, uống 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn.
Liều dùng dành cho người lớn:
- Ðiều trị bệnh lây qua đường tình dục như viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo do Chlamydia trachomatis với liều duy nhất 1g.
- Ðiều trị các bệnh như viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi, nhiễm khuẩn da và mô mềm: Ngày đầu tiên uống một liều 500mg và dùng liều đơn 250 mg/ngày 4 ngày tiếp theo.
Liều dùng dành cho trẻ em và người cao tuổi:
- Ngày đầu tiên là 10 mg/kg thể trọng và những ngày tiếp theo là 5 mg/kg mỗi ngày.
Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho những trường hợp có tiền sử bị dị ứng với kháng sinh, trẻ dưới 2 tuổi và dị ứng với thành phần trong thuốc.
Tác dụng phụ: Đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt, phát ban, gặp vấn đề về thính giác, ngứa ngáy hoặc tiết dịch ở âm đạo, tim đập nhanh,…
Thuốc kháng sinh Clarithromycin
Thuốc kháng sinh Clarithromycin có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn trong các bệnh như: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi… Ngoài ra, thuốc còn dùng thay thế penicilin cho bệnh nhân bị dị ứng với các hoạt chất của penicillin hoặc có thể dùng kết hợp với một số thuốc chống loét để tăng cường khả năng điều trị bệnh viêm loét dạ dày.
Dạng bào chế: Clarithromycin thường được sử dụng dưới dạng như
- Dung dịch uống Clarithromycin 125mg tương đương với 5ml.
- Viên nén có hàm lượng 250mg và 500mg
Liều dùng và cách sử dụng:
Người lớn
- Trường hợp nhẹ, trung bình: dùng 250mg/lần, dùng 2 lần mỗi ngày liên tục trong vòng 7 ngày.
- Trường hợp nặng: tăng liều gấp đôi nhưng không dùng quá 14 ngày.
Trẻ em: Thường dùng dưới dạng dung dịch uống, mỗi ngày 2 lần. Cụ thể như sau:
- Trẻ từ 8 – 11kg uống 2.5ml/lần.
- Trẻ từ 12 – 19kg uống 5ml/ lần.
- Trẻ từ 20 – 29kg uống 7.5ml/lần.
- Trẻ từ 30 – 40kg uống 10ml/lần.
Chống chỉ định: trường hợp đang dùng các dẫn chất cisaprid, ergotamin, pimosid,…; có tiền sử mắc bệnh tim mạch hay mẫn cảm với các thành phần trong thuốc.
Tác dụng phụ: Đau đầu, phát ban, ngứa nhẹ, có vị khác thường trong miệng, dạ dày khó chịu, sốt nhẹ,…
Những lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh
Khi dùng các loại thuốc kháng sinh thì người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Chỉ dùng thuốc khi được kê đơn hoặc có sự cho phép của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý sử dụng tại nhà.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng và cách dùng mà bác sĩ chỉ định để đạt hiệu quả chữa trị tốt nhất. Không được nôn nóng mà dùng quá liều, sai cách, làm dụng vì sẽ dễ bị dị ứng, sốc thuốc hoặc nhờn thuốc.
- Không nên dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc của người khác vì mỗi người sẽ có tình trạng bệnh và cơ địa khác nhau. Việc dùng tương tự đơn thuốc không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn gây tác động xấu đến sức khỏe.
- Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường như khó thở, chóng mặt, mẩn ngứa, tăng huyết áp, nôn ói,… thì nên báo ngay với các bác sĩ để được kiểm tra và có biện pháp xử trí kịp thời.
Trên đây là một vài thông tin về các loại thuốc kháng sinh thông dụng hiện nay. Nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nói chung nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp.
Xem thêm: Nuốt nước bọt bị vướng ở cổ họng cảnh báo bệnh nguy hiểm