Chẩn đoán và điều trị sỏi mật là biện pháp cần làm ngay khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Bởi lẽ, đây là một trong những bệnh lý đe dọa biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong tương đối cao.
Tổng quan chung về chẩn đoán và điều trị sỏi mật
Sỏi mật là tình trạng thuộc nhóm bệnh lý về gan – mật phổ biến ở cả Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, bệnh có thể làm phát sinh nhiều biến chứng liên quan đến nhiễm trùng, ngoại khoa vô cùng nguy hiểm. Do vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp dự phòng sớm các biến chứng có thể xảy ra, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân.
Về mặt giải phẫu, túi mật là túi nhỏ có hình quả lê nằm ngay phần dưới gan. Bộ phận này thực hiện nhiệm vụ lưu trữ và cô đặc mật, sau đó tiết xuống ruột để tiêu hóa chất béo mà con người dung nạp hằng ngày. Tuy nhiên khi gan bài tiết ra lượng cholesterol quá lớn, mật không đủ khả năng hòa tan sẽ gây ra tình trạng dư thừa, từ đó dẫn đến sự tích tụ các tinh thể rồi hình thành nên sỏi mật.
Sỏi mật có thành phần chính là cholesterol và sắc tố mật, mỗi viên có kích thước từ vài mm đến vài cm. Chúng thường hiện diện trong hệ thống đường mật tại các vị trí:
- Đường mật trong gan.
- Túi mật.
- Ống mật ngoài gan.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị sỏi mật
Là bệnh lý đe dọa nhiều nguy cơ biến chứng, có tiên lượng tử vong cao nên việc chẩn đoán và điều trị sỏi mật đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đang được áp dụng tại các bệnh viện, cơ sở chuyên khoa:
Chẩn đoán tắc mật do sỏi
Để đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng sỏi mật, bác sĩ sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng.
Thăm khám lâm sàng
Các biểu hiện lâm sàng trên bệnh nhân sỏi mật bao gồm:
- Đau bụng: Vùng gan bị đau (mạn sườn và hạ sườn phải). Đôi khi cơn đau sẽ xuất hiện ở thượng vị hoặc sau lưng bên phải, nhiều lúc bệnh nhân đau dữ dội do sỏi mật di chuyển nhưng có lúc lại âm ỉ kèm cảm giác căng tức vùng hạ sườn phải.
- Sốt: Bệnh nhân có thể sốt cao 38-39 độ kèm theo cơn rét run.
- Vàng da: Tùy vào từng thời điểm mà triệu chứng này có thể xuất hiện theo đợt trong 1-2 tuần rồi khỏi, sau đó một thời gian mới tái phát trở lại.
- Nước tiểu có màu sẫm: Tình trạng này thường khởi phát sau khi bệnh nhân có hiện tượng vàng da, nước tiểu có thể đậm như nước chè, nước vối.
- Phân bạc màu: Xảy ra do sỏi gây tắc mật, phân của bệnh nhân có thể trắng như phân cò.
- Ngứa ngáy: Nếu bệnh nhân bị dị ứng muối mật, triệu chứng ngứa ngáy khó chịu sẽ xảy ra.
Thăm khám cận lâm sàng
Quá trình thăm khám lâm sàng sẽ được tiến hành thông qua các chỉ số sau:
- Số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính cùng tăng.
- Lượng bilirubin trong máu tăng cao, phosphatase cũng kiềm tăng.
- Ure máu tăng, xét nghiệm nước tiểu phát hiện sắc tố mật và muối mật.
- Chụp X-Quang bụng thu được hình ảnh sỏi túi mật (sỏi sắc tố mật, sỏi hỗn hợp hoặc sỏi Cacbonat canxi).
Một số xét nghiệm cần thực hiện:
- Chụp đường mật qua da: Nhằm đánh giá đường mật, vị trí sỏi cũng như tính chất của chúng.
- Chụp đường mật ngược dòng qua soi tá tràng: Quan sát hình ảnh đường mật và đường tụy, giúp xác định vị trí sỏi.
- Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến, có nhiều giá trị thực tiễn, không gây biến chứng và dễ áp dụng. Biện pháp siêu âm nhằm xác định kích thước đường mật, vị trí sỏi ống mật chủ, cũng như số lượng sỏi cho kết quả chính xác lên đến 80-95%.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy MRCP: Là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhưng hiện chưa được áp dụng rộng rãi do trang thiết bị còn hạn chế.
Điều trị tắc mật do sỏi
Phương pháp điều trị sỏi mật được chỉ định phù hợp với trị trí, tình trạng sỏi ở mỗi bệnh nhân (sỏi túi mật, ống mật, đường mật trong gan). Phác đồ cụ thể với từng tình trạng như sau:
Nguyên tắc chung
Đối với tình trạng sỏi trong túi mật gây tắc nghẽn, phương pháp điều trị cụ thể còn phụ thuộc vào kích thước sỏi, độ tuổi của bệnh nhân.
- Sỏi trên 1cm, không gây triệu chứng: Chưa cần thiết phải can thiệp điều trị. Bởi đã có rất nhiều trường hợp người bệnh bị sỏi mật nhiều năm vẫn có thể chung sống bình thường mà không phát sinh triệu chứng gì, biến chứng của loại sỏi này cũng không nghiêm trọng.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Với nữ giới trong độ tuổi sinh sản bị sỏi mật cần chủ động điều trị trước khi mang thai để ngăn chặn viêm túi mật khi mang thai, gây cản trở hoạt động điều trị sau này. Vì có không ít trường hợp mẹ bầu phải làm phẫu thuật cắt bỏ túi mật ở giai đoạn này.
- Sỏi có kích thước từ 2-3mm: Tuy có kích thước nhỏ nhưng loại sỏi này lại tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong, viêm tụy cấp hoại tử do sỏi lọt xuống ống tụy gây tắc cấp tính. Do vậy, nếu phát hiện sỏi túi mật có kích thước 2-3mm cần hội chẩn, xem xét phẫu thuật sớm để bảo vệ sức khỏe người bệnh.
- Sỏi gây đau đớn, sốt cao: Cần tiến hành điều trị gấp vì có thể các phản ứng viêm, nhiễm trùng đã xảy ra.
Phương pháp điều trị
Trong điều trị bệnh sỏi mật, tùy thuộc vào tính chất sỏi, cơ địa của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phù hợp:
1. Điều trị nội khoa
Biện pháp điều trị sỏi mật nội khoa gồm:
- Tiết thực: Hạn chế sử dụng các món ăn nhiều dầu mỡ, trứng, sữa.
- Dùng thuốc giảm đau chống co thắt: Nospa, spasmaverine 40mg với liều lượng 3-4 viên/ngày. Hoặc sử dụng dolargan 100mg truyền tĩnh mạch 1-2 ống.
- Chống nhiễm trùng: Sử dụng kháng sinh có nồng độ cao, ban đầu có thể dùng kháng sinh tác động tốt lên vi khuẩn Gr(-), kỵ khí sau đó điều chỉnh theo kháng sinh đồ. Liệu trình sử dụng kéo dài khoảng 15-21 ngày.
Một số phác đồ khác:
- Augmentin 1g/12h tiêm tĩnh mạch chậm.
- Ceftriaxone + Flagyl
- Ciprofloxacin + Flagyl
- Ceftriaxone + Gentamycin + Flagyl
Sử dụng vitamin K: Trường hợp bệnh nhân bị tắc mật kéo dài, prothrombin giảm thì dùng 5mg, 2 ống/ngày.
Sử dụng thuốc làm tan sỏi: Tác động vào sỏi cholesterol, gồm:
- Acide chenodeoxycholic viên 250mg, liều dùng 14-16mg/kg/ngày. Tác dụng phụ trên bệnh nhân thường là tiêu chảy nhưng rất ít xảy ra.
- Kết hợp dùng ursolvan 5mg/kg + chenodex 5mg/ngày thay vì dùng ursolvan đơn độc, có thể phát sinh tác dụng phụ.
2. Điều trị ngoại khoa
Nếu việc sử dụng thuốc nội khoa không đáp ứng, các triệu chứng sỏi mật không thuyên giảm và bệnh nhân bắt đầu đầu xuất hiện biến chứng thì buộc phải tiến hành phẫu thuật. Các phương pháp bao gồm:
Phẫu thuật cổ điển:
- Cấp cứu: Thực hiện khi phát hiện biến chứng thấm mật phúc mạc, viêm túi mật bị hoại tử. Lúc nà
y nên kết hợp điều trị nội khoa, hồi sức tích cực. - Trì hoãn: Trường hợp bệnh nhân bị viêm, nhiễm trùng thì cần điều trị khỏi rồi mới tiến hành mổ.
- Cắt túi mật: Đây là phẫu thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị sỏi túi mật, không gây quá nhiều tác động đến hệ tiêu hóa. Khoảng 50% số bệnh nhân sau mổ có thể xuất hiện các triệu chứng như đi ngoài, đầy hơi, chướng bụng, tuy nhiên các triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm sau một thời gian. Sau khi cắt túi mật, người bệnh cũng không cần lo lắng đến việc sỏi túi mật tái phát trở lại.
Phẫu thuật nội soi:
Mục đích chung là cắt bỏ và lấy sỏi túi mật:
- Nội soi qua đường mật ngược dòng: Đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm, tỷ lệ thành công lên đến 95%.
- Phá sỏi bằng máy tán: Ứng dụng xung động của nhiều loại sóng, sóng siêu âm, sóng thủy tĩnh hay tia laser. Bao gồm tán sỏi trong cơ thể nhằm tạo ra các viên sỏi có kích thước < 3mm để chúng dễ dàng rơi xuống ruột non và tán sỏi trong cơ thể bằng cách đưa đầu dò phát sóng tiếp cận với sỏi (sóng thủy tĩnh hoặc laser).
Điều trị dự phòng
Sau quá trình điều trị, cần thực hiện các biện pháp dự phòng nhằm ngăn chặn nguy cơ sỏi tái phát. Bao gồm:
- Dự phòng sỏi cholesterol bằng tiết thực, loại bỏ cholesterol và mỡ bão hòa ra khỏi thực đơn. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng trong thời kỳ mang thai.
- Dự phòng sỏi sắc tố mật: Tẩy giun định kỳ, ăn uống vệ sinh sạch sẽ, áp dụng các biện pháp điều trị nhiễm trùng đường mật và bệnh huyết tán triệt để.
Sỏi mật là bệnh lý thường gặp và tiềm tàng nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc chẩn đoán và điều trị sỏi mật chủ yếu dựa vào kết quả siêu âm, chụp cắt lớp tỉ trọng và chụp đường mật ngược dòng. Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu sỏi mật ở bệnh nhân, bác sĩ nên có thái độ xử trí đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn những diễn biến xấu.
Xem thêm: Dùng nghệ đen chữa đau dạ dày hiệu quả, liệu có thật?