Chèn dây thần kinh cột sống lưng có thể xảy ra do ngồi sai tư thế, mang vác nặng, chấn thương hoặc do các bệnh lý mãn tính như thoát vị đĩa đệm, tiểu đường, huyết áp cao và thoái hóa cột sống gây ra. Điều trị bệnh lý này chủ yếu là sử dụng thuốc và thực hiện các biện pháp nhằm giảm mức độ chèn ép và phục hồi chức năng của dây thần kinh.
Chèn dây thần kinh cột sống lưng và dấu hiệu nhận biết
Chèn dây thần kinh cột sống lưng là tình trạng dây thần kinh ở vùng lưng bị chèn ép và đè nén. Thông thường cơ quan này đảm nhiệm vai trò dẫn truyền tín hiệu cảm giác về não bộ và truyền tín hiệu hoạt động đến chi dưới, ruột, bàng quang,…
Do đó khi bị chèn ép, dây thần kinh vùng lưng thường bị rối loạn hoạt động và làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng như:
- Đau nhức vùng lưng kèm theo tình trạng tê bì và ngứa ran
- Khó khăn khi vận động – đặc biệt là khi cúi gập người
- Cơ suy yếu
- Mỏi lưng
- Mệt mỏi
- Có cảm giác châm chích chạy dọc từ vùng lưng đến hông và đùi
Nguyên nhân gây chèn dây thần kinh cột sống lưng
Chèn dây thần kinh cột sống lưng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Ngồi sai tư thế: Tư thế sai lệch làm tăng áp lực lên cột sống – đặc biệt là cột sống vùng thắt lưng. Nếu duy trì tư thế này trong thời gian dài, dây thần kinh và các mô mềm xung quanh cột sống có thể bị chèn ép và kích thích.
- Vận động nặng: Cột sống là cơ quan nâng đỡ cơ thể. Vì vậy khi vận động và mang vác nặng, cột sống có thể bị đè nén dẫn đến tình trạng chèn ép các cơ quan xung quanh, bao gồm dây chằng, dây thần kinh và mô mềm.
- Chấn thương: Chấn thương ở vùng cột sống lưng có thể khiến dây thần kinh bao quanh bị chèn ép và đau nhức. Với những trường hợp chấn thương nhẹ, tình trạng này tự thuyên giảm sau vài ngày nghỉ ngơi.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh phổ biến nhất ở cột sống. Bệnh xảy ra khi đĩa đệm bị nứt, rách khiến dịch nhầy tràn ra bên ngoài và chèn ép lên những cơ quan lân cận. Thoát vị đĩa đệm thường gây ra hội chứng đau thần kinh tọa (chèn ép dây thần kinh hông to).
- Thoái hóa cột sống lưng: Thoái hóa cột sống lưng xảy ra khi đốt sống bị suy yếu, dẫn đến sự hình thành gai xương bất thường. Gai xương xuất hiện có thể đè nén lên đĩa đệm và dây thần kinh bao quanh cột sống.
Ngoài ra tình trạng chèn dây thần kinh cột sống lưng có thể xảy ra do một số yếu tố rủi ro như:
- Huyết áp cao
- Người béo phì – thừa cân
- Tiểu đường
- Phụ nữ mang thai
- Mắc các rối loạn về dây thần kinh
Chèn dây thần kinh cột sống lưng có nguy hiểm không?
Dây thần kinh là cơ quan dẫn truyền tín hiệu cảm giác về não bộ và điều khiển một số cơ quan như chi dưới, bàng quang, ruột,… Do đó khi cơ quan này bị chèn ép lâu ngày, bạn có thể gặp phải một số ảnh hưởng như:
- Giảm lưu lượng máu dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng của dây thần kinh
- Dây thần kinh bị sưng phù và có xu hướng thay đổi cấu trúc
- Yếu cơ
- Mất kiểm soát ruột bàng quang
- Giảm khả năng vận động
- Tăng nguy cơ bại liệt chi dưới
Ngoài ra, các triệu chứng do chèn dây thần kinh gây ra còn làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Triệu chứng kéo dài thường khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi và ăn uống kém.
Cách điều trị chèn dây thần kinh cột sống lưng
Nguyên tắc điều trị bệnh chèn dây thần kinh là cải thiện triệu chứng, khắc phục nguyên nhân và giảm mức độ chèn ép lên cơ quan này. Bác sĩ thường chỉ định phương pháp tùy thuộc vào mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc có tác dụng giảm hiện tượng viêm sưng và cải thiện cơn đau nhức. Tuy nhiên phương pháp này chỉ đem lại tác dụng tạm thời, do đó bạn cần phối hợp việc dùng thuốc với một số biện pháp khác.
Các loại thuốc được chỉ định trong điều trị chèn dây thần kinh cột sống lưng, bao gồm:
- Paracetamol: Loại thuốc này là lựa chọn ưu tiên trong quá trình điều trị vì có độ an toàn khá cao. Paracetamol giúp cải thiện các cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này được bào chế ở nhiều dạng, bao gồm dạng viên sủi, viên uống, viên đặt, siro, thuốc cốm,… Nếu gặp vấn đề về gan và thận, bạn nên sử dụng thuốc đặt trực tràng để hạn chế các tình huống rủi ro.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Trong trường hợp Paracetamol không đem lại cải thiện, bạn có thể dùng NSAID. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm viêm và giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên hầu hết các NSAID đều gây kích ứng dạ dày và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Do đó bạn không nên sử dụng loại thuốc này nếu đang bị viêm loét dạ dày tiến triển.
- Thuốc chứa steroid: Với những trường hợp đau nặng nề kèm theo hiện tượng viêm, bác sĩ có thể cân nhắc và chỉ định thuốc chứa steroid ở dạng uống hoặc dạng tiêm. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế miễn dịch nhằm giảm viêm và cải thiện cơn đau. Tuy nhiên steroid có thể gây suy tuyến thượng thận, tăng nguy cơ loãng xương và nhiễm trùng, vì vậy bạn chỉ nên dùng loại thuốc này khi có chỉ định từ bác sĩ.
- Thuốc giảm đau gây nghiện (Opioids): Thuốc giảm đau gây nghiện tác dụng trên hệ thần kinh trung ương nhằm khiến não bộ không cảm nhận được tín hiệu đau. Opioids có thể làm giảm cơn đau có mức độ nghiêm trọng và kéo dài. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây nghiện nên thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
Sử dụng thuốc giúp cải thiện cơn đau và các triệu chứng do chèn dây thần kinh cột sống lưng gây ra. Tuy nhiên lạm dụng thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy bạn nên tuân thủ theo liều lượng và thời gian sử dụng được bác sĩ chỉ định.
2. Vật lý trị liệu
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn nên áp dụng các kỹ thuật vật lý trị liệu để giảm chèn ép và phục hồi chức năng của dây thần kinh cột sống lưng.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu có thể được áp dụng, bao gồm:
- Sử dụng nẹp: Nẹp cố định có thể được sử dụng nhằm giảm chèn ép lên dây thần kinh. Ngoài ra dùng nẹp còn giúp ổn định cấu trúc cột sống và giảm tình trạng kích thích các mô mềm xung quanh.
- Chườm lạnh/ nóng: Chèn ép dây thần kinh thường gây ra tình trạng đau nhức kèm hiện tượng sưng viêm. Để cải thiện triệu chứng này, bạn có thể chườm nóng/ lạnh lên khu vực cần điều trị trong vòng 20 phút. Áp dụng biện pháp này liên tục trong 3 – 5 ngày giúp làm giảm cơn đau và hiện tượng viêm đáng kể.
- Xoa bóp bấm huyệt: Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm đau nhức và tăng cường tuần hoàn máu ở vùng lưng bằng cách xoa bóp bấm huyệt. Phương pháp này giúp thúc đẩy tuần hoàn, thư giãn cơ và giảm tình trạng chèn ép lên dây thần kinh cột sống.
- Châm cứu: Trong trường hợp cơn đau đi kèm với triệu chứng ngứa ran và tê bì, bạn có thể đến cơ sở y tế để được châm cứu. Châm cứu sử dụng kim châm nhỏ nhằm kích thích máu huyết lưu thông, giảm đau nhức và phục hồi chức năng của dây thần kinh cột sống.
- Thực hiện bài tập vật lý trị liệu: Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn một số bài tập vật lý trị liệu nhằm kéo giãn cột sống và giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh. Thực hiện những bài tập này thường xuyên không chỉ cải thiện cơn đau mà còn ngăn ngừa tình trạng tái phát.
3. Phẫu thuật
Trong trường hợp dây thần kinh bị chèn ép do các bệnh lý mãn tính (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống), bác sĩ có thể cân nhắc mức độ tổn thương và chỉ định một số thủ thuật ngoại khoa. Phẫu thuật được thực hiện nhằm loại bỏ tác nhân gây chèn ép (gai xương, chất nhầy trong đĩa đệm), từ đó làm giảm tình trạng đau nhức, tê bì, ngứa ran,…
Các thủ thuật ngoại khoa có thể được thực hiện, bao gồm:
- Loại bỏ dịch nhầy thoát vị
- Thay đĩa đệm nhân tạo
- Cắt bỏ gai xương
Phẫu thuật giúp cải thiện tình trạng chèn ép dây thần kinh nhanh chóng. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nên chỉ được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại.
Lối sống cho người bị chèn dây thần kinh cột sống lưng
Tình trạng chèn dây thần kinh có thể tiến triển nặng nề và tái phát khi có điều kiện thích hợp. Do đó ngoài các biện pháp điều trị, bạn nên kết hợp với chế độ chăm sóc hợp lý để ngăn ngừa tái phát và kiểm soát tiến triển của bệnh.
Lối sống cho người bị chèn dây thần kinh cột sống lưng:
- Thường xuyên tập thể thao có thể tăng cường tuần hoàn máu và đảm bảo chức năng của dây thần kinh. Ngoài ra tập luyện thường xuyên còn ổn định cấu trúc cột sống và giảm nguy cơ chèn ép lên những cơ quan lân cận.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải giúp hạn chế áp lực lên cột sống và dây thần kinh xung quanh.
- Các chuyên gia cho biết, chèn dây thần kinh có mối liên hệ mật thiết với tình trạng thiếu hụt canxi. Vì vậy bạn nên bổ sung các thực phẩm canxi như sữa chua, cá, phô mai, tôm, cua,… để phục hồi tổn thương ở dây thần kinh và cải thiện sức khỏe của hệ xương khớp.
- Nên thay đổi các tư thế sai lệch trong thời gian sớm nhất. Bởi thói quen này không chỉ gây chèn ép dây thần kinh mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính khác.
- Hạn chế mang vác vật nặng và từ bỏ thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá,…
- Nên bổ sung thực phẩm lành mạnh, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và xây dựng giờ giấc sinh hoạt điều độ.
Chèn dây thần kinh cột sống lưng có thể thuyên giảm nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Bên cạnh đó, bạn nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để kiểm soát tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Xem thêm: Tổng hợp 11 loại thuốc trị viêm tai giữa hiệu quả nhất