Khi nào cần bổ sung vitamin C cho trẻ, dùng bao nhiêu là đủ là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con cái. Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây để nắm vững nguyên tắc bổ sung vitamin C đúng cách cho bé.
Vitamin C có tên gọi đầy đủ là axit ascorbic, tan trong nước và có chức năng quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của cơ thể, bao gồm: chống oxy hóa, sản xuất collagen, tăng cường hấp thu chất sắt, nâng cao hệ miễn dịch. Sữa mẹ, sữa công thức, trái cây và rau xanh là những nguồn vitamin C dồi dào và an toàn nhất dành cho trẻ em.
Vitamin C là một trong những dưỡng chất thiết yếu đối với trẻ nhỏ, với hàng loạt công dụng sau:
- Tham gia vào quá trình duy trì và phát triển răng, nướu, mạch máu, xương khớp, dây chằng.
- Tăng cường khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, phòng tránh bệnh loãng xương.
- Ức chế quá trình oxy hóa của vitamin A, E và các axit béo không no khác.
- Nâng cao khả năng vận chuyển và hấp thu chất sắt, từ đó ngăn ngừa bệnh thiếu máu hiệu quả.
- Góp phần tổng hợp các hormone và kháng thể gamma globulin.
- Hỗ trợ quá trình giải độc của tế bào gan.
Bạn có biết, một trong những vai trò hàng đầu của vitamin C đối với trẻ em từ 1 – 6 tuổi là tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đẩy lùi nhiều bệnh lý nguy hiểm (xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, răng dễ rụng, sưng nướu răng, thiếu máu, nhiễm virus…). Nếu bị thiếu hụt vitamin C mạn tính từ 3 tháng trở lên, trẻ có thể trở nên còi cọc, suy dinh dưỡng.
Khi nào cần bổ sung vitamin C cho trẻ?
Vitamin C rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vì vậy, khi thiếu hụt loại vitamin này, bé sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo trẻ đang thiếu hụt vitamin C:
- Chảy máu cam: Mạch máu suy yếu gây ra hiện tượng vỡ mạch máu và giãn mao mạch, từ đó dẫn đến hiện tượng chảy máu cam ở mũi.
- Tóc gãy rụng nhiều: Nếu tóc trẻ gãy rụng nhiều thì đây là dấu hiệu chứng tỏ con đang thiếu hụt vitamin C. Đặc tính chống oxy hóa của vitamin C có tác dụng kích thích mọc tóc, giúp tóc mọc dày và thêm óng ả, mềm mượt.
- Thường bị bệnh: Nếu trẻ thường xuyên bị bệnh, bạn cần bổ sung cho con vitamin C ngay lập tức theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì vitamin C có khả năng thúc đẩy quá trình sản xuất tế bào bạch cầu, tăng cường sức đề kháng và chống lại các căn bệnh truyền nhiễm.
- Tăng cân bất thường: Nếu trẻ ăn rất ít nhưng luôn trong tình trạng tăng cân đến phát phì, không thể kiểm soát thì rất có thể trẻ đang thiếu hụt vitamin C. Khi đi vào bên trong cơ thể, vitamin C sẽ góp phần đốt cháy chất béo một cách hiệu quả. Vì vậy, các bà mẹ nên cho trẻ dùng vitamin C kết hợp với việc thường xuyên luyện tập thể dục để giảm cân nhanh chóng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Sự thiếu hụt vitamin C có thể khiến trẻ sụt cân đột ngột và trở nên gầy gò trong một khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng.
- Dễ bị bầm tím và chậm lành vết thương: Vitamin C có khả năng tăng cường sức đề kháng, đồng thời phòng chống sự tấn công của các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vì vậy, cơ chế chữa lành vết thương và vết bầm phụ thuộc một phần vào vitamin C. Bên cạnh đó, vitamin C còn tham gia vào quá trình sản xuất collagen và tái tạo mô cơ, từ đó thúc đẩy vết thương mau chóng hồi phục. Vì vậy, nếu trẻ có một vết bầm tím hoặc vết thương nhỏ lâu ngày khỏi thì rất có thể, con đang bị thiếu hụt vitamin C.
- Sưng viêm và chảy máu nướu: Việc thiếu hụt vitamin C có thể gây ra hàng vấn đề về răng miệng như: nhiệt miệng, viêm nướu, chậm mọc răng, chảy máu chân răng, vàng răng…
Bên cạnh đó, khi bị thiếu hụt vitamin C, trẻ có thể mất tập trung, uể oải vào ban ngày, đau nhức toàn thân (nhất là cơ và khớp) hay khô da, xỉn màu da.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần chủ động bổ sung vitamin C cho trẻ nếu:
- Trẻ ăn không đủ lượng rau xanh được khuyến cáo.
- Trẻ bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn.
- Trẻ bị thiếu máu.
- Trẻ buộc phải sống trong môi trường độc hại, khói bụi, nhiều khói thuốc lá.
Hậu quả của việc thiếu vitamin C
Khi bị thiếu hụt vitamin C, trẻ phải đối mặt với nhiều hậu quả khôn lường như:
- Scorbut: Đây là bệnh lý mạn tính tương đối nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, suy nhược, thiếu máu, chảy máu tự phát, rụng răng, viêm loét nướu, đau nhức các chi, sưng phù một số bộ phận trên cơ thể, chậm lành vết thương, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Sức đề kháng yếu: Việc thiếu hụt vitamin C sẽ khiến trẻ dễ dàng mắc các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn gây ra (nhất là các bệnh về đường hô hấp).
- Quá trình tổng hợp collagen bị trì trệ: Hiện tượng này làm vỡ thành mao mạch, suy yếu răng, xương và chậm lành vết thương.
- Thiếu máu nhược sắc, suy tim, mềm tim.
Bổ sung cho trẻ bao nhiêu vitamin C là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo liều lượng vitamin C phù hợp với mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi như sau:
- Trẻ 0 – 12 tháng tuổi: 25mg/ngày (trẻ có thể được cung cấp đầy đủ vitamin C bằng cách bú sữa mẹ).
- Trẻ 1 – 3 tuổi: 15mg/ngày.
- Trẻ 4 – 8 tuổi: 25mg/ngày.
- Trẻ 9 – 13 tuổi: 45mg/ngày.
- Trẻ vị thành niên 14 – 18 tuổi: 75mg/ngày đối với nam và 65mg/ngày đối với nữ.
- Người trên 19 tuổi: 90mg/ngày đối với nam và 75mg/ngày đối với nữ.
4 dạng vitamin C tốt nhất cho trẻ
Trước khi bổ sung vitamin C cho trẻ, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về các dạng vitamin tốt nhất cho trẻ. Dưới đây là 4 gợi ý bạn không thể bỏ qua.
- Vitamin dạng viên sủi: Hiện nay, vitamin C dạng sủi khá phổ biến đối với người Việt. Với mùi vị thơm ngon và đặc tính dễ hấp thu, các sản phẩm này có thể cung cấp một lượng lớn dưỡng chất cho cơ thể, trong đó chủ yếu là vitamin C. Bạn có thể bổ sung cho bé đồng thời cả viên sủi vitamin C lẫn kẽm Doppelherz.
- Vitamin C dạng kẹo ngậm: Dạng vitamin C này được trẻ em vô cùng yêu thích bởi hương vị thơm ngọt hấp dẫn. Trên thị trường có rất nhiều kẹo ngậm vitamin C khác nhau. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với bé, đồng thời chú ý đảm bảo liều lượng khuyến cáo trong quá trình sử dụng.
- Vitamin C dạng thuốc nước: Các mẹ có thể cho trẻ dùng vitamin C dạng này bằng cách uống siro.
- Vitamin C trong thực phẩm: Việc bổ sung vitamin C có sẵn trong các loại thực phẩm hàng ngày rất quan trọng vì đây là dạng vitamin tốt nhất cho bé. Những loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: cam, chanh, bông cải xanh, dâu tây, đu đủ, xoài, khoai lang, rau màu xanh đậm.
Cách bổ sung vitamin C tốt nhất cho trẻ
Hàm lượng vitamin C trong trái cây và rau xanh rất dồi dào. Vì vậy, cách tốt nhất để bổ sung đầy đủ nguồn vitamin C cho trẻ là thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó, việc cho bé ăn nhiều trái cây tươi không chỉ tăng cường khả năng hấp thụ vitamin C mà còn cung cấp một lượng lớn chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của con. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C là: cam, chanh, ổi, bưởi, cải xoăn, ớt vàng, mùi tây, bông cải xanh…
Vì vitamin C rất dễ phân hủy, hao hụt dưới tác động trực tiếp của nhiệt độ (đặc biệt là trong quá trình chế biến) nên chị em cần lưu ý các vấn đề sau:
- Lựa chọn trái cây thật tươi ngon và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
- Không nên ngâm rau củ quả quá lâu trong nước khi sơ chế, đồng thời rửa sạch rồi mới cắt/gọt.
- Nấu càng sớm càng tốt ngay sau khi rửa sạch.
- Dùng hết cả cái lẫn nước để hấp thụ tối đa lượng vitamin C hòa tan trong thức ăn.
- Ưu tiên xào nấu rau củ với các loại thực phẩm có khả năng bảo toàn vitamin C như: thịt, gan, lòng trắng trứng, tinh bột… hoặc chế biến kết hợp với một số nguyên liệu khác (mắm, cà chua, dầu mỡ…) nhằm hạn chế tối đa sự hao hụt của vitamin C.
Bên cạnh việc hấp thu vitamin C tự nhiên thông qua sữa mẹ hoặc chế độ ăn uống, trẻ có thể được cung cấp vitamin C bằng cách dùng các loại dược phẩm chứa vitamin C (kẹo ngậm, siro, viên sủi). Tuy nhiên, khi cho con em sử dụng những sản phẩm bổ trợ này, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Thời gian bổ sung vitamin C tốt nhất là buổi sáng hoặc trưa, sau bữa ăn khoảng 1 tiếng.
- Nếu được ăn nhiều trái cây giàu vitamin C hay bổ sung vitamin C vào buổi tối thì bé có thể bị khó ngủ.
- Việc dùng vitamin C khi trẻ đang đói khiến trẻ dễ đau dạ dày. Ngoài ra, bạn không nên cho con ăn trái cây ngay sau bữa ăn vì lúc này, khả năng hấp thụ dưỡng chất từ trái cây của bé sẽ giảm đi đáng kể.
- Khi không được sử dụng đúng chỉ định, vitamin C tổng hợp có thể gây ra một số tác dụng phụ như: phát ban, khó thở, tiêu chảy, co thắt dạ dày, sưng môi, họng, lưỡi, mặt, buồn nôn, ợ nóng… Nếu trẻ xuất hiện một trong các biểu hiện trên, cha mẹ hãy nhanh chóng đưa con đi khám bác sĩ bởi các triệu chứng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường.
4 sai lầm phổ biến khi bổ sung vitamin C cho trẻ
Dưới đây là bốn niềm tin sai lầm thường gặp nhất trong việc bổ sung vitamin C cho trẻ mà cha mẹ cần tránh:
Trái cam chứa nhiều vitamin C tự nhiên nhất
Khi nhắc đến vitamin C tự nhiên, đa số chúng ta nghĩ ngay đến trái cam. Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là loại trái cây chứa nhiều vitamin C nhất. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết 100g cam chứa 53,2mg vitamin C, dứa chứa 47,8mg vitamin C, xoài chứa 36,4g vitamin C trong khi 100g trái anh đào chứa đến 1.677,6mg vitamin C.
Ngoài ra, không chỉ có thành phần dinh dưỡng tương đương anh đào, với hoạt chất rutin, trái sơ ri giúp tăng cường sức bền của thành mạch, ức chế sự chảy máu cam, chảy máu chân răng, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng xuất huyết dưới da. Do đó, để cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho sự phát triển của trẻ, người mẹ nên xây dựng cho bé một chế độ dinh dưỡng phong phú với nhiều loại trái cây và thực phẩm giàu vitamin C.
Chỉ cần bổ sung vitamin C khi trẻ bị bệnh
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ cần bổ sung vitamin C khi trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, vitamin C chỉ phát huy hiệu quả tối đa 3 – 5 ngày sau khi sử dụng. Vì vậy, việc cho trẻ dùng vitamin C khi bị bệnh sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.
Vitamin C có khả năng giúp cơ thể chống lại các vi khuẩn, virus gây hại từ môi trường bên ngoài, đề phòng nguy cơ nhiễm bệnh sốt, cảm cúm, cảm lạnh… từ đó tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch một cách hiệu quả. Thêm vào đó, vitamin C còn hỗ trợ trẻ hấp thu hiệu quả các dưỡng chất thiết yếu như: chất sắt, canxi, axit folic… từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Do đó, thay vì chỉ bổ sung vitamin C khi bé bị bệnh, cha mẹ nên chủ động cung cấp đầy đủ lượng vitamin C cần thiết cho trẻ mỗi ngày.
Cung cấp vitamin C càng nhiều càng tốt
Hầu hết cha mẹ tin rằng nên bổ sung vitamin C cho trẻ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm bởi vi chất này có tính chất tan trong nước và không thể được dự trữ lâu dài trong cơ thể. Đó chính là lý do bé cần được cung cấp vitamin C đều đặn mỗi ngày.
Vì vitamin C có thể hòa tan trong nước nên lượng vitamin dư thừa sẽ dễ dàng được cơ thể đào thải thông qua đường tiểu. Thế nhưng việc hấp thụ quá nhiều vitamin C có thể khiến trẻ tiêu chảy, buồn nôn, viêm dạ dày và sỏi thận. Trẻ em dưới 1 tuổi chỉ tiêu thụ 25mg vitamin C/ngày trong khi trẻ 1 – 3 tuổi không nên hấp thu nhiều hơn 15mg vitamin C/ngày và trẻ 4 – 8 tuổi chỉ nên bổ sung tối đa 25mg vitamin C/ngày. Do đó, hãy chia lượng vitamin C cần thiết trong ngày thành nhiều phần và dùng sau mỗi bữa ăn.
Dịch vụ Y tế Quốc gia nước Anh khuyến cáo chỉ nên bổ sung vitamin C và kháng chất cho trẻ sơ sinh không bú mẹ và tiêu thụ dưới 500ml sữa công thức/ngày từ 6 tháng tuổi trở lên. Đối với các trường hợp đặc biệt, liều lượng vitamin C sẽ được bác sĩ chỉ định căn cứ vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bé.
Vitamin C tự nhiên và vitamin C tổng hợp tốt như nhau
Hiện nay, nguồn vitamin C chủ yếu tồn tại dưới hai dạng là vitamin C tự nhiên và vitamin C tổng hợp. Nhược điểm của vitamin C tổng hợp (viên sủi, kẹo ngậm, siro…) là mang tính axit, không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hấp thu chậm, đào thải nhanh cũng như rất dễ bị oxy hóa.
Trong khi đó, vitamin C tự nhiên có sẵn trong rau củ quả tươi tồn tại dưới dạng phức hợp của các flavonoid và pectin. Đây là hai hợp chất giúp ổn định hoạt tính của vitamin C, bảo vệ vitamin C khỏi sự oxy hóa, nhờ đó, bé có thể hấp thụ dễ dàng và dự trữ dưỡng chất này lâu hơn trong cơ thể. Hơn nữa, vitamin C tự nhiên có độ pH trung tính, rất an toàn cho hệ tiêu hóa non nớt của con.
Vitamin C rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trước khi bổ sung vitamin C cho con em, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu thông tin và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thật kỹ nhằm giúp bé hấp thụ dưỡng chất thiết yếu này một cách hiệu quả, đồng thời hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.
Xem thêm: Sáng ngủ dậy bị đau họng có đờm: Nguyên nhân và cách xử lý