Nổi mụn khi mang thai là vấn đề da liễu khá phổ biến xảy ra do rối loạn nội tiết tố, chăm sóc da không đúng cách, căng thẳng quá mức,… Để kiểm soát và xử lý mụn an toàn, mẹ bầu nên điều chỉnh thói quen chăm sóc da, tận dụng thảo dược tự nhiên có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn và chỉ sử dụng thuốc bôi khi có chỉ định của bác sĩ.
Nổi mụn khi mang thai – Nguyên nhân do đâu?
Nổi mụn trứng cá khi mang thai là tình trạng khá phổ biến. Thống kê cho thấy, có đến 30% mẹ bầu bị nổi mụn trong 3 tháng đầu thai kỳ. Mụn nổi trong thời gian mang thai có đặc điểm bùng phát mạnh, nổi ồ ạt và xảy ra trên diện rộng (ngực, lưng và mặt). Nếu xuất hiện ở da mặt, mụn tập trung chủ yếu ở vùng cằm và xương quai hàm.
Mụn trứng cá không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi nhưng có thể khiến thai phụ trở nên kém tự tin khi giao tiếp và trong các cuộc gặp gỡ – đặc biệt là những trường hợp mụn nặng, tấy đỏ và ứ mủ.
Các nguyên nhân phổ biến gây nổi mụn ở phụ nữ mang thai:
1. Thay đổi nội tiết tố đột ngột
Thay đổi nội tiết tố đột ngột là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ mang thai – trong đó bao gồm cả mụn trứng cá. Nồng độ hormone mất cân bằng – đặc biệt là hormone androgen có thể khiến lỗ chân lông bài tiết bã nhờn quá mức, làm tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh.
Vì vậy ở những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu dễ bị nổi mụn mủ và mụn viêm ở da mặt, ngực và lưng. Tuy nhiên, tình trạng mụn sẽ nhanh chóng thuyên giảm từ tháng 4 khi nồng độ nội tiết tố có xu hướng ổn định.
2. Thân nhiệt tăng cao
Thân nhiệt tăng cao là một trong những dấu hiệu mang thai sớm và cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ nổi mụn trong thai kỳ. Lý do khiến bà bầu có thân nhiệt cao hơn người bình thường là do tăng hoạt động tuần hoàn máu và trao đổi chất khiến cơ thể sinh ra nhiệt nhiều hơn.
Để điều hòa thân nhiệt, làn da ở vùng mặt, cổ, dưới cánh tay và lưng sẽ có xu hướng bài tiết nhiều mồ hôi và bã nhờn. Tuy nhiên, hiện tượng sản xuất dầu quá mức có thể tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông, tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh và gây ra mụn bọc, mụn viêm đỏ ở đầu thai kỳ.
3. Hệ miễn dịch suy giảm
Hệ miễn dịch suy giảm là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề da liễu khi mang thai như nổi mụn, rôm sảy và mề đay mẩn ngứa. Khác với người bình thường, cơ thể mẹ bầu phải đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tăng lượng máu tuần hoàn để nuôi dưỡng và bảo vệ phôi thai. Do đó khi mang thai, hệ miễn dịch của nữ giới có xu hướng suy giảm.
Đây là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn dễ dàng phát triển và gây ra mụn. Hơn nữa, hệ miễn dịch suy giảm còn làm tăng mức độ nhạy cảm của da và khiến da dễ bị tổn thương, kích ứng hơn so với bình thường.
4. Do chăm sóc da không đúng cách
Chăm sóc da không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mụn ở phụ nữ mang thai. Để ngăn ngừa vết rạn vào những tháng cuối thai kỳ, nhiều bà bầu sử dụng các loại kem và dầu có kết cấu đặc từ đầu thai kỳ.
Tuy nhiên, kết cấu kem đặc cùng với hoạt động bài tiết dầu thừa quá mức có thể khiến nang lông bị bít tắc, ứ đọng bã nhờn, da chết và tăng nguy cơ hình thành mụn.
5. Lo lắng và căng thẳng quá mức
Lo lắng và căng thẳng là vấn đề không thể tránh khỏi khi mới mang thai – đặc biệt là ở những người lần đầu tiên làm mẹ. Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ và hiệu suất lao động, tình trạng căng thẳng và lo âu quá mức còn có thể làm tăng nguy cơ nổi mụn và mề đay mẩn ngứa khi mang thai.
Khi bị căng thẳng, da có xu hướng đen sạm, lỗ chân lông mở rộng và tăng tiết bã nhờn. Nếu không vệ sinh kỹ lưỡng, lượng bã nhờn, da chết và bụi bẩn có thể tích tụ trong nang lông và kích thích sự phát triển quá mức của vi khuẩn yếm khí P. acnes.
Ngoài ra, nguy cơ bị nổi mụn khi mang thai cũng có thể tăng lên đáng kể nếu có những yếu tố rủi ro như bị tiểu đường thai kỳ, tiền sử bị mụn trứng cá nặng, da mỏng, nhạy cảm, thuộc nhóm da dầu, hỗn hợp thiên dầu, chế độ ăn uống không lành mạnh, làm sạch da không đúng cách,…
Cách xử lý mụn trứng cá khi mang thai an toàn
Thông thường, mụn trứng cá có thể thuyên giảm nhanh sau khi sử dụng kem trị mụn chứa axit salicylic, benzoyl peroxide, retinoid,… Tuy nhiên, các hoạt chất này không được sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ và rủi ro cao hơn so với lợi ích mang lại.
Chính vì vậy thay vì sử dụng thuốc, mẹ bầu nên điều trị và kiểm soát mụn bằng chu trình chăm sóc da phù hợp và lối sống khoa học. Bên cạnh đó, có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn và tiêu viêm để gom cồi mụn, giảm sưng tấy và ngứa ngáy.
1. Chăm sóc da đúng cách
Chăm sóc da không đúng cách là yếu tố làm tăng nguy cơ sừng hóa nang lông, gây bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn. Do đó, việc xây dựng chu trình dưỡng da phù hợp có thể giảm thiểu số lượng mụn và ngăn ngừa mụn tái phát ở phụ nữ mang thai. Đồng thời giảm thiểu một số vấn đề da liễu thường gặp khác như nổi mề đay mẩn ngứa, rôm sảy, tàn nhang và sạm nám.
Cách chăm sóc da giúp kiểm soát và ngăn ngừa mụn phù hợp với mẹ bầu:
- Mẹ bầu không nên trang điểm trong suốt thời gian mang thai. Lớp trang điểm có thể khiến da bị bí, dễ ứ đọng mồ hôi, bã nhờn trong nang lông và gây nổi mụn ồ ạt. Hơn nữa, một số hóa chất độc hại trong sản phẩm trang điểm còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Làm sạch da mặt bằng sữa rửa mặt 2 lần/ ngày (sáng và tối) để ngăn ngừa bít tắc nang lông và ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn. Tuy nhiên khi mang thai, mẹ bầu nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ, có độ pH cân bằng, không chứa chất bảo quản và hương liệu.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm có công thức an toàn và kết cấu mỏng nhẹ 2 lần/ ngày để cung cấp đủ ẩm cho làn da. Da có đủ ẩm sẽ giảm bài tiết bã nhờn quá mức, từ đó giảm thiểu nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.
- Tránh sử dụng các loại kem và dầu ngừa rạn da có kết cấu quá đặc – nhất là trong thời gian đầu mới mang thai. Ở thời điểm này, nên lựa chọn sản phẩm lỏng nhẹ để giữ da thông thoáng và hạn chế tối đa hình thành mụn. Từ tháng 4 trở đi, mẹ bầu có thể sử dụng các sản phẩm có kết cấu đặc hơn để giữ ẩm cho, tái tạo mô và ngăn ngừa vết rạn.
- Mẹ bầu nên sử dụng kem chống nắng vật lý hằng ngày để bảo vệ da và giảm thiểu các vấn đề da liễu trong suốt thai kỳ. Nhiệt độ và tia UV từ ánh nắng có thể kích thích tuyến bã nhờn bài tiết nhiều mồ hôi, tăng nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá. Ngoài ra, tia cực tím còn thúc đẩy tăng sinh tế bào melanin, dẫn đến hình thành tàn nhang, đồi mồi và nám da.
- Để giảm mụn, mẹ bầu có thể xông mặt + tẩy tế bào chết và đắp mặt nạ đất sét 1 – 2 lần/ tuần. Các bước này được thực hiện sau bước làm sạch da và trước khi sử dụng serum + kem dưỡng.
- Bên cạnh đó, cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để chăm sóc và nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong.
Mụn trứng cá nổi trong thời gian mang thai đều có xu hướng thuyên giảm dần khi nội tiết tố ổn định. Vì vậy nếu mụn có mức độ nhẹ, mẹ bầu không cần phải can thiệp các biện pháp y tế. Xây dựng chế độ chăm sóc da khoa học và đúng cách có thể giảm các nốt mụn cũ đáng kể và ngăn ngừa hình thành các nốt mụn mới.
2. Sử dụng thảo dược trị mụn cho bà bầu
Nếu nốt mụn có kích thước lớn, viêm đỏ và ứ mủ, mẹ bầu có thể kết hợp chế độ chăm sóc da cùng với một số thảo dược tự nhiên có đặc tính tiêu viêm, chống ngứa và kháng khuẩn. Hầu hết các nguyên liệu tự nhiên đều lành tính, ít gây kích ứng và an toàn với phụ nữ mang thai.
Mẹ bầu có thể kiểm soát mụn trứng cá bằng các thảo dược sau:
- Tinh dầu tràm trà: Tinh dầu tràm trà có tác dụng chống viêm, giảm sưng đỏ và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes. Do đó, mẹ bầu có thể chấm trực tiếp tinh dầu từ cây tràm trà lên nốt mụn 2 – 3 lần/ ngày để giảm viêm và gom cồi mụn. Hoặc có thể thêm tinh dầu vào nước xông để làm sạch bã nhờn, da chết, bụi bẩn và loại bỏ vi khuẩn tích tụ trong nang lông.
- Tỏi tươi: Tỏi tươi chứa hàm lượng sulfur tự nhiên cao, có tác dụng tiêu viêm và ức chế vi khuẩn mạnh. Để giảm viêm đỏ và gom cồi mụn, mẹ bầu có thể đắp lát tỏi trực tiếp lên da hoặc pha loãng dịch ép tỏi với nước sôi để nguội theo tỷ lệ 1:1 và thoa trực tiếp lên vùng da bị mụn. Áp dụng đều đặn các công thức này 1 lần/ ngày trong vòng vài ngày có thể kiểm soát tình trạng mụn rõ rệt.
- Mặt nạ chanh tươi + sữa chua: Nếu có làn da nhạy cảm, mẹ bầu có thể dùng mặt nạ chanh tươi + sữa chua để nuôi dưỡng làn da và kiểm soát mụn. Acid citric trong nước cốt chanh và acid lactic trong sữa chua có tác dụng tẩy tế bào chết, giữ nang lông thông thoáng và giảm sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes.
- Lá trầu không: Lá trầu không có đặc tính kháng sinh mạnh và đã được chứng minh về tác dụng ức chế vi khuẩn, nấm men và một số loại virus thường gây tổn thương da. Để kiểm soát mụn, mẹ bầu có thể tắm với nước đun sôi từ lá trầu không 1 lần/ ngày hoặc xông mặt với thảo dược này 2 lần/ tuần.
Mặc dù không cho hiệu quả nhanh chóng như các loại thuốc bôi đặc trị nhưng các công thức từ thảo dược tự nhiên có thể giảm bớt hiện tượng sưng tấy, ngăn ngừa mụn nổi ồ ạt trên diện rộng và hỗ trợ phòng ngừa mụn tái phát. Hơn nữa, các công thức này tương đối dễ thực hiện, lành tính và hoàn toàn an toàn với phụ nữ mang thai.
3. Dùng thuốc bôi trị mụn khi cần thiết
Trong trường hợp mụn trứng cá nổi ồ ạt và có mức độ nặng, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được đánh giá tình trạng da và chỉ định loại thuốc bôi đặc trị. Thực tế, các hoạt chất điều trị mụn ở dạng bôi ngoài không thực sự an toàn với phụ nữ mang thai. Vì vậy, bác sĩ chỉ yêu cầu sử dụng thuốc khi tổn thương da có mức độ nặng và không thể kiểm soát bằng các thảo dược tự nhiên.
Một số loại thuốc bôi trị mụn có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai:
- Thuốc bôi chứa lưu huỳnh (sulfur): Các loại thuốc bôi chứa lưu huỳnh được công nhận an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Sử dụng các sản phẩm này giúp giảm sưng tấy, viêm đỏ, hạn chế bã nhờn và giúp nhân mụn khô nhanh hơn. Khi sử dụng sulfur, da mặt sẽ có xu hướng khô ráp và bong tróc nhẹ trong vài ngày đầu.
- Thuốc bôi chứa AHA: AHA là loại axit có khả năng tan trong nước và hoạt động mạnh trên bề mặt da. Phụ nữ mang thai có thể sử dụng các chế phẩm dạng bôi chứa AHA dưới 10% để tẩy tế bào chết, hỗ trợ kiểm soát và ngăn ngừa mụn. AHA an toàn với phụ nữ mang thai và cho con bú nhưng hiệu quả điều trị mụn không thực sự rõ rệt như các thành phần trị mụn hoạt tính mạnh.
- Thuốc bôi trị mụn chứa chiết xuất tự nhiên: Ngoài các sản phẩm chứa hoạt chất tổng hợp, mẹ bầu có thể dùng kem trị mụn chứa các thành phần tự nhiên như chiết xuất rễ cam thảo, tinh dầu tràm trà, trà xanh, than hoạt tính,… để kiểm soát mụn, giảm viêm, hạn chế hoạt động bài tiết bã nhờn và ngăn ngừa mụn tái phát. Các sản phẩm này có hiệu quả khá chậm nhưng có độ an toàn khá cao và có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú.
Trong trường hợp mụn trứng cá nặng, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh dạng bôi (Erythromycin, Clindamycin,…) và một số loại thuốc bôi trị mụn chứa thành phần hoạt tính mạnh. Tuy nhiên, các sản phẩm này có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn. Vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc và lựa chọn sản phẩm chứa nồng độ thấp để đảm bảo an toàn.
Phòng ngừa mụn trứng cá khi mang thai
Mụn trứng cá là vấn đề da liễu thường gặp ở thời gian đầu thai kỳ. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này có thể khiến mẹ bầu trở nên e ngại và thiếu tự tin trong các cuộc gặp gỡ. Hơn nữa, mụn nổi ồ ạt có thể khiến da hình thành nhiều vết thâm và sẹo lõm.
Do đó, mẹ bầu nên chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa mụn trứng cá như:
- Giữ tâm lý thoải mái, lạc quan trong suốt thời gian mang thai. Căng thẳng quá mức không chỉ làm tăng nguy cơ gây mụn mà còn dẫn đến các vấn đề da liễu khác như rôm sảy, nổi mề đay mẩn ngứa và làm bùng phát các bệnh da liễu mãn tính.
- Chăm sóc da đúng cách, đặc biệt chú ý đến vấn đề làm sạch da và chống nắng. Trong trường hợp da mặt mỏng và nhạy cảm, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn sản phẩm phù hợp và an toàn.
- Cố gắng uống đủ nước, cung cấp rau xanh, trái cây và các nhóm thực phẩm lành mạnh khi mang thai. Đồng thời hạn chế các loại thực phẩm và thức uống khiến da bài tiết nhiều bã nhờn như thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều gia vị, rượu bia, cà phê và thức ăn chế biến sẵn.
- Tránh các thói quen làm tăng nguy cơ hình thành mụn như trang điểm quá thường xuyên, vệ sinh da mặt sơ sài, sờ tay lên da mặt, thức khuya, tiếp xúc với bụi bẩn và ánh nắng trong thời gian dài.
- Để hạn chế đổ mồ hôi và hình thành mụn do thân nhiệt tăng cao trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên mặc các trang phục rộng rãi, có chất liệu thấm hút và thoáng. Ngoài ra, nên ưu tiên bơi lội, yoga thay vì tập các bộ môn dễ gây đổ mồ hôi như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,…
Nổi mụn khi mang thai là tình trạng khá phổ biến và xảy ra chủ yếu vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu chăm sóc và xử lý đúng cách, tình trạng mụn có thể được kiểm soát chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên trong trường hợp mụn nổi ồ ạt và viêm đỏ nặng, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Xem thêm: Viêm bao quy đầu mãn tính là gì? Giải pháp điều trị?