Viêm buồng trứng là một bệnh phụ khoa nguy hiểm nhưng ít gặp. Bệnh lý này xuất hiện với mức độ nặng, có khả năng làm ảnh hưởng lâu dài đến bộ phận sinh dục và chức năng sinh sản về sau của nữ giới. Bệnh chủ yếu xảy ra do vi khuẩn, đặc biệt là những loại vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Nếu được sớm phát hiện, chẩn đoán và can thiệp đúng cách thì việc điều trị sẽ thực sự đơn giản, giúp rút ngắn thời gian kiểm soát bệnh.
Viêm buồng trứng là gì?
Buồng trứng được xác định là một phần quan trọng đối với hệ thống sinh sản của nữ giới. Cụ thể buồng trứng là một tuyến sinh dục có vai trò quan trọng trong việc tạo thành trứng (còn được gọi là giao tử cái) và tham gia tổng hợp hormone quy định giới tính nữ, đó là estrogen và progesterone.
Vị trí của buồng trứng là ở hai bên tử cung và nằm trong khung chậu, chúng được kết nối thông qua những ống dẫn trứng, đón lấy trứng được phóng sinh nhờ tiếp cận buồng trứng trong thời gian rụng trứng.
Sự rụng trứng ở người phụ nữ diễn ra vào thời điểm trứng trưởng thành, đó là những ngày giữa chu kỳ kinh nguyệt, trứng chín rời khỏi buồng trứng và đã chuẩn bị tốt cho quá trình thụ tinh ngay khi gặp giao tử đục là tinh trùng. Sau khi được thụ tinh, trứng nhanh chóng đi đến chỗ làm tổ, ngày qua ngày phát triển trong môi trường tử cung. Trong trường hợp trứng không gặp tinh trùng và không được thụ tinh thì trứng sẽ chết đi và theo máu kinh đào thải ra bên ngoài.
Viêm buồng trứng là một thuật ngữ chỉ tình trạng viêm xảy ra ngay tại cơ quan buồng trứng. Bệnh lý này thuộc nhóm bệnh viêm sinh dục trên hay viêm vùng chậu. Tình trạng viêm có thể cùng lúc tác động đến xấu đến nhiều cơ quan trong khung chậu, trong đó có nội mạc tử cung, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng và phúc mạc hoặc thành bụng.
Nguyên nhân gây viêm buồng trứng
Hai loại vi khuẩn gồm Neisseria và Chlamydia trachomatis được xác định là nguyên nhân phổ biến gây viêm buồng trứng. Cả Neisseria và Chlamydia trachomatis đều là chủng vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Khi có sự xâm nhập của vi khuẩn Neisseria hoặc vi khuẩn Chlamydia trachomatis vào bộ phận sinh dục, tình trạng nhiễm trùng sẽ xảy ra. Khi đó nhiễm trùng sẽ tiến triển và lây lan từ cổ tử cung đến tử cung, liên tục đến ống dẫn trứng và buồng trứng. Đối với những trường hợp không sớm phát hiện và can thiệp, nhiễm trùng có thể đi vào trong thành bụng hoặc trong khoang phúc mạc.
Những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm buồng trứng
Nguy cơ mắc bệnh viêm buồng trứng ở nữ giới sẽ tăng cao khi có sự tác động của những yếu tố sau:
- Nội mạc tử cung và cơ quan sinh dục ngoài bị tổn thương: Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng buồng trứng sẽ tăng cao khi nội mạc tử cung và cơ quan sinh dục ngoài của nữ giới bị tổn thương. Tình trạng này có thể xảy ra khi nữ giới thực hiện một số thủ thuật chẩn đoán và điều trị, sinh con hoặc nạo phá thai. Những tổn thương ở niêm mạc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân tấn công, phát triển và sau đó di chuyển đến cổ tử cung và tử cung. Ngoài ra những tác nhân gây bệnh có thẻ từ dụng cụ y tế chưa được vô khuẩn xâm nhập vào đường sinh dục.
- Viêm bộ phận sinh dục: Bệnh lậu hoặc một số tình trạng viêm khác có thể khiến tế bào biểu mô đường sinh dục ngoài bị tổn hại và nhanh chóng lan rộng. Tình trạng viêm nhiễm cấp tính có thể làm phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có viêm buồng trứng.
- Viêm nhiễm mạn tính trong tử cung: Những tác nhân gây viêm nhiễm mạn tính có thể di chuyển từ nội mạc tử cung đến các ống dẫn trứng, di chuyển vào trong, sau đó gây viêm ống dẫn trứng và viêm buồng trứng.
- Thủng tử cung do vòng tránh thai: Việc đặt vòng tránh thai có thể làm tăng nguy cơ viêm
nhiễm. Đặc biệt là khi vòng tránh thai nhiễm khuẩn, vi khuẩn, nấm cùng những tác nhân gây viêm khác có thể nhanh chóng di chuyển vào nội mạc tử cung, đến ống dẫn trứng, buồng trứng và gây viêm. - Căng thẳng và mệt mỏi: Căng thẳng và mệt mỏi là nguyên nhân khiến cơ thể suy nhược, gây rối loạn nội tiết tố. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm.
- Quan hệ tình dục không lành mạnh: Nguy cơ viêm nhiễm buồng trứng, âm đạo, tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và nhiều bộ phận khác sẽ tăng cao khi nữ giới quan hệ tình dục không lành mạnh, quan hệ với nhiều bệnh tình, quan hệ với người bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng không dùng bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.
- Một số yếu tố khác: Khí hậu thay đổi hoặc giảm thân nhiệt, có tiền sử mắc bệnh viêm vùng chậu hoặc viêm cổ tử cung âm đạo.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm buồng trứng
Đau do co thắt là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh viêm buồng trứng. Cơn đau có thể thường xuyên xuất hiện ở vùng bụng dưới với mức độ từ nhẹ đến nặng. Đôi khi mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể tăng cao hoặc đau rõ ràng hơn khi tham gia vào các hoạt động tình dục. Cơn đau có thể liên quan đến một số tình trạng nghiêm trọng sau:
- Chảy máu
- Tiết dịch có mùi
- Đau khi đi tiểu
- Dịch tiết âm đạo màu xanh hoặc màu vàng
- Kinh nguyệt kéo dài.
Bên cạnh đó một số triệu chứng toàn thân cũng có thể xuất hiện, cụ thể:
- Choáng váng
- Hoa mắt
- Cơ thể mệt mỏi
- Buồn nôn và nôn ói
- Sốt…
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm buồng trứng dựa trên từng thể bệnh
Bệnh viêm buồng trứng được chia thành 2 loại. Bao gồm viêm buồng trứng cấp tính và viêm buồng trứng mãn tính. Thông thường bệnh nhân sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết khác nhau đối với từng loại viêm.
Dấu hiệu nhận biết viêm buồng trứng cấp tính
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh
- Đau khu vực hạ vị
- Sốt nhẹ, nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường
- Có thể cảm thấy đau hai bên sườn và đau ngực phải ở những bệnh nhân bị bệnh gan, thận
- Có cảm giác sưng nóng ở hậu môn
- Đau nhiều khi đi đại tiện
- Ẩm ướt hậu môn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm buồng trứng mãn tính
- Đau ở vùng hạ vị khi làm việc quá sức hoặc làm việc nặng mức độ nghiêm trọng của cơn đau sẽ ngày càng tăng cao
- Kinh nguyệt ra nhiều, rong kinh
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có mùi hôi và chuyển sang màu vàng hoặc màu xanh
- Cơ thể mệt mỏi
- Căng trướng, đau bụng dưới
- Sốt cao có thể kèm theo co giật
- Giảm cân
- Có cảm giác chán ăn…
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm buồng trứng
Bệnh viêm buồng trứng được đánh giá là bệnh phụ khoa nguy hiểm. Do đó nếu có nghi ngờ mắc bệnh viêm buồng trứng hoặc có sự hiện diện của những triệu chứng bất thường, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên ngành phụ khoa để được thăm khám càng sớm càng tốt. Điều quan trọng nhất trong quá trình khắc phục nhiễm trùng buồng trứng là bắt đầu điều trị sớm và điều trị triệt để.
Việc điều trị không đầy đủ hoặc điều trị chậm trễ sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng niệu đạo gây ra nhiều vấn đề hay biến chứng nguy hiểm. Từ đó làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và sức khỏe tổng thể. Cụ thể như:
- U nang buồng trứng
- Dây dính sau viêm
- Áp xe buồng trứng
- Xoắn buồng trứng do vặn xoắn
- Vô sinh một phần hoặc toàn phần hay mang thai ngoài tử cung khi ống dẫn trứng bị tắc.
Bệnh viêm buồng trứng được chẩn đoán như thế nào?
Sớm chẩn đoán và chữa bệnh viêm buồng trứng ngay lập tức là điều vô cùng quan trọng có thể giúp giảm tối thiểu nguy cơ tiến triển bệnh và phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thông thường để chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng buồng trứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu nữ giới nằm trên bàn khám, đồng thời thực hiện tư thế phụ khoa. Sau đó bác sĩ sẽ đặt mỏ vịt vào âm đạo để kiểm tra phần phụ.
Bên cạnh đó, nếu những dấu hiệu trên lâm sàng chưa rõ ràng, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện thêm kỹ thuật siêu âm và xét nghiệm máu. Ngày nay công cụ siêu âm phần phụ được sử dụng khá phổ biến, dễ thực hiện và rất đơn giản. Kỹ thuật này được thực hiện với mục đích phát hiện những bất thường và những biến chứng đi kèm xảy ra trên buồng trứng.
Ngoài ra người bệnh cần lấy bệnh phẩm và gửi đến phòng thí nghiệm để được kiểm tra, xác định chính xác tác nhân gây viêm nhiễm. Đồng thời xác định độ nhạy của mầm bệnh vi khuẩn khi tiếp xúc với những loại kháng sinh. Từ đó giúp lựa chọn thuốc và phương pháp điều trị thích hợp, đạt hiệu quả cao trong quá trình diệt trùng.
Phương pháp điều trị bệnh viêm buồng trứng
Bệnh viêm buồng trứng được điều trị bằng hai phương pháp dựa trên mức đ
ộ nghiêm trọng, tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh.
1. Điều trị nhiễm trùng buồng trứng bằng phương pháp nội khoa
Điều trị nhiễm trùng buồng trứng bằng phương pháp nội khoa sẽ được xem xét và áp dụng khi tình trạng viêm nhiễm đang ở giai đoạn cấp tính. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều được điều trị bằng thuốc kháng sinh do nguyên nhân gây viêm nhiễm chủ yếu là vi khuẩn là Neisseria và vi khuẩn Chlamydia trachomatis.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giúp người bệnh khắc phục tình trạng nhiễm trùng buồng trứng do vi khuẩn, kiểm soát các triệu chứng bên ngoài và ức chế sự phát triển của những tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó thuốc kháng sinh còn có tác dụng kìm hãm sự lây nhiễm từ buồng trứng đến những bộ phận lân cận.
2. Điều trị nhiễm trùng buồng trứng bằng phương pháp ngoại khoa
Đối với những bệnh nhân bị viêm buồng trứng kèm theo tình trạng dính ống dẫn trứng, dính buồng trứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện tiểu phẫu hoặc nội soi ổ bụng để giải quyết các vấn đề.
Đối với những bệnh nhân bị nhiễm trùng buồng trứng gây biến chứng áp xe ống dẫn trứng hoặc áp xe buồng trứng, bệnh nhân sẽ được khởi đầu điều trị với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên phương pháp tiểu phẫu sẽ được chỉ định khi việc sử dụng kháng sinh không có kết quả.
Biện pháp phòng ngừa viêm buồng trứng
Có nhiều biện pháp giúp phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm buồng trứng. Trong đó việc xây dựng và duy trì chế độ sinh hoạt khoa học là điều vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Cụ thể các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh viêm buồng trứng xuất hiện và tiến triển gồm:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tắm rửa mỗi ngày. Lưu ý sử dụng những sản phẩm vệ sinh vùng kín phù hợp, dịu nhẹ, có khả năng ổn định nồng độ pH trong âm đạo và phòng ngừa viêm.
- Để tránh việc mang thai ngoài ý muốn và làm giảm nguy cơ viêm nhiễm, nữ giới cần có phương pháp tránh thai an toàn.
- Quan hệ tình dục an toàn. Cụ thể nên quan hệ với duy nhất một bạn tình không bị nhiễm bệnh, sử dụng bao cao su để phòng ngừa tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, không quan hệ tình dục thô bạo, nên vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia và những chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao để có cơ thể khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng và khả năng chống bệnh tốt.
- Tránh gây rối loạn nội tiết tố và tăng nguy cơ viêm nhiễm bằng cách ngủ đủ giấc, ngủ sớm, kiểm soát căng thẳng, luôn suy nghĩ tích cực và luôn vui vẻ, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức.
- Khám phụ khoa định kỳ và điều trị các tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục nếu có. Cụ thể như viêm âm đạo, viêm âm hộ, viêm tử cung, bệnh lậu… Điều này giúp phòng ngừa viêm nhiễm lây lan đến ống dẫn trứng và buồng trứng.
- Tăng cường bổ sung vitamin C, vitamin A, axit béo omega-3, chất kháng viêm cùng nhiều khoáng chất khác có trong rau xanh, quả mọng, trái cây tươi, các loại cá béo, hàu, hạnh nhân, các loại hạt, các loại đậu… để nâng cao hoạt động của hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Viêm buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm, có khả năng làm giảm chức năng sinh sản và gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên việc điều trị đúng cách và điều trị sớm có thể làm giảm nguy cơ tiến triển của bệnh, giúp kiểm soát tốt triệu chứng và khắc phục bệnh lý. Chính vì thế, người bệnh nên tìm gặp và khám bệnh cùng bác sĩ chuyên khoa sản phụ nếu có nghi ngờ mắc bệnh viêm buồng trứng hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm: Dị ứng da mặt: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý