Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng đến da, tim, phổi, thận và các cơ quan nội tạng khác. Vì vậy bệnh không chỉ làm phát sinh các vết ban da mà còn gây đau khớp, mệt mỏi, suy thận, tiêu chảy, đau bụng,… Hiện tại, lupus ban đỏ chưa thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên nếu điều trị và chăm sóc đúng cách, bạn có thể cải thiện triệu chứng và dự phòng các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn của mô liên kết, ảnh hưởng đến da và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Tương tự các bệnh lý tự miễn khác, lupus ban đỏ tiến triển mãn tính và không thể điều trị dứt điểm.
Bệnh thường phát sinh triệu chứng cấp tính trong một thời gian ngắn xen kẽ với các giai đoạn ổn định (có triệu chứng nhẹ hoặc không phát sinh bất cứ triệu chứng nào). Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở người từ 15 – 50 tuổi.
Nếu không chữa trị lupus ban đỏ, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể tấn công vào các mô của cơ thể, gây viêm và hoại tử. Tuy nhiên nếu điều trị chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống vẫn có thể ngăn ngừa biến chứng và duy trì cuộc sống bình thường.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ hệ thống không chỉ gây tổn thương khu trú như vảy nến hay viêm khớp dạng thấp. Bệnh lý này có thể gây tổn thương toàn thân, tập trung nhiều nhất ở da, máu, tim, phổi, thận,…
1. Tổn thương da
Tổn thương da là triệu chứng phổ biến, gặp ở 70 – 80% trường hợp mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Một số dấu hiệu nhận biết tổn thương da do lupus ban đỏ hệ thống, bao gồm:
- Nổi ban da hoặc ban dát sẩn ở vùng mũi tạo thành hình cánh bướm. Ngoài ra, ban da cũng có thể xuất hiện ở thân, chân tay, ngực, mặt,…
- Ban da có màu đỏ, hồng, đỏ tím và bằng phẳng so với bề mặt da. Ban dát sẩn có dấu hiệu phù nề, hơi có vảy và không gây ngứa.
- Ngoài ra ở một số trường hợp, tổn thương da thường có dạng đĩa (được gọi là lupus ban đỏ dạng đĩa), xuất hiện chủ yếu ở tay, đầu và mặt. Ở vùng da tổn thương xuất hiện tình trạng teo da kèm với triệu chứng dày sừng nang lông.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện các sẩn xuất huyết, gây loét ở cẳng chân và tay.
- Vùng da đầu thường bị tổn thương, ngả màu râu ngô, tóc khô, xơ và có dấu hiệu rụng tóc lan tỏa.
- Hội chứng Raynaud xảy ra ở 20% trường hợp bệnh nhân. Hội chứng này bao gồm các triệu chứng như thiếu máu ở các đầu chi khiến cơ quan này lạnh, nhợt nhạt và mất cảm giác. Với những thể bệnh đã tiến triển, vùng da ở các đầu chi có thể xuất hiện sẹo trắng, nốt phỏng nước, các vết loét có kích thước nhỏ và có dấu hiệu xơ cứng ngón.
- Giãn mạch ở ngón tay đi kèm với tổn thương da dạng ban đỏ. Triệu chứng giãn mạch là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh mô liên kết, trong đó có lupus ban đỏ.
- Niêm mạc lợi và miệng đỏ, tróc vảy và chợt loét như bị viêm miệng áp tơ.
Tổn thương da do lupus ban đỏ hệ thống có biểu hiện rất đa dạng. Trong đó ban da dạng đĩa là dấu hiệu thường gặp nhất.
2. Tổn thương toàn thân
Lupus ban đỏ là một bệnh hệ thống, vì vậy ngoài ảnh hưởng đến mô da bệnh còn gây ra một số triệu chứng toàn thân như:
- Mệt mỏi (xảy ra ở 98% trường hợp bệnh nhân)
- Sụt cân nhanh chóng (5 – 10kg)
- Người khó chịu, bứt rứt
- Sốt từ 38 – 40 độ C và có dấu hiệu kéo dài (triệu chứng này xảy ra ở 96 – 100% trường hợp mắc bệnh)
- Rụng tóc không sẹo và thành sẹo. Trong đó rụng tóc không sẹo là dạng rụng tóc lan tỏa do ảnh hưởng của bệnh đến toàn bộ mạch máu ở vùng da đầu. Còn rụng tóc thành sẹo là dạng tóc rụng khu trú ở những tổn thương da có dạng đĩa.
3. Tổn thương lên các cơ quan khác
Ngoài ra, lupus ban đỏ còn có thể gây ra triệu chứng lâm sàng ở hệ xương khớp, phổi, thận, tim mạch và thần kinh. Các triệu chứng bạn có thể gặp phải, bao gồm:
- Tổn thương thận (31-55% trường hợp mắc bệnh): Lupus ban đỏ có thể tấn công thận và gây ra hội chứng thận hư, suy giảm chức năng thận, nước tiểu chứa hồng cầu, protein niệu,…
- Tổn thương thần kinh: Lupus ban đỏ có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên và hệ thần kinh trung ương. Trong đó triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu, sa sút trí tuệ, động kinh, bệnh đa dây thần kinh, loạn tâm thần, tăng áp suất nội sọ,…
- Đau khớp (15 – 90%): Viêm khớp là dạng tổn thương phổ biến chỉ sau tổn thương da. Một số trường hợp đau khớp nhưng không hề có hiện tượng viêm. Tuy nhiên tổn thương khớp do lupus ban đỏ chỉ gây ra triệu chứng lâm sàng và hiếm khi gây hư hại sụn khớp nghiêm trọng.
- Tổn thương phổi (20 – 40%): Tổn thương phổi thường gặp nhất là viêm phổi lupus và tràn dịch màng phổi.
- Tổn thương tim mạch: Lupus ban đỏ có thể tấn công vào các phần của tim như màng ngoài tim, màng trong tim, cơ tim,… Trong đó phổ biến nhất là viêm màng ngoài tim, xảy ra ở 20 – 30% bệnh nhân.
- Ảnh hưởng đến hệ tiểu hóa: Ngoài ra bệnh có thể gây rối loạn hoạt động của cơ quan tiêu hóa và gây ra một số triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng,…
- Gan và lá lách: 20% trường hợp bị lá lách to, 30 – 35% trường hợp gặp phải tình trạng gan to.
- Tổn thương mắt: Bao gồm xuất huyết dưới kết mạch viêm màng mạch nho, phù quanh ổ mắt, viêm kết mạc,…
Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Hiện tại căn nguyên gây ra bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các chuyên gia đều nhận định bệnh lý này có liên quan đến khuyết tật di truyền, bao gồm thiếu hụt C2, C9 và biến đổi một số nhiễm sắc thể khác.
Khuyết tật di truyền cộng với các tác động ngoại lai như ánh nắng, stress, suy giảm nội tiết, chế độ dinh dưỡng, nhiễm hóa chất độc hại hoặc do sử dụng thuốc (lupus ban đỏ do thuốc) có thể gây rối loạn miễn dịch.
Từ đó làm gia tăng hoạt động của tế bào LB khiến số lượng kháng thể tăng lên đáng kể. Kháng thể có thể tấn công trực tiếp vào da hoặc tạo sợi keo, tấn công vào thành mạch gây ra tổn thương ở phủ tạng. Ngoài ra, nội tiết tố nữ và virus cũng có thể là yếu tố kích thích bệnh lupus ban đỏ bùng phát.
Hình ảnh nhận biết bệnh lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm không?
Lupus ban đỏ dạng đĩa là thể bệnh có mức độ nhẹ và ít gây ra biến chứng. Bệnh hầu như chỉ gây tổn thương ở bên ngoài da và hiếm khi ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên lupus ban đỏ hệ thống có thể tiến triển dần theo thời gian và gây ra các biến chứng nặng nề như suy thận, viêm thận, viêm màng phổi, tổn thương hệ thần kinh trung ương, viêm màng ngoài tim,… và rất dễ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra bệnh lupus ban đỏ có thể bùng phát mạnh trong giai đoạn thai kỳ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và tăng nguy cơ sảy thai.
Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu dựa vào tổn thương lâm sàng ở da, khớp và niêm mạc miệng. Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-Quang ngực và kiểm tra nước tiểu để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Các thủ thuật được thực hiện trong chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Nhằm xác định ban vùng da, ban dạng đĩa, loét miệng, viêm ở khớp, mẫn cảm với ánh sáng, tóc rụng lan tỏa,…
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể nhận thấy các dấu hiệu bất thường như giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tan huyết có tăng hồng cầu lưới,…
- Phân tích nước tiểu: Nhằm xác định protein niệu, chức năng của thận và một số yếu tố khác.
- X-Quang ngực: Hình ảnh từ xét nghiệm X-Quang có thể giúp bác sĩ nhận thấy tổn thương ở tim và phổi.
Ngoài ra bác sĩ có thể tiến hành chẩn đoán phân biệt với viêm da cơ và viêm da mẫn cảm ánh sáng.
Điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Nếu không tiến hành điều trị, bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể tiến triển nhanh chóng và gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Do đó ngay sau khi kết thúc chẩn đoán, bạn cần tiến hành điều trị theo yêu cầu của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
1. Sử dụng thuốc
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tùy vào triệu chứng lâm sàng ở từng trường hợp. Các loại thuốc có thể được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Lupus ban đỏ có thể gây ra các cơn đau mãn tính, vì vậy bác sĩ có thể kê toa các NSAID như Ibuprofen, Aspirin,… để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên bệnh lý này có thể gây tổn thương thận và tim nên các NSAID mạnh như Diclofenac và Indomethacin có thể chống chỉ định với bệnh nhân lupus ban đỏ.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Trong trường hợp cơn đau có mức độ từ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giảm đau gây nghiện như Hydrocdone, Methadone, Oxycodone,…
- Corticosteroid: Là thuốc điều trị chính đối với các bệnh lý tự miễn nói chung và lupus ban đỏ hệ thống nói riêng. Corticosteroid gây ức chế miễn dịch và ngăn chặn các đợt bùng phát của bệnh. Tuy nhiên loại thuốc này chỉ được sử dụng với liều 60mg/ ngày và cần giảm liều từ từ để tránh các tác dụng phụ như loãng xương, hội chứng Cush
ing, tiểu đường, thèm ăn,… - Methotrexate: Cũng là thuốc ức chế miễn dịch tương tự corticosteroid. Tuy nhiên với những trường hợp bị suy thận nặng, Methotrexate thường không được chỉ định.
- Thuốc chống sốt rét: Hydroxychloroquine có tác dụng giảm các triệu chứng về da, khớp và toàn thân cho bệnh nhân lupus ban đỏ.
- Thuốc ức chế miễn dịch dùng đồng thời với corticosteroid: Cyclophosphamide và Azethioprine là thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng đồng thời với corticosteroid. Nhóm thuốc này thường được chỉ định khi bệnh đã gây ra các biến chứng lên thận như viêm cầu thận lupus.
- Thuốc bôi chứa corticosteroid: Có tác dụng giảm viêm da do bệnh lupus ban đỏ gây ra. Thuốc bôi corticosteroid có thể đi vào tuần hoàn máu vì vậy cần cân chỉnh nếu sử dụng đồng thời với corticosteroid đường uống.
2. Ghép thận
Với những trường hợp lupus ban đỏ gây hư thận vĩnh viễn (viêm cầu thận lupus), bác sĩ có thể đề nghị ghép thận. Phương pháp này có thể khắc phục biến chứng của bệnh nhưng có đến 30% các trường hợp tái phát bệnh trở lại.
3. Các biện pháp chăm sóc
Lupus ban đỏ là bệnh hệ thống và kéo dài suốt cuộc đời. Vì vậy ngoài các biện pháp điều trị, bạn cần chăm sóc và xây dựng lối sống khoa học để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của bệnh và ngăn ngừa tái phát.
Biện pháp chăm sóc dành cho bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức và căng thẳng.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng từ 10 – 15 giờ hằng ngày. Nếu phải hoạt động dưới trời nắng, nên sử dụng kem chống chống nắng và dùng ô dù, nón rộng vành,… để bảo vệ da.
- Bệnh nhân bị lupus ban đỏ không nên có thai. Nếu có ý định sinh con, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thực hiện các biện pháp dự phòng cần thiết.
- Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được chỉ định các loại thuốc phù hợp. Bởi một số thuốc điều trị có thể kích thích kháng thể và khiến bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất như thủy ngân, silica,… Đồng thời nên giữ khoảng cách với người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân lupus ban đỏ
Chế độ ăn là yếu tố ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh lupus ban đỏ hệ thống – đặc biệt là với những trường hợp đã có biến chứng lên thận. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giảm áp lực lên cơ quan bài tiết, tăng cường sức khỏe và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân lupus ban đỏ, bao gồm:
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều muối, chất béo, gia vị cay nóng và chất bảo quản.
- Nên bổ sung thực phẩm tươi và giàu dinh dưỡng.
- Giảm lượng protein từ động vật, thay vào đó nên thay thế bằng protein thực vật từ các loại đậu, hạt và nấm.
- Thường xuyên bổ sung nước, trái cây, củ và rau xanh.
- Để giảm nguy cơ tăng huyết áp và mắc các bệnh về tim, bạn nên tập trung vào nhóm thực phẩm chứa hàm lượng kali dồi dào như khoai tây, lúa mì, chuối,…
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng và dễ dẫn đến những biến chứng nặng nề. Vì vậy nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên thăm khám trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Bạch cầu cấp