Cắt mí, nhấn mí là các thủ thuật thẩm mỹ mắt phổ biến hiện nay. Các phương pháp này có thể khắc phục được một số khuyết điểm như mắt nhỏ, mắt 1 mí, mí mắt sụp, chùng nhão, mí mắt không đều, bọng mắt lớn,… Để hiểu rõ hơn về các kỹ thuật nhấn mí, cắt mí phổ biến, quy trình thực hiện,… bạn đọc có thể tham khảo thông tin tổng hợp trong bài viết sau.
Cắt mí, nhấn mí là gì? Khi nào nên thực hiện?
Cắt mí, nhấn mí là các phương pháp thẩm mỹ mắt phổ biến hiện nay. Các phương pháp này được thực hiện nhằm khắc phục một số khuyết điểm ở vùng mắt như mắt 1 mí, mí lót, mí mắt chùng, bọng mắt lớn, nhão do ảnh hưởng của tuổi tác.
Cắt mí (phẫu thuật chỉnh hình mắt) là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn có khả năng loại bỏ mô mỡ, da thừa, tạo hình mắt và tạo nếp mi mắt mới. Hiện nay, phương pháp này được đánh giá có khả năng cải thiện được hầu hết các khuyết điểm ở vùng mắt.
Phẫu thuật cắt mí mắt được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Mắt 1 mí, mí lót, sụp mí
- Mắt có nhiều nếp
- Mí trên chùng nhão, chảy xệ
- Bọng mắt dưới lớn, có nhiều nếp nhăn khiến đôi mắt trở nên lờ đờ, thiếu sức sống
- Mắt nhỏ, mắt xếch
Nhấn mí (bấm mí) là thủ thuật thẩm mỹ đơn giản được thực hiện bằng cách luồn chỉ vào da cùng với cơ nâng và sụn mi để tạo nếp mi mới. Phương pháp này chỉ giúp tạo mí mắt và hầu như không khắc phục được các khuyết điểm khác.
Nhấn mí có mức độ xâm lấn thấp nên chỉ được thực hiện với những trường hợp mắt có khuyết điểm không đáng kể như:
- Mắt 1 mí
- Mắt mí lót nhưng không có da chùng hoặc da chùng không đáng kể
- Mí mắt không đều nhau
Các phương pháp nhấn mí (bấm mí) phổ biến hiện nay
Nhấn mí là thủ thuật thẩm mỹ mắt không xâm lấn, không gây tổn thương mô và chảy máu. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách luồn chỉ qua da và cơ nâng hoặc sụn mi nhằm tạo nếp mí mắt mới. Bấm mí (nhấn mí) thích hợp với người trẻ (dưới 30 tuổi), mắt chưa có dấu hiệu lão hóa và chỉ có các khuyết điểm nhỏ như mắt 1 mí, mí mắt không đều và mí lót.
Một số kỹ thuật nhấn mí (bấm mí)được áp dụng phổ biến hiện nay:
1. Nhấn mí bằng kỹ thuật luồn chỉ đơn thuần
Luồn chỉ đơn thuần là kỹ thuật bấm mí được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng kim cùng với chỉ thẩm mỹ luồn qua các điểm nhấn đã được vẽ trực tiếp lên da. Chỉ được luồn qua da sẽ liên kết với cơ nâng nhằm tạo nếp gấp mí mới.
Ưu điểm:
- Mức độ xâm lấn tối thiểu nên ít đau, sưng viêm
- Thời gian phục hồi nhanh chóng
- Chi phí phù hợp
Hạn chế:
- Có nguy cơ tuột chỉ và mất nếp mí
- Chỉ tạo được nếp mí mới và không thể cải thiện các khuyết điểm khác
2. Nhấn mí luồn chỉ kết hợp rạch da
Nhấn mí luồn chỉ kết hợp rạch da được thực hiện bằng cách rạch từ 3 – 5 đường nhỏ ở mí trên, sau đó tiến hành loại bỏ một phần mỡ thừa. Cuối cùng, luồn chỉ sâu hơn vào sụn mi để tạo liên kết với vùng da ở mí trên và tạo nếp mi mới. Kỹ thuật này giúp loại bỏ mỡ tích tụ ở mắt và tác động sâu hơn nên kết quả có thể duy trì được từ 5 – 10 năm.
Ưu điểm:
- Có thể tạo nếp mi mới kết hợp với loại bỏ mỡ thừa ở mắt
- Kết quả có thể duy trì được từ 5 – 10 năm
Hạn chế:
- Thời gian phục hồi chậm hơn phương pháp luồn chỉ đơn thuần (khoảng 1 tuần)
- Mức độ xâm lấn nhiều hơn nên có thể gây đau nhẹ và sưng đỏ
3. Nhấn mí luồn chỉ đa điểm
Phương pháp này được thực hiện tương tự kỹ thuật luồn chỉ kết hợp rạch da. Tuy nhiên, trong kỹ thuật luồn chỉ đa điểm bác sĩ sẽ rạch và tạo ra từ 12 – 15 điểm thay vì từ 3 – 5 điểm nhằm tăng độ chắc chắn của chỉ nâng và giúp kết quả duy trì lâu hơn.
Ưu điểm:
- Có thể khắc phục được khuyết điểm da mắt chùng nhẹ và tạo được nếp mí mắt mới
- Kết quả duy trì lâu dài hơn so với các kỹ thuật nhấn mí khác
Hạn chế:
- Chi phí cao hơn các kỹ thuật bấm mí thông thường
- Thời gian thực hiện khá lâu và tốc độ phục hồi chậm
- Gây đau nhiều và sưng đỏ hơn so với luồn chỉ đơn thuần
Các phương pháp phẫu thuật cắt mí mắt phổ biến
Bên cạnh bấm mí, cắt mí mắt cũng là phương pháp thẩm mỹ được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, phương pháp này có mức độ xâm lấn cao hơn và kết quả có thể duy trì được trong thời gian dài hoặc vĩnh viễn nếu chăm sóc đúng cách.
Dưới đây là một số phương pháp cắt mí phổ biến hiện nay:
1. Cắt mí Plasma
Cắt mí Plasma thích hợp với nam giới và nữ giới có đôi mắt nhỏ, mí mắt không đều hoặc bị sụp. Phương pháp này ứng dụng công nghệ Plasma có khả năng đông mạch máu ngay khi tiếp xúc nhằm giảm thiểu mức độ xâm lấn, phòng ngừa chảy máu kéo dài, hỗ trợ giảm sưng đau và thúc đẩy tốc độ phục hồi của vết thương.
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành định hình nếp mí và chỉnh dáng mí sao cho phù hợp, hài hòa và cân đối với khuôn mặt. Sau đó, tạo đường cắt ngắn với kích thước nhỏ nhằm loại bỏ mỡ thừa, cắt phần da chùng não và chảy xệ. Tiếp tục khâu sát đường cắt nhằm tạo thành mí mắt mới giúp đôi mắt tự nhiên và to tròn hơn.
Quá trình thực hiện phương pháp này có sự hỗ trợ của tia Plasma nên hầu như ít gây đau, sưng đỏ và khó chịu. Sau khoảng 5 ngày, bạn cần đến bệnh viện để được cắt chỉ. Nếu chăm sóc tốt, vết thương có thể phục hồi hoàn toàn sau 7 – 10 ngày.
Ưu điểm:
- Cải thiện được hầu hết các khuyết điểm ở mắt
- Đem lại kết quả lâu dài
- Thời gian thực hiện khá nhanh chóng (30 phút)
- Giảm thiểu được mức độ chảy máu, sưng viêm và tốc độ phục hồi nhanh
Hạn chế:
- Chi phí cao hơn các phương pháp cắt mí thông thường
2. Cắt mí mini
Cắt mí mini là tiểu phẫu tạo hình có quy trình thực hiện đơn giản, độ an toàn cao và mức độ xâm lấn thấp. Công nghệ này tạo mí mắt nhỏ nên cho vẻ đẹp tự nhiên và hài hòa hơn các phương pháp cắt mí khác.
Phương pháp cắt mí mini được thực hiện bằng cách rạch một đường ngắn trên mí và triệt tiêu các mô mỡ thừa, da chùng và chảy xệ. Tiếp đến, khâu đính da mí mắt cùng với cơ nâng mí nhằm tạo mí mắt mới. Tuy nhiên để mí mắt rõ nét hơn, bác sĩ sẽ kết hợp với thủ thuật bấm mí.
Ưu điểm:
- Tạo mí mắt tự nhiên và hài hòa
- Có thể áp dụng cho trường hợp không thể thực hiện các phương pháp cắt mí khác
- Mức độ xâm lấn thấp, thời gian phục hồi nhanh chóng
Hạn chế:
- Chỉ thích hợp với người trẻ và có ít khuyết điểm ở mắt
- Thời gian thực hiện khá lâu (khoảng 40 phút)
3. Cắt mí Hàn Quốc
Cắt mí Hàn Quốc là phương pháp phẫu thuật cắt mí mắt đầu tiên. Chính vì vậy, phương pháp này không có sự hỗ trợ của công nghệ Plasma. Cắt mí Hàn Quốc được thực hiện bằng cách rạch đường nhỏ ngay sát mí mắt, sử dụng dụng cụ tạo nếp gấp mới và khâu lại bằng chỉ sinh học.
Vì không ứng dụng công nghệ Plasma nên phương pháp này chỉ tác động đến vùng mí mắt bên ngoài, đường mổ ngắn, mảnh, thời gian thực hiện nhanh và ít xâm lấn. Do đó mặc dù là phương pháp đầu tiên nhưng hiện nay cắt mí Hàn Quốc vẫn được ưa chuộng và áp dụng phổ biến.
Ưu điểm:
- Có thể cải thiện được một số khuyết điểm ở vùng mắt như mắt nhỏ, mỡ thừa, mắt có mí lót, nhiều da chùng, mắt 1 mí, nếp mí không rõ ràng
- Thời gian thực hiện nhanh (15 – 30 phút)
- Mức độ xâm lấn thấp nên chỉ mất khoảng 7 – 10 ngày hồi phục
- Chi phí thấp hơn so với các phương pháp cắt mí khác
Hạn chế:
- Có thể gây chảy máu và sưng đỏ do không có sự hỗ trợ của công nghệ Plasma
Có thể thấy, nhấn mí và cắt mí mắt có nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp với khuyết điểm ở vùng mắt, sở thích, nhu cầu cá nhân và khả năng tài chính.
Quy trình phẫu thuật cắt mí và nhấn mí
Phẫu thuật cắt mí và nhấn mí mắt có quy trình đơn giản, mức độ xâm lấn thấp và thời gian thực hiện nhanh hơn so với các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn khác.
Quy trình phẫu thuật cắt mí – nhấn mí được thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Thăm khám và tư vấn
Trước khi thực hiện bấm mí và cắt mí mắt, bác sĩ thẩm mỹ sẽ thăm khám trực tiếp và tư vấn cho khách hàng dịch vụ phù hợp. Đối với trường hợp mắt có ít khuyết điểm, bác sĩ thường tư vấn bấm mí để giảm mức độ xâm lấn. Ngược lại, nếu mí mắt bị chùng, bọng mắt tích nhiều mỡ, mắt nhỏ,… bác sĩ có thể đề nghị cắt mí để giải quyết triệt để các khuyết điểm ở cơ quan này.
Bước 2: Kiểm tra sức khỏe
Trước khi can thiệp phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe để chắc chắn khách hàng có đủ sức khỏe để thực hiện. Nếu có vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, tiểu đường,…), bạn nên thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về rủi ro khi thực hiện.
Bước 3: Vẽ lằn mi
Sau đó, bác sĩ tiến hành đo độ rộng của mi mắt và vẽ lằn mi cân xứng với khuôn mặt và dáng mắt.
Bước 4: Gây tê
Để giảm tình trạng đau và khó chịu khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ.
Bước 5: Tiến hành nhấn mí và cắt mí mắt
Tiến hành bấm mí và cắt mí.
Bước 6: Bác sĩ dặn dò và tư vấn cách chăm sóc
Sau khi thực hiện cắt mí mắt và nhấn mí, bác sĩ sẽ tư vấn về một số lưu ý và cách chăm sóc tại nhà để vết thương nhanh lành và giúp mí mắt trở nên hài hòa, tự nhiên hơn. Nếu không có vấn đề phát sinh, bạn có thể trở về nhà trong ngày.
Chăm sóc sau khi thực hiện cắt mí, nhấn mí
Sau khi phẫu thuật nhấn mí và cắt mí, bạn cần chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Chăm sóc đúng cách giúp giảm sưng đỏ, đau nhức, hạn chế được viêm nhiễm và giúp vết thương nhanh phục hồi hơn.
Cách chăm sóc sau khi phẫu thuật nhấn mí và cắt mí:
- Trong 24 – 48 giờ đầu tiên, bạn có thể chườm túi đá hoặc khăn lạnh xung quanh mắt để giảm sưng đau và nóng rát. Nên chườm từ 10 – 15 phút/ lần và thực hiện 3 – 5 lần/ ngày. Ngoài tác dụng giảm đau, biện pháp này còn giúp cầm máu và hạn chế tình trạng chảy máu kéo dài. Tuy nhiên cần hạn chế để nước chảy vào mắt vì có thể gây viêm nhiễm.
- Trong 3 ngày đầu tiên, tuyệt đối không để mắt tiếp xúc với nước, sữa rửa mặt và các sản phẩm tẩy rửa. Thay vào đó, nên sử dụng tăm bông thấm dung dịch nước muối sinh lý và vệ sinh nhẹ nhàng lên vết mổ để làm dịu da, sát khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm. Nên vệ sinh vết thương 2 lần/ ngày trong ít nhất 7 – 10 ngày sau khi cắt mí, nhấn mí.
- Vào ngày thứ 3 – 5 trở đi, vùng mắt sẽ có hiện tượng bầm tím và sưng đỏ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường do cơ thể tập trung bạch cầu để bảo vệ vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng. Lúc này, bạn có thể chườm ấm hoặc lăn trứng gà để làm tan máu bầm và giảm sưng.
- Để vết thương nhanh lành, nên uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, sữa chua và trái cây – đặc biệt là các loại trái cây chứa nhiều vitamin C.
- Tránh dùng rượu bia, hút thuốc lá, cà phê, chất kích thích và kiêng cử tuyệt đối các loại thực phẩm có khả năng gây sẹo lồi như thịt bò, nếp, hải sản, rau muống,…
- Sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong thời gian này, tuyệt đối không tự dùng bất cứ loại nào nếu chưa tham vấn y khoa. Một số loại thuốc thông dụng như Aspirin có thể gây chống ngưng tập tiểu cầu dẫn đến chảy máu kéo dài và làm vết thương chậm lành.
- Nếu có thể, bạn nên ở nhà và hạn chế ngoài trời trong ít nhất 3 ngày. Tia UV cùng với bụi bẩn và không khí ô nhiễm có thể khiến vết thương sưng đỏ, chậm lành và viêm nhiễm.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Ngoài ra để mí mắt mới hiện rõ, đẹp, tự nhiên và duy trì được trong thời gian dài, bạn nên chú ý một số vấn đề sau:
- Không nên trang điểm và tác động lên mắt trong ít nhất 14 – 21 ngày
- Tránh dụi mắt trong khoảng 30 ngày sau khi cắt mí và nhấn mí. Thói quen này có thể khiến mí mắt bị lệch, mí không đều hoặc thậm chí bị tuột chỉ.
- Để mí mắt giữ được lâu, cần hạn chế thức khuya và tránh các hoạt động khiến mắt phải điều tiết nhiều. Ngoài ra, cần tẩy trang và làm sạch mắt hoàn toàn trước khi ngủ. Cặn trang điểm cùng với bụi bẩn có thể da mắt nhanh lão hóa, chùng nhão và làm mất nếp mí.
Biến chứng có thể gặp khi cắt mí, nhấn mí
Hầu hết các phương pháp thẩm mỹ đều tiềm ẩn rủi ro và biến chứng – đặc biệt là các thủ thuật xâm lấn. Thực tế, nhấn mí và phẫu thuật cắt mí có mức độ xâm lấn thấp và thời gian thực hiện nhanh chóng hơn so với các thủ thuật chỉnh hình mũi, má, cằm, thái dương và xương hàm.
Tuy nhiên, nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng hoặc chăm sóc không đúng cách, bạn có thể gặp phải một số biến chứng sau:
- Mắt sưng đau kéo dài: Thông thường, vết mổ do cắt mí có thể phục hồi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị sưng đau mắt kéo dài hơn 15 ngày. Biến chứng này xảy ra do tay nghề bác sĩ yếu kém dẫn đến thực hiện vết mổ sai kỹ thuật, vết mổ quá sâu và gây tổn thương cấu trúc da.
- Mí mắt to, không tự nhiên: Mí mắt sau khi tạo hình phải có kích thước phù hợp với đôi mắt nhằm tạo vẻ đẹp tự nhiên và hài hòa. Tuy nhiên, thực hiện cắt mí tại các cơ sở thẩm mỹ nhỏ lẻ có thể gây ra biến chứng mí mắt to, mắt trợn và không thể khép kín khi ngủ.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là biến chứng thường gặp của các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn. Biến chứng này có thể do cơ sở thẩm mỹ không vô trùng dụng cụ kỹ lưỡng hoặc cũng có thể do khách hàng chăm sóc kém và không dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định.
- Một số biến chứng khác: Ngoài ra, nhấn mí và cắt mí có thể gây ra một số biến chứng khác như mắt lờ đờ, đôi mắt thiếu tự nhiên, mí mắt xuất hiện sẹo lồi, tổn thương dây thần kinh ở mắt, ảnh hưởng đến thị lực (hiếm gặp),…
Một số lưu ý khi phẫu thuật cắt mí mắt và nhấn mí
Cắt mí và nhấn mí là phương pháp thẩm mỹ được ưa chuộng và phổ biến hiện nay. Chỉ sau khoảng 30 – 50 phút, bạn có thể khắc phục được các khuyết điểm và sở hữu ngay đôi mắt to tròn, rạng rỡ và thu hút.
Tuy nhiên trước khi thực hiện các phương pháp này, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cần lựa chọn bệnh viện/ trung tâm thẩm mỹ an toàn và uy tín. Phẫu thuật cắt mí mắt và nhấn mí tại các cơ sở không có đủ trình độ chuyên môn và máy móc hỗ trợ có thể không đem lại kết quả như mong muốn.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sau khi phẫu thuật. Chăm sóc không đúng cách là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hỏng mí, tăng nguy cơ nhiễm trùng và hình thành sẹo.
- Người mắc bệnh nội khoa và đang sử dụng thuốc nên thông báo với bác sĩ thẩm mỹ tình trạng sức khỏe và lịch sử dùng thuốc. Thực tế, có nhiều trường hợp gặp phải biến chứng do chủ quan và thiếu trung thực khi trả lời các câu hỏi từ bác sĩ.
- Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu đối với phái nữ. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi thực hiện để giảm thiểu rủi ro và những tác dụng không mong muốn.
- Ngay cả khi mắt đã phục hồi hoàn toàn, bạn vẫn cần tái khám theo lịch hẹn để được bác sĩ kiểm tra.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin liên quan đến phương pháp phẫu thuật cắt mí mắt và nhấn mí. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc có thể lựa chọn được phương pháp thẩm mỹ phù hợp với khuyết điểm ở mắt, nhu cầu và sở thích cá nhân.