Đau rát cổ họng là triệu chứng khó tránh khỏi khi bạn bị nhiễm virus, vi khuẩn. Đôi khi hiện tượng này còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm amidan, viêm thanh quản hoặc thậm chí là ung thư. Ngoài việc dùng thuốc điều trị, bạn có thể áp dụng những cách chữa đau rát cổ họng tại nhà dưới đây.
Dấu hiệu đau rát cổ họng
Tình trạng đau rát cổ họng khiến bạn hết sức khó chịu, mệt mỏi. Cơn đau thường có khuynh hướng tăng nặng hơn khi nói hoặc nuốt thức ăn. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể bắt gặp thêm các triệu chứng khác như:
- Khó nuốt, nuốt vướng
- Nóng trong cổ họng
- Hạch ở cổ và hàm bị sưng, nổi rõ và có thể đau nhức
- Niêm mạc họng đỏ, phù nề
- Amidan sưng đỏ che lấp một phần không gian cửa họng. Có thể xuất hiện mủ và mảng trắng
- Khàn giọng, mất giọng
- Sốt
- Ho khan hoặc ho có đàm
- Hắt xì, chảy nước mũi
- Ợ chua, ợ nóng
- Đau đầu, nhức mỏi toàn thân
- Buồn nôn hoặc nôn ói
Nguyên nhân gây đau rát cổ họng
Hiện tượng đau rát cổ họng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
– Nhiễm virus:
Phổ biến nhất là virus gây cảm lạnh, cảm cúm. Chúng được cho là thủ phạm gây bệnh ở khoảng 90% người bị đau rát cổ họng. Ngoài ra một số loại virus sau cũng có thể gây ra hiện tượng này, chẳng hạn ngư:
- Bạch cầu đơn nhân: Loại virus này có khả năng lây truyền trực tiếp thông qua nước bọt. Chính vì vậy một số người còn gọi đây là “bệnh hôn”.
- Sởi: Virus gây bệnh sởi thường gây sốt kéo dài, nổi phát ban ngoài da và có thể gây viêm họng, đau rát cổ họng.
- Thủy đậu: Virus ảnh hưởng trực tiếp đến da và niêm mạc. Chúng thường ủ bệnh trong khoảng thời gian từ 7 – 21 ngày, sau đó gây ra các triệu chứng như sốt, đau họng, ho nhẹ, nổi mụn nước phồng rộp trên da
- Quai bị: Một tình trạng nhiễm trùng khiến cho các tuyến nước bọt ở cổ bị sưng. Người bị nhiễm virus có thể bị đau cổ họng kèm theo tình trạng sốt, buồn nôn, đau đầu…
– Đau rát cổ họng do vi khuẩn:
Các loại vi khuẩn có thể gây đau rát cổ họng gồm có liên cầu khuẩn, vi khuẩn Streptococcus nhóm A hay vi khuẩn gây bệnh lậu, chlamydia. Trong đó khoảng 40% trường hợp bị bệnh có liên quan đến liên cầu khuẩn.
– Dị ứng với thời tiết và các yếu tố dị nguyên trong môi trường
Tình trạng dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với sự thay đổi của thời tiết hay các yếu tố dị nguyên như thực phẩm, phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, lông thú cưng. Tứ đó giải phóng các chất trung gian hóa học gây ra phản ứng viêm ở đường thở hay ngoài da.
Bạn có thể nhận biết mình có bị dị ứng hay không thông qua các dấu hiệu như: sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi từng tràng, ngứa mũi, ngứa và đỏ mắt, ngứa họng. Nước mũi có thể chảy ngược về phía sau cổ họng gây kích ứng niêm mạc và dẫn đến cảm giác đau rát, khó chịu trong họng.
– Thời tiết khô hanh cũng gây đau rát cổ họng
Thời tiết khô hanh khiến không khí mất đi độ ẩm cần thiết. Chính vì vậy, khi đi qua mũi, miệng hay cổ họng, không khí có thể hút hơi ẩm
từ các bộ phận này khiến niêm mạc trở nên khô, nhạy cảm, dễ bị kích ứng trầy xước. Đau rát cổ họng là một hậu quả tất yếu.
– Tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất
Khói thuốc lá, bụi bẩn, các loại hóa chất, chất tẩy rửa… khi tiếp xúc với niêm mạc họng đều có thể gây kích ứng, đau, rát cổ hông.
– Ăn đồ thô cứng
Các thức ăn thô cứng như bánh mì nướng, ngũ cốc nguyên hạt,… khi được nuốt vào trong cổ họng có thể gây trầy xước, tổn thương niêm mạc họng. Tình trạng nhiễm trùng, đau rát cổ họng cũng xuất phát từ đây.
– Nói to, nói nhiều:
Những người làm việc có tính chất phải nói to, nói nhiều như giáo viên, nhà diễn thuyết, bác sĩ, ca sĩ… thường xuyên gặp phải nhiều vấn đề đường hô hấp dưới, bao gồm cả tình trạng đau cổ họng.
– Đau rát họng do ảnh hưởng của bệnh tật:
Hiện đau rát cổ họng được xem là triệu chứng của các bệnh lý sau:
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Khi bị bệnh, axit từ dạ dày bị trào ngược lên trên thực quản và gây kích ứng niêm mạc họng. Bạn có thể gặp các triệu chứng như đau họng, rát họng ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, khó thở.
- Viêm họng: Bệnh viêm họng có nhiều loại như viêm họng đỏ, viêm họng giả mạc, viêm họng hạt… Căn bệnh này xảy ra do bị nhiễm virus, vi khuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân gây đau rát cổ họng phổ biến nhất.
- Viêm amidan: Người bị bệnh thường có dấu hiệu sưng amidan, đỏ họng, đau rát họng, nuốt vướng, sốt cao, hôi miệng…
- Viêm thanh quản: Bệnh xảy ra khi bị nhiễm lạnh, nhiễm trùng. Nó khiến dây thanh âm bị sưng, đau, khan tiếng, mất giọng.
- Ung thư: Đôi khi đau họng có thể là một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của một khối u ác tính trong cổ họng. Bạn nên thận trọng khi bị đau rát kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường khác như ho nhiều, ho ra máu, sụt cân nhanh, nuốt vướng.
Cách trị đau rát cổ họng tại nhà
Cơn đau rát cổ họng kéo dài có thể khiến bạn khó chịu, mất ăn, mất ngủ. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể thử nghiệm một số mẹo chữa bệnh tại nhà dưới đây:
1. Uống nước chanh mật ong chữa đau rát cổ họng
Thành phần axit trong chanh kết hợp cùng các dưỡng chất quý trong mật ong có thể giúp sát khuẩn và xoa dịu cổ họng, giảm ho, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Bạn hãy lấy 2 thìa mật ong pha chung với nước cốt 1/2 trái chanh và 300ml nước nóng. Quậy đều lên và uống hỗn hợp này khi còn ấm. Nhấp từ từ từng ngụm nhỏ để các chất thấm vào trong niêm mạc họng, tình trạng đau rát sẽ được cải thiện đáng kể.
>> Tham khảo thêm: 5 cách chữa viêm họng bằng mật ong giúp giảm đau nhanh chóng
2. Súc họng bằng nước muối
Nước muối hoạt động như một loại thuốc kháng viêm, chống khuẩn. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm hiện tượng sưng viêm ở niêm mạc họng và amidan. Điều này có thể giúp cơn đau rát cổ họng thuyên giảm.
Cách thực hiện:
- Trước tiên bạn có thể pha nước muối theo công thức 9g muối + 1 lít nước. Nước muối sau khi pha xon bạn nên bảo quản trong chai có nắp đậy kín, để nơi thoáng mát và dùng trong vòng 15 ngày. Có thể mua sẵn chai nước muối sinh lý ngoài tiệm về dùng.
- Mỗi khi súc miệng, bạn ngậm một ngụm nước muối trong miệng, sau đó ngửa cổ ra sau hết cỡ, để nước muối chạm vào thành sau cổ họng và dùng hơi khò để đẩy nước muối lên xuống.
- Sau khoảng 1 phút, thay nước muối mới và tiếp tục khò thêm 3 – 4 lần nữa để làm giảm cảm giác đau rát, vướng víu trong cổ họng.
- Mỗi ngày thực hiện 3 lần vào buổi sáng, trưa, tối.
3. Trị đau rát cổ họng bằng lá bạc hà
Nhai 2 -3 lá bạc hà rồi nuốt nước từ từ. Nhờ chứa hoạt chất methol, lá bạc hà có tác dụng sát khuẩn, gây tê nhẹ ở cộng họng, giảm nhanh cảm giác đau rát.
Lặp lại cách này vài lần trong ngày mỗi khi bạn cảm thấy cổ họng đau rát khó chịu.
4. Giảm đau rát cổ họng nhờ lá húng chanh
Đây cũng là một trong những cách trị đau rát cổ họng tại nhà đang được nhiều người thực hiện. Theo Đông y, thảo dược này có tác dụng lợi phế, tiêu đờm, giải độc, giải cảm. Một số nghiên cứu cũng cho thấy lá húng chanh có tác dụng kháng sinh mạnh nên được dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, viêm amidan… Một khi các căn bệnh này thuyên giảm thì tình trạng đau rát nơi cuống họng cũng dần biến mất.
Bạn có thể áp dụng một trong 4 cách sau:
- Cách 1: Chuẩn bị 3 lá húng chanh và 3 miếng rễ quảng đậu. Nhai kỹ cả 2 nguyên liệu, nuốt nước, nhổ bỏ bã. Mỗi ngày thực hiện 5 – 6 lần để bệnh nhanh khỏi.
- Cách 2: Dùng lá húng chanh hấp cách thủy với đường phèn
theo tỷ lệ 1:1. Chắt nước uống 3 lần mỗi ngày. - Cách 3: Kết hợp 8g húng chanh với 8g gừng tươi, 8g lá hẹ, 8g lá tía tô và 8g lá kinh giới. Tất cả đem sắc kỹ với 500ml nước uống vài lần trong ngày.
- Cách 4: Rửa sạch lá húng chanh, thêm chút muối vào nhai nuốt dần
5. Dùng lá rẻ quạt chữa đau rát cổ họng
Lá rẻ quạt có tác dụng tích cực trong việc giảm đau, giảm ho do viêm họng, viêm thanh quản. Cách sử dụng khá đơn giản như sau:
- Hái 1 lá rẻ quạt rửa sạch, gói thêm 2g muối vào trong.
- Sau đó nhai và nuốt nước cho đến khi nào cổ họng có cảm giác nóng thì nhả bã ra
- Áp dụng 2 lần trong ngày.
6. Trị đau rát cổ họng bằng trà thảo mộc
Một số loại trà thảo mộc chứa đặc tính kháng viêm, chống virus, giảm đau tự nhiên. Bạn có thể nhâm nhi 2 – 3 tách trà ấm mỗi ngày để làm dịu cơn đau trong cổ họng, giúp tổn thương nhanh lành hơn.
- Trà gừng mật ong: Lấy 1 nhánh gừng nhỏ cạo vỏ, cắt hạt lựu. Sau đó thả vào trong ấm pha trà, thêm nước sôi vào và đậy nắp lại. Chờ khoảng 15 phút sau thêm 2 thìa mật ong vào, quậy đều, rót ra uống dần.
- Trà cam thảo: Bạn có thể mua trà cam thảo dạng túi lọc về pha uống cho tiện hoặc lấy một ít rễ cam thảo đun sôi kỹ. Lọc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
- Trà quế: Cho một vài mẩu quế nhỏ vào trong ấm, chế nước sôi vào. Ủ trà ít nhất 15 phút có thể rót ra uống.
7. Bài thuốc dân gian chữa đau rát cổ họng từ tỏi
Hoạt chất kháng sinh allicin trong tỏi có tác dụng ức chế mạnh đối với vi khuẩn, virus gây bệnh. Ngoài việc nhai nuốt tỏi tươi, bạn có thể giã nát tỏi và chắt lấy nước cốt, sau đó pha chung với 2 thìa mật ong uống.
** Lưu ý: Mỗi ngày bạn chỉ nên dùng 1g tỏi ( tương đương 4 tép ). Ăn quá nhiều tỏi có thể gây táo bón, nóng trong, tổn thương gan, ợ nóng và nhiều tác dụng phụ khác.
Bị đau rát cổ họng khi nào nên dùng thuốc Tây để chữa trị?
Bạn nên đi khám bác sĩ để được dùng thuốc điều trị nếu:
+ Tình trạng đau rát cổ họng kéo dài ảnh hưởng đến việc ăn uống, ngủ nghỉ
+ Bạn đã áp dụng các mẹo tự nhiên nhưng không thấy tiến triển
+ Bị đau rát cổ họng không rõ nguyên nhân
+ Xuất hiện các dấu hiệu khác kèm theo nghi ngờ mắc các bệnh như viêm họng, viêm amidan, ung thư vòm họng…
Bên cạnh việc thăm khám, quan sát cổ họng bằng đèn, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm máu, kiểm tra mẫu bệnh phẩm lấy từ cổ họng hoặc nội soi họng. Tất cả được thực hiện nhằm mục đích xác định nguyên nhân và thủ phạm khiến bạn bị đau rát cổ họng.
Căn cứ vào kết quả nhận được, bạn có thể được chỉ định các loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin), Apirin…
- Thuốc điều trị tại chỗ giúp kháng viêm, sát trùng cổ họng dạng xịt, viêm ngậm hay siro
- Trường hợp bị đau rát cổ họng do trào ngược dạ dày thực quản: Dùng thuốc trung hòa axit dạ dày (Mylanta, Rolaids hay Maalox ), thuốc giảm sản xuất axit ( Cimetidine , Famotidine, Ranitidine ), thuốc ức chế bơm proton ( Ansoprazole, Omeprazole ).
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, liên cầu khuẩn trong thời gian từ 5 – 10 ngày tùy theo loại thuốc và khả năng đáp ứng của bạn.
Các loại thuốc chữa đau rát cổ họng kể trên đều ít nhiều có thể gây ra tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng không đúng liều lượng hoặc uống trong thời gian dài. Bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bạn có thể tham khảo thêm:
- Nuốt nước bọt đau họng bên trái, bên phải – Nguyên nhân và cách chữa
- Viêm họng liên cầu khuẩn – Cách nhận biết và điều trị dứt điểm