Điều trị nám da bằng lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này tạo các “tổn thương giả” nhằm kích thích phản ứng tái tạo, phục hồi để làm mờ đốm nâu, hỗ trợ se khít lỗ chân lông và cải thiện độ đàn hồi của da.
Điều trị nám da bằng lăn kim là phương pháp gì?
Nám da tình trạng tăng sinh sắc tố melanin lành tính khiến bề mặt da xuất hiện các mảng hoặc đốm có màu nâu nhạt đến nâu đậm. Vết nám thường xuất hiện ở những vùng da mỏng, nhạy cảm và có tần suất tiếp xúc với ánh nắng cao như gò má, mũi, trán, cằm, vai và mu bàn tay. Mặc dù không gây ngứa ngáy hay khó chịu như khi bị mụn trứng cá nhưng các mảng/ đốm nám ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ và ngoại hình.
Tuy nhiên, nám da và các vấn đề da liễu do tăng sinh sắc tố thường rất khó điều trị bằng các loại thuốc bôi hay thuốc uống. Chính vì vậy trong những năm gần đây, các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn được ứng dụng phổ biến vào quá trình điều trị nám da và tàn nhang – đặc biệt là lăn kim.
Lăn kim (phi kim vi điểm) là phương pháp sử dụng đầu lăn có 200 – 400 đầu kim siêu nhỏ lăn trực tiếp lên da để tạo ra “tổn thương giả”. Sau đó sử dụng tế bào gốc hoặc một số dưỡng chất thoa lên vùng da cần điều trị để kích thích da sản sinh collagen và elastin. Đồng thời đào thải tế bào melanin và làm mờ các đốm nâu do tàn nhang, sạm nám.
Trên thị trường có nhiều đầu lăn khác nhau (được phân loại theo kích thước). Đối với điều trị nám da và tàn nhang, bác sĩ thường sử dụng đầu lăn có kích thước 0.3 và 0.5 – 0.75.
Khi nào nên lăn kim trị nám da?
Hiện nay có khá nhiều phương pháp điều trị nám da, bao gồm sử dụng thuốc bôi, thuốc uống, laser, lăn kim, chemical peeling,… Trong đó, điều trị nám da bằng lăn kim được áp dụng trong những trường hợp sau:
- Nám chân sâu (nám có dạng đốm nâu đậm hoặc đen, chân nằm sâu bên trong cấu trúc da)
- Nám da không thuyên giảm sau khi áp dụng các phương pháp điều trị không xâm lấn như thuốc bôi, thuốc uống, chemical peeling,…
Ngoài nám da, lăn kim còn được ứng dụng để điều trị một số vấn đề da liễu như rạn da, lỗ chân lông, sẹo lõm do thủy đậu/ mụn trứng cá, nám da, tàn nhang, da nhăn nheo và lão hóa.
Chống chỉ định lăn kim trị nám da
Lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn. Do đó, phương pháp này không được thực hiện đối với một số trường hợp sau:
- Trường hợp dị ứng với các loại thuốc gây tê tại chỗ (Lidocain, Bezocain)
- Người đang bị chấn thương hoặc nhiễm trùng (Herpes simplex, Varicella zoster) tại vùng da cần điều trị
- Da mỏng, dễ kích ứng và vùng da cần điều trị có các vấn đề da liễu như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa,…
- Xuất huyết trên da mặt
- Người bị nám da cùng với mụn trứng cá, nốt ruồi, mụn cóc, sẹo lồi trên cùng một vùng da
- Người mắc các bệnh mãn tính có biểu hiện trên da như HIV/ AIDS, tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư da,…
- Người vừa mới thực hiện các thủ thuật/ phẫu thuật da liễu nhưng chưa hồi phục như cắt nốt ruồi, laser,…
- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
- Chống chỉ định tuyệt đối lăn kim trị nám da cho những người gặp phải các vấn đề sức khỏe như ức chế miễn dịch, mắc các bệnh mạch máu collagen, rối loạn đông máu, xơ cứng bì, vùng da cần điều trị bị sẹo dưới 6 tháng, bất thường về tim mạch, người can thiệp tiêm filler và botox trong vòng 6 tuần trở lại
- Da bị nhiễm corticoid (do da quá yếu, nổi nhiều gân xanh, giãn mao mạch và giảm khả năng đề kháng)
Quy trình điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim
Lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn. Do đó để đảm bảo an toàn, cần lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín và đáng tin cậy để thực hiện.
1. Chuẩn bị trước khi lăn kim
Lăn kim tạo ra các tổn thương giả nhằm kích thích phản ứng hồi phục và tái tạo của da. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả của phương pháp này, bạn cần lưu ý một số vấn đề trước khi thực hiện:
- Trong vài ngày trước khi lăn kim, nên tránh căng thẳng quá mức và cần ngủ đúng giờ, đủ giấc để da khỏe mạnh và giảm mức độ nhạy cảm
- Nên sắp xếp công việc trước khi lăn kim vì phương pháp này khiến da mỏng, nhạy cảm và dễ bắt nắng. Do đó, bạn nên nghỉ ngơi tại nhà trong ít nhất 1 – 2 ngày và hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời.
- Đặt lịch hẹn trước để bệnh viện/ trung tâm thẩm mỹ chuẩn bị kỹ lưỡng và phục vụ bạn chu đáo nhất. Theo các chuyên gia Da liễu, nên thực hiện lăn kim sau 16:00 để tránh tiếp xúc với ánh nắng và bụi bẩn.
- Trước khi thực hiện lăn kim khoảng 3 – 5 ngày, nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng một số loại thuốc hoặc trì hoãn thời gian thực hiện để đảm bảo an toàn
2. Thực hiện điều trị nám da bằng lăn kim
Điều trị nám da bằng lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn. Chính vì vậy trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đáng giá tình trạng nám để đề ra phương án xử lý phù hợp.
Quy trình điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim:
- Bước 1: Bác sĩ thăm khám, đánh giá tình trạng da và tư vấn về phương pháp lăn kim điều trị nám. Trong thời gian thăm khám, bạn nên đặt câu hỏi để được tư vấn cụ thể về cơ chế, tác dụng và chi phí thực hiện phương pháp này.
- Bước 2: Khách hàng nằm trên giường và sử dụng mũ để che kín tóc. Sau đó, bác sĩ tiến hành tẩy trang và dùng sữa rửa mặt để làm sạch da hoàn toàn. Một số cơ sở còn thực hiện tẩy da chết và xông hơi để đào thải các tế bào già cỗi và làm mềm da nhằm tăng hiệu quả điều trị nám.
- Bước 3: Dùng thuốc xịt hoặc kem gây tê lên vùng da cần điều trị.
- Bước 4: Sau khoảng 10 – 15 phút, lau sạch kem gây tê và sát trùng da trước khi thực hiện.
- Bước 5: Dùng đầu lăn có kích thước phù hợp lăn trực tiếp lên vùng da cần điều trị.
- Bước 6: Sử dụng sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc thoa trực tiếp lên da để tăng tốc độ tái tạo và phục hồi.
Sau khi lăn kim, khách hàng cần ở lại cơ sở làm đẹp trong khoảng 30 – 60 phút để bác sĩ theo dõi tình trạng xuất huyết, kích ứng và dị ứng. Nếu phát sinh các biểu hiện bất thường, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng da và áp dụng các phương pháp xử lý kịp thời.
3. Chăm sóc sau khi lăn kim
Để đảm bảo hiệu quả của phương pháp lăn kim điều trị nám da, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong 3 ngày đầu tiên, nên nghỉ ngơi tại nhà và hạn chế tối đa di chuyển, hoạt động ngoài trời (đặc biệt là vào ban ngày). Trong trường hợp phải ra ngoài, nên che chắn da bằng khẩu trang, nón và sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên (nên dùng kem chống nắng dành riêng cho làn da sau laser, lăn kim).
- Tránh tiếp xúc với các vật tỏa hơi nóng như đèn cao áp, bếp ga, bếp lửa,… Nhiệt độ cao có thể khiến da bị kích ứng, đỏ ửng và ngứa ngáy.
- Trong vòng 1 – 3 ngày đầu tiên, chỉ sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để làm sạch da. Sau đó, có thể dùng các loại sữa rửa mặt nhẹ dịu có độ pH cân bằng (5.5), không chứa xà phòng và hương liệu để làm sạch da nhẹ nhàng.
- Tuyệt đối không tự ý dùng mỹ phẩm (sản phẩm chăm sóc da, trang điểm….) trong thời gian sau khi lăn kim. Chỉ dùng các sản phẩm được bác sĩ chỉ định để kích thích tế bào da phục hồi và tái tạo nhanh chóng.
- Từ ngày thứ 4 trở đi, da bắt đầu có dấu hiệu đóng mài và ngứa ngáy nhẹ (do tế bào đang trong giai đoạn phục hồi, tái tạo). Vì vậy từ thời điểm này, bạn có thể sử dụng thêm xịt khoáng để dưỡng ẩm, làm dịu da và thúc đẩy tốc độ tái tạo của tế bào. Nên ưu tiên sử dụng các loại xịt khoáng chứa Kẽm để sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Để da nhanh hồi phục và tăng hiệu quả làm mờ thâm nám, tàn nhang, bạn cần tránh các thói quen xấu như thức khuya, căng thẳng,… Các thói quen này có thể khiến da đen sạm, chậm hồi phục và làm giảm hiệu quả của phương pháp lăn kim.
- Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, trái cây và sữa chua để tăng tốc độ phục hồi, giảm thâm nám và kích thích da tăng sinh collagen. Tránh sử dụng đồ uống chứa cồn, caffeine, thực phẩm chứa nhiều gia vị, dầu mỡ và các loại thực phẩm dễ gây sẹo, ngứa ngáy như thịt gà, rau muống, thịt bò, hải sản,…
Rủi ro khi điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim
Khác với sử dụng thuốc bôi và thuốc uống, lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn có gây tổn thương tế bào da. Chính vì vậy, phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ và rủi ro khi thực hiện như:
- Dị ứng, kích ứng
- Nhiễm trùng
- Lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm do đầu lăn không được vô trùng hoàn toàn
- Rách mô liên kết, tụ huyết dưới da, vỡ mạch máu do sử dụng đầu lăn kém chất lượng
- Hình thành sẹo do chế độ chăm sóc không đúng cách
Các rủi ro trên đều xảy ra do thực hiện lăn kim trị nám ở những cơ sở kém chất lượng. Do đó để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn trung tâm thẩm mỹ uy tín và đáng tin cậy để thực hiện phương pháp này. Đồng thời nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để được đảm bảo hiệu quả của phương pháp và hạn chế các tác dụng không mong muốn.
Lăn kim trị nám có giá bao nhiêu?
Lăn kim trị nám có giá bao nhiêu là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Thực tế, chi phí thực hiện phương pháp này khá đa dạng, phụ thuộc vào cơ sở thực hiện, liệu trình áp dụng, loại đầu lăn sử dụng, tình trạng nám của từng trường hợp và một số yếu tố khác.
Chi phí điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim (tham khảo):
- Bệnh viện da liễu 2 – 5.000.000 đồng/ lần thực hiện
- Các spa nhỏ có giá khoảng 2 – 3.000.000 đồng/ lần thực hiện
- Thẩm mỹ viện có giá khoảng 3 – 7.000.000 đồng/ lần thực hiện
Lăn kim là phương pháp thẩm mỹ xâm lấn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Do đó, bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện.
Trị nám da bằng lăn kim có hiệu quả không?
Trên thực tế, nám da là một trong những vấn đề da liễu rất khó điều trị. Thời gian điều trị tình trạng này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm và mức độ cải thiện cũng có sự khác biệt ở từng trường hợp. Theo các bác sĩ Da liễu, hiệu quả của phương pháp lăn kim trị nám còn phụ thuộc vào cơ địa và cách chăm sóc của từng người.
Nếu chăm sóc theo đúng hướng dẫn, các mảng/ đốm nâu có xu hướng mờ dần theo thời gian, da khỏe mạnh và mịn màng hơn. Tuy nhiên, lăn kim cũng có thể gây dị ứng, kích ứng và làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn. Để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Tránh tình trạng tự ý điều trị tại các spa và cơ sở thẩm mỹ không có đủ chuyên môn.
Ưu điểm – Hạn chế của phương pháp lăn kim trị nám da
Lăn kim điều trị nám là phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này có thể làm mờ các mảng/ đốm nâu, kích thích da tăng sinh collagen, elastin và cải thiện độ đàn hồi, giảm nếp nhăn. Tuy nhiên, lăn kim có thể gây nhiễm trùng, dị ứng, kích ứng, hình thành sẹo lõm và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các khách hàng.
Nếu đang băn khoăn trong việc có nên điều trị nám bằng lăn kim hay không, bạn có thể cân nhắc giữa ưu điểm và hạn chế của phương pháp này:
Ưu điểm:
- Hiệu quả điều trị nám rõ rệt và nhanh hơn so với sử dụng thuốc bôi/ thuốc uống
- Tác động toàn diện đến cấu trúc da, hỗ trợ da tăng sinh collagen, cải thiện độ đàn hồi và se kít lỗ chân lông
Hạn chế:
- Có thể gây ra một số tác dụng phụ và tình huống rủi ro khi thực hiện
- Không phù hợp với một số đối tượng
- Chi phí tương đối cao và phải chăm sóc kỹ
Điều trị nám da bằng phương pháp lăn kim có tác dụng làm mờ đốm nâu trên bề mặt, hỗ trợ se khít lỗ chân lông và cải thiện độ đàn hồi của da. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi thực hiện phương pháp này.
Xem thêm: Các cách chữa ung thư dạ dày an toàn, hiệu quả nhất