Hội chứng ống cổ tay điển hình với triệu chứng tê bì, đau nhức các ngón tay, bàn tay hay cổ tay có thể lan rộng lên phía cẳng và cánh tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Tình trạng này sẽ khiến nhiều vấn đề nghiêm trọng phát sinh, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống nếu không sớm điều trị đúng cách.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Dây thần kinh giữa chạt dọc theo chiều dài của cánh tay, đi qua ống cổ tay và kết thúc ở bàn tay. Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phát sinh khi dây thần kinh này bị chèn ép do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thống kê cho thấy rằng, hội chứng này có nguy cơ xuất hiện ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên nó phổ biến hơn ở những người đã bước qua độ tuổi 50.
1. Nguyên nhân
Dây thần kinh giữa thường rất nhạy cảm với áp lực, dễ bị chèn ép do nhiều nguyên nhân khác nhau cộng hưởng. Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển của hội chứng ống cổ tay:
- Chấn thương: Gãy cổ tay hay trật khớp có thể khiến xương nhỏ ở cổ tay bị biến dạng. Điều này khiến không gian trong ống cổ tay bị thay đổi và gây áp lực cho dây thần kinh giữa.
- Bệnh lý xương khớp: Điển hình nhất là bệnh viêm khớp dạng thấp. Tình trạng viêm không được kiểm soát từ đó sẽ tác động đến lớp lót xung quanh gân ở cổ tay. Từ đó khiến cho dây thần kinh giữa bị ảnh hưởng.
- Thay đổi nội tiết tố: Vấn đề này thường ảnh hưởng đến các mô liên kết và gây áp lực lên các dây thần kinh, trong đó có dây thần kinh giữa. Thường gặp ở phụ nữ thời kỳ mang thai hay giai đoạn mãn kinh.
- Cấu tạo cổ tay: Diện tích ống cổ tay nhỏ được xem là một trong những nguyên nhân khiến bệnh kích hoạt. Đây cũng chính là lý do mà bệnh có nguy cơ xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn.
- Tính chất công việc: Nếu phải hoạt động cổ tay quá nhiều khi làm việc và sinh hoạt thì sẽ dễ mắc bệnh hơn. Nhất là việc thực hiện lặp đi lặp lại cùng 1 động tác ở cổ tay. Điều này không chỉ khiến khớp bị mỏi mà còn chèn ép lên dây thần kinh giữa.
Ngoài ra, hội chứng này còn rất dễ khởi phát ở những nhóm đối tượng sau:
- Bệnh nhân tiểu đường
- Người bị béo phì
- Người bị suy thận
- Rối loạn tuyến giáp
2. Triệu chứng
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường có xu hướng xuất hiện từ từ. Khi tình trạng bệnh mới được kích hoạt, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua bởi dấu hiệu thường không rõ ràng.
Sau đây là một số triệu chứng điển hình:
- Tình trạng ngứa ran và tê bì xuất hiện đầu tiên ở bàn và ngón tay
- Thông thường, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa sẽ biểu hiện rõ ràng hơn
- Tiếp sau đó, cổ tay, cẳng tay và cánh tay cũng có thể bị ảnh hưởng
- Triệu chứng thường được kích hoạt mạnh hơn vào ban đêm khiến cho giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng
- Bạn có thể cảm thấy bàn tay của mình yếu đi, việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn
Tùy thuộc vào sự kích hoạt của bệnh mà triệu chứng có thể xuất hiện chỉ một hay cả hai bên tay. Bạn cần chú ý để sớm thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.
3. Tác động
Ở giai đoạn đầu, hội chứng ống cổ tay chỉ gây ra tình trạng tê bì nên nhiều người thường bỏ qua nó. Tuy nhiên, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì các vấn đề nặng nề hơn rất dễ kích hoạt. Hiện tượng đau nhức, chuột rút cơ bắp sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Áp lực đè nén quá nhiều cũng kiến cho dây thần kinh giữa mất dẫn chức năng. Điều này có thể dẫn đến:
- Chức năng dẫn truyền xung thần kinh giảm mạnh
- Ngón tay bị mất cảm giác
- Chức năng vận động của tay bị hạn chế
Nếu hiện trạng này không được can thiệp kịp thời, cơ tay của bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn và chức năng vận động của tay cũng sẽ bị lấy đi hoàn toàn.
Chẩn đoán triệu chứng ống cổ tay như thế nào?
Để xác định bạn có đang mắc hội chứng ống cổ tay hay không, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Một số câu hỏi có thể sẽ được đề cập:
- Bạn đã gặp phải những triệu chứng cụ thể nào?
- Các triệu chứng xuất hiện vào những lúc nào? Có thường xuyên không?
- Thông tin về tiền sử bệnh lý của bạn
Tiếp đến, một vài kiểm tra thể chất có thể được yêu cầu. Thường thì bác sĩ sẽ tiến hành uốn cổ tay của bạn hoặc ấn nhẹ vào dây thần kinh giữa.
Những kiểm tra lâm sàng thường chỉ đưa ra được chẩn đoán ban đầu. Có thể hội chứng ống cổ tay sẽ dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề xương khớp khác. Chính vì vậy mà một vài xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được chỉ định:
- Tia X: Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán phân biệt. Loại trừ nguyên nhân gây đau cổ tay khá như gãy xương hay viêm khớp.
- Điện cơ đồ: Thử nghiệm này nhằm mục đích đo các phóng điện nhỏ được tạo ra ở trong cơ bắp. Bác sĩ sẽ chèn một điện cực kim mỏng vào các cơ cụ thể ở tay của bạn và theo dõi hoạt động.
- Dẫn truyền thần kinh: Đưa một dòng điện nhỏ qua ngón tay, điện cực được gắn vào da ở ngón và cổ tay để đo tốc độ phản ứng của dây thần kinh giữa với dòng điện.
- Siêu âm: Hình ảnh qua quét siêu âm có thể nhận diện được dây thần kinh bị sưng trước khi đi qua ống cổ tay. Ngoài ra những nguyên nhân khác gây ra hội chứng này như sưng ở gân hay khớp cũng sẽ được nhận diện.
Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay
Tùy thuộc vào biểu hiện của triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của bệnh lên chức năng vận động mà sẽ có biện pháp điều trị phù hợp. Đối với hội chứng ống cổ tay thì dưới đây là những phương pháp điều trị chính:
1. Điều trị không dùng thuốc
Các liệu pháp điều trị không dùng thuốc có thể bao gồm:
Nẹp cổ tay:
Nẹp cố định cổ tay là liệu pháp phù hợp để cải thiện triệu chứng vào ban đêm để tránh những ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Bạn cần tham khảo bác sĩ để được tư vấn về loại nẹp phù hợp với mình. Liệu pháp này đặc biệt phù hợp và an toàn với phụ nữ đang trong thai kỳ.
Chườm nóng:
Việc chườm nóng cũng là liệu pháp có thể cải thiện triệu chứng đau nhức, tê bì mà hội chứng này gây ra. Bởi nhiệt độ từ túi chườm có thể khiến các cơ giãn ra, từ đó giúp giải phóng các rễ dây thần kinh bị chèn ép.
Bạn chỉ cần cho nước nóng khoảng 70°C rồi áp vào vùng tay đang bị tổn thương khoảng 20 phút. Tránh sử dụng nước quá nóng bởi có thể khiến vùng da phía ngoài bị bỏng hay kích ứng.
Siêu âm trị liệu:
Siêu âm cường độ cao có thể sẽ được bác sĩ chỉ định trong điều trị hội chứng ống cổ tay. Việc tăng nhiệt độ của khu vực mô cơ cần điều trị có thể giúp giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa lành. Nghiên cứu cho thấy, một đợt điều trị siêu âm kéo dài vài tuần có thể giúp triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
Vận động trị liệu:
Một vài động tác vận động tác dụng trực tiếp lên vùng tay của bạn cũng sẽ giúp cải thiện triệu chứng. Thông thường, việc tập luyện các bài tập vật lý trị liệu luôn cần sự giám sát từ người có chuyên môn. Bạn nên tham khảo bác sĩ để thiết lập liệu trình rèn luyện phù hợp. Tập vận động đúng cách sẽ giúp cải thiện đáng kể chức năng của tay.
2. Sử dụng thuốc
Khi các triệu chứng sưng đau xuất hiện thường xuyên và khó thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để khắc phục. Việc dùng thuốc thường với mục tiêu là làm giảm triệu chứng mà không điều trị được bệnh dứt điểm.
- Thuốc chống viêm không steroid: Điển hình nhất là Ibuprofen (Motrin IB, Advil…) vớ
i tác dụng làm giảm đau và kháng viêm trong thời gian ngắn. - Corticosteroid: Thường được bác sĩ tiêm trực tiếp vào ống cổ tay để kiểm soát những cơn đau dữ dội và làm giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.
Nếu hội chứng ống cổ tay là do các bệnh lý xương khớp kích hoạt thì một số loại thuốc điều trị khác có thể sẽ được chỉ định. Khi các bệnh lý xương khớp được khắc phục thì triệu chứng của hội chứng ống cổ tay cũng sẽ phần nào được cải thiện.
**Lưu ý: Bất cứ loại thuốc nào cũng cần được bác sĩ chỉ định và đưa ra liệu trình sử dụng phù hợp với từng đối tượng người bệnh. Cần nghiêm túc dùng thuốc đúng kế hoạch, liều lượng cũng như tần suất. Nếu gặp phải các vấn đề bất thường đừng tự ý giải quyết, thay vào đó nên thông báo ngay cho bác sĩ.
3. Phẫu thuật
Phương án phẩu thuật chỉ được cân nhắc trong những trường hợp khẩn thiết. Lúc này triệu chứng của bệnh tiến triển ở mức nghiêm trọng và không đáp ứng với các liệu pháp điều trị nói trên.
Mục đích của việc phẫu thuật là giải phóng dây thần kinh bị chèn ép để lấy lại chức năng vận động cho tay của bạn. Việc phẫu thuật có thể sẽ được thực hiện với một trong hai kỹ thuật sau:
- Phẫu thuật mổ hở: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường mổ ở bàn tay trên đường hầm ống cổ tay. Sau đó thực hiện cắt qua dây chằng để giải phóng dây thần kinh giữa.
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ dùng ống nội soi để quan sát bên trong ống cổ tay. Sau đó cắt dây chằng thông qua một vài vết mổ nhỏ ở cổ tay hoặc tay. Phẫu thuật nội soi thường ít đau và chóng lành hơn so với phẫu thuật mổ hở.
Việc phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay có thể khiến một số vấn đề rủi ro phát sinh. Điển hình như:
- Dây thần kinh không được giải phóng triệt để
- Vết thương bị nhiễm trùng
- Để lại sẹo
- Chấn thương mạch máu hoặc thần kinh
Sau phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để hạn chế các vấn đề không mong muốn xuất hiện. Thông thường, quá trình chữa lành tổn thương bên trong phải mất đến vài tháng nhưng da sẽ lành chỉ sau khoảng vài tuần.
Biện pháp ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay
Để làm giảm nguy cơ gặp hội chứng ống cổ tay, bạn nên thực hiện các biện pháp làm giảm áp lực lên vùng tay:
- Không nên lặp lại quá lâu cùng một thao tác trên tay của bạn. Nếu công việc của bạn thường xuyên phải đánh máy thì nên dùng lực tay nhẹ nhàng hơn để nhấn phím.
- Dành thời gian giải lao: Nếu phải vận động đôi tay quá nhiều thì bạn nên nghỉ ngơi giữa quãng. Ít nhất khoảng 60 phút hãy cố gắng cho tay được thư giãn với một vài động tác đơn giản.
- Cải thiện tư thế: Tránh duy trì các tư thế xấu như rút ngắn cơ cổ, cuộn vai về phía trước. Bởi chúng có thể khiến các dây thần kinh bị đè nén và ảnh hưởng đến cả khu vực tay.
- Giữ ấm cho bàn tay: Nếu làm việc trong môi trường lạnh thì cần giữ ấm chỏ bàn tay để tránh gây cứng khớp và đau tay. Có thể đeo găng tay không ngón để bàn và cổ tay được giữ ấm tốt hơn.
- Sau khi cầm nắm hay bê vác đồ vật, nên thực hiện các động tác thư giản để hạn chế áp lực cho bàn và ngón tay.
- Nên cân bằng chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao để hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe xương khớp.
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng thường gặp và không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Chú ý thăm khám và điều trị ngay từ khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện để nhanh chóng cải thiện tình hình. Bất cứ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến bạn phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng.
Xem thêm: Người bị tiểu đường hay mệt mỏi: Nguyên nhân và giải pháp cải thiện