Trong vài thập kỷ qua, y học đã có nhiều bước tiến vượt bậc ở mức độ sinh học phân tử. Tuy nhiên, ung thư vẫn là một trong những bệnh lý vào hàng nguy hiểm và phức tạp bậc nhất. Ung thư dạ dày nằm trong 10 loại ung thư nguy hiểm nhất. Chẩn đoán và điều trị khối u lành tính và ác tính trong dạ dày cần lưu ý những vấn đề gì?
Đại cương về ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày (stomach cancer) là một trong những bệnh ung thư rất phổ biến. Nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày rất đa dạng, thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Đặc điểm của bệnh là tiến triển nhanh, khó chẩn đoán sớm và hiện chưa có những phương pháp điều trị đặc hiệu.
Tại Hội nghị Khoa học Quốc tế Chuyên ngành Tiêu hóa – Gan mật (29/12/2018), các chuyên gia đến từ Đại học Nagoya (Nhật Bản) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới, xếp ở vị trí 18. Bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có dạng khối u lành tính hoặc khối u ác tính. Tùy theo dạng khối u dạ dày là lành tính hay ác tính mà hướng điều trị của mỗi bệnh nhân cũng sẽ có nhiều khác biệt.
Khối u dạ dày lành tính
Khối u lành tính và ác tính trong dạ dày có mức độ nguy hiểm khác nhau, lành tính sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh nhân có khối u dạ dày lành tính chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp, khoảng 5% trường hợp. Thống kê của Viện Quân Y 103 trong 10 năm gần đây đã phẫu thuật, điều trị cho hàng nghìn trường hợp bệnh nhân có bệnh lý dạ dày những vẫn chưa gặp trường hợp nào có khối u dạ dày lành tính.
1. Phân loại
Khối u dạ dày lành tính được phân loại theo tổ chức học hoặc phân loại theo vị trí giải phẫu.
Phân loại theo tổ chức học
- Khối u biểu mô (epithelium), thường là khối u dạng tuyến.
- Khối u lành tính không phải u biểu mô thì thường xuất phát từ những tổ chức liên kết.
- Khối u lành tính từ trung mô, thường là các dạng u cơ, u xơ,…
- Khối u lành tính dạng nang, gồm u nang và u nang dạng da (demoid).
Phân loại theo vị trí giải phẫu
- Vị trí niêm mạc: thường có các dạng u tuyến, polip.
- Vị tri thành dạ dày: khối u thường xuất phát chủ yếu từ tổ chức liên kết.
2. Một số dạng u dạ dày lành tính
Khối u dạ dày lành tính thường rất hiếm gặp, theo y văn ghi nhận có 4 dạng khối u dạ dày thường gặp gồm: polyp dạ dày, u thần kinh, u cơ, u mỡ.
Polyp dạ dày
Polyp dạ dày thường có dạng tròn hoặc bầu dục với kích thước dao động từ 0,5 – 5 cm. Những trường hợp Polyp dạ dày thường phát hiện trên nền viêm dạ dày teo đét. Các Polip dạ dày của bệnh nhân thường có chân rộng và đôi khi có cuống. Nếu như chân Polyp dài có thể di chuyển dần xuống môn vị, dẫn đến hẹp môn vị.
Trên bề mặt của Polyp dạ dày thường nhẵn tuy nhiên đôi khi bề mặt cũng sần sùi, thô ráp. Màu sắc trên bề mặt Polyp dạ dày thường có màu đỏ sẫm, dễ chảy máu. Những vị trí tại môn vị dạ dày, hang vị dạ dày là những vị trí thường phát hiện Polyp dạ dày. Ngoài ra vùng đáy dạ dày, tâm vị cũng có thể xuất hiện Polyp nhưng hiếm hơn. Các Polyp dạ dày có thể chỉ có có một nhưng cũng có thể xuất hiện với số lượng nhiều hơn.
Mặc dù đặc điểm của Polyp là lành tính nhưng chúng cũng có thể chuyển biến thành ác tính. Do đó, trong một số trường hợp, Polyp dạ dày được xem là dấu hiệu tiền ung thư và cần phải loại bỏ sớm. Ngoài nguy cơ ung thư hóa, các Polyp dạ dày cũng có thể gây chảy máu.
U thần kinh
Các loại u thần kinh cũng là một trong những dạng u lành tính. Trong đó phổ biến nhất là đám rối Auerbach với 3 thể là u hạt thần kinh, u xơ thần kinh và u schwannoma. Các u thần kinh thường ít gặp hơn so với các dạng Polyp dạ dày, kích thước có thể phát triển to đến rất to.
Một số trường hợp u thần kinh có thể dẫn đến tình trạng loét tại lớp niêm mạc dạ dày, gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày. Tương tự như Polyp dạ dày, mặc dù là u lành tính nhưng các u thần kinh cũng có thể ung thư hóa dưới thể sarcoma.
U cơ
Những trường hợp u dạ dày lành tính dưới dạng u cơ thường có tiến triển rất chậm, khó phát hiện. Các u này phát sinh chủ yếu từ lớp cơ vòng, lớp cơ dọc của dạ dày. Đôi khi các khối u cũng có thể phát triển ra khỏi lớp cơ và ảnh hưởng đến những cơ quan xung quanh dạ dày.
Một số trường hợp u cơ có kích thước lớn có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như hoại tử gây vỡ các u cơ, kéo theo tình trạng chảy máu ổ bụng. Tỉ lệ ung thư hóa trên nền các u thần kinh cũng cần chú ý. Có khoảng 10% những trường hợp u thần kinh lành tính ở dạ dày tiến triển thành ung thư.
U mỡ
U mỡ thường có kích thước nhỏ, khoảng bằng hạt đậu tuy nhiên cũng có thể có kích thước lớn, lên đến vài kg. Tương tự như u cơ, u mỡ cũng có thể phát triển ra ngoài niêm mạc hoặc phát triển ăn sâu vào dưới niêm mạc. Thông thường u mỡ khá khó phát hiện vì triệu chứng hầu như không có. Bệnh nhân chỉ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường khi khối u đã khá lớn, gây khó chịu do cản trở lưu thông thức ăn trong dạ dày.
Ngoài u mỡ, u cơ, u thần kinh, Polyp dạ dày còn có một số dạng u khác như u mạch máu, u bạch huyết, u xơ,… nhưng rất hiếm gặp, trên thực tiễn điều trị chưa được ghi nhận nhiều.
3. Chẩn đoán và điều trị u lành tính
Chẩn đoán
Chẩn đoán u lành tính có thể thực hiện dựa trên các phương pháp phổ biến như:
- Chẩn đoán bằng X quang, giúp xác định các thương tổn dạ dày nếu có. Đây là chẩn đoán dễ thực hiện, cho kết quả nhanh nhưng trong một số trường hợp cần kết hợp thêm các phương pháp khác như thực hiện chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm,…
- Nếu vẫn nghi ngờ về tình trạng khối u, các bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán bằng nội soi dạ dày có thể giúp các bác sĩ đánh giá được chính xác hơn tình trạng khối u. Trong quá trình trình thực hiện nội soi, các bác sĩ cũng có thể trích lấy một mẫu mô nhỏ (phương pháp này gọi là sinh thiết). Qua phân tích mẫu, bác sĩ có thể xác định được tình trạng khối u là ác tính hay lành tính.
Điều trị
Đối với điều trị khối u dạ dày lành tính, chỉ có một phương pháp là ngoại khoa để loại bỏ khối u. Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u và một phần niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên một số trường hợp có thể phải cắt bỏ một đoạn dạ dày với khối u lành tính có kích thước lớn. Với khối u lành tính có kích thước cực lớn, chèn ép dạ dày có thể phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và khối u.
Tùy theo tính chất khối u, kích thước khối u, nguyên nhân hình thành khối u mà bác sĩ có thể tiến hành bằng các phương pháp khác nhau như phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi,…
CÓ THỂ BẠN CẦN: Nguyên tắc về dinh dưỡng giúp hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày hiệu quả
Khối u dạ dày ác tính
Khối u lành tính và ác tính trong dạ dày thường có tỉ lệ mắc khác nhau, ác tính sẽ cao hơn so với u dạ dày lành tính rất nhiều lần. Đây là dạng bệnh tiến triển âm thầm, khó chẩn đoán sớm. Hiện nay, phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư dạ dày ác tính vẫn chưa có. Ung thư dạ dày ác tính chiếm tỉ lệ 40% trong số các bệnh ung thư tiêu hóa.
Thống kê cho thấy những trường hợp ung thư dạ dày thường phổ biến từ 50 – 60 tuổi, những độ tuổi khác thường ít gặp hơn. Nam giới có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn nữ giới tuy nhiên không có sự chênh lệch quá nhiều. Nguyên nhân gây ung thư dạ dày ác tính thường phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố như di truyền, lối sống, tiền sử bệnh, nhiễm khuẩn và một số yếu tố khác.
1. Phân loại
U dạ dày ác tính được chia thành 2 dạng chính, bao gồm:
U dạ dày ác tính dạng biểu mô (Carcinoma)
- U dạ dày ác tính biểu mô tuyến (Adenocarcinoma). Bao gồm các tuyến như tuyến nhú, tuyến ống, tuyến nhày, tế bào nhẫn.
- U dạ dày ác tính biểu mô không biệt hóa (Undifferentated Carcinoma).
- Ung thư tuyến biểu bì (ít gặp).
U dạ dày ác tính không biểu mô
- Ung thư dạ dày không biểu mô gồm các sarcome, lipomas của các cơ, mạch và u lympho ác tính.
*Trong thực tiễn khám và điều trị, ung thư dạ dày ác tính biểu mô là dạng ung thư dạ dày hay gặp nhất.
2. Giải phẫu bệnh lý
Đại thể
Thể loét:
- Có ổ loét với kích thước dao động từ 2 – 4 cm, các bờ vết loét lồi lên, méo mó, mật độ cứng.
- Bờ và đáy ổ loét có tổ chức K.
Thể sùi:
- Ung thư dạ dày thể sùi có đặc điểm bề mặt khối u sùi, thô ráp. Phần đáy khối u rộng và ăn vào trong lòng dạ dày.
- Kích thước khối u cũng khác nhau, có thể dao động từ 3 – 4 cm. Những trường hợp u phát triển to hơn có thể chiếm toàn bộ lòng dạ dày.
Thể thâm nhiễm:
- Thể thâm nhiễm thường có những u thâm nhiễm nông trên niêm mạc. Vị trí u có thể đục, cứng, dính sâu vào các lớp của thành dạ dày.
- Khối u dạ dày thể thâm nhiễm có thể lan ra toàn bộ dạ dày, tạo thành một lớp dày 2 – 3 cm bọc lấy niêm mạc thành dạ dày, cấu trúc cứng như sụn.
*Thông thường ba thể ung thư dạ dày kể trên có thể xuất hiện đơn độc hoặc kết hợp cùng lúc với nhau.
3. Khả năng di căn
- Ung thư dạ dày có thể dẫn đến di căn khi đã phát triển đến một mức độ nhất định.
- Trong đó các vị trí ung thư dạ dày di căn phổ biến thường được phát hiện như gan, lách, hạch, buồng trứng,…
4. Chẩn đoán khối u dạ dày ác tính
Khối u dạ dày ác tính để chẩn đoán cần dựa trên giai đoạn tiến triển của bệnh. Thông thường, ung thư dạ dày ác tính thường chia thành 4 giai đoạn, bao gồm:
*Giai đoạn 0:
- Tế bào có sự phát triển bất thường ở niêm mạc dạ dày.
- Tuy nhiên cấu trúc niêm mạc lúc này chưa có nhiều sự xáo trộn.
- Giai đoạn này rất khó phát hiện được dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày.
*Giai đoạn 1:
- Ung thư tiến triển niêm mạc đã bắt đầu gây rối loạn cấu trúc dạ dày tuy nhiên vị trí ung thư vẫn còn lưu trú ở niêm mạc.
- Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn ung thư niêm mạc.
*Giai đoạn 2:
- Ung thư dạ dày vẫn tiến triển ở niêm mạc tuy nhiên đã bắt đầu ăn dần qua lớp cơ.
- Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn ung thư dưới niêm mạc.
*Giai đoạn 3:
- Các dấu hiệu ung thư tương tự ung thư dạ dày giai đoạn 2, tuy nhiên lúc này ung thư đã bắt đầu ăn sâu qua các lớp của dạ dày.
- Giai đoạn này còn được gọi là ung thư thành dạ dày.
(*Một số tài liệu xếp di căn vào giai đoạn 4 của ung thư dạ dày, trong đó các đặc trưng của giai đoạn này cũng tương tự như giai đoạn 3 nhưng ung thư đã bắt đầu di căn.)
Chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm
Giai đoạn sớm của ung thư dạ dày thường được chỉ định X quang kết hợp với nội soi và sinh thiết để phát hiện ung thư dạ dày. Trong giai đoạn sớm, việc chẩn đoán ung thư dạ dày qua triệu chứng rất mơ hồ, không rõ ràng nên thường ít được xem là tiêu chuẩn để chẩn đoán.
Chẩn đoán ung thư giai đoạn muộn
Ung thư giai đoạn muộn có thể chẩn đoán dựa vào:
- Các dấu hiệu khối u quan sát được khá rõ qua X quang, nội soi dạ dày.
- Sinh thiết các tổ chức di căn cũng có thể giúp phát hiện ung thư giai đoạn muộn.
- Chẩn đoán dựa trên dấu hiệu di căn (nếu có).
5. Điều trị khối u dạ dày ác tính
1. Điều trị dự phòng
Điều trị dự phòng thường áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân trên 40 tuổi được phát hiện sớm ung thư dạ dày thông qua X quang, nội soi, sinh thiết. Những trường hợp này cần được điều trị sớm bằng cách cắt bỏ dạ dày. Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi để tránh tái phát bệnh.
XEM THÊM: Nội soi dạ dày ở bệnh viện Bạch Mai: Giá & quy trình
2. Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật cắt bán phần dạ dày:
Bao gồm cắt một phần dạ dày có khối u ác tính, các hạch bị ảnh hưởng hoặc nghi ngờ có khả năng di căn. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định cắt một phần các cơ quan khác nếu có nguy cơ.
Điều trị phẫu thuật cắt toàn phần dạ dày:
Những trường hợp khối u ác tính dạ dày quá lớn, bệnh nhân có thể được chỉ định cắt toàn bộ dạ dày. Ngoài ra bệnh nhân có thể được chỉ định cắt bỏ thêm các cơ quan khác nếu phát hiện dấu hiệu di căn, nghi ngờ di căn.
Điều trị bằng hóa xạ trị:
Phẫu thuật là hướng điều trị chính cho bệnh nhân ung thư dạ dày ác tính. Song song với phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể được điều trị phối hợp với hóa trị, xạ trị để triệt tiêu các tế bào ung thư còn lại ở dạ dày.
Có thể thấy, ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm, có quá trình phát triển âm thầm và nguyên nhân chính là do bệnh không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Do vậy, ngay từ khi cơ thể đã có dấu hiệu bệnh nhân nên tìm đến chuyên gia để được tư vấn cũng như hướng dẫn cách xử lý bệnh phù hợp nhất.
Tham khảo thêm bài thuốc thảo dược được VTV2 Vì sức khỏe người VIỆT giới thiệu
Thông tin trong bài viết về khối u lành tính và ác tính trong dạ dày mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán, hướng dẫn điều trị và toa thuốc của bác sĩ.
Xem thêm: Thực đơn cho bà bầu bị đau dạ dày nên ăn gì và kiêng cữ gì?