Chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng vật lý trị liệu là phương pháp hiệu quả được nhiều người quan tâm. Nó có tác dụng giảm đau, tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp, đẩy nhanh quá trình hồi phục mà không cần dùng đến các biện pháp xâm lấn khác.
Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Vật lý trị liệu là phương pháp dùng những tác nhân vật lý và các động tác vận động đơn giản, để điều trị chứng đau xương khớp – đặc biệt đối với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Thoát vị đĩa đệm gây những cơn đau dữ dội ở thắt lưng, làm cho khả năng lao động giảm sút. Người mắc bệnh thường xuyên mệt mỏi, đi đứng, vận động khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày. Vì thế, lựa chọn điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng phương pháp vật lý trị liệu được người bệnh lựa chọn đầu tiên, do tính an toàn và dễ thực hiện.
Có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng nhìn chung vật lý trị liệu được phân thành 2 dạng cơ bản: dạng bị động và dạng chủ động.
- Dạng bị động: bệnh nhân không cần phải vận động nhiều. Các phương pháp trị liệu cơ bản như massage, xoa bóp, chườm nóng – lạnh hoặc sử dụng điện, sóng âm kích thích,…
- Dạng chủ động: là phương thức vật lý trị liệu người bệnh có thể thực hiện tại nhà. Các bài tập được áp dụng chủ yếu là động tác kéo dãn cơ ở mức độ nhẹ nhàng. Việc thực hiện điều độ, thay đổi các bài tập thường xuyên giúp cơ bắp khỏe mạnh, cải thiện vùng bị chấn thương, thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Người bệnh có thể thực hiện tại nhà hoặc đến các cơ sở điều trị để được hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế.
Lợi ích khi điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng vật lý trị liệu
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, người bệnh lựa chọn những phương pháp trị liệu vật lý theo triệu chứng sẽ giúp quá trình phục hồi tiến triển tốt.
- Vật lý trị liệu là phương pháp an toàn và hiệu quả, giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu nhanh chóng cho người bệnh
- Người bệnh tiết kiệm được chi phí điều trị, hình thành thói quen tốt
- Vật lý trị liệu giúp duy trì cân nặng cho cơ thể, giảm áp lực lên thắt lưng và các mô cột sống
- Tăng cường trao đổi chất, điều hòa dòng chảy của máu, nước và các chất dinh dưỡng đến đĩa đệm cột sống
- Tăng khả năng hồi phục, giúp việc vận động dễ dàng hơn, trả lại cuộc sống bình thường cho người bệnh
- Đồng thời, vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ bắp, tăng độ dẻo dai của cơ thể, mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe
- Với những trường hợp sau phẫu thuật cột sống, vật lý trị liệu giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, ổn định cột sống, giảm đau hiệu quả
Các phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
1. Phương pháp massage
Massage là phương pháp dùng tay và các dụng cụ để xoa bóp trực tiếp lên các cơ tổn thương giúp giảm đau. Đây được xem là phương pháp an toàn và hiệu quả cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng khi không cần dùng thuốc.
Lợi ích của massage lưng cho người bị thoát vị đĩa đệm
- Giảm đau nhức, khó chịu
- Máu huyết được lưu thông dễ dàng
- Giúp hệ thống dây chằng, cơ bắp phục hồi, tăng sức mạnh
- Kích thích tiết nhờn ở các khớp cơ, tránh tình trạng khô cứng xương khớp, thoái hóa đĩa đệm, giúp cột sống lưng linh hoạt
Giai đoạn áp dụng massage cột sống
- Giai đoạn đĩa đệm vừa sưng bệnh nhân nên áp dụng biện pháp trị liệu này để khả năng phục hồi nhanh hơn
- Giai đoạn đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ nên áp dụng massage vừa phải, hợp lý. Tránh thực hiện những động tác dùng lực mạnh gây tổn thương thêm cho đĩa đệm.
- Giai đoạn bệnh chuyển nặng, việc massage sẽ mang lại hiệu quả thấp. Lúc này những tác động nhỏ cũng có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng, khó khắc phục. Vì thế, giai đoạn này không nên áp dụng phương pháp massage mà cần có sự can thiệp y tế.
Cách massage cho người thoát vị đĩa đệm cột sống lưng
Bước 1: Thực hiện giãn cơ lưng và cơ mông
- Ấn mu bàn tay, di chuyển tay theo chiều kim đồng hồ từ đầu cột sống lưng đến mông, thực hiện 3 lần
- Ấn các khớp ngón tay, khớp cổ tay lên vùng thịt, di chuyển theo chiều tương tự từ trên xuống, thực hiện 3 lần
- Dùng hai bàn tay đồng thời vừa xoa và kéo thịt ở hai bên cột sống của bệnh nhân, thực hiện 3 lần
Bước 2: Massage vùng lưng bị tổn thương
- Người massage vừa day vừa ấn các huyệt đạo theo chiều kim đồng hồ (huyệt thận du, đại trường du và cách du)
- Tăng dần lực bấm huyệt đến khi bệnh nhân cảm thấy căng tức, dừng và lặp lại động tác sau 1 phút nghỉ
- Dựa trên phim chụp CT, xác định vị trí thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng. Ấn ngón tay và nắn theo chiều ngược kim đồng hồ để đẩy khối thoát vị từ từ về vị trí ban đầu
- Thực hiện động tác trong 3 – 5 phút, cần chú ý đến lực ấn dựa trên tình trạng tổn thương của bệnh nhân
2. Phương pháp tác động bằng lực kéo giãn cột sống
Kéo giãn cột sống giúp thu nhỏ các khối thoát vị, đồng thời làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm.
Người thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng không cần phải phẫu thuật mà có thể giảm đau và điều trị các vấn đề bằng cách kéo giãn này.
Lợi ích:
- Giảm áp lực cho đĩa đệm
- Mở rộng lỗ gian đốt sống, căng bao khớp và dây chằng
- Làm thẳng chỗ lồi của đĩa đệm
- Tăng cường chuyển hóa, giúp đĩa đệm phục hồi trạng thái ban đầu
Phương pháp kéo giãn cột sống bằng máy giúp nhân nhầy đĩa đệm dần dần di chuyển về vị trí ban đầu nhờ vào việc tạo ra áp lực âm trong lòng đĩa đệm.
Tùy thuộc tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống lưng sẽ có những phương pháp kéo giãn cho phù hợp. Các dạng thường gặp như kéo giãn tĩnh – liên tục, gián đoạn – ngắt quãng, kéo bằng tay hoặc bằng trọng lực,…
Hạn chế áp dụng phương pháp này khi các đốt sống có cầu xương nổi, bị đau lưng cấp tính, bất động cột sống lưng, ung thư cột sống, loãng xương nặng, phụ nữ có thai và bệnh nhân bị chứng cao huyết áp kèm theo.
3. Phương pháp điều trị bằng thủy liệu
Phương pháp thủy liệu thường được áp dụng đối với những bệnh nhân bị khớp mãn tính, những người bị yếu cơ do biến chứng của các bệnh về thần kinh. Bên cạnh đó việc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng liệu pháp này cũng rất hiệu quả.
Lợi ích
- Giúp phục hồi khớp và các dây thần kinh
- Tăng cường lưu thông máu
- Giảm đau hiệu quả
- Tăng hoạt động của cơ cột sống, cải thiện chức năng đối với người bị yếu cơ, liệt chi
- Dưới áp lực của nước, trọng lực giảm thích hợp cho các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm luyện tập mà không ảnh hưởng đến xương khớp
Các loại thủy liệu và cách thực hiện
Thủy liệu bằng nước lạnh: Dưới sự hướng dẫn, quan sát của nhân viên y tế, bệnh nhân được ngâm trong nước lạnh. Việc này giúp người bệnh giảm tình trạng đau nhức cơ.
- Làm ấm người
- Ngâm nước lạnh nhiệt độ từ 10 – 26,7 độ C tùy vào tình trạng đau nhức thắt lưng của bệnh nhân. Thời gian 4 giây – 3 phút dựa trên khả năng chịu đựng của người bệnh. Nên kết hợp chà xát để hỗ trợ giảm nhanh cơn đau
- Tiến hành lau khô người ngay khi vừa ngâm xong
- Chống chỉ định với người tăng huyết áp, viêm thận, thể trạng yếu, liệt thân, co giật
Thủy liệu bằng nước nóng
- Người bệnh nằm trong bồn nước với nhiệt độ khoảng 37,8 độ C, ngâm đến cổ
- Kết hợp massage, xoa bóp hoặc các động tác vận động nhẹ trong nước
- Ngâm mình trong thời gian từ 20 – 30 phút
- Lau khô ngay khi thực hiện xong
- Chống chỉ định với những người bị bệnh xơ cứng động mạch, động kinh, rối loạn cảm giác nóng lạnh
Thủy liệu bằng ngâm nước nóng – lạnh xen kẽ: Áp suất và nhiệt độ của nước giúp bệnh nhân giảm nhức mỏi hiệu quả.
- Chuẩn bị 2 chậu nước, 1 chậu chứa nước nóng (40 độ C), 1 chậu chứa nước lạnh ( 16 độ C)
- Tiến hành ngâm nước nóng trước trong 10 phút sau đó đến nước lạnh 1 phút
- Tiếp tục theo tỉ lệ: 4 phút ngâm nước nóng – 1 phút ngâm nước lạnh. Lặp lại 3 lần liên tục
- Cuối cùng ngâm nước nóng 5 phút, kết thúc trị liệu
- Lau khô người sau khi thực hiện
- Chống chỉ định người bị rối loạn thần kinh ngoại vi, đổ mồ hôi tứ chi, viêm khớp, bong gân
4. Vận động trị liệu
Chữa thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng phương pháp vận động trị liệu được mọi người áp dụng phổ biến. Bằng các động tác được hướng dẫn chính xác, khoa học giúp người bệnh giảm được những cơn đau nhức, cơ thể khỏe mạnh hơn. Kết hợp luyện tập và có chế độ ăn uống hợp lý, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống lưng có khả năng phục hồi cao, trả lại trạng ban đầu cho đĩa đệm.
Một số bài tập đơn giản:
Bài tập 1
- Động tác 1: Người bệnh nằm ngửa, gập đầu gối chân trái vào người, dùng hai bàn tay đan vào nhau ôm chân sát bụng. Giữ 10 giây sau đó đổi chân. Động tác lặp lại 15 lần.
- Động tác 2: Vẫn tư thế nằm ngửa, bệnh nhân gập cả hai đầu gối, dùng hai tay đan vào nhau ôm sát đầu gối về phía bụng. Giữ 10 giây, lặp lại động tác 15 lần.
- Động tác 3: Tiếp tục tư thế ban đầu, dùng hai chân làm điểm tựa, nâng mông, lưng khỏi mặt đất, giữ tư thế này trong 10 giây sau đó hạ mông, lưng về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác 15 lần.
Bài tập 2:
- Động tác 1: Người bệnh nằm sấp, thả lỏng người thoải mái. Giữa tư thế này trong 10 – 20 phút. Đối với trường hợp khi thực hiện bệnh nhân khó chịu, cơn đau tăng lên có thể dùng một chiếc gối kê dưới hông. Lặp lại động tác 3 – 5 lần mỗi ngày.
- Động tác 2: Vẫn ở tư thế nằm sấp, người bệnh chống khuỷu tay từ từ nâng phần thân trên khỏi mặt đất, nâng cao hết mức có thể nhưng không gây đau. Giữ tư thế trong khoảng 2 – 5 giây và trở lại tư thế ban đầu. Lặp lại động tác 10 lần, có thể tập mỗi ngày.
Lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng bằng vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống lưng rất an toàn và có tác dụng trong việc điều trị. Tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:
- Dựa theo tình trạng bệnh của mỗi người sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, vì thế để tránh rủi ro bệnh nhân nên tập luyện theo sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
- Làm theo những điều được hướng dẫn để khả năng hồi phục được nhanh hơn, tránh những tổn thương trong quá trình trị liệu.
- Lựa chọn trang phục phù hợp khi tập, ưu tiên sự thoải mái.
- Để tránh tình trạng mất nước bệnh nhân nên uống đủ nước.
- Khi cảm thấy những cơn đau có chiều hướng tăng lên nên báo ngay với nhân viên y tế để có những điều chỉnh kịp thời.
- Vật lý trị liệu có tác dụng chậm hơn những biện pháp xâm lấn khác, vì thế bệnh nhân nên kiên trì trong quá trình điều trị.
Đối tượng không nên áp dụng vật lý trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm
Vật lý trị liệu rất tốt cho các vấn đề về xương khớp, đặc biệt với người bị thoát vị đĩa đệm cột sống lưng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể áp dụng được phương pháp trị liệu này. Những người bị gãy xương, ung thư cột sống, có khối u ác tính thì không nên áp dụng vật lý trị liệu. Bởi vì:
- Người bệnh sẽ không theo đúng được quy trình điều trị do những chấn thương khác ảnh hưởng. Điều này dẫn đến quá trình điều trị không mang lại hiệu quả.
- Những người bệnh nặng cần có những biện pháp can thiệp chuyên sâu, trong khi vật lý trị liệu cần nhiều thời gian để cơ thể phục hồi.
- Trường hợp tự ý luyện tập, người bệnh có nguy cơ tập những bài không đúng với tình trạng bệnh dẫn đến những biến chứng không đáng có.
Trên đây là những thông tin về phương pháp vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống lưng mọi người có thể tham khảo, cần chú ý quan sát những dấu hiệu của bệnh để có những biện pháp điều trị kịp thời. Đồng thời, người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, luyện tập vừa phải để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
Thoát vị đĩa đệm L4 L5: Vị trí đau và phương pháp điều trị
Cách khắc phục đau lưng do thoát vị đĩa đệm đơn giản
Xem thêm: Lắng nghe phản hồi người bệnh sau khi chữa phụ khoa bằng bài thuốc Đỗ Minh Đường