Suy nhược thần kinh ở người trẻ là một căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội ngày nay. Bệnh lý này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thông tin về nguyên nhân gây suy nhược thần kinh ở người trẻ, dấu hiệu và cách điều trị.
Suy nhược thần kinh ở người trẻ là như thế nào?
Suy nhược thần kinh là một căn bệnh thuộc nhóm rối loạn thần kinh chức năng. Bệnh lý này xảy ra do sự rối loạn các chức năng ở vỏ não cùng các trung khu dưới vỏ gây nên. Các chuyên gia đánh giá rằng bệnh là một biểu hiện của chứng rối loạn lo âu.
Suy nhược thần kinh còn được gọi là bệnh của xã hội hiện đại vì ngày càng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh chiếm gần 5% dân số. Đối tượng mắc bệnh thường là những người trẻ trong độ tuổi lao động từ 20 – 45 tuổi.
Suy nhược thần kinh ở người trẻ còn được hiểu là một tình trạng suy sụp tinh thần. Đây là tình trạng hoạt động của hệ thần kinh bị rối loạn cảm xúc và thể chất của người bệnh bị kích thích, ức chế tạm thời. Những người trẻ mắc bệnh thường không còn hứng thú với bất kỳ điều gì, luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, đau đầu và dễ bị kích động.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy nhược thần kinh ở người trẻ là bởi tính chất công việc căng thẳng, áp lực kéo dài. Bệnh xảy ra ở người lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay, ở thành thị nhiều hơn ở vùng nông thôn.
Theo đó, suy nhược thần kinh ở người trẻ khởi phát do chấn thương tinh thần kéo dài dẫn đến thần kinh bị suy nhược. Chẳng hạn, bạn gặp phải thất bại trong công việc và đời sống, mâu thuẫn, bất hòa với đồng nghiệp hoặc gia đình, mất người thân… Thông thường, nhiều sang chấn xảy ra cùng lúc sẽ làm người bệnh luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng nội tâm kéo dài.
Ngoài ra, nguyên nhân của bệnh còn do người trẻ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, giải trí mà liên tục làm việc trong một khoảng thời gian dài. Điều này là một yếu tố thuận lợi để bệnh phát sinh và tiến triển nặng.
Chưa hết, một số người trẻ mắc bệnh là do thói quen ăn uống không điều độ, ăn bỏ bữa và thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Đồng thời, thường xuyên sử dụng rượu bia và các chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Suy nhược thần kinh sẽ ngày một trầm trọng hơn bởi các nhân tố thúc đẩy bệnh như người có thần kinh yếu, sinh sống ở môi trường nhiều tiếng ồn, mắc một số bệnh lý viêm nhiễm như viêm đại tràng, viêm loét dạ dày…
Triệu chứng suy nhược thần kinh ở người trẻ
Bệnh suy nhược thần kinh ở người trẻ thường diễn ra thầm lặng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết được tình trạng bệnh của mình thông qua một số triệu chứng dưới đây:
- Cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi và kèm theo những cơn đau ngực.
- Nhịp tim dữ dội, đập nhanh, đánh trống ngực, thở nhanh.
- Tay chân lạnh run, đổ mồ hôi nhiều.
- Chóng mặt, đau đầu và có thể ngất xỉu.
- Cảm thấy bồn chồn, lo lắng, bất lực.
- Né tránh đến những chỗ đông người hoặc không tham gia các hoạt động xã hội.
- Khó tập trung, hay quên ngay cả những vấn đề đơn giản, dễ nhớ.
- Cảm xúc thay đổi thất thường như hồi hộp thái quá, chán nản, dễ khóc, cáu gắt liên tục mà không rõ lý do, dễ tủi thân…
- Thiếu động lực và không còn cảm thấy hứng thú với mọi thứ xung quanh.
- Mất ngủ thường xuyên hoặc ngủ quá nhiều.
Suy nhược thần kinh ở người trẻ có nguy hiểm không?
Bệnh suy nhược thần kinh không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người trẻ. Tuy nhiên, bệnh sẽ gây ra các rối loạn tâm sinh lý trong cơ thể và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời bằng những phương pháp hiệu quả thì bệnh sẽ tiến triển nhanh và tác động tiêu cực đến cả thể chất và tinh thần của người bệnh.
Tình trạng có thể dẫn đến trầm cảm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh trầm cảm là do suy nhược thần kinh. Trầm cảm sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản, buồn rầu, khó ngủ, ăn uống kém, không hứng thú với mọi thứ xung quanh. Trầm cảm còn gây ra những rối loạn về nhận thức, trí nhớ và ức chế hệ thống thần kinh.
Về lâu dài, bệnh sẽ ngày một tồi tệ hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Diễn biến xấu nhất của bệnh trầm cảm là bệnh nhân có ý định tự sát để giải thoát cho bản thân.
Làm giảm chất lượng cuộc sống, hiệu quả công việc
Suy nhược thần kinh ở người trẻ sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến thể chất và tinh thần của người bệnh. Cụ thể, bệnh gây ra những vấn đề như sau:
- Mất ngủ kéo dài: Tình trạng mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu, không đủ giấc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải. Vào ban ngày, người bệnh sẽ cảm thấy buồn ngủ và làm ảnh hưởng đến công việc, học tập.
- Đau đầu: Bạn sẽ cảm thấy nhức đầu âm ỉ ở vùng đỉnh đầu, trán, thái dương. Tình trạng này sẽ khởi phát đột ngột và kéo dài trong khoảng vài giờ đồng hồ. Khi bệnh nhân xúc động mạnh và mệt mỏi thì tình trạng này sẽ tăng lên.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Một số biểu hiện của tình trạng này như đau tim, mạch đập không đều, hạ huyết áp, tăng tiết mồ hôi, thân nhiệt tăng giảm bất thường.
- Triệu chứng tâm thần: Suy nhược thần kinh khiến bệnh nhân hay hồi hộp, lo âu, xúc động, giảm khí sắc. Đồng thời, khả năng tập trung trong công việc và học tập cũng giảm đi đáng kể.
Các phương pháp điều trị suy nhược thần kinh ở người trẻ
Suy nhược thần kinh là một căn bệnh có thể điều trị khỏi nhưng cần thời gian chữa trị lâu dài. Nếu phát hiện sớm thì bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng và người bệnh sớm trở lại cuộc sống và công việc như bình thường.
Thuốc Tây y điều trị suy nhược thần kinh
Cơ chế điều trị bệnh của thuốc Tây y là tác động lên quá trình hưng phấn của hệ thần kinh và làm giảm các triệu chứng của bệnh suy nhược thần kinh. Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân sử dụng bao gồm:
- Thuốc giúp tăng cường tuần hoàn máu và dinh dưỡng cho não bộ như Piracetam, Cerebrolysin…
- Thuốc giúp giảm đau đầu, chóng mặt như Aspirin, Paracetamol. Diclofenac…
- Các loại thuốc giúp an thần, cải thiện giấc ngủ như Diazepam, Zolpidem…
- Các loại thuốc vitamin nhóm B như B1, B6 giúp tăng cường khả năng hoạt hóa của hệ thần kinh và cải thiện các triệu chứng bệnh.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định sử dụng những loại thuốc cho phù hợp, tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn như nhờn thuốc, đau dạ dày, suy giảm chức năng gan thận.
Chữa suy nhược thần kinh ở người trẻ bằng Đông y
Trong Đông y, bệnh suy nhược thần kinh ở người trẻ còn được gọi là tâm căn suy nhược. Nguyên nhân gây ra bệnh là do rối loạn chức năng tạng phủ, cơ địa suy yếu.
Các bài thuốc Đông y giúp điều hòa nhịp tim, hoạt huyết, cải thiện tình trạng lo lắng, đau đầu, mất ngủ… Phương pháp Đông y điều trị bệnh tập trung vào Tâm, Can, Tỳ, Thận nhằm trấn tâm, sơ can giải uất…
Một số bài thuốc Đông y chữa suy nhược thần kinh có tác dụng an thần, điều trị mất ngủ và giảm đau đầu như:
- Bài thuốc số 1: Bạch truật, bạch thược, sài hồ, quy đầu, bạch linh, sinh khương mỗi vị 12g, hương phụ, hoàng cầm, chỉ xác, trích thảo mỗi vị 6g, uất kim, thanh bì, táo nhân và trần bì mỗi vị 8g.
- Bài thuốc số 2: Câu đằng, kỷ tử, cúc hoa, hoài sơn, mạch môn, sa sâm mỗi vị 12g, đan bì, phục linh, trạch tả, táo nhân, bá tử nhân, sơn thù mỗi vị 8g.
- Bài thuốc số 3: Táo nhân, quy đầu, bạch thược, hoàng liên, mạch môn mỗi vị 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g, chu sa 0,6g.
Người bệnh sắc tất cả những vị thuốc trên với nước ấm rồi lấy nước uống mỗi ngày. Các bài thuốc này cần được chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền hoặc thầy thuốc. Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về uống vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà
Dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc có thể chữa bệnh suy nhược thần kinh ở người trẻ ngay tại nhà. Đây là cách điều trị được nhiều người lựa chọn bởi những ưu điểm như tiết kiệm chi phí, dễ sử dụng, nguồn nguyên liệu dễ tìm.
- Hợp hoan bì
Hợp hoan bì còn được gọi là cây lụa. Đây là một vị thuốc được dùng để điều trị chứng suy nhược thần kinh. Thuốc có công dụng giúp giảm căng thẳng, làm tinh thần trở nên thoải mái, vui vẻ.
Người bệnh thường sử dụng thuốc bằng cách sắc 15g thuốc kèm với táo nhân, bá tử nhân. Sau đó, bạn lấy nước thuốc và uống mỗi ngày để điều trị bệnh.
- Gạo lứt
Có thể bạn chưa biết gạo lứt là một trong những thực phẩm rất tốt cho người mắc bệnh suy nhược thần kinh. Bởi loại gạo này có chứa nhiều vitamin, khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Đồng thời, hoạt chất có trong gạo lứt giúp người bệnh giảm căng thẳng, an thần, điều trị mất ngủ.
Người bệnh chuẩn bị 10g long nhãn, 50g gạo lứt. Bạn cho gạo lứt vào nồi nấu nhừ thành cháo rồi cho long nhãn vào nấu cùng. Mỗi ngày, người bệnh dùng cháo 2 lần để điều trị bệnh.
Các mẹo dân gian chỉ là những bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh mà không thể chữa trị bệnh tận gốc. Do đó, người bệnh không nên quá phụ thuộc vào cách điều trị này mà cần đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán và chữa bệnh bằng cách phương pháp y học.
Điều trị bệnh không dùng thuốc
Cách chữa suy nhược thần kinh không dùng thuốc tốt nhất giúp mọi người đẩy lùi căn bệnh này đó là thay đổi thói quen sống hàng ngày. Bạn nên xây dựng cho bản thân một lối sống tích cực, lành mạnh, giảm thiểu trạng thái căng thẳng, lo âu. Cụ thể:
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Người bệnh nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Bạn nên massage, xoa bóp nhẹ nhàng để có một giấc ngủ sâu và ngon hơn. Hơn nữa, bạn nên tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ vì có thể gây hại đến thần kinh và mắt của bạn. Khi có một giấc ngủ sâu và ngon, hệ thần kinh của bạn cũng được thư giãn và nghỉ ngơi. Từ đó, triệu chứng suy nhược thần kinh sẽ được cải thiện một cách rõ rệt.
- Giảm áp lực, căng thẳng: Bạn có thể tạm gác tất cả công việc bên ngoài để dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cho bản thân. Một số hoạt động nhẹ nhàng giúp người bệnh giảm bớt những căng thẳng như đi dạo, cắm hoa, nghe
nhạc.. - Thường xuyên vận động: Các hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp bạn cải thiện được sức khỏe và tăng cường tuần hoàn máu. Nhờ đó, máu và các chất dinh dưỡng được vận chuyển đầy đủ lên não bộ. Một số môn thể thao nhẹ nhàng mà bạn có thể lựa chọn để tập luyện như đạp xe, yoga, đi bộ, ngồi thiền…
- Liệu pháp tâm lý: Người bị suy nhược thần kinh nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để chia sẻ và điều trị. Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn ổn định tâm lý, giảm suy nghĩ tiêu cực và cân bằng cuộc sống.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Người bệnh nên bồi bổ cho cơ thể những chất dinh dưỡng như protein, vitamin, chất xơ. Một số thực phẩm tốt cho hoạt động của não bộ như bí đỏ, các loại quả mọng nước, các loại cá béo, quả óc chó, rau xanh…
Một số cách phòng ngừa bệnh mà bạn cần biết
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mỗi người nên xây dựng cho mình những thói quen như sau:
- Người bệnh nên thiết lập một thói quen ăn uống khoa học, kết hợp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày.
- Bạn nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.
- Cố gắng giảm thiểu các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, lo âu…
- Bạn nên tích cực chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè để giải tỏa những khúc mắc và những vấn đề trong công việc, cuộc sống mà bạn gặp phải.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
- Nếu có những dấu hiệu bất thường về tâm lý, thần kinh thì bạn nên đến bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh sớm nhất có thể.
Thông qua những chia sẻ trên, bạn đã hiểu rõ về căn bệnh suy nhược thần kinh ở người trẻ. Với cuộc sống bận rộn như hiện nay, việc tự trang bị cho mình những kiến thức về căn bệnh này cũng như cách phòng tránh suy nhược thần kinh là điều cần thiết mà các bạn trẻ nên thực hiện.
Xem thêm: Bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh: Phát hiện triệu chứng sớm để điều trị hiệu quả