Tuổi dậy thì bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi và kéo dài bao lâu? Chắc hẳn đây là vấn đề nhiều phụ huynh và các bạn trẻ quan tâm. Mỗi người sẽ có thời điểm bắt đầu dậy thì và kết thúc theo các giai đoạn khác nhau, nhưng chung quy những biểu hiện cũng tương tự nhau.
Tuổi dậy thì bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi?
Tuổi dậy thì là quá trình báo hiệu cơ thể trẻ đã có những biến chuyển về mặt thể chất lẫn tinh thần. Giai đoạn này cơ quan sinh sản và các đặc điểm giới tính của trẻ bắt đầu phát triển và hoàn thiện.
Tùy vào cơ địa của mỗi bé mà thời gian bắt đầu sẽ khác nhau. Thông thường bé gái sẽ dậy thì sớm hơn các bé trai. Thời gian bé gái dậy thì từ 10 đến 14 tuổi, trong khi đó các bé trai sẽ từ khoảng từ 12 đến 15 tuổi.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đến tuổi dậy thì
Dấu hiệu cho thấy trẻ bắt đầu dậy thì sẽ khác nhau tùy theo giới tính:
Dấu hiệu ở bé gái khi đến tuổi dậy thì
Ngực bắt đầu phát triển là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu bé gái sắp bước vào giai đoạn dậy thì. Sẽ có sự phát triển chênh lệch giữa hai bên vú, trong đó một bên sẽ to hơn bên còn lại trong vài tháng đầu, đồng thời trẻ sẽ cảm nhận đầu vú to ra và mềm hơn. Lông vùng nhạy cảm sẽ phát triển cùng với lông tay, chân, vùng nách.
Khi bắt đầu dậy thì cho đến vài năm sau đó, cơ thể bé gái sẽ thay đổi:
- Nhận thấy được phát triển nhanh của ngực, trở nên đầy đặn hơn.
- Sau 2 năm khi dấu hiệu dậy thì xuất hiện sẽ bắt đầu có kinh nguyệt.
- Lông mu thô và xoăn hơn.
- Vùng nách bắt đầu có lông, một số bé sẽ có ria mép, và mọc lông ở những vị trí khác, điều này hoàn toàn bình thường.
- Hay đổ mồ hôi.
- Nhiều bé gái sẽ bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá. Tình trạng này có thể kéo dài trong suốt quá trình trưởng thành và cần có sự chăm sóc tốt để không để lại sẹo trên da.
- Âm đạo bắt đầu có dịch màu trắng tiết ra.
- Chiều cao phát triển mạnh mẽ, vòng 1 tăng trưởng từ 5 đến 7,5cm trong vòng 1 hoặc 2 năm.
- Tăng cân, thay đổi hình dáng cơ thể, có nhiều mỡ dọc cánh tay, đùi, lưng. Hông tròn và có sự thu hẹp eo.
Dấu hiệu ở bé trai khi đến tuổi dậy thì
Tinh hoàn lúc này sẽ lớn hơn trước, đồng thời bìu bắt đầu mỏng và đỏ dần lên. Lông vùng kín bé trai cũng xuất hiện nhiều hơn, tập trung nhiều tại gốc dương vật.
Sau 1 năm các dấu hiệu dậy thì bắt đầu lộ rõ hơn:
- Dương vật và tinh hoàn lớn hơn, bìu chuyển sang tối màu.
- Lông các vùng dày và rậm rạp hơn.
- Cũng sẽ tiết nhiều mồ hôi giống như các bé gái.
- Vú có tình trạng bị sưng nhẹ, nếu có dấu hiệu này đừng quá lo vì nó hoàn toàn bình thường.
- Xuất tinh trong khi ngủ không kiểm soát (mộng tinh).
- “Vỡ” giọng, giọng trầm hơn.
- Mụn trứng cá xuất hiện.
- Chiều cao tăng nhanh có thể 7 – 8cm trong vài năm đầu và phát triển cơ bắp.
Quá trình dậy thì của trẻ là giai đoạn nhạy cảm, nhưng đây là điều bắt buộc mà con người phải trải qua để trưởng thành. Một số trẻ sẽ cảm thấy khó khăn để vượt qua, nhưng cũng sẽ có bé cảm thấy hào hứng khi được dậy thì.
Những cảm xúc mới lạ khi bắt đầu trưởng thành sẽ cho trẻ nhiều suy nghĩ, tâm trạng và thái độ cũng sẽ có biến chuyển nhất định. Do đó, bố mẹ cần quan sát sự thay đổi trong con, tâm sự và giúp con giải quyết những băn khoăn để con có tuổi dậy thì toàn diện.
Những dấu hiệu kết thúc tuổi dậy thì ở trẻ
Kết thúc tuổi dậy thì cũng là lúc trẻ hoàn thiện dần về mặt thể chất và tâm lý. Thông thường, giai đoạn kết thúc dậy thì ở bé gái là từ 15 đến 17 tuổi, bé trai từ 16 đến 18 tuổi.
Qua những dấu hiệu trên cơ thể trẻ sẽ tự nhận biết mình đã hoàn thành quá trình dậy thì hay chưa.
Đối với bé gái, lúc này:
- Ngực đã phát triển đến kích thước gần giống như người trưởng thành. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn sẽ kéo dài sau năm 18 tuổi. Đồng thời, ngực sẽ trở nên đầy đặn và săn chắc hơn.
- Chiều cao đạt đến mức nhất định, có thể ngừng phát triển hoàn toàn hoặc phát triển rất ít.
- Bộ phận sinh dục và lông mu đã phát triển đầy đủ.
- Định hình được hình dạng mông, đùi, hông, kích thước tương đương với người trưởng thành.
Đối với bé trai, lúc này:
- Bộ phận sinh dục như dương vật, tinh hoàn, bìu đã phát triển toàn diện.
- Lông mu có thể phát triển đến đùi trong và lấp đầy toàn dương vật.
- Râu hình thành ở cằm, quai hàm, mép, có thể phát triển rậm rạp. Lông các vùng khác cũng đậm màu và nhiều hơn như vùng tay, chân, bụng, ngực,…
- Chiều cao tăng trưởng như người trưởng thành, có thể phát triển chậm hơn nhưng cơ bắp vấn phát triển bình thường.
Yếu tố ảnh hưởng đến tuổi dậy thì ở trẻ
Tuổi dậy thì sẽ chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố sau đây, đây cũng là nguyên nhân giải thích cho hiện tượng vì sao có trẻ dậy thì sớm, có trẻ lại dậy thì muộn:
Trường hợp trẻ dậy thì sớm
Nguy cơ dậy thì sớm chịu nhiều tác động bởi các yếu tố như:
- Giới tính: Thông thường bé gái sẽ dậy thì sớm hơn các bé trai.
- Chủng tộc: Theo những thống kê trên thế giới, trẻ gốc Phi dậy thì sớm hơn so với những đứa trẻ thuộc chủng tộc khác.
- Béo phì: Trường hợp những trẻ thừa cân so với tuổi sẽ có nguy cao dậy thì sớm.
- Hormone giới tính: Việc trẻ tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm có chứa hormone sinh dục sẽ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ. Hormone estrogen và testosterone có trong kem, thuốc mỡ,…
- Bệnh lý: Hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh (McCune – Albright) là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của trẻ. Ngoài ra còn có khả năng do trẻ đang bị suy giáp.
- Xạ trị: Trong quá trình điều trị các khối u, ung thư máu,…bức xạ sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
Trường hợp trẻ dậy thì muộn
Dậy thì muộn có thể xảy ra ở cả bé trai và bé gái, bị tác động bởi các yếu tố như:
- Bất thường tuyến yên bẩm sinh
- Đột biến gen
- Suy dinh dưỡng
- Rối loạn ăn uống
- Tập thể dục quá mức
- Mắc các bệnh về tuyến sinh dục bẩm sinh
Giúp con vượt qua tuổi dậy thì bằng cách nào?
Nuôi dạy con là một quá trình có nhiều thử thách và gian nan, đặc biệt khi con bước vào giai đoạn biến chuyển tâm lý và cơ thể ở tuổi dậy thì. Ngoài việc làm bạn với con, lắng nghe những nhu cầu của con, bạn nên tham khảo thêm một số cách sau đây:
- Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ để phát triển cơ thể và bảo vệ tốt sức khỏe mãi về sau. Cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước và cung cấp đạm, protein,…trong quá trình trưởng thành của con.
- Khuyến khích và hỗ trợ con tham gia các môn thể thao lành mạnh, cùng tập luyện mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe. Đây cũng là giải pháp để tăng chiều cao cho con.
- Giúp con định hình những suy nghĩ trong cuộc sống theo hướng tích cực và trưởng thành hơn. Đặc biệt, hãy thường xuyên trò chuyện với con và để con tham gia vào việc xây dựng cũng như giữ gìn những nguyên tắc trong gia đình.
- Lắng nghe và cùng con giải quyết những vấn đề, tư vấn tâm tư tình cảm cho con, không nên gò ép con vào khuôn phép do bạn đặt ra mà cho con được thỏa sức sáng tạo.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên quan sát những biến chuyển bất thường trong giai đoạn dậy thì của con để có những biện pháp can thiệp đúng lúc. Đưa con đến gặp bác sĩ nếu bạn thấy con bạn:
- Chậm phát triển về thể chất, giới tính. Ví dụ sau 14 tuổi vẫn chưa thấy con dậy thì.
- Cân nặng và thói quen ăn uống thay đổi, đột ngột ăn nhiều hoặc biếng ăn.
- Rối loạn cảm xúc và hình ảnh. Ví dụ, bé gái luôn thấy mình béo trong khi bé rất gầy. Đây là dấu hiệu cho thấy bé có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.
- Trẻ có dấu hiệu trầm cảm, hay thất thần, không thích đi học, học kém ở lại lớp, bắt đầu học đòi hút thuốc, rượu bia, thậm chí là sử dụng ma túy.
Giai đoạn dậy thì trẻ sẽ trải qua nhiều cảm xúc tâm lý khác nhau. Do đó, bố mẹ nên đồng hành cũng con trong giai đoạn phát triển đầu đời này, để con có những lối suy nghĩ tích cực về sau.
Trên đây là những thông tin về vấn đề tuổi dậy thì bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi và kéo dài bao lâu, hy vọng đã giúp ích được cho bạn. Đừng lơ là con trong giai đoạn này, vì đây có thể nói là cột mốc quan trọng, hãy giáo dục giới tính cho con và giúp con duy trì những thói quen tốt.
Tham khảo thêm:
- Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách xử lý
- 7 Cách tăng chiều cao ở tuổi dậy thì cho cả nam và nữ cực hiệu quả
Xem thêm: Sau khi mổ ruột thừa nên ăn gì, kiêng gì? (trái cây, thực phẩm)