Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là một dạng ung thư phát triển ở tuyến tiền liệt của nam giới. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến đàn ông trên 50 tuổi và có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Bệnh ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Tuyến tiền liệt ( còn được gọi là tiền liệt tuyến ) là một tuyến thuộc hệ sinh dục nam có kích thước cỡ quả óc chó nằm phía dưới bàng quang và trước trực tràng.
Ở đàn ông, tuyến này có chức năng tiết ra một chất lỏng được trộn lẫn với tinh dịch khi xuất tinh. Chất này đóng vai trò bảo vệ và làm tăng khả năng hoạt động của tinh trùng, giúp quá trình thụ thai diễn ra dễ dàng hơn. Cũng như nhiều cơ quan khác, tuyến tiền liệt có thể bị ung thư tấn công.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ sự xuất hiện của khối u ác tính tại tuyến tiền liệt. Tại Mỹ, đây là loại ung thư có mức độ phổ biến hàng đầu ở nam giới. Tuy nhiên, bệnh có tốc độ tiến triển chậm và có thể điều trị khỏi nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Nguyên nhân ung thư tiền liệt tuyến
Nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến tiền liệt vẫn chưa được xác định rõ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, căn bệnh này khởi phát là do sự thay đổi bất thường trong DNA của một tế bào tuyến tiền liệt khỏe mạnh. Sự đột biến trong DNA thúc đẩy quá trình phát triển và phân chia của các tế bào bất thường diễn ra nhanh hơn. Chúng tích lũy và tạo thành một khối u ác tính xâm lấn vào các mô của tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tiền liệt tuyến. Chúng bao gồm:
- Hút thuốc lá: Các chất độc hại trong khói thuốc lá có thể khiến nam giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt loại tiến triển cao hơn. Việc sử dụng thuốc lá sau thời gian điều trị ung thư cũng có thể thúc đẩy bệnh tái phát trở lại.
- Nghề nghiệp: Nam giới làm việc trong môi trường rung lắc, chấn động nhiều dễ mắc ung thư hơn.
- Độ tuổi: Căn bệnh ung thư này phổ biến hơn ở nam giới tuổi trung niên, sau 50 tuổi
- Chủng tộc, địa lý: Thống kê cho thấy nam giới sống ở khu vực Bắc Mỹ, Tây Bắc Châu Âu, Úc, trên các đảo Caribbean và những người đàn ông da đen chiếm tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhiều nhất.
- Gen di truyền: Một người đàn ông có nguy cơ bị ung thư cao gấp đôi nếu trong gia đình có anh em sinh đôi, anh trai hoặc bố từng bị ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, nếu mang trong mình gen làm tăng nguy cơ ung thư vú là BRCA1 hoặc BRCA2 thì nam giới cũng có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn so với những người đàn ông bình thường.
- Thói quen ăn uống: Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc các sản phẩm từ sữa giàu chất béo có thể làm tăng cơ hội phát triển ung thư tuyến tiền liệt của một người.
- Thừa cân, béo phì: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ tử vong trong giai đoạn ung thư tiến triển. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa rõ tình trạng dư thừa cân nặng có liên quan đến sự khởi phát của căn bệnh này hay không.
- Nhiễm chất độc màu da cam: Tiếp xúc với chất độc màu da cam có thể liên quan đến sự phát triển của một số loại ung thư, bao gồm cả bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
10 dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển rất chậm và không có biểu hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sang đến giai đoạn tiến triển, nó gây ra nhiều triệu chứng bất thường ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
Các biểu hiện ung thư tiền liệt tuyến có thể gặp bao gồm:
- Đi tiểu thường xuyên hơn vào cả ban ngày lẫn ban đêm
- Tiểu khó
- Bí tiểu
- Tiểu ra máu, nước tiểu đục
- Đi tiểu thấy đau
- Khó cương cứng hoặc không thể duy trì trạng thái cương cứng của dương vật lâu khi quan hệ
- Có cảm giác đau trong xương. Các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là hông, cột sống, hai bên xương sườn ( ngực) , khung chậu hoặc xương đùi.
- Xương dễ bị gãy
- Người gầy sút, mệt mỏi,
giảm cân nhanh - Trường hợp khối u di căn đến cột sống và chèn ép vào tủy: Bệnh nhân còn có biểu hiện tê yếu chân, bàn chân, mất tự chủ trong hoạt động đại tiểu tiện.
Khi nào nên tới bệnh viện khám?
Hầu hết các triệu chứng trên có nhiều khả năng được gây ra bởi một vấn đề khác ngoài ung thư tuyến tiền liệt. Ví dụ, khó đi tiểu thường xảy ra nhiều hơn do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) hoặc do viêm đường tiết niệu.
Chính vì vậy, bạn nên tới bệnh viện gặp bác sĩ nếu có bất kì biểu hiện nào trong số này để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt
Căn cứ vào vị trí, kích thước của khối u và phạm vi ảnh hưởng mà bệnh ung thư tuyến tiền liệt được chia thành 4 giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn I: Các tế bào ung thư được tìm thấy trong tuyến tiền liệt, chúng có kích thước rất nhỏ và chưa ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn II: Được chia thành các giai đoạn nhỏ là IIA và IIB. Lúc này, khối u phát triển kích thước lớn hơn một chút nhưng chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Khám trực trạng bằng tay có thể phát hiện được khối u.
- Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi tuyến tiền liệt và xâm lấn vào các mô lân cận. Các túi tinh cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn IV: Còn gọi là ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Lúc này, tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Tiên lượng sống của người mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến
Nếu bệnh được chẩn đoán sớm trước khi tế bào ung thư lan sang các cơ quan khác thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm khá cao, khoảng 99%. Ung thư được phát hiện sau 15 năm, tỷ lệ trên giảm xuống còn 96%. Trường hợp ung thư tuyến tiền liệt di căn, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân chỉ khoảng 29%.
Càng được phát hiện sớm, khả năng thành công của điều trị và cơ hội sống thêm nhiều năm của bệnh nhân sẽ càng cao hơn. Do vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ ung thư cao thì nam giới nên đi khám sàng lọc thường xuyên, làm xét nghiệm PSA đo chỉ số ung thư tiền liệt tuyến nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Cách chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến
Các kỹ thuật được bác sĩ sử dụng để chẩn đoán bệnh ung thư tiền liệt tuyến bao gồm:
– Kiểm tra lịch sử y tế:
Nếu nghi ngờ bạn mắc ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chia sẻ tất cả các triệu chứng đang gặp phải và thời gian chúng xuất hiện, bao gồm cả các vấn đề liên quan đến tiết niệu hoặc tình dục. Bạn cũng có thể được bác sĩ hỏi về lịch sử gia đình, bệnh tật, nghề nghiệp để xác định yếu tố nguy cơ mắc ung thư.
– Khám trực tràng bằng tay ( DRE ):
Bác sĩ đeo găng và bôi trơn một đầu ngón tay đưa vào trực tràng. Điều này sẽ giúp phát hiện ra dấu tích của vết sưng hay một cục cứng ở tuyến tiền liệt có thể là ung thư.
Trong trường hợp bạn bị ung thư, đôi khi việc thăm khám trực tràng bằng tay cũng có thể giúp xác định phạm vi ảnh hưởng của ung thư. Chẳng hạn như ung thư chỉ có ở một bên tuyến tiền liệt hay cả hai, hay ung thư đã di căn ra bên ngoài hay chưa.
Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể tiếp tục chỉ định thêm một số xét nghiệm ung thư tiền liệt tuyến như:
– Xét nghiệm PSA:
PSA là các kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Nếu mức PSA > 4ng/ml máu thì có thể nghi ngờ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Trường hợp PSA > 10ng/ml máu thì khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt là trên 50%.
Xét nghiệm PSA cũng là kỹ thuật được áp dụng để sàng lọc ung thư ở những người đàn ông chưa có dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến.
– Siêu âm qua ngã trực tràng ( trust):
Phương pháp này sẽ được chỉ định khi bệnh nhân có chỉ số ung thư tuyến tiền liệt (PSA) cao hoặc khám DRE cho kết quả bất thường. Một đầu dò nhỏ có kích cỡ tương tự như ngón tay được bôi trơn và đưa vào thăm dò tuyến tiền liệt thông qua ngõ trực tràng.
Hình ảnh đen trắng được ghi nhận trên máy tính cho phép bác sĩ đánh giá được thực trạng bên trong tuyến tiền liệt.
– Sinh thiết tuyến tiền liệt:
Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể dùng kim sinh thiết để lấy khoảng 12-14 mẫu mô từ các khu vực khác nhau của tuyến tiền liệt và soi chúng dưới kính hiển vi để kiểm tra sự hiện diện củ tế bào ung thư.
Bên cạnh các kỹ thuật chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến kể trên, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định sinh thiết hạch bạch huyết hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như quét xương, chụp CT, MRI hay X-quang. Chúng giúp xác định được phạm vi lây lan, di căn của tế bào ung thư.
Phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Thông qua kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ xác định được mức độ, giai đoạn của ung thư. Từ đó, quyết định phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.
# Cách chữa ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu:
Nếu khối u còn nhỏ hoặc chưa lan ra khỏi tuyến tiền liệt, ung thư có thể được quản lý và điều trị bằng các phương pháp sau:
– Theo dõi và chờ đợi:
Không phải trường hợp nào bị ung thư tiền liệt tuyến cũng cần chữa trị ngay lập tức. Lý do bởi nguy cơ gặp tác dụng phụ đôi khi còn lớn hơn cả lợi ích đạt được
khi điều trị ung thư trong giai đoạn tiến triển chậm.
Bác sĩ sẽ thận trọng xem xét một số yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể, các vấn đề ung thư gây ra cho bệnh nhân, lợi ích và rủi ro của điều trị. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra máu để theo dõi nồng độ PSA trước khi quyết định nên làm gì.
– Phẫu thuật:
Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt và một số mô xung quanh nó, bao gồm cả túi tinh. Các phương pháp phẫu thuật loại bỏ tuyến tiền liệt gồm có:
- Phẫu thuật mổ hở: Bệnh nhân được mổ bằng phương pháp truyền thống này thường phải nằm viện tối đa trong 10 ngày và cần khoảng 3 tháng để có thể phục hồi.
- Phẫu thuật nội soi: Việc cắt bỏ tuyến tiền liệt được thực hiện thông qua một số vết mổ nhỏ nên ít gây đau và chảy máu. Thời gian nằm viện cũng ngắn hơn.
- Phẫu thuật bằng cánh tay robot: Mặc dù phương pháp này có độ chính xác cao, thời gian phục hồi nhanh nhưng khá tốn kém.
Một số rủi ro bệnh nhân phải đối mặt sau phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt như: Dị ứng với thuốc gây mê, mất nhiều máu, tiểu không tự chủ, huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân hoặc phổi, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan lân cận…
Ngoài ra, việc loại bỏ tuyến tiền liệt có thể làm giảm sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản. Nếu vẫn còn muốn có con, bệnh nhân có thể nói chuyện với bác sĩ về việc lưu trữ tinh trùng hoặc lấy tinh trùng chiết trực tiếp từ tinh hoàn để thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, khả năng thành công không được đảm bảo.
– Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp phóng xạ (Brachytherapy):
Chất phóng xạ sẽ được cấy vào tuyến tiền liệt để tiêu diệt tế bào ung thư ở khu vực bị ảnh hưởng. Phương pháp này ít gây tác dụng phụ nhưng bệnh nhân có thể bị đau và sưng ở nơi điều trị.
– Xạ trị 3 chiều ( 3D – CRT):
3D-CRT sử dụng phần mềm máy tính chuyên dụng để lập bản đồ chính xác vị trí khối u trong tuyến tiền liệt. Các chùm bức xạ sau đó được định hình và nhắm vào tuyến tiền liệt từ nhiều hướng nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Do vậy, phương pháp này ít có khả năng làm hỏng các mô khỏe mạnh.
– Xạ trị cường độ cao ( IMRT):
IMRT là một hình thức trị liệu 3D tiên tiến. Bác sĩ điều khiển máy để định hình chùm tia và nhắm chúng vào tuyến tiền liệt từ nhiều góc độ. Cường độ chùm tia có thể thay đổi để hạn chế liều tiếp cận với các mô bình thường gần đó. Điều này cho phép các bác sĩ cung cấp một liều bức xạ cao hơn cho vị trí bị ung thư.
Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải khi xạ trị chữa ung thư tuyến tiền liệt như: Tiêu chảy, đi cầu ra máu, rò trực tràng, viêm bàng quang, nóng rát khi đi tiểu, tiểu không tự chủ, hẹp niệu đạo, mệt mỏi, phù bạch huyết, mất khả năng cương cứng dẫn đến bất lực…
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân cũng có thể được điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng liệu pháp áp lạnh hoặc xạ trị kết hợp với liệu pháp hormone trong thời gian kéo dài khoảng 4 đến 6 tháng. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết được tất cả những lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị để lựa chọn ra giải pháp phù hợp nhất.
# Điều trị ung thư tiền liệt tuyến trong giai đoạn tiến triển
Khi ung thư tiến triển nặng hơn, các tế bào ác tính có thể lan rộng khắp cơ thể. Các phương pháp điều trị sau có thể được khuyến nghị:
– Hóa trị:
Hóa trị sử dụng thuốc chống ung thư theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống. Thuốc có khả năng thâm nhập vào máu và đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ác tính nên hữu ích với các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến các cơ quan ở xa.
Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng phổ biến trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Docetaxel (Taxotere)
- Cabazitaxel (Jevtana)
- Mitoxantrone (Novantrone)
- Estramustine (Emcyt)
Trong hầu hết các trường hợp, thuốc hóa trị đầu tiên được đưa ra là Docetaxel, kết hợp với thuốc steroid. Nếu bệnh nhân không đáp ứng được với thuốc trên, Cabazitaxel có thể là sự lựa chọn tiếp theo. Cả hai loại thuốc này đều đã được chứng minh là có khả năng làm chậm sự phát triển của ung thư, cải thiện triệu chứng và giúp nam giới sống lâu hơn so với các loại thuốc hóa trị cũ. Tuy nhiên nếu chỉ hóa trị thì rất khó có khả năng chữa khỏi ung thư di căn.
Hóa trị chữa ung thư tuyến tiền liệt thường được thực hiện theo chu kỳ. Sau mỗi đợt hóa trị được sử dụng, bệnh nhân có một vài tuần để nghỉ ngơi nhằm giúp cơ thể phục hồi trước khi tiến hành chu kỳ hóa trị tiếp theo.
Tùy thuộc vào loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc hóa trị mà bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Rụng tóc
- Viêm loét miệng
- Ăn không ngon, chán ăn
- Buồn nôn và nôn ói
- Tiêu chảy
- Giảm tế bào bạch cầu và tiểu cầu nên dễ bị nhiễm trùng, bầm tím da
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
Sau điều trị, những tác dụng phụ trên có thể biến mất. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc hỗ trợ giảm nhẹ các tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.
– Liệu pháp hormon điều trị ung thư tuyến tiền liệt:
Liệu pháp hormon còn được gọi là liệu pháp ức chế androgen hay liệu pháp thiếu hụt androgen (ADT). Phương pháp này được sử dụng nhằm mục đích làm giảm mức độ nội tiết tố nam androgen trong cơ thể hoặc ngăn chặn không cho nó kích thích các tế bào ung thư phát triển. Kết quả là tế bào ung thư có thể co lại hoặc ngưng ph
át triển trong một thời gian.
Bệnh nhân thường phải điều trị bằng liệu pháp hormone trong dài hạn. Tuy nhiên, liệu pháp này có thể ngưng hoạt động sau một thời gian và cần lựa chọn cách khác để đối phó với ung thư.
Các tác dụng phụ của liệu pháp hormone có thể gặp gồm:
- Suy giảm ham muốn tình dục hoặc mất hoàn toàn cảm giác ham muốn
- Rối loạn khả năng cương cứng, liệt dương
- Co rút tinh hoàn và dương vật
- Phát triển mô vú
- Loãng xương, gãy xương
- Giảm tế bào hồng cầu dẫn đến thiếu máu
- Tăng cân, mệt mỏi, lo âu
- Bốc hỏa…
Trong quá trình chữa ung thư tiền liệt tuyến, nam giới nên giữ tinh thần lạc quan, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Việc tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống, chăm sóc giảm nhẹ sau điều trị ung thư là điều cần thiết.
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể phòng ngừa được không?
Không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa được căn bệnh này một cách tuyệt đối. Tuy nhiên nam giới có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt bằng những cách sau:
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: Một chế độ ăn uống bao gồm nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và cắt giảm các thực phẩm giàu chất béo sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, giúp nam giới ngăn ngừa ung thư ở tuyến tiền liệt.
- Tập thể dục mỗi ngày: Tập luyện đều đặn giúp duy trì căn nặng, cải thiện tâm trạng và nâng cao sức khỏe tổng thể, qua đó giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của ung thư. Nam giới nên duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày. Hãy bắt đầu làm quen với những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức và tăng dần cường độ luyện tập.
- Giảm cân nếu đang bị béo phì: Nếu bạn đang dư thừa cân nặng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để xây dựng được kế hoạch ăn uống, tập luyện khoa học nhằm giảm cân một cách an toàn.
- Sàng lọc ung thư định kỳ: Điều này rất cần thiết, đặc biệt là khi bạn có một trong các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tiền liệt tuyến được đề cập ở trên.
Nhìn chung, bệnh ung thư tuyến tiền liệt có tiên lượng điều trị tốt, khả năng chữa khỏi cao nếu được chẩn đoán trước khi di căn. Vì vậy, đừng chần chừ trong việc thăm khám nếu bạn có bất kì biểu hiện nghi ngờ nào. Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín bạn có thể tìm tới để khám và sàng lọc bệnh ung thư tiền liệt tuyến như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, bệnh viện Ung Bướu TPHCM.
Thông tin được cung cấp trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Không có giá trị thay thế cho chẩn đoán và phương pháp điều trị y khoa của bác sĩ.
**Bạn có thể tham khảo thêm: Chế độ ăn uống ung thư tuyến tiền liệt: Thực phẩm nên ăn và cần tránh
Xem thêm: Viêm âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị dứt điểm