Vẩy nến á sừng là một bệnh lý da liễu phổ biến và thường gặp. Đây là căn bệnh viêm da mãn tính có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tinh thần của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn thông tin về bệnh vảy nến á sừng và cách điều trị.
Bệnh vẩy nến á sừng là gì?
Vảy nến á sừng là một thuật ngữ y khoa đề cập đến các căn bệnh da liễu có tổn thương lâm sàng tương tự như bệnh vảy nến nhưng khác nhau về cơ chế gây bệnh, căn nguyên và đặc điểm của bệnh. Đây là một dạng tổn thương da mãn tính, dai dẳng và chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.
Đa số các trường hợp mắc bệnh á sừng vảy nến đều lành tính và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp tổn thương da có thể phát triển thành bệnh u sùi dạng nấm (căn bệnh da cận ác tính).
Dựa vào các tổn thương lâm sàng, các chuyên gia đã phân chia bệnh vảy nến á sừng thành 3 loại chính là vảy nến á sừng thể giọt, vảy nến á sừng thể mảng và vảy nến á sừng loang lổ.
Cách nhận biết bệnh vẩy nến á sừng
Bệnh vảy nến á sừng có biểu hiện tương tự như bệnh vảy nến. Tuy nhiên, đặc điểm lâm sàng ở mỗi thể bệnh là khác nhau.
Triệu chứng bệnh vảy nến á sừng thể giọt
Bệnh vảy nến á sừng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi khác nhau và xuất hiện chủ yếu ở nam giới. Bệnh phát triển qua hai giai đoạn chính là cấp tính và mãn tính với đặc điểm tổn thương có sự khác biệt rõ rệt.
Biểu hiện bệnh vảy nến á sừng thể giọt cấp tính:
- Bệnh gây tổn thương như bệnh đậu mùa.
- Tổn thương da xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Biểu hiện cơ bản là tình trạng nổi mụn mủ, nổi sẩn, hoại tử da hoặc xuất huyết da. Đồng thời, da có vảy tiết hoại tử, đường kính khoảng 1cm và bờ khúc khuỷu.
- Khi da lành lại, sẹo lõm sẽ xuất hiện ở xung quanh và có hiện tượng nhiễm sắc tố.
- Một số triệu chứng á sừng toàn thân như sưng hạch, đau khớp, sốt, mệt mỏi, nhức đầu.
- Giai đoạn bệnh cấp tính thường kéo dài từ 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn.
Biểu hiện bệnh vảy nến á sừng thể giọt giai đoạn mãn tính:
- Xuất hiện những tổn thương da ở lòng bàn tay, bàn chân, da đầu và có tính chất đối xứng.
- Triệu chứng cơ bản là nổi mẩn đỏ phân bố rải rác, riêng lẻ, đường kính dao động từ 2 – 5mm.
- Sau khoảng vài tuần, mẩn đỏ có xu hướng xẹp xuống và sẫm màu hơn, bề mặt phủ vảy da, khi tróc thường bong toàn bộ mảng da.
- Ở giai đoạn này, bệnh phát triển và tái phát theo nhiều đợt.
Triệu chứng vảy nến á sừng thể mảng
Bệnh vảy nến á sừng thể mảng phổ biến hơn so với các thể còn lại
. Bệnh này chủ yếu gặp ở người từ 30 đến 50 tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Ít có trường hợp phát bệnh ở trẻ nhỏ và người dưới 20 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết bệnh vảy nến á sừng thể mảng bao gồm:
- Bệnh thường khởi phát triệu chứng khá chậm.
- Biểu hiện cơ bản là sự xuất hiện các mảng da có màu sắc không đồng nhất và phát triển qua nhiều năm.
- Khi xuất hiện ở sườn, các tổn thương thường có hình ngón tay hoặc bầu dục, bờ không rõ ràng, không ngứa ngáy và không có hiện tượng thâm nhiễm.
- Tổn thương ở các chi thường có tính chất song song theo trục.
- Kích thước vùng da tổn thương thường dao động từ 2 – 3cm, có khi phát triển và lan rộng bằng bàn tay, diện tích và hình dạng không đồng nhất.
Vảy nến á sừng thể mảng là căn bệnh tương đối lành tính nhưng tiến triển dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Một số mảng tổn thương da sẽ biến mất sau vài năm hoặc kéo dài vĩnh viễn.
Triệu chứng bệnh vẩy nến á sừng thể loang lổ
Vảy nến á sừng thể loang lổ có triệu chứng đặc trưng là những vết loang lổ sau một thời gian dài phát bệnh. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 20 – 60 tuổi, nam giới có khả năng mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Các biểu hiện thường gặp của bệnh á sừng vảy nến bao gồm:
- Trên da hình thành các mảng tổn thương nhỏ, có màu đỏ hoặc đỏ tím.
- Da bị tổn thương loang lổ và đi kèm với hiện tượng teo da, nhiễm sắc, giãn mao mạch, xuất hiện một ít vảy da và đôi khi có nổi sẩn.
Nguyên nhân gây vẩy nến á sừng
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh vẩy nến á sừng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh có sự liên quan mật thiết đến gen và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người. Bên cạnh đó, bệnh có thể khởi phát bởi một số yếu tố thuận lợi dưới đây:
- Yếu tố di truyền: Đây là một nguyên nhân thường gặp gây nên các bệnh da liễu mãn tính. Bệnh nhân bị vảy nến á sừng thường có người thân mắc các bệnh lý về da như viêm da cơ địa, chàm khô, tổ đỉa… Chính vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì khả năng bạn bị bệnh sẽ cao hơn.
- Dị ứng: Một số nghiên cứu cho thấy có tình trạng lắng đọng kháng nguyên ở mao mạch trung bì. Do đó nhiều nhà khoa học nghi ngờ bệnh lý này có liên quan đến phản ứng dị ứng.
- Thiếu hụt chất dinh dưỡng: Người bị thiếu hụt vitamin A, C, D, E… có khả năng bị bệnh vảy nến á sừng cao hơn người bình thường. Bởi thiếu hụt các chất này sẽ khiến quá trình tái tạo và sừng hóa của da diễn ra bất thường.
- Nhiễm trùng, nhiễm độc: Da thường xuyên bị nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sẽ làm tăng khả năng bị vảy nến á sừng.
- Bệnh tật: Mắc phải một số bệnh lý thông thường như viêm họng, viêm amidan, nhiễm HIV cũng có thể là nguyên nhân gây bùng phát bệnh.
- Một số yếu tố khác: Các yếu tố như thời tiết, thay đổi nội tiết tố, dị ứng với thuốc, thay đổi cảm xúc cũng được xem là nguyên nhân làm bùng phát bệnh. Bên cạnh đó, uống rượu bia và hút thuốc lá sẽ làm tình trạng vảy nến á sừng nghiêm trọng hơn.
Bệnh vẩy nến á sừng có nguy hiểm không?
Vảy nến á sừng là một căn bệnh viêm da lành tính và không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh có thể lan rộng và gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe như:
- Nhiễm trùng: Tình trạng ngứa ngáy dữ dội khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, phải cào gãi liên tục gây trầy xước da. Điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhiễm trùng máu là một biến chứng nguy hiểm bởi vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm nhiễm ở da đi vào máu.
- Ảnh hưởng đến tâm lý: Bệnh vảy nến á sừng có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, đặc biệt ở tay, chân, mặt, cổ… gây mất thẩm mỹ. Người bệnh sẽ cảm thấy tự ti, mặc cảm và ngại giao tiếp.
Vảy nến á sừng có chữa được không? Các cách điều trị bệnh
Vẩy nến á sừng là một căn bệnh dễ tái phát và kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể chữa dứt điểm nếu người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách.
Chữa bệnh bằng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc Tây y sẽ giúp kiểm soát tổn thương nhanh chóng, cải thiện mức độ ảnh hưởng và
ngăn ngừa bệnh tiến triển. Các loại thuốc Tây y cụ thể sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ và cơ địa của người bệnh. Theo đó, một số loại thuốc Tây y thường được sử dụng để điều trị bệnh á sừng như sau:
- Kem bôi ngoài da Axit Salicylic.
- Corticoid dạng kem bôi ngoài da như Betamethasone, Clobetasol…
- Thuốc kháng sinh được sử dụng trong các trường hợp khởi phát nhiễm trùng.
- Corticoid đường uống được dùng với liệu trình ngắn theo yêu cầu của bác sĩ bao gồm Dexamethason, Betamethason…
- Vitamin D3 bồi bổ cho cơ thể và bảo vệ làn da như Calcitriol, Calcipotriol…
- Nhóm thuốc Retinoid được sử dụng trong trường hợp bệnh phát triển ở mức độ nghiêm trọng.
Các nhóm thuốc kháng sinh và corticoid đều có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân phải hết sức cẩn thận khi sử dụng thuốc và uống thuốc theo đúng liều lượng quy định của bác sĩ.
Ngoài các loại thuốc trên, người bệnh có thể điều trị bằng một số phương pháp Tây y như quang trị liệu, liệu pháp laser hoặc sử dụng thuốc sinh học.
Bài thuốc Đông y chữa bệnh vẩy nến á sừng
Theo Đông y, bệnh vảy nến á sừng khởi phát do tình trạng rối loạn điều hòa khí huyết và suy giảm chức năng tiêu độc ở gan. Các bài thuốc Đông y chủ yếu lấy lại sự cân bằng khí huyết trong cơ thể, điều hòa nội tiết tố, tăng cường giải độc gan và ngăn ngừa tình trạng rối loạn suy giảm miễn dịch trong cơ thể.
Từ đó, bài thuốc Đông y vừa giúp bồi bổ bên trong cơ thể vừa giúp loại bỏ nhanh các triệu chứng của bệnh vảy nến á sừng. Một số bài thuốc Đông y thường được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến á sừng như:
- Bài thuốc 1: Kinh giới, rau má, thổ phục linh, hạ khô thảo, đơn tướng quân mỗi vị 12g, trinh nữ hoàng cung 10g, xích đồng 9g. Bạn cho tất cả các vị thuốc vào trong nồi nấu cùng 5 bát nước. Cho nồi lên bếp đun đến khi lượng nước còn lại khoảng 1 bát thì tắt bếp. Chắt lấy phần nước và sử dụng để điều trị bệnh.
- Bài thuốc 2: 500g mang tiêu, 240g khô phàn, cúc hoa da và xuyên tiêu mỗi vị 120g. Bạn cho hết tất cả nguyên liệu vào trong ấm lớn cùng với một lượng nước vừa đủ. Bắc thuốc lên bếp rồi đun sôi để lấy nước ngâm rửa trị bệnh. Mỗi lần ngâm rửa khoảng 30 phút. Trong quá trình ngâm rửa, bạn massage nhẹ nhàng vùng da bị vảy nến á sừng để loại bỏ hết mảng da sần sùi và tróc vảy.
Các bài thuốc Đông y thường có tác động từ từ nên người bệnh cần thời gian điều trị lâu dài. Đồng thời người bệnh phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị và phác đồ của bác sĩ Đông y.
Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà
Đối với trường hợp nhẹ, bệnh mới khởi phát, người bệnh có thể sử dụng một số thảo dược thiên nhiên để chữa bệnh vảy nến á sừng ngay tại nhà. Một số bài thuốc dân gian điều trị bệnh hiệu quả mà bạn có thể áp dụng như:
- Nha đam: Nha đam có chứa nhiều vitamin tốt cho làn da như vitamin A, C, E. Bạn có thể sử dụng nha đam bôi trực tiếp lên vùng da bị vảy nến và để yên khoảng 10 – 15 phút rồi rửa lại với nước.
- Lá trầu không: Đây là loại dược liệu có công dụng kháng khuẩn và kháng viêm rất tốt. Bạn có thể sử dụng lá trầu không để chữa bệnh á sừng bằng cách tắm, ngâm rửa và đắp lá lên vùng da bị bệnh.
- Lá lốt: Lá lốt có công dụng sát khuẩn, giảm đau và thúc đẩy làm lành những tổn thương trên da hiệu quả. Bạn có thể sử dụng lá lốt để chữa bệnh vảy nến bằng cách uống, tắm nước lá lốt hoặc giã nhỏ và đắp lá lên vùng da cần điều trị.
Một số lưu ý khi điều trị và cách phòng ngừa bệnh tái phát
Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh vảy nến á sừng và hạn chế bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý một số vấn đề dưới đây:
- Tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh.
- Không tự ý mua thuốc uống, bỏ thuốc hoặc thay thế thuốc chữa bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Đối với những loại thuốc kháng sinh, thuốc corticoid, người bệnh cần uống đúng thời gian quy định để tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh lý bên trong cơ thể.
- Người bệnh phải luôn giữ ẩm cho làn da, tránh để da bong tróc, khô, nứt nẻ…
- Không chà xát, gãi mạnh, kỳ cọ lên vùng da bị tổn thương.
- Người bệnh nên uống đủ nước mỗi ngày, tốt nhất nên bổ sung 2 – 2,5 lít nước để giữ ẩm cho da, thải độc và bảo vệ da khỏi những tác nhân gây hại.
- Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa chứa nhiều hóa chất gây hại cho làn da, bạn chỉ nên sử dụng xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như rau củ, vitamin, trái cây, ngũ cốc…
- Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý, tránh tình trạng căng thẳng, stress quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vẩy nến á sừng không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày bởi tình trạng ngứa ngáy, khô da kéo dài dai dẳng. Do vậy, người bệnh cần chú trọng thăm khám bệnh và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến trầm trọng với nhiều biến chứng nguy hiểm.