Viêm niêm mạc trực tràng là một trong những bệnh đường tiêu hóa xảy ra ở đoạn cuối của đại tràng. Tuy là một bệnh tiêu hóa nhưng viêm niêm mạc trực tràng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, gồm các bệnh đường ruột, các bệnh nhiễm trùng thông thường và cả các bệnh lây qua đường tình dục.
Hiểu về bệnh viêm niêm mạc trực tràng
Viêm niêm mạc trực tràng (Proctitis) là bệnh xảy ra tại đoạn ống cơ nối phần cuối cùng của đại tràng (được gọi là trực tràng). Đây là một đoạn của hệ thống tiêu hóa mà phân sẽ đi ngang qua trên đường ra khỏi cơ thể. Đây là một trong những bệnh gây đau và khiến cho người bệnh liên tục phải đi ngoài.
Những trường hợp bệnh nhân bị viêm niêm mạc trực tràng có thể xảy ra dưới dạng cấp tính, tiến triển trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài và trở thành tình trạng mạn tính.
1. Nguyên nhân viêm niêm mạc trực tràng
Bệnh viêm niêm mạc trực tràng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây viêm niêm mạc trực tràng. Trong đó có 2 dạng nhiễm trùng là nhiễm trùng do các bệnh thông thường và nhiễm trùng do các bệnh tình dục. Một số nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm trùng dẫn đến viêm niêm mạc trực tràng như:
- Ảnh hưởng của bệnh lậu.
- Người mắc bệnh herpes sinh dục.
- Bệnh nhân nhiễm nấm chlamydia.
- Người bị nhiễm trùng do thực phẩm, bao gồm nhiễm các loại khuẩn shigella, salmonella và campylobacter.
Các bệnh đường tiêu hóa
Những bệnh đường tiêu hóa cũng là nguyên nhân kéo theo viêm niêm mạc trực tràng. Trong đó, phổ biến nhất là các bệnh viêm ruột, bệnh Crohn, bệnh viêm loét đại tràng,… Sự viêm nhiễm tại các vị trí này có thể kéo theo ảnh hưởng cho những cơ quan lân cận. Niêm mạc trực tràng lại là một trong những đoạn mà các chất thải trong cơ thể đi qua, do đó rất dễ gặp tình trạng viêm nhiễm không mong muốn.
Xạ trị ung thư
Bệnh nhân mắc ung thư tại một số vị trí ở đường tiêu hóa sau khi xạ trị cũng có thể gián tiếp gây kích ứng ứng niêm mạc trực tràng. Tình trạng này có thể bắt đầu xảy ra trong khi bệnh nhân đang điều trị và kéo dài vài tháng sau khi điều trị. Cá biệt những trường hợp nặng có thể xảy ra kéo dài đến vài năm sau khi điều trị.
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân có thể kéo theo viêm niêm mạc trực tràng, một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Trong đó, việc quan hệ tình dục không lành mạnh, không sử dụng bao cao su, quan hệ với người có STD (Sexually Transmitted Disease – bệnh lây truyền qua đường tình dục).
2. Triệu chứng viêm niêm mạc trực tràng
Bệnh nhân mắc viêm niêm mạc trực tràng có một số dấu hiệu dễ nhận biết, bao gồm:
- Bệnh nhân có cảm giác đau bụng âm ỉ, thường xuyên, liên tục, đi ngoài nhiều lần.
- Có dấu hiệu đau trực tràng, cảm giác đau xuất phát tại phần bên trái của bụng.
- Trực tràng có cảm giác đầy, chảy máu trực tràng.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy thường xuyên, khi đi ngoài có cảm giác đau và khó chịu.
- Người bệnh có dấu hiệu chảy máu trực tràng.
3. Biến chứng của viêm niêm mạc trực tràng
Người bị viêm niêm mạc trực tràng nếu điều trị sớm có thể không nguy hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh nhân không được điều trị sớm, không đáp ứng với điều trị thì có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
Thiếu máu
Những trường hợp viêm niêm mạc trực tràng gây chảy máu, đặc biệt là với những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở dạng mạn tính thì có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, các tế bào máu không có đủ hồng cầu mang oxy đến các mô. Thường xuyên bị thiếu máu c
ó thể khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, có thể gặp phải các triệu chứng khó chịu, đau đầu, chóng mặt, da xanh xao, nhợt nhạt.
Xuất hiện các vết loét
Ở những bệnh nhân viêm niêm mạc trực tràng, đặc biệt là bệnh nhân mạn tính có thể xuất hiện các vết loét tại lớp lót bên trong trực tràng. Tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân mà các vết loét có thể có kích thước nhỏ hoặc loét thành vết lớn.
Biến chứng lỗ rò
Lỗ rò là một trong những biến chứng xuất phát từ vết loét trên niêm mạc trực tràng bị viêm. Khi tiến triển nặng, các vết loét có thể mở rộng thông qua thành ruột và hình thành một lỗ rò bất thường. Lỗ rò có thể thông từ trực tràng đến các bộ phận khác nhau của đường ruột, lỗ rò qua da,… Tình trạng lỗ rò có thể gây ra nhiều viêm nhiễm phức tạp, khó điều trị.
4. Chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng
Những chẩn đoán viêm niêm mạc trực tràng có thể được thực hiện với một số xét nghiệm như:
Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân là một trong những xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán các vấn đề về tiêu hóa. Mục đích chính của xét nghiệm phân là xác định nguyên nhân gây ra viêm niêm mạc trực tràng có liên quan đến vi khuẩn hay không, nếu có thì đó là những loại vi khuẩn gì.
Nội soi đại tràng sigmoid
Đây là một trong những phương pháp chẩn đoán được sử dụng phổ biến trong các bệnh dạ dày. Các bác sĩ sẽ dùng một ống linh hoạt để kiểm tra đại tràng sigmoid tại đoạn 61 cm ở phần cuối đại tràng, trong đó bao gồm trực tràng. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ cũng có thể thực hiện sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ tại vị trí theo dõi. Mẫu tế bào được sinh thiết có thể cho bác sĩ biết được nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe tiêu hóa của bệnh nhân.
Kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục
Đây là một trong những kiểm tra cần thiết để giúp xác định được nguyên nhân viêm niêm mạc trực tràng có liên quan đến các bệnh tình dục hay không. Kiểm tra này đặc biệt cần thiết khi bệnh nhân có mẫu dịch chảy ra từ ống niệu đạo, trực tràng, bàng quang,… Bác sĩ có thể tiến hành chèn một tăm bông vào cuối niệu đạo hoặc hậu môn để thấm lấy mẫu dịch tiết. Việc lấy mẫu có thể giúp bác sĩ kiểm tra được sự hiện diện của các loại vi khuẩn, các yếu tố lây nhiễm, từ đó đưa ra được hướng điều trị hiệu quả.
Điều trị viêm niêm mạc trực tràng
Hướng điều trị viêm niêm mạc trực tràng thường phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà bệnh nhân có thể được can thiệp bằng các biện pháp phù hợp:
1. Điều trị viêm niêm mạc trực tràng do nhiễm trùng
Đối với những bệnh nhân mắc viêm niêm mạc trực tràng do nguyên nhân nhiễm trùng, hướng điều trị chủ yếu là giảm bớt sự lây nhiễm. Tùy theo mức độ truyền nhiễm cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định những hướng điều trị phù hợp, bao gồm:
Điều trị bằng thuốc kháng sinh
Những trường hợp cần điều trị bằng thuốc kháng sinh thường là viêm niêm mạc trực tràng do nhiễm khuẩn. Tùy theo mức độ nhiễm khuẩn mà người bệnh có thể được chỉ định các loại kháng sinh phù hợp.
Điều trị bằng thuốc kháng siêu vi
Thuốc kháng siêu vi là nhóm thuốc thường được chỉ định cho bệnh nhân viêm niêm mạc trực tràng do nhiễm virus. Nhóm thuốc này thường được chỉ định phổ biến trong những trường hợp nhiễm virus herpes lây truyền qua đường tình dục. Đối với những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một toa thuốc kháng virus sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc.
2. Điều trị viêm niêm mạc trực tràng do xạ trị
Những trường hợp viêm niêm mạc trực tràng mức độ nhẹ do xạ trị có thể không cần áp dụng các biện pháp can thiệp, điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp viêm niêm mạc trực tràng nặng hơn, gây đau đớn, chảy máu nặng nề thì cần phải tiến hành các biện pháp điều trị phù hợp. Hướng điều trị phổ biến cho bệnh nhân dạng này bao gồm:
Thuốc kiểm soát chảy máu, thuốc chống viêm
Các loại thuốc kiểm soát chảy máu thường được chỉ định trong những trường hợp viêm niêm mạc trực tràng có chảy máu. Tác dụng chính của thuốc này là kìm hãm chảy máu, giảm viêm sưng. Ngoài ra nhóm thuốc kiểm soát chảy máu có thể kết hợp cùng với thuốc steroids, thuốc chống viêm, thuốc xổ, thuốc viên, thuốc đạn đặt hậu môn,…
Điều trị bằng laser
Sử dụng tia laser là một trong những giải pháp để tiêu diệt các mô bị thương tổn, hư hại. Đây là kỹ thuật thường được áp dụng để can thiệp, điều trị các vấn đề về mô bất thường, chảy máu mô. Điều trị bằng tia laser có thể được các bác sĩ chỉ định kết hợp bằng khí argon (APC) để giúp cho điều trị có hiệu quả tốt hơn.
3. Điều trị viêm niêm mạc trực tràng do viêm ruột
Đối với các bệnh viêm ruột gây viêm niêm mạc trực tràng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc điều trị phẫu thuật. Cụ thể như sau:
Điều trị bằng thuốc
Những trường hợp viêm niêm mạc trực tràng liên quan đến các bệnh đường ruột như bệnh Croh, viêm loét đại tràng,… thường được điều trị bằng các loại thuốc kiểm soát viêm, sưng. Một số loại thuốc điều trị thường được chỉ định bao gồm:
- Thuốc chống viêm sưng như mesalamine (Tidocol, Canasa), thuốc corticosteroid.
- Những loại thuốc này có thể chỉ định sử dụng dưới dạng thuốc viên, thuốc đạn, thuốc xổ.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phẫu thuật là hướng điều trị giúp loại bỏ các phần niêm mạc trực tràng bị hư hại, thương tổn. Hướng điều trị này thường áp dụng cho những bệnh nhân không đáp ứng hoặc ít đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Một số lưu ý cho người bị viêm niêm mạc trực tràng
Bệnh nhân viêm niêm mạc trực tràng trong và sau điều trị cần đặc biệt lưu ý điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến lối sống, sinh hoạt cũng như áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý mà bệnh nhân cần biết:
1. Điều chỉnh lối sống
- Bệnh nhân viêm niêm mạc trực tràng cần lưu ý không ăn no trước khi đi ngủ. Điều này có thể làm cho hệ tiêu hóa khó chịu, khiến cho bệnh nhân dễ đi ngoài vào ban đêm.
- Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc tiêu chảy, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đặc biệt cần thận trọng nếu như có kèm thêm viêm đại tràng.
2. Biện pháp phòng chống
Để phòng chống viêm niêm mạc trực tràng cũng như hạn chế nguy cơ tái phát, cần chú ý một số vấn đề như:
- Không quan hệ tình dục với nhiều người.
- Không quan hệ khi có các vết loét sinh dục, không quan hệ với người mắc các bệnh tình dục, viêm loét sinh dục.
- Sử dụng bao cao su để đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục.
- Thăm khám và điều trị sớm các bệnh đường ruột, bệnh đường tiêu hóa để hạn chế nguy cơ dẫn đến viêm niêm mạc trực tràng.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm: Xét nghiệm canxi