Sử dụng thuốc Tây, thuốc Nam, bài thuốc Đông y, phẫu thuật,… là các phương pháp chữa trị viêm đại tràng phổ biến hiện nay. Trên thực tế, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị dựa trên triệu chứng lâm sàng, giai đoạn phát triển của bệnh, độ tuổi và mức độ đáp ứng của từng trường hợp.
Các phương pháp điều trị viêm đại tràng phổ biến
Viêm đại tràng là vấn đề đường ruột thường gặp ở người trưởng thành, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, táo bón xen lẫn với tiêu chảy. Bệnh lý này có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm men hoặc do rối loạn tự miễn. Trên thực tế, một số trường hợp bị viêm đại tràng mãn tính có thể không xác định được nguyên nhân.
Viêm đại tràng là bệnh lý có mức độ nghiêm trọng – đặc biệt là ở giai đoạn cấp tính. Nếu không tiến hành khắc phục và xử lý, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra các biến chứng như phình giãn ruột, xuất huyết tiêu hóa dưới, thủng ruột, rối loạn điện giải, trụy tim mạch và tăng nguy cơ tử vong.
Hiện nay, điều trị viêm đại tràng gồm có nhiều phương pháp. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, giai đoạn phát triển của bệnh, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định hướng điều trị phù hợp.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm đại tràng phổ biến hiện nay:
1. Sử dụng thuốc + bù nước
Viêm đại tràng cấp và mãn tính đều được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên ở giai đoạn cấp, bệnh nhân nôn mửa nhiều, tiêu chảy và tăng số lần đi tiêu nên dễ mất nước, rối loạn điện giải và trụy tim mạch. Chính vì vậy ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được bù nước để phục hồi thể trạng và phòng ngừa tử vong.
Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng cấp và mãn tính, bao gồm:
- Oresol: Oresol là thuốc bù nước và bù điện giải được sử dụng cho bệnh nhân bị tiêu chảy, viêm đại tràng, ngộ độc thực phẩm và một số vấn đề tiêu hóa gây buồn nôn, nôn mửa và tăng số lần đi tiêu. Trước khi dùng, cần pha bột thuốc với nước và uống nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên đối với những trường hợp mất nước nhiều, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng cấp và mãn tính do nhiễm trùng. Tùy thuộc vào tác nhân gây viêm nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus và kháng ký sinh trùng tương ứng. Để hạn chế nguy cơ kháng thuốc, cần sử dụng kháng sinh theo đúng liều lượng và thời gian được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng để điều trị viêm đại tràng cấp do dị ứng thực phẩm. Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H1, từ đó làm giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây buồn ngủ và an thần trong thời gian sử dụng.
- Thuốc bổ sung lợi khuẩn: Để hạn chế táo bón, tiêu chảy, đau bụng và một số triệu chứng của viêm đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định dùng kèm với các loại thuốc bổ sung lợi khuẩn (probiotic). Lợi khuẩn có tác dụng kích thích tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột và ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Một số loại thuốc khác: Ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống co thắt, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng thụ thể muscarinic,…
Điều trị viêm đại tràng bằng thuốc Tây cho hiệu quả nhanh và có thể kiểm soát triệu chứng trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, phương pháp này được ưu tiên trong điều trị viêm đại tràng cấp và một số trường hợp viêm đại tràng mãn tính có triệu chứng nghiêm trọng.
Đối với trường hợp viêm đại tràng mãn không rõ nguyên nhân, việc điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ làm giảm triệu chứng. Sử dụng thuốc đơn độc trong trường hợp này hầu như không thể điều trị bệnh dứt điểm. Do đó, bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn có thể lựa chọn một số loại thuốc tự nhiên và điều chỉnh lối sống để kiểm soát triệu chứng, tiển triển của bệnh và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc Tây.
2. Phẫu thuật chữa viêm đại tràng
Trên thực tế, có rất ít trường hợp viêm đại tràng phải can thiệp phẫu thuật vì phần lớn đều đáp ứng tốt với sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật trong trường hợp viêm đại tràng đã xuất hiện các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng đại tràng, phình giãn đại tràng,…
Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa còn được chỉ định khi viêm đại tràng đi kèm với một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư đại trực tràng và polyp đại tràng. Khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng, đồng thời cầm máu, loại bỏ khối u và xử lý một số vấn đề bất thường ở cơ quan này.
Phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Hơn nữa, việc cắt bỏ ruột già ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiêu hóa và tâm lý của bệnh nhân. Do đó, phương pháp này chỉ được thực hiện không còn lựa chọn nào khác.
3. Điều trị viêm đại tràng bằng thuốc Nam
Đối với trường hợp viêm đại tràng mãn tính, bệnh nhân có thể phối hợp các phương pháp y tế cùng với thuốc Nam để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị. Các loại thuốc Nam có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, tương đối an toàn, dễ tìm và chi phí thấp hơn so với tân dược.
Hơn nữa, thuốc Nam có thể sử dụng cho nhiều đối tượng – kể cả những đối tượng đặc biệt như phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ và người cao tuổi. Với độ an toàn cao và lành tính, điều trị viêm đại tràng bằng thuốc Nam được khá nhiều người bệnh lựa chọn bên cạnh các phương pháp chuyên sâu.
Một số cây thuốc Nam có tác dụng điều trị viêm đại tràng, bao gồm:
- Gừng tươi: Gừng là loại thảo dược quý và được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian. Thảo dược này có đặc tính làm ấm bụng, chống viêm, cầm tiêu chảy và giảm buồn nôn. Ngoài ra nghiên cứu hiện đại cũng nhận thấy, hoạt chất Gingerol và một số hợp chất thực vật trong gừng có thể giảm đau, kháng viêm và ức chế hại khuẩn. Để giảm các triệu chứng của viêm đại tràng, bệnh nhân có thể ngậm trực tiếp gừng tươi hoặc sử dụng trà gừng mật ong.
- Vừng đen: Vừng đen là vị thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý và chống suy nhược. Nhân dân thường sử dụng vừng trong các bài thuốc và món ăn bồi bổ cơ thể, giảm mệt mỏi và cải thiện chức năng tiêu hóa. Các vitamin, khoáng chất và axit béo trong vừng có tác dụng hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, phòng ngừa và cải thiện chứng táo bón. Bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính có thể dùng vừng sao vàng trộn với mật ong và ăn trực tiếp 2 lần/ ngày.
- Củ nghệ: Nghệ vàng không chỉ có tác dụng chữa đau dạ dày mà còn được dùng trong bài thuốc điều trị viêm đại tràng. Hoạt chất curcumin trong nghệ có khả năng chống viêm, ức chế hại khuẩn và hỗ trợ làm lành ổ viêm loét tại niêm mạc ruột già. Bên cạnh đó, thảo dược này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Nhân dân thường sử dụng trà nghệ hoặc tinh bột nghệ kết hợp với mật ong để giảm các triệu chứng do viêm đại tràng gây ra.
Ngoài ra, nhân dân còn sử dụng lá vối, lá ổi, nha đam và một số thảo dược tự nhiên khác để cải thiện bệnh viêm đại tràng mãn tính. Hiệu quả của thuốc Nam thường hạn chế hơn so với tân dược. Chính vì vậy, không nên áp dụng phương pháp này nếu bị viêm đại tràng cấp tính hoặc viêm đại tràng mãn có triệu chứng nghiêm trọng.
4. Thuốc Đông y chữa viêm đại tràng
Bên cạnh thuốc Nam và tân dược, điều trị viêm đại tràng bằng Đông y cũng là biện pháp được áp dụng phổ biến. Khác với Tây y, Đông y chia viêm đại tràng thành nhiều thể tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng và căn nguyên cụ thể. Sau đó sẽ dựa vào tính chất và đặc điểm của từng thể bệnh để áp dụng bài thuốc có tác dụng tương ứng.
Thuốc Đông y có độ an toàn khá cao, lành tính, mức độ hấp thu tốt và có thể sử dụng trong thời gian dài. Do đó, phương pháp này thường được áp dụng đối với bệnh viêm đại tràng mãn tính – đặc biệt là ở người bệnh không thể sử dụng thuốc Tây.
Một số bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm đại tràng:
- Bài thuốc thể tỳ vị hư nhược: Chuẩn bị hoài sơn dược, bạch truật và biển đậu mỗi thứ 12g, phục linh, đẳng sâm, liên nhục mỗi thứ 15g, ý dĩ nhân 20g, sao cốc nha, sao mạch nha và trần bì mỗi thứ 10g, sơn tra 25g, sa nhân và cát cánh mỗi thứ 6g. Rửa sạch dược liệu, sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc thể tỳ thận dương hư: Chuẩn bị nhục đậu khấu, bổ cốt chỉ và phục linh mỗi thứ 15g, hoài sơn dược, xích thạch chi và thược dược mỗi thứ 20g, kha tử, thạch lựu bì, bào khương, nhục quế, bạch truật và ngô thù du mỗi thứ 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc thể ứ trở trường lạc: Sử dụng sinh địa hoàng 20g, mộc hương, đào nhân, thủy điệt và manh trùng mỗi thứ 10g, hậu phác 15g, lai phục tử, xích thược và chỉ xác mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc thể can tỳ bất hòa: Chuẩn bị phòng phong và hương phụ mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, trần bì, sài hồ và bạch truật mỗi thứ 10g, chỉ xác và bạch thược mỗi thứ 15g, hoài sơn dược 20g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Các bài thuốc Đông y điều trị viêm đại tràng không chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng mà còn hỗ trợ điều hòa hoạt động tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe và phục hồi thể trạng. Do đó, phương pháp này thích hợp với bệnh nhân cao tuổi bị viêm đại tràng mãn tính và có sức khỏe kém.
5. Hỗ trợ điều trị viêm đại tràng bằng chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh viêm đại tràng. Ăn uống hợp lý có thể giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu, giảm mệt mỏi và giúp rút ngắn thời gian phục hồi.
Xây dựng chế độ ăn cho người bị viêm đại tràng cấp và mãn tính:
- Khi bị viêm đại tràng cấp, bệnh nhân nên ăn chín uống sôi (kể cả rau xanh). Đồng thời cần ưu tiên các món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt để làm giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
- Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày (đặc biệt là bệnh nhân bị nôn mửa và tiêu chảy nhiều). Cung cấp đủ nước giúp cơ thể giảm mệt mỏi, chống suy nhược, cân bằng điện giải và phòng ngừa trụy tim mạch. Ngoài ra, thói quen này còn giúp điều hòa nhu động ruột và ngăn ngừa chứng táo bón.
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính nên hạn chế sử dụng các nhóm thực phẩm dễ gây đầy hơi, chướng bụng và táo bón như thức ăn nhanh, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị, nước ngọt có gas, cà phê, rượu bia.
- Nếu thường xuyên bị chướng bụng, đầy hơi, nên chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và giảm áp lực lên ruột già.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua. Probiotic (lợi khuẩn) có khả năng cân bằng hệ vi sinh ở đường ruột, điều hòa hoạt động co bóp và hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng.
- Tránh sử dụng sữa và sản phẩm từ sữa động vật (trừ sữa chua). Thực tế cho thấy, nhóm thực phẩm này có thể gây tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng ở người bị viêm đại tràng. Để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thay thế bằng sữa đậu nành, sữa bắp và các loại sữa hạt khác.
Đối với những trường hợp viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân, chế độ dinh dưỡng được đánh giá là biện pháp điều trị quan trọng nhất. Vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn khoa học kết hợp với sử dụng thuốc để đạt được hiệu quả cao.
Một số lưu ý khi điều trị bệnh viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng có thể được điều trị và kiểm soát hoàn toàn nếu thăm khám sớm. Tuy nhiên để hỗ trợ quá trình điều trị, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Khi nhận thấy bụng đau dữ dội, tiêu chảy, đi tiêu nhiều lần, buồn nôn và nôn mửa, cần đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời. Tình trạng viêm đại tràng cấp do ngộ độc thực phẩm có thể gây mất nước, mất cân bằng điện giải và dẫn đến tử vong nếu không được xử lý sớm.
- Một số bệnh viêm đại tràng mãn tính không thể điều trị hoàn toàn (chẳng hạn như viêm đại tràng co thắt). Do đó, bệnh nhân không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc mà cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và điều chỉnh thói quen sinh hoạt.
- Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe xương khớp mà còn mang lại nhiều lợi ích đối với cơ quan tiêu hóa. Hoạt động thể chất đều đặn giúp giảm nhẹ triệu chứng táo bón, đầy hơi, chướng bụng và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
- Thay đổi một số thói quen xấu như thức khuya, căng thẳng, làm việc quá sức, lo âu quá mức,…
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng cần giữ vệ sinh khi ăn uống để giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Ngoài ra, nên hạn chế dùng bữa ở các quán ăn lề đường.
- Lựa chọn thực phẩm sạch có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cần ngâm rửa kỹ trước khi sử dụng, chế biến.
Bài viết đã tổng hợp một số phương pháp điều trị viêm đại tràng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, giai đoạn phát triển của bệnh và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
Xem thêm: Buồn ngủ sau khi ăn: Chuyện bình thường!