Phẫu thuật cắt bỏ túi mật được thực hiện cho những bệnh nhân bị viêm sỏi mật nghiêm trọng. Mật là một trong những cơ quan chịu trách nhiệm hỗ trợ tiêu hóa, vì thế việc cắt bỏ mật ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hệ tiêu hóa.
Khi nào nên cắt túi mật?
Túi mật được so sánh với “nhà kho” dự trữ dịch mật do gan sản xuất. Dịch mật có vai trò tiêu hóa chất béo. Trung bình mỗi ngày gan sản xuất khoảng 1 lít dịch mật theo đường ống dẫn mật đổ vào túi mật. Tại vị trí này túi mật sẽ hấp thu bớt nước để cô đặc và dự trữ dịch mật. Trong khi chúng ta ăn, thực phẩm đến tá tràng sẽ kích thích túi mật co bóp mạnh và làm nở vòng Oddi. Điều này đòi hỏi gan phải cung cấp lượng dịch mật cần thiết xuống tá tràng để tiêu hóa.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ định cắt túi mật, trong đó phổ biến là do sỏi mật. Phẫu thuật cắt túi mật chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Thủ thuật không nguy hiểm và cũng không ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ. Tuy nhiên nếu túi mật không có vấn đề nghiêm trọng, hoạt động của hệ tiêu hóa vẫn diễn ra bình thường thì việc cắt bỏ túi mật sẽ không cần thiết.
Thông thường phẫu thuật cắt túi mật được thực hiện khi bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng như viêm túi mật gây đau sốt, hoặc túi mật căng và có dấu hiệu vỡ. Khi xảy ra tình trạng thấm mật phúc mạc, người bệnh cần được cấp cứu ngoại khoa cần phải xử lý cắt túi mật ngay, khi chậm trễ có thể ảnh hưởng nguy hiểm tính mạng.
Sỏi mật cũng là một bệnh lý có tỷ lệ chỉ định cắt túi mật cao. Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng nghiêm trọng đều có chỉ định cắt túi mật điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Theo đánh giá chung của các bác sĩ chuyên khoa, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa. Trừ những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, đường kính sỏi lớn hơn 25 mm…
Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì không?
Túi mật nằm trong hệ thống cơ quan tiêu hóa và đóng vai trò phụ cho hoạt động thải độc và phân giải các chất của gan. Sau khi túi mật bị loại bỏ, hoạt động sản xuất dịch mật của gan vẫn diễn ra đều đặn, tính chất của dịch mật không hề thay đổi. Tuy nhiên thay vì dịch mật được trữ lại tại túi mật như trước đây thì lượng dịch này sẽ đi thẳng xuống ruột và tá tràng.
Thời gian đầu sau mổ người bệnh sẽ cảm thấy đau nhiều vùng hạ sườn phải, kèm theo những rối loạn nhất định về tiêu hóa như đầy trướng, chậm tiêu hay chán ăn. Đây đều là những biểu hiện bình thường sẽ biến mất sau đó khi cơ thể thích ứng với thay đổi.
Do túi mật đã được cắt bỏ, nên gan sẽ tiết dịch mật vào các bữa ăn để giúp cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chất béo, điều này khiến hoạt động phân giải chất béo của gan thêm gánh nặng. Đồng thời lượng chất béo còn tồn tại nhiều hơn, do đó các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên người bệnh sau cắt túi mật nên kiêng dầu, mỡ động vật. Thay vào đó là nguồn axit béo có lợi từ thực phẩm mà gan có thể xử lý nhẹ nhàng hơn.
Theo thống kê, có khoảng 10 – 15% người bệnh gặp phải hội chứng sau cắt túi mật. Tình trạng này có liên quan đến sự thích nghi của cơ thể khi không có sự hỗ trợ của túi mật hoặc do còn sót sỏi ở trong đường mật. Tuy nhiên tình trạng không nguy hiểm, triệu chứng sẽ biến mất sau một vài tuần nhưng cũng có người phải chịu đựng sự khó chịu trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Thời gian hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Đối với những phương pháp phẫu thuật cắt túi mật nội soi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường sau một vài ngày. Thời gian sau mổ bạn cần kiêng cữ vận động và lưu ý nhiều điều trong ăn uống để chức năng tiêu hóa lấy lại hoạt động ổn định.
Biến chứng trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ túi mật
Cắt bỏ túi mật được đánh giá là thủ thuật đơn giản, nhanh chóng và ít khi xảy ra biến chứng. Tuy hiếm gặp nhưng trong quá trình thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật, một số nguy cơ sau có thể xảy ra vì nhiều lý do. Cụ thể ở những người lớn tuổi, cơ địa nhạy cảm, người có sức khỏe yếu hoặc cao huyết áp thường gặp phải một số vấn đề khi mổ cắt túi mật. Ngoài ra cũng có thể là do bác sĩ thiếu kinh nghiệm, cơ sở thiết bị phẫu thuật chưa được sát trùng:
- Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng vết mổ là tai nạn xảy ra phổ biến nhất. Khi nhiễm trùng, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng như đau nhiều, sưng hoặc tấy đỏ, vùng vết mổ có mủ rò rỉ… Các loại thuốc kháng sinh được sử dụng trước, trong và sau khi phẫu thuật sẽ được sử dụng để phòng ngừa biến chứng này xảy ra.
- Xuất huyết: Một số trường hợp sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị xuất huyết do sơ sót trong quá trình mổ làm tổn thương mao mạch hoặc các mô liên quan. Khi xảy ra xuất huyết, người bệnh cần phải được can thiệp nội khoa ngay lập tức để tránh nhiễm trùng xảy ra.
- Rò rỉ mật: Rò rỉ mật thường xảy ra trong quy trình mổ cắt bỏ túi mật. Khi túi mật được lấy ra, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ kẹp đặc biệt để đóng lại đầu nối túi mật với ống mật chủ, lúc này nếu như rủi ro thì dịch mật có thể bị rò rỉ ra ngoài bụng gây nhiễm khuẩn phúc mạc.
- Tổn thương ống mật: Cấu trúc ống dẫn mật dễ bị tổn thương, vì thế rủi ro này có thể xảy ra ngay trong quá trình loại bỏ túi mật. Lúc này người bệnh sẽ cần phải tiến hành phẫu thuật một lần nữa để giải quyết các tổn thương.
- Rủi ro gây mê: Một tỉ lệ hiếm gặp khi người bệnh bị dị ứng, phản ứng với thuốc gây mê trước khi thực hiện phẫu thuật. Nếu như không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị sốc phản vệ dẫn đến sốc tim, ngừng tuần hoàn và tử vong sau đó.
- Tổn thương ruột, mạch máu: Trong thai tác phẫu thuật nội soi, dụng cụ phẫu thuật dàn với đầu nhọn có thể làm tổn thương ruột, các mạch máu tại khu vực xung quanh túi mật. Đây là nguyên nhân vì sao bệnh nhân cần chọn những bệnh viện lớn để nhờ đến các bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm cao thực hiện phẫu thuật.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Những người có tiền sử tai biến, huyết áp cao có nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối) trong quá trình phẫu thuật. Còn gọi là chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, tình trạng này phổ biến xảy ra với những tĩnh mạch ở chân. Biến chứng này rất nguy hiểm vì cục máu đông có thể bị bóc tách ra khỏi thành mạch, sau đó di chuyển theo mạch máu và gây tắc mạch phổi dẫn đến tử vong.
Một số rủi ro được phát hiện kịp thời trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ túi mật sẽ được xử lý ngay. Trong trường hợp sau phẫu thuật mà bạn nhận thấy những biểu hiện sau, hãy thông báo với bác sĩ để được theo dõi cụ thẻ:
- Sốt cao hay rét run, đổ mồ hôi nhiều.
- Sưng hay tấy đỏ xung quanh vết cắt phẫu thuật
- Buồn nôn hoặc nôn
- Vàng da, vàng mắt
- Co rút hoặc đau bụng nghiêm trọng
- Bụng căng chướng.
Theo dõi trước v
à sau mổ nội soi cắt túi mật
Người bệnh được chỉ định cắt bỏ túi mật khi bác sĩ nhận định trường hợp của bạn cần thiết thực hiện thủ thuật. Trước khi bước vào ca mổ, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng, tìm hiểu về bệnh sử và thực hiện một số xét nghiệm (xét nghiệm máu, siêu âm túi mật …) nhằm đảm bảo được các rủi ro không xảy ra trên bàn mổ. Người bệnh lưu ý những nguyên tắc cơ bản sau:
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng bất cứ loại thuốc nào (thuốc tự kê đơn, thực phẩm chức năng và thảo dược).
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trước khi phẫu thuật nếu như không có sự cho phép của bác sĩ.
- Bác sĩ sẽ dặn dò chi tiết về những điều cần chuẩn bị cho cuộc mổ, chẳng hạn như:
- Không được ăn uống khoảng 4 giờ trước khi phẫu thuật, nhờ người nhà đi cùng để chăm sóc
Sau phẫu thuật cắt bỏ túi mật, trong vòng 2 giờ đầu tiên thì người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bất thường như đau, đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn khác. Trong vòng 6 – 8 giờ, nếu không có bất thường xảy ra thì người bệnh có thể ăn nhẹ và đi lại nhẹ nhàng để giúp lưu thông máu.
Bác sĩ sẽ thông báo cụ thể với bệnh nhân về thời gian ăn uống, cũng như khuyến khích đi lại trong phòng nghỉ đế tăng vận động đường mật. Điều này giúp tăng cường hoạt động lưu thông máu và giảm đau viêm sau thủ thuật, tránh tình trạng đầy trướng bụng xảy ra.
Ngoài ra để không xảy ra tình trạng ứ dịch ở phổi, người bệnh cần tập hít sâu, thở chậm và thở bằng cơ bụng. Người bệnh không nôn nóng xuất viện sớm vì thời gian 24 – 48h sau mổ là giai đoạn phát hiện biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, rò rỉ mật. Nếu như người bệnh có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, nôn, sốt… nên kịp thời thông báo cho bác sĩ điều trị.
Sau phẫu thuật 2 – 3 ngày thì bệnh nhân có thể được về nhà để nghỉ ngơi và theo dõi. Trong tuần lễ đầu tiên sau mổ, hầu hết người bệnh vẫn thấy bị đau, cơn đau sẽ cải thiện dần trong 2 – 3 tuần tiếp theo. Cho đến khi vết mổ liền sẹo hoàn thì bệnh nhân/người nhà tránh để nhiễm nước vào vết mổ (đặc biệt trong thời gian 2 ngày sau mổ). Không tự ý bôi thuốc mỡ hoặc bất kỳ thứ gì khác lên vết mổ khi chưa lành. Khi cơ thể có thể vận động nhẹ, người bệnh nên rời giường đi lại nhẹ nhàng để giúp cơ thể hồi phục tốt hơn.
Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì không đã được lý giải trong bài viết. Thực tế mổ nội soi cắt bỏ túi mật có tỷ lệ thành công chủ yếu, hiếm khi xảy ra biến chứng. Quan trọng trên hết là người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn chăm sóc từ bác sĩ sau khi mổ để phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng vết mổ xảy ra.
Xem thêm: Ợ hơi liên tục là biểu hiện của bệnh gì?