Nhiều người cho rằng, hiện tượng đau sưng khớp ngón chân cái chỉ gặp ở những bệnh nhân bị gút. Tuy nhiên trên thực tế, triệu chứng này còn có thể xảy ra khi bạn gặp chấn thương hoặc mắc các bệnh lý xương khớp khác như thoái hóa khớp, viêm khớp ngón chân cái.
Triệu chứng đau sưng khớp ngón chân cái
Đau sưng khớp ngón chân cái là một vấn đề về xương khớp rất khổ biến. Khi gặp phải hiện tượng này, khớp ngón chân cái bị sưng kèm theo những cơn đau nhức âm ỉ hoặc dự dội. Cơn đau khớp xảy ra kể cả khi không di chuyển và đau tăng lên khi vận động khớp.
Đôi khi, người còn có thể bắt gặp một số triệu chứng khác như:
- Viêm, nóng đỏ xung quanh khớp ngón cái
- Khớp bị cứng, khó cử động
- Khớp ngón cái phát ra tiếng kêu lục cục khi cử động
- Biến dạng khớp
- Có thể sốt hoặc không sốt
- Cơ thể mệt mỏi
Tình trạng sưng đau khớp ngón chân cái có thể chỉ diễn ra trong vài ngày rồi thuyên giảm dần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bệnh kéo dài khiến cho người bệnh hoang mang, lo lắng và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Đau sưng khớp ngón chân cái có phải bệnh gút?
Bệnh gút còn có tên gọi khác là thống phong. Bệnh xảy ra khi lượng axit uric dư thừa trong máu không được thận lọc bỏ hết dẫn đến sự hình thành của các tinh thể muối urat sắc nhọn. Những tinh thể này gây tổn thương cho khớp và khiến khớp bị sưng viêm, đau đớn.
Bệnh gút chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhỏ trên cơ thể, bao gồm cả khớp ngón chân cái. Khi mắc căn bệnh này, khớp ngón chân cái có biểu hiện sưng viêm một cách đột ngột vào ban đêm. Người bệnh thường bị đau nhức khớp dữ dội tới mức không thể cử động được. Khi đụng vào càng thấy đau nhiều hơn.
Xung quanh khớp ngón chân cái bị gút còn có biểu hiện ấm nóng, đỏ. Trường hợp bị gút nặng, axit uric tích tụ nhiều tạo thành các hạt tophi nổi rõ xung quanh khớp ngón chân cái. Cục tophi có khuynh hướng ngày càng lớn hơn khiến cho khớp bị biến dạng.
Bệnh gút ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn so với nữ. Những người có chế độ ăn giàu đạm, thường xuyên uống bia rượu, ít vận động, béo phì, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận hoặc bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn so với đối tượng khác.
Tuy nhiên, hiện tượng sưng đau khớp ngón chân cái không chỉ xảy ra khi mắc bệnh gút. Đây còn là triệu chứng của một số bệnh lý về xương khớp khác như:
- Bệnh thoái hóa khớp ngón chân cái:
Không như bệnh gút, thoái hóa khớp ngón chân cái chủ yếu xảy ra ở phụ nữ. Bệnh xảy ra khi bề mặt sụn khớp bị bào mòn, tổn thương và trở nên xù xì, thô ráp. Chính vì vậy mỗi khi vận động, các đầu xương sẽ cọ sát vào nhau và kích hoạt phản ứng viêm bùng phát dẫn đến đau sưng khớp ngón chân cái.
Bệnh thoái hóa khớp ngón chân cái thường tiến triển một cách âm thầm và rất khó phát hiện từ sớm. Bệnh kéo dài cũng có thể gây hư hỏng, biến dạng khớp nên không được xem nhẹ.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp:
Bệnh viêm khớp dạng thấp cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho khớp ngón chân cái bị sưng đau. Căn bệnh này thường có tính chất đối xứng, tức nếu khớp ngón cái bên chân trái bị bệnh thì bên chân phải cũng bị ảnh hưởng tương tự trong cùng một thời điểm.
Ngoài khớp ngón chân cái, viêm khớp dạng thấp cũng có thể xảy ra ở các khớp nhỏ trên bàn tay, ít khi ảnh hưởng đến khớp lớn. Không chỉ gây tổn thương cho khớp, bệnh còn gây ra các triệu chứng bất thường ở tim, phổi, da hay mắt. Nếu không được
điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển rất nhanh gây phá hủy khớp, tàn phế suốt đời.
- Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn:
Khớp ngón chân cái có thể bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn, thường gặp nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng. Bệnh thường xảy ra sau khi một bộ phận khác trên cơ thể bị nhiễm khuẩn, chẳng hạn như da hay đường tiết niệu. Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào máu và lây lan đến khớp ngón chân cái. Các trường hợp bị vết thương xuyên khớp hoặc mới được làm phẫu thuật ở khu vực lân cận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây viêm khớp ngón chân cái.
Khi bị nhiễm trùng, ngón chân cái có thể bị sưng kèm theo các cơn đau nhức khó chịu. Ngoài ra, người bệnh còn có biểu hiện nóng sốt. Bệnh viêm khớp do nhiễm khuẩn rất dễ tái phát nếu không được điều trị dứt điểm.
Các nguyên nhân khác gây đau sưng khớp ngón chân cái
Bên cạnh các vấn đề về y tế, hiện tượng sưng đau khớp ngón chân cái có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân cơ học. Bao gồm:
- Bẻ khớp: Nhiều người có thói quen bẻ khớp, cứ rảnh rỗi là ngồi bẻ để nghe được tiếng kêu răng rắc phát ra. Hành động này có thể khiến khớp ngón chân cái bị tổn thương, sưng đau.
- Chấn thương: Khớp ngón chân cái và các phần mềm xung quanh như gân, cơ, dây chằng có thể bị chấn thương khi gặp tai nạn giao thông, té ngã, chơi thể thao không đúng cách. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến sưng đau khớp.
- Trật khớp: Hiện tượng trật khớp xảy ra khi khớp ngón chân cái chịu áp lực quá mức hoặc bị xoắn bẻ mạnh. Lúc này, khớp ngón chân cái có biểu hiện tê, ngứa ran, sưng đau và bầm tím.
- Vận động sai tư thế: Đứng kiễng chân thường xuyên, lao động nặng nhọc khiến cho khớp ngón chân cái chịu nhiều áp lực. Tình trạng này kéo dài làm khớp bị tổn thương và sưng đau chính là một trong những hậu quả tất yếu.
- Lạm dụng chất kích thích: Uống nhiều bia rượu, nghiện hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cho xương khớp, đồng thời khiến các tế bào xương sụn bị phá hủy. Điều này làm tăng nguy cơ bị sưng đau khớp ngón chân cái và khiến người bệnh phải đối mặt với các bệnh lý như thoái hóa khớp ngón chân cái, viêm khớp ngón chân cái và cả bệnh gút.
- Ít vận động: Đây là nguyên nhân gây đau sưng khớp ngón chân cái thường gặp ở dân văn phòng. Lười vận động khiến cho hệ thống gân cơ ở bàn chân bị suy yếu và hoạt động kém hiệu quả trong việc bảo vệ khớp khỏi tác động từ bên ngoài, từ đó khiến cho khớp ngón chân cái dễ bị tổn thương, sưng đau.
- Béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng gánh nặng cho khớp ngón chân cái và làm khớp bị đau, sưng.
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ: Chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho xương khớp phát triển, đặc biệt là vitamin D, canxi hay phốt pho… Tình trạng này khiến khớp ngón chân cái nói riêng và toàn bộ hệ thống xương khớp trong cơ thể đều bị suy yếu, dễ gặp chấn thương và sưng đau.
Như vậy, hiện tượng đau sưng khớp ngón chân cái xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu triệu chứng này kéo dài, bạn nên tới bệnh viện thăm khám, chụp x-quang và làm các xét nghiệm cần thiết khác để xác định đúng thủ phạm gây bệnh, từ đó có hướng điều trị đúng đắn.
Bị đau sưng khớp ngón chân cái phải làm sao?
Để cải thiện tình trạng sưng đau khớp ngón chân cái, bạn có thể áp dụng các mẹo tự nhiên như chườm nóng, chườm lạnh, sử dụng thảo dược. Nếu không có hiệu quả thì cần sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ hoặc nghiêm trọng hơn là phải làm phẫu thuật.
Dưới đây là một số giải pháp đang được nhiều người áp dụng để điều trị sưng đau khớp ngón chân cái:
1. Giảm áp lực lên khớp ngón chân cái
Khi khớp ngón chân cái có biểu hiện sưng đau, việc trước tiên bạn nên làm là giải phóng áp lực cho khớp. Hãy để khớp được nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động có thể làm tăng gánh nặng cho khớp hoặc khiến khớp bị tổn thương nghiêm trọng hơn như đi lại nhiều, chơi thể thao, đứng kiễng chân, bẻ khớp ngón cái…
Bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường nhưng chú ý chỉ nên đi lại nhẹ nhàng để tổn thương trong khớp nhanh hồi phục.
2. Chườm lạnh
Chườm lạnh là một cách đơn giản để giảm sưng đau khớp ngón chân cái. Liệu pháp này có hiệu quả tích cực đối với các trường hợp bị chấn thương hoặc viêm khớp.
Bạn nên tiến hành chườm lạnh từ sớm trong vòng 48 giờ đầu tiên kể từ lúc bị chấn thương. Hơi lạnh sẽ giúp ức chế phản ứng sưng viêm tại khớp, ngăn chặn sự truyền phát tín hiệu đau về thần kinh trung ương giúp bạn bớt đau đớn có cảm giác dễ chịu hơn.
Hãy sử dụng một cái khăn mỏng bọc cục đá vào bên trong và chườm vào bên ngón chân cái bị ảnh hưởng 15 phút. Lặp lại thao tác này vài lần trong ngày nếu vẫn còn đau.
Cách khác đơn giản hơn là chườm khăn lạnh hoặc ngâm ngón chân vào chậu nước lạnh cũng giúp xoa dịu cơn đau tức thì.
2. Chườm nóng cũng giúp giảm đau sưng khớp ngón chân cái
Sau khi chườm lạnh để cho khớp ngón chân cái bớt sưng, bạn có thể chuyển qua chườm nóng. Nhiệt độ cao có tác dụng tích cực trong việc kích thích lưu thông máu, giảm sưng đau, tạo điều kiện cho tổn thương trong khớp nhanh lành.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn hãy áp một túi nước nóng vào ngón chân cái bị đau và để 10 – 15 phút. Ngoài ra, bạn có thể
kết hợp tắm nước ấm hàng ngày để tình trạng đau sưng khớp ngón chân cái nhanh chóng bị đẩy lùi.
4. Massage ngón chân cái giảm đau
Massage giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn máu, làm dịu cơn đau, giảm sưng viêm và cải thiện triệu chứng cứng khớp ngón chân cái thường gặp ở những người bị thoái hóa khớp, viêm khớp.
Khi thực hiện, bạn dùng các đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng ở ngón chân bị đau, bàn chân và kéo dài lên cả bắp chân. Áp dụng liên tục mỗi ngày 4 – 5 lần, mỗi lần khoảng 5 phút cho đến khi khớp không còn bị sưng đau.
Trong quá trình massage cần thực hiện thao tác một cách nhẹ nhàng. Nếu xoa bóp quá mạnh sẽ làm khớp ngón chân cái bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Để tăng hiệu quả, bạn có thể thoa bên ngoài khớp một chút dầu nóng, chẳng hạn như dầu khuynh diệp hay dầu chàm trước khi xoa bóp.
5. Giảm cân
Giảm cân có thể hữu ích cho những trường hợp thường xuyên bị đau sưng khớp ngón chân cái có liên quan đến béo phì. Hãy cố gắng đưa cân nặng trở về mức bình thường để giải phóng áp lực cho khớp. Điều này cũng rất cần thiết để ức chế sự tiến triển của bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp ngón chân cái.
Ngoài việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học, cắt giảm chất béo, đường và tinh bột, tăng cường rau xanh trong chế độ ăn, người bệnh cũng nên tích cực rèn luyện thể dục, thể thao. Tham gia các hoạt động thể chất sẽ giúp đốt cháy được lượng calo dư thừa, đồng thời tăng cường tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng khớp ngón chân cái bị tổn thương, giúp xương khớp dẻo dai và vận động linh hoạt hơn.
6. Ngâm chân vào nước muối ấm
Ngâm chân vào nước muối ấm hàng ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ là một cách giảm đau, chống sưng khớp ngón chân cái hiệu quả. Liệu pháp này cũng mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như kích thích lưu thông máu, giữ ấm các khớp xương khi trời lạnh, giảm căng thẳng và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
– Chuẩn bị:
- 1 thìa muối biển hoặc muối epsom
- 1 chậu nước ấm sao cho lượng nước tới mắt cá chân là được
– Cách thực hiện:
- Lấy 2 thìa cà phê muối cho vào nước
- Quậy cho muối tan hoàn toàn rồi bỏ chân vào ngâm
- Kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng ở phần chân phía trên mặt nước để thấy được hiệu quả tốt hơn.
Nếu trong nhà có bồn tắm, bạn cũng có thể cho thêm một ít muối vào trong bồn nước ấm và ngâm toàn bộ cơ thể vào đó 15 – 20 phút, sau đó tắm lại bằng nước sạch. Thói quen này không chỉ giúp giảm đau sưng khớp ngón chân cái mà còn giúp cơ bắp và thần kinh được thư giãn.
7. Vật lý trị liệu giảm sưng đau khớp ngón chân cái
Phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng cho các trường hợp bị đau sưng khớp ngón chân cái do bị viêm khớp hoặc thoái hóa khớp. Bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng các phương pháp như điện trị liệu, chiếu hồng ngoại, châm cứu, laser… để giảm sưng viêm, đẩy lùi cơn đau nhức tại khớp một cách tự nhiên. Quá trình điều trị sẽ được tiến hành tại các cơ sở vật lý trị liệu.
8. Chữa đau sưng khớp ngón chân cái bằng thảo dược
Lá lốt được sử dụng phố biến trong điều trị các bệnh lý về xương khớp. Với tác dụng giảm đau, kháng viêm tự nhiên, thảo dược này cũng được nhiều người tin dùng làm thuốc chữa đau sưng khớp ngón chân cái tại nhà.
Dùng 40g lá lốt tươi rửa sạch, đem sắc với 3 bát nước cho cạn còn 1 bát thì ngưng. Lọc lấy nước sắc, chờ cho nguội bớt chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Cây ngải cứu trị sưng đau khớp ngón chân cái
Từ lâu, ngải cứu đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên giúp chống lại tình trạng đau nhức xương khớp, sưng viêm, thoái hóa khớp. Ngoài việc sử dụng ngải cứu để chế biến món ăn hàng ngày, người bị sưng đau khớp ngón chân cái có thể dùng thảo dược này làm thuốc chườm đắp để khắc phục bệnh:
Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu nhỏ và một ít muối hột. Bỏ cả hai nguyên liệu vào chảo sao nóng cho đến khi lá ngải cứu héo và tiết tinh dầu ra muối. Cuối cùng chỉ việc bọc hỗn hợp này vào trong một miếng vải sạch và chườm vào khớp ngón chân bị ảnh hưởng. Với bài thuốc này, bạn có thể thực hiện 3 – 4 lần mỗi ngày cho đến khi khớp trở lại bình thường.
- Bài thuốc từ dây đau xương
Theo y học cổ truyền, dây đau xương là thảo dược có vị đắng nhẹ, tính hàn giúp giải nhiệt, khu phong, trừ thấp, kháng viêm, giảm đau. Chính vì vậy mà dược liệu này được sử dụng làm thuốc điều trị sưng đau khớp ngón chân cái và các triệu chứng có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay thoái hóa khớp…
Mỗi ngày, bạn lấy 15g dây đau xương thái nhỏ. Đem sắc với 1,5 lít nước trong 20 phút. Gạn lấy thuốc sắc uống nhiều lần trong ngày thay thế cho trà.
9. Điều trị đau sưng khớp ngón chân cái bằng thuốc tây
Trường hợp ngón chân cái bị sưng đau khớp nghiêm trọng hoặc không đáp ứng được với các phương pháp tự nhiên, bạn có thể đề nghị bác sĩ kê đơn các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid như: Aspirin, Paracetamol, Ibuprofen… Các loại thuốc này có thể gây đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, bồn nôn hoặc nôn ói nếu lạm dụng quá mức. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc trong một đợt điều trị ngắn hạn dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Ngoài ra, tùy theo bệnh lý mắc phải và các triệu chứng có liên quan, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo các thuốc khác như:
- Thuốc tiêm corticoid
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm
- Thuốc kháng sinh cho người bị viêm khớp nhiễm khuẩn
- Thuốc giảm axit uric máu
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc an thần…
Bất kỳ loại thuốc tân dược nào cũng có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Để đảm bảo an toàn, bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Không tự ý mua thuốc tây về điều trị tại nhà.
10. Phẫu thuật chữa đau sưng khớp ngón chân cái
Ít khi phẫu thuật được chỉ định trong điều trị sưng đau khớp ngón chân cái. Giải pháp này là sự lựa chọn bất khả kháng cho những trường hợp bị bệnh nặng gây biến dạng khớp, bệnh nhân bị gút có nhiều hạt tophi hoặc bị các chấn thương cần phải sữa chữa qua phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp một số rủi ro như nhiễm trùng khớp, mất máu, đau nhiều. Cần hạn chế đi lại, sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh trong vài ngày kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nhanh chóng hồi phục sau ca mổ.
Như vậy, tình trạng đau sưng khớp ngón chân cái tưởng chừng như khá đơn giản nhưng lại là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh gút và nhiều vấn đề xương khớp khác. Việc chủ động thăm khám từ sớm sẽ giúp bạn nhận diện được chính xác nguyên nhân gây bệnh để quá trình điều trị được nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Thông tin hữu ích cho bạn
- Viêm khớp ngón chân và giải pháp đẩy lùi đau nhức hiệu quả
- TOP 10 thuốc đau xương khớp tốt nhất hiện nay [Có giá]
Xem thêm: Giãn đài bể thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả