Xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày là liệu pháp tận dụng tác động cơ học từ bàn tay/ ngón tay để giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng cường hoạt động tiêu hóa. Áp dụng liệu pháp này đều đặn có thể hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp chuyên sâu và giúp rút ngắn thời gian điều trị.
Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt đối với bệnh đau dạ dày
Đau dạ dày (quản vị thống) là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành – đặc biệt là người có thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Theo quan niệm của y học cổ truyền, quản vị thống là chứng bệnh do nóng giận, suy nghĩ lâu ngày khiến chức năng tỳ vị suy giảm, dẫn đến huyết ứ, khí trệ và gây khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, đau thượng vị,…
Ngoài ra, quản vị thống cũng có thể xảy ra do ăn uống không điều độ, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, ăn nhiều thực phẩm chua, cay, nóng, lạnh,… dẫn đến chức năng tỳ vị suy giảm. Can khí uất kết trong cơ thể lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa làm giảm tân dịch khiến chính khí suy tổn (cơ thể suy nhược).
Bên cạnh việc điều trị bằng bài thuốc, y học cổ truyền còn ứng dụng xoa bóp bấm huyệt để trị chứng quản vị thống. Liệu pháp này tạo ra kích thích cơ học ở vùng bụng nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải phóng khí huyết ứ trệ và kích thích chức năng tỳ vị. Ngoài ra, tác động sâu vào các huyệt chi phối chức năng vị (dạ dày) còn giúp điều hòa hoạt động sản xuất dịch vị, chống co bóp quá mức và thúc đẩy chức năng tiêu hóa.
Không chỉ giúp giảm đau dạ dày, xoa bóp bấm huyệt còn có tác dụng điều hòa nhu động ruột, giảm căng thẳng lên tỳ vị và tạo cảm giác ngon miệng.
Tuy nhiên, liệu pháp xoa bóp bấm huyệt chỉ có tác dụng hỗ trợ và hiệu quả chỉ mang tính chất tạm thời. Vì vậy bên cạnh liệu pháp này, bệnh nhân cần phối hợp với các phương pháp chuyên sâu và điều chỉnh thói quen xấu để tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày tại nhà
Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp điều trị tận dụng tác động vật lý nên khá an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Kiên trì thực hiện liệu pháp này đều đặn 2 lần/ ngày có thể kiểm soát các triệu chứng khó chịu, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và làm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.
1. Xoa bóp giảm đau dạ dày
Trước khi tiến hành bấm huyệt vị, bệnh nhân cần thực hiện một số thủ thuật xoa bóp để làm nóng vùng bụng, thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn tỳ vị. Ngoài ra, xoa bóp còn giúp tăng nhu động ruột và giảm đầy hơi, chướng bụng rõ rệt.
Cách xoa bóp giảm đau dạ dày ngay tại nhà:
- Xoa vuốt bụng: Xoa vuốt bụng là thủ thuật tác động nhẹ lên vùng bụng nhằm thư giãn cơ, thông khí huyết, chỉ thống (giảm đau) và lý khí hòa trung (tăng cường tiêu hóa). Thủ thuật này được thực hiện bằng cách dùng gốc bàn tay xoa tròn nhẹ nhàng lên vùng bụng. Khi xoa vuốt, có thể kết hợp với dầu để giảm ma sát và làm nóng tỳ vị.
- Xát vùng bụng: Sau thủ thuật xoa vuốt, bệnh nhân tiến hành xát vùng bụng để thông kinh lạc, giảm sưng và kiểm soát cơn đau nhức. Dùng gốc bàn tay xát trực tiếp lên da, di chuyển theo hướng thẳng (đi lên, đi xuống) hoặc hướng ngang (sang phải, sang trái). Có thể dùng kèm với bột talc hoặc dầu để giảm ma sát và làm trơn da.
- Miết bụng: Thủ thuật miết thường được dùng cho vùng đầu và bụng. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách miết chặt ngón tay cái vào da, sau đó di chuyển theo hướng thẳng đi lên, đi xuống hoặc sang phải, sang trái. Khi miết nên kéo căng da và di chuyển từ trung quản xuống rốn. Tác dụng của thủ thuật miết là bình can giáng hỏa, trị không tiêu và ăn uống kém.
- Lăn: Lăn là thủ thuật tác động sâu vào da thịt và tạo ra kích thích ở diện tích lớn. Tác dụng chính của thủ thuật này là thông kinh lạc, giảm khí trệ, huyết ứ và tăng lưu thông khí huyết. Thủ thuật lăn được thực hiện bằng dùng mu bàn tay và mô ngón út lăn lên da thịt ở chỗ đau nhức. Nên điều chỉnh lực vừa phải để tạo ra kích thích vừa đủ, tránh gây đau và khó chịu.
- Phát: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách khum nhẹ bàn tay sao cho lòng bàn tay lõm và các ngón tay khít chặt vào nhau. Dùng tay phát nhẹ đến vừa ở vùng bụng. Thủ thuật phát có tác dụng giảm sức căng, làm mềm cơ và thông kinh hoạt lạc.
- Lắc bụng: Cuối cùng, dùng hai bàn tay nắm vào hai bên bụng và lắc cơ bụng trực tiếp. Thực hiện trong khoảng 2 – 3 phút rồi chuyển sang day ấn huyệt vị.
2. Cách bấm huyệt chữa đau dạ dày
Bấm huyệt là thủ thuật sử dụng ngón cái bấm trực tiếp lên huyệt vị với lực từ nhẹ đến mạnh. Khi bấm, cần giữ tay vuông góc với huyệt vị và bấm từ từ đến khi có cảm giác tức nặng. Duy trì lực bấm này trong khoảng 1 phút thì dừng. Khi bấm, lực sẽ mạnh hơn so với thủ thuật xoa bóp nên cần tránh day vì có thể gây đau và bầm tím mô.
Để giảm đau dạ dày, bệnh nhân cần tiến hành bấm các huyệt vị sau:
– Huyệt Trung quản:
Huyệt Trung quản nằm ở giữa bụng, cách rốn khoảng 4 thốn đo ngược lên. Huyệt nằm chính giữa đường nối giữa hai bờ sườn. Huyệt vị này có tác dụng lý trung tiêu, hóa thấp trệ và hòa vị khí. Bấm huyệt Trung quản giúp điều trị chứng đau dạ dày, ăn uống không tiêu, chướng bụng, ợ hơi, nôn mửa và kiết lỵ.
Huyệt vị này nằm ở ổ bụng nên cần sử dụng lực vừa phải khi bấm. Bấm quá mạnh có thể gây tổn thương ổ bụng, dẫn đến bầm tím và sưng nề huyệt vị.
– Huyệt Tam âm giao:
Tam âm giao là huyệt vị hội tụ giữa 3 kinh âm ở chân, bao gồm kinh Tỳ, Thận và Can. Huyệt nằm ở mặt trong bắp chân, được xác định bằng cách đo từ đỉnh cao nhất của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn. Bấm huyệt Tam âm giao có tác dụng thông khí trệ, điều huyết, sơ can, ích thận, bổ âm và kiện tỳ.
Không chỉ có tác dụng chữa đau dạ dày, chướng bụng, huyệt vị này còn giúp giảm mề đay mẩn ngứa, thần kinh suy nhược, bí tiểu và rối loạn kinh nguyệt.
– Huyệt Túc tam lý:
Túc tam lý là huyệt vị nằm ở dưới mắt cá chân ngoài 3 thốn. Bệnh nhân có thể xác định huyệt bằng cách úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối. Nơi chạm vào đầu ngón tay giữa là xương chày, đo ngang ra 1 thốn là huyệt Túc tam lý.
Huyệt vị này có tác dụng thông kinh lạc, điều hòa khí huyết, điều trung khí, lý tỳ vị, bổ hư nhược và phù chính bồi nguyên. Bấm huyệt Túc tam lý giúp trị đau dạ dày, tiêu hóa kém, nôn mửa và một số bệnh thuộc đường tiêu hóa khác.
– Huyệt Thái xung:
Huyệt Thái xung nằm cách khe giữa ngón chân số 1 và số 2 đo lên khoảng 1.5 thốn. Hoặc có thể sờ dọc theo xương đốt sống của ngón chân cái, vị trí nối giữa xương của ngón thứ 1 và thứ 2 là vị trí của huyệt Thái xung.
Bấm huyệt vị này có tác dụng tức can dương, thanh can hỏa, lý huyết, bình can và sơ tiết thấp nhiệt ở hạ tiêu. Huyệt Thái xung thường được bấm đồng thời cùng với huyệt Túc tam lý và Tam âm giao để chữa chứng đau dạ dày.
– Huyệt Thiên xu:
Huyệt Thiên xu nằm ở vùng bụng, đo ngang từ rốn ra 2 thốn. Huyệt có tác dụng lý khí, tiêu trệ, hóa thấp và sơ điều đại trường. Bấm huyệt Thiên xu có thể chữa chứng táo bón, tiêu chảy, viêm trường vị cấp và mãn tính.
Tuy nhiên, không bấm hoặc châm cứu huyệt vị này với phụ nữ mang thai. Tác động cơ học lên huyệt Thiên xu có thể kích thích tử cung co bóp dẫn đến động thai hoặc thậm chí sảy thai, sinh non.
Đối với trường hợp đau dạ dày nhiều và xảy ra với tần suất liên tục, bệnh nhân nên tác động thêm một số huyệt vị khác. Hoặc có thể đến các phòng khám Đông y để được thầy thuốc châm cứu và cấy chỉ. Các liệu pháp này tác động sâu hơn đến huyệt vị, giúp giảm cơn đau có mức độ nặng và điều hòa hoạt động tiêu hóa.
Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày có thể kiểm soát cơn đau, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, giảm chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể và điều hòa nhu động ruột.
Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các tác dụng không mong muốn, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cách bấm huyệt chữa đau dạ dày chỉ có tác dụng hỗ trợ. Biện pháp này không có vai trò chính trong điều trị và không thể chữa các bệnh lý ở dạ dày dứt điểm.
- Phụ nữ mang thai, người vừa phẫu thuật bụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi xoa bóp bấm huyệt. Ngoài ra, nên tránh bấm huyệt nếu vùng da ở huyệt vị bị lở loét, viêm nhiễm hoặc mắc các bệnh da liễu mãn tính như vảy nến, tổ đỉa, viêm da cơ địa,…
- Nếu xoa bóp bấm huyệt tại nhà, cần cắt móng và rửa sạch tay trước khi thực hiện. Để móng tay dài có thể gây chảy máu, sưng nề và bầm tím mô.
- Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt thường không rõ rệt như sử dụng thuốc. Vì vậy, bệnh nhân cần thực hiện đều đặn để đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài tác dụng điều trị đau dạ dày, xoa bóp bấm huyệt còn hỗ trợ phòng ngừa chứng khó tiêu và táo bón.
- Bấm huyệt chỉ có tác dụng giảm cơn đau nhẹ. Do đó nếu đau dạ dày có mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân nên sử dụng thuốc hoặc tận dụng thảo dược để trung hòa axit, làm dịu ổ viêm loét và giảm nhanh cơn đau.
- Không bấm huyệt khi bụng quá đói, ăn quá no hoặc khi tâm lý không ổn định. Theo các thầy thuốc, bấm huyệt trong những thời điểm này có thể gây tụt huyết áp, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa và tăng mức độ của cơn đau dạ dày.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên ăn uống điều độ, ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Ngoài ra, cần hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm khi không cần thiết, kiêng rượu bia và cai thuốc lá.
Xoa bóp bấm huyệt chữa đau dạ dày có thể kiểm soát một số triệu chứng khó chịu, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa của dạ dày và đường ruột. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ đem lại hiệu quả tạm thời. Do đó, bệnh nhân nên phối hợp với biện pháp chuyên sâu và thiết lập lối sống khoa học để điều trị bệnh dứt điểm.
Xem thêm: Các món ăn tốt cho người bị vảy nến nên thử