Một giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn có được một ngày làm việc hiệu quả. Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, làm suy giảm hệ miễn dịch. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài nhưng điển hình nhất là do suy nhược thần kinh.
Mách nhỏ 3 cách bấm huyệt đơn giản trị mất ngủ ngay lập tức
10 mẹo chữa mất ngủ hiệu quả
Giải pháp hữu hiệu cho người già mất ngủ
Tại sao bạn không thể ngủ vào ban đêm và cách thoát khỏi chứng mất ngủ?
6 món ăn thức uống ban đêm khiến bạn mất ngủ
Bôi một giọt dầu gió vào lòng bàn chân: Chữa mất ngủ và nhiều tác dụng bạn không nên bỏ lỡ
Tình trạng mất ngủ thường xuyên, mất ngủ kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng công việc và cuộc sống. Song việc điều trị lại không dễ dàng. Điều trị mất ngủ do suy nhược thần kinh đòi hỏi người bệnh phải có sự kiên trì, giữ tinh thần kỷ luật trong khoảng thời gian dài và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ hay chuyên gia tâm lý.
Sara Nowakowski, nhà tâm lý học lâm sàng và nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Texas Medical Branch, Galveston, Mỹ, cho biết: “Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy thiếu ngủ có liên quan đến béo phì, bệnh đái tháo đường, bệnh tim, thậm chí là bệnh Alzheimer. Tình trạng thiếu ngủ còn là nguyên nhân gia tăng nguy cơ rối loạn tâm thần và các vụ tai nạn giao thông”. Nowakowski cũng nhấn mạnh: “Ngủ cũng quan trọng như chế độ ăn kiêng và các hành vi lối sống khác”.
Cùng tìm hiểu về chứng mất ngủ, phương pháp điều trị, bí quyết xây dựng thói quen tốt để có giấc ngủ ngon qua bài viết sau.
Mất ngủ là bệnh gì? Tại sao bạn bị mất ngủ kéo dài?
Mất ngủ hay còn gọi là chứng rối loạn giấc ngủ, là tình trạng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn dù rất thèm ngủ. Tình trạng thiếu ngủ gây ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Người bị mất ngủ thường gặp phải các triệu chứng sau:
– Trằn trọc khó ngủ
– Dễ tỉnh giấc nhưng rất khó ngủ lại
– Thức dậy quá sớm
– Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy
– Không có cảm giác đã được nghỉ ngơi sau khi ngủ
– Lờ đờ, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày
– Khó chịu, trầm cảm hoặc lo âu
– Gặp khó khăn trong các vấn đề về chú ý, tập trung hoặc ghi nhớ
– Nhức đầu hay căng thẳng…
Mất ngủ có thể là mất ngủ cấp hoặc mạn tính. Mất ngủ cấp tính là tình trạng người bệnh bị mất ngủ trong thời gian ngắn có thể chỉ là một đêm hoặc vài tuần. Mất ngủ mạn tính hay mất ngủ kéo dài xảy ra khi bạn bị mất ngủ ít nhất 3 đêm/ tuần trong suốt một tháng hoặc lâu hơn, thường gặp trong các bệnh lý như suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm… Mất ngủ cấp tính có thể là một vấn đề cần được quan tâm đúng cách vì nếu không được giải quyết triệt để có thể dẫn tới mất ngủ mạn tính.
Theo Học viện Y học giấc ngủ Mỹ, ước tính có khoảng 10% người trưởng thành bị chứng mất ngủ mạn tính (mất ngủ kéo dài) và từ 15-35% người trưởng thành bị chứng mất ngủ cấp tính diễn ra trong vài ngày, vài tuần, thậm chí là đến 3 tháng. Thực tế, chứng mất ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Do đó, việc bạn hay người thân bị mất ngủ cấp tính hay mất ngủ kéo dài không phải là trường hợp hiếm gặp.
Biểu hiện của tình trạng mất ngủ
Mất ngủ được chẩn đoán khi người bệnh than phiền không ngủ được, khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, các triệu chứng này kéo dài ít nhất 3 tháng. Mất ngủ được đặc trưng bởi các dấu hiệu:
Người bệnh có thể mất ngủ đầu giấc, nằm mãi mà không ngủ được. Các bệnh nhân này thường cho biết phải đến 1-2 giờ sáng họ mới có thể vào được giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ của họ không sâu và dễ thức giấc. Mất ngủ đầu giấc hay gặp ở người trẻ tuổi.
Có thể mất ngủ giữa giấc, biểu hiện bằng việc hơi khó vào giấc ngủ. Người bệnh ngủ được đến 2-3 giờ sáng thì thức giấc. Sau đó, phải mất đến 1-2 giờ sau mới ngủ tiếp được. Mất ngủ giữa giấc hay gặp ở người trung niên.
Người cao tuổi thường than phiền mất ngủ cuối giấc. Họ vào giấc ngủ không quá khó nhưng giấc ngủ không kéo dài, đến khoảng 1-2 giờ sáng thì thức giấc và không sao ngủ lại được.
Mất ngủ hoàn toàn hiếm gặp: Người bệnh không hề ngủ được trong 24 giờ. Do mất ngủ nên họ hay cáu gắt và tỏ ra rất lo lắng cho giấc ngủ của mình. Các trường hợp này thường có biểu hiện hơi hưng phấn vào buổi tối. Họ quan tâm đến việc làm sao để được ngủ đầy đủ, vì thế thường cố gắng tìm mọi cách để ngủ như loại bỏ các yếu tố gây khó ngủ nhưng không thành công.
Mất ngủ do tâm lý: Người bệnh thường than phiền khó vào giấc ngủ, họ có thể bị mất ngủ kéo dài nhiều năm trước khi đến khám ở chuyên khoa tâm thần. Họ không nhận thấy có các stress rõ ràng trong cuộc sống nhưng họ thừa nhận có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ như phòng ngủ, giường ngủ. Vì thế, đôi khi mất ngủ do tâm lý được coi là mất ngủ có điều kiện.
Nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ kéo dài là gì?
Tình trạng mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
Suy nhược thần kinh: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mất ngủ trong xã hội hiện đại. Căng thẳng trong thời gian dài quá mức làm mất cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế, từ đó khiến người bệnh rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh. Mất ngủ chính là triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất do suy nhược thần kinh gây ra. Người mắc suy nhược thần kinh đa số đều không ngủ được. Họ càng không ngủ được thì càng khiến quá trình hưng phấn và ức chế bị rối loạn kèm theo các triệu chứng lo âu, kích thích. Quá trình này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn khiến tình trạng mất ngủ kéo dài và trầm trọng hơn. Nếu suy nhược thần kinh không điều trị sớm và kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý về tâm thần khác như rối loạn lo âu, trầm cảm…
Có vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như bệnh viêm khớp, hen suyễn, đau mạn tính, ngưng thở khi ngủ và các bệnh về thần kinh, kể cả bệnh Parkinson
Các yếu tố môi trường như tiếng ồn, ánh sáng hoặc nhiệt độ không thích hợp (quá nóng hoặc lạnh) gây ảnh hưởng đến giấc ngủ
Việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc điều trị bệnh cảm lạnh, dị ứng, trầm cảm, huyết áp cao, hen suyễn… có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ
Thói quen ăn uống: Ăn quá nhiều khi gần đến giờ đi ngủ, ăn đồ khó tiêu hoặc dùng thức uống có caffeine hay có cồn
Thói quen ngủ không lành mạnh: Không có thời gian biểu đi ngủ cụ thể
Có sự xáo trộn trong lịch trình ngủ bình thường như bạn đang trải qua tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay dài, lệch múi giờ…
Trầm cảm, lo lắng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực.
Mối quan hệ phức tạp giữa mất ngủ kéo dài với sức khỏe tâm thần
Các vấn đề sức khỏe tâm thần (suy nhược thần kinh, trầm cảm hoặc lo âu) có thể là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ. Điều này cho thấy nếu có nhiều điều lo lắng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc thư giãn và ngủ. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến bạn bị thiếu ngủ trong một thời gian dài, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Một chức năng quan trọng của giấc ngủ là giúp các cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, tụy, ruột… thải độc. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh, tâm trí thư thái… vào mỗi sáng thức dậy. Tình trạng không ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ không đảm bảo gây ảnh hưởng đến não bộ và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Điều này khiến bạn khó tập trung hơn, khả năng ghi nhớ và tập trung gặp khó khăn, dễ nóng nảy, bứt rứt… Giấc ngủ bị gián đoạn có thể ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh, não sẽ giải phóng kích thích tố căng thẳng. Điều đó cho thấy việc giấc ngủ bị gián đoạn có thể tàn phá não gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc và có thể gây nên các vấn đề tâm lý.
Hậu quả của mất ngủ kéo dài
Ảnh hưởng đến tâm lý, dễ cáu gắt, bực bội, trí nhớ giảm, tập trung chú ý giảm, mệt mỏi, năng suất chất lượng công việc, học tập giảm sút; mất thăng bằng, dễ té ngã, lái xe không an toàn; mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường; nguy cơ bị viêm nhiễm cao; tăng nguy cơ bị ung thư; ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc; giảm thích ứng trong cuộc sống; có thể bị đột quỵ não; có nguy cơ bị đột tử trong đêm…
Cách chữa bệnh mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh
Tình trạng mất ngủ cấp tính có thể không cần điều trị vì có thể được cải thiện bằng cách thực hành các thói quen giúp bạn ngủ ngon. Nếu chứng mất ngủ kéo dài do suy nhược thần kinh khiến bạn thường xuyên buồn ngủ, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn sử dụng thuốc ngủ trong một thời gian nhất định.
Bạn nên tránh sử dụng thuốc ngủ khi không có sự chỉ định của bác sĩ vì thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn và hiệu quả của thuốc có xu hướng giảm dần theo thời gian.
Điều trị mất ngủ kéo dài tương đối khó so với điều trị các rối loạn giấc ngủ khác. Người bệnh được yêu cầu gạt bỏ tất cả các vấn đề trước khi đi ngủ. Nếu sau 5 phút lên giường nằm mà vẫn không ngủ thì nên ngồi dậy, ra khỏi giường và làm một việc gì đó. Đôi khi, cần thay đổi giường ngủ hay phòng ngủ. Nếu cảm thấy căng cơ thì cần phải làm các biện pháp thư giãn.
Liệu pháp tâm lý ít kết quả cho mất ngủ, các bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hành liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy). Bạn sẽ nói chuyện với bác sĩ tâm lý về các vấn đề của mình. Bác sĩ sẽ giúp bạn giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống, chia sẻ những khó khăn bạn đang gặp phải, hướng khắc phục cũng như cách đón nhận vấn đề theo hướng tích cực và lành mạnh hơn. Nhờ đó, bạn sẽ có được giấc ngủ ngon, cải thiện các triệu chứng của suy nhược thần kinh một cách hiệu quả.
Thỏa mãn tình dục có thể có hiệu quả gây ngủ với nam giới nhưng ít hiệu quả với nữ giới.
Điều trị bằng thuốc: Một số thuốc thường được dùng để gây ngủ thuộc nhóm benzodiazepine hay các thuốc như ramelteon, melatonin. Tuy nhiên khi sử dụng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu các bệnh nhân có kèm theo chứng trầm cảm thì cũng được bác sĩ chỉ định.
Ngoài thuốc Tây, người bệnh cũng có thể điều trị bằng các bài thuốc Đông y hay thuốc nam như củ gừng, tim sen, hoa trinh nữ, lá vông, long nhãn,…
Một số thức ăn giàu melatonin và L-tryptophan có tác dụng tốt cho bệnh mất ngủ. Melatonin là hormon tuyến tùng có tác dụng điều hòa giấc ngủ. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị mất ngủ bằng thức ăn giàu melatonin và L-tryptophan vẫn chưa rõ ràng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo Hội Tâm thần học Mỹ, vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến mất ngủ. Nhiều hành vi như hưng phấn quá trước khi ngủ hoặc thay đổi giờ giấc ngủ hằng ngày có thể dẫn đến mất ngủ. Do đó người bệnh cần lưu ý điều chỉnh hoặc thay đổi lối sống để có thể có giấc ngủ tốt như:
– Hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định. Ngoài ra, bạn cần hạn chế việc ngủ trưa hoặc chỉ ngủ ngắn khoảng 15-20 phút vào buổi trưa.
– Tránh sử dụng điện thoại, iPad trước khi đi ngủ. Các thiết bị này phát ra ánh sáng có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
– Tránh dùng các thức uống có chứa caffeine (trà, cà phê…), hút thuốc vào buổi tối. Caffeine và nicotin có trong thuốc lá là các chất kích thích có thể khiến bạn không ngủ được.
– Duy trì việc tập thể dục thường xuyên nhưng không nên tập sát giờ đi ngủ bởi việc này có thể khiến bạn khó ngủ. Theo các chuyên gia, bạn không nên tập thể dục ít nhất khoảng 1-2 giờ trước khi đi ngủ.
– Không ăn nhiều vào cuối ngày. Bạn có thể ăn một món ăn nhẹ hoặc uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ.
– Phòng ngủ thoải mái: Đảm bảo phòng ngủ của bạn tối, yên tĩnh, nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu phòng ngủ quá ồn (gần đường giao thông, đường ray xe lửa…), bạn có thể dùng nút tai chống ồn để dễ ngủ hơn.
– Thực hiện các việc bạn thường làm trước khi đi ngủ: vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ du dương, nằm thẳng hít thở sâu, thực hiện phương pháp đếm cừu…
– Nếu bạn không thể ngủ và không cảm thấy buồn ngủ, hãy ngồi dậy và đọc sách hoặc làm việc gì đó không quá kích thích cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Lưu ý, bạn không nên đọc sách có nội dung cuốn hút.
– Không ngủ nướng vào cuối tuần: Việc ngủ quá nhiều vào cuối tuần có thể khiến bạn khó ngủ vào các ngày khác trong tuần.
Ánh Dương
Theo tạp chí Sống Khỏe
Xem thêm: Xét nghiệm nước tiểu trong bệnh tiểu đường