Ho nhiều về đêm là biểu hiện thường gặp của các bệnh hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, hen phế quản và viêm phổi. Trong một số ít trường hợp, triệu chứng này cũng có thể là hệ quả do trào ngược dạ dày thực quản và dị ứng.
Hay bị ho về đêm là triệu chứng của bệnh gì?
Ho là phản ứng của cơ thể nhằm tống đờm, dị nguyên và dị vật ra khỏi đường hô hấp. Triệu chứng này là biểu hiện thường gặp của các bệnh viêm nhiễm như cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi, hen suyễn,… Tuy nhiên nếu ho bùng phát mạnh vào ban đêm, nguyên nhân còn có thể do nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Các nguyên nhân có thể gây ho nhiều vào ban đêm:
1. Cảm lạnh, cảm cúm
Cảm lạnh, cảm cúm là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho nhiều vào ban đêm. Nguyên nhân là do virus gây bệnh cảm lạnh, cảm cúm xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm nhiễm mũi, cổ họng và kích thích cơ quan hô hấp bài tiết dịch quá mức.
Nhiệt độ giảm thấp vào ban đêm khiến cho cổ họng có xu hướng nhạy cảm hơn. Chính vì vậy, cơn ho thường khởi phát vào ban đêm (khoảng 2 – 3 giờ sáng) và có mức độ dữ dội hơn so với các thời điểm khác trong ngày. Ngoài ra, cảm lạnh và cảm cúm còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi.
2. Trào ngược dạ dày thực quản
Ho vào ban đêm có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD là tình trạng dịch vị trong dạ dày có xu hướng trào ngược lên thực quản do cơ thắt thực quản dưới bị suy yếu. Tình trạng trào ngược thường xảy ra khi ăn no, vận động mạnh và khi nằm ngủ.
Vào ban đêm, dịch vị có thể bị trào ngược lên thực quản, cổ họng và kích thích phản ứng ho. Ho do trào ngược dạ dày thường đi kèm với triệu chứng nóng rát thượng vị, buồn nôn, hôi miệng, ợ chua, ợ hơi và chướng bụng. Một số trường hợp bị trào ngược lâu dài có thể bị sâu răng, viêm họng và viêm thanh quản.
3. Hen phế quản (hen suyễn)
Hen phế quản là tình trạng viêm đường thở mãn tính đặc trưng bởi tình trạng phế quản phù nề, tăng tiết dịch và co thắt bất thường. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có xu hướng thuyên giảm khi trưởng thành. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là ho khan nhiều về đêm lúc gần sáng, khó thở, thở khò khè, đau và nặng ngực.
Sở dĩ cơn ho do hen suyễn khởi phát vào nhiều về đêm là không khí lạnh làm tăng mức độ nhạy cảm của niêm mạc đường hô hấp. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh cũng có thể bùng phát vào ban đêm do xuất hiện các yếu tố kích thích như phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi và vải bông từ chăn, mền.
4. Viêm phổi
Viêm phổi là bệnh hô hấp thường gặp xảy ra do vi khuẩn, nấm hoặc virus xâm nhập và gây tổn thương mô phổi. Phản ứng viêm ở mô phổi kích thích cơ quan hô hấp bài tiết dịch nhiều hơn bình thường.
Khi nằm ngủ, dịch tiết có thể bị tràn vào các phế quản và kích thích phản ứng ho. Viêm phổi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ho nhiều vào ban đêm ở người cao tuổi.
5. Hội chứng chảy dịch mũi sau
Hội chứng chảy dịch mũi sau là tình trạng dịch tiết chảy từ mô xoang xuống mũi sau và đến cổ họng. Bệnh lý này có xu hướng phát triển mãn tính và thường xảy ra do dị ứng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do nhiễm trùng, thời tiết lạnh và khô.
Triệu chứng điển hình của hội chứng chảy dịch mũi sau là cổ họng bị vướng do dịch ứ đọng, tạo cảm giác buồn nôn, khó chịu, ngứa rát, đau họng và ho. Khi ở tư thế nằm, lượng dịch tiết có xu hướng chảy xuống mũi sau và cổ họng nhiều hơn, từ đó kích thích phản xạ ho và gây ho nhiều vào ban đêm.
6. Do dị ứng
Vào ban đêm, nhiệt độ và độ ẩm có xu hướng giảm thấp đột ngột. Các yếu tố này có thể kích thích phản ứng dị ứng – đặc biệt là ở người có cơ địa mẫn cảm. Dị ứng thời tiết lạnh có thể gây ho, nghẹt mũi, sổ mũi và làm bùng phát các triệu chứng ngoài da như nổi mề đay, da khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy.
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, ho về đêm còn có thể xảy ra do các nguyên nhân thông thường như:
- Tư thế ngủ: Nằm gối thấp có thể giảm áp lực lên cột sống, ngăn ngừa đau mỏi vai gáy và các bệnh xương khớp. Tuy nhiên, thói quen này tạo điều kiện cho dịch tiết hô hấp tràn lên vùng cổ họng và kích thích phản ứng ho.
- Hút thuốc lá: Người có thói quen hút thuốc lá lâu năm dễ gặp phải các vấn đề hô hấp và đặc biệt dễ bị ho vào ban đêm. Asen, nicotine và các hóa chất độc hại trong khói thuốc kích thích niêm mạc cổ họng và khiến cơ quan này trở nên nhạy cảm với các tác nhân kích thích – đặc biệt là nhiệt độ lạnh.
- Uống rượu bia: Cồn trong rượu bia có thể gây tổn thương vùng niêm mạc cổ họng, thực quản và thanh quản. Do đó nếu thường xuyên sử dụng rượu bia trước khi ngủ, bạn có thể bị ho nhiều vào ban đêm dẫn đến khó ngủ và mất ngủ.
Ho về đêm khi đi ngủ – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ho nhiều về đêm là triệu chứng khá phổ biến, có thể gặp ở trẻ nhỏ, người lớn và người cao tuổi. Thông thường, triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn và hiếm khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, cơn ho có thể tiến triển dai dẳng và chuyển biến theo chiều hướng xấu. Vì vậy, bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng như:
- Ho về đêm dai dẳng kéo dài trên 2 tháng
- Mức độ ho tăng lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống
- Tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất nếu ho đi kèm với sốt, đau tức ngực, ho ra máu, sụt cân bất thường,…
Ngoài những nguyên phổ biến, ho nhiều vào ban đêm còn có thể là biểu hiện của viêm phổi do vi khuẩn, lao phổi, ung thư vòm họng,… Do đó trong trường hợp cần thiết, nên chủ động thăm khám và điều trị y tế trong trường hợp cần thiết.
Các biện pháp cải thiện ho nhiều khi về đêm
Ho nhiều vào ban đêm chủ yếu xảy ra do cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản,… Do đó, tình trạng này có thể thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Nếu ho kéo dài, bạn có thể sử dụng thuốc không kê toa hoặc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị ho nhiều vào ban đêm:
1. Điều trị không dùng thuốc
Nếu mức độ ho không đáng kể, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà như:
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí lạnh và khô hanh có thể kích thích niêm mạc mũi, cổ họng và thúc đẩy phản ứng ho. Do đó để giảm tình trạng này, bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong suốt thời gian ngủ. Độ ẩm trong không khí tăng giúp làm dịu niêm mạc đường hô hấp và giảm cơn ho rõ rệt.
- Dùng máy lọc không khí: Người có cơ địa nhạy cảm dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài như nấm mốc, bụi bẩn, lông chó mèo, mạt bụi,… Trong trường hợp ho do dị ứng, bạn nên sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ dị nguyên và bảo vệ niêm mạc đường hô hấp.
- Loại bỏ các yếu tố kích thích: Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thức ăn có tính axit, cay nóng,… có thể kích thích lên vòm họng và gây ho nhiều vào ban đêm. Vì vậy để cải thiện tình trạng này, cần loại bỏ các yếu tố kích thích kể trên. Ngoài ra, việc thay đổi các thói quen xấu còn giúp kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản.
- Thay đổi tư thế nằm: Tư thế nằm quá thấp có thể gây trào ngược dịch vị và kích thích phản ứng ho. Do đó, bạn nên sử dụng gối nằm dành riêng cho người bị trào ngược dạ dày và nên nằm nghiêng bên phải để hạn chế hiện tượng ho nhiều vào ban đêm.
- Giảm ho bằng nguyên liệu tự nhiên: Trong trường hợp ho do cảm lạnh, cảm cúm, hen phế quản, dị ứng,… ở mức độ nhẹ, có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tắc chưng đường phèn, bạc hà, trà hoa cúc, trà gừng,… để giảm ho và làm dịu niêm mạc cổ họng.
2. Sử dụng thuốc điều trị ho
Nếu cơn ho không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm ho và long đờm như:
- Dextromethorphan: Dextromethorphan thường được sử dụng để điều trị ho khan. Trong trường hợp ho có đờm, cần sử dụng phối hợp với các loại thuốc có tác dụng long đờm. Thuốc Dextromethorphan tác động lên trung tâm ho ở hành não, từ đó làm giảm phản ứng ho do cảm lạnh, dị ứng hoặc hít phải chất kích ứng. Tuy nhiên, không sử dụng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi và đang điều trị bằng thuốc MAO.
- Thuốc giảm ho Codein: Codein có tác dụng làm khô dịch tiết ở đường hô hấp và giảm ho bằng cách tác động lên trung tâm ho ở hành não. Nhóm thuốc này thường được sử dụng để điều trị ho khan có mức độ nhẹ đến vừa.
- Alimemazin: Alimemazin là thuốc kháng histamine H1 có tác dụng chống nôn, giảm ho và an thần. Thuốc thường được sử dụng để giảm ho do dị ứng. Không sử dụng loại thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi, người bị giảm bạch cầu, tiền sử glocom góc hẹp, bạch nhược cơ, phì đại tuyến tiền liệt, thiểu năng tuyến giáp, bệnh Parkinson, động kinh,…
- Acetylcystein: Acetylcystein là thuốc long đờm, được sử dụng trong điều trị ho có đờm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thuốc hoạt động bằng cách tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein nhằm giảm độ quánh của dịch tiết hô hấp và tăng lượng đờm được tống ra bên ngoài qua phản ứng ho. Tuy nhiên, Acetylcystein không được sử dụng cho người có tiền sử hen suyễn vì thuốc có thể kích thích bùng phát cơn hen.
- Viên ngậm trị ho thảo dược: Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm ho bằng một số viên ngậm trị ho từ thảo dược như kẹo con tàu, thuốc ho Bảo Thanh, Zecuf, Eugica, Astex,…
3. Kiểm soát bệnh lý nguyên nhân
Ho không phải là bệnh lý mà chỉ là phản ứng của cơ thể nhằm loại bỏ chất gây dị ứng và đờm ứ bên trong niêm mạc đường hô hấp. Do đó để kiểm soát tình trạng ho về đêm hoàn toàn, cần xác định và điều trị bệnh lý nguyên nhân.
Thông thường nếu xảy ra do viêm phổi virus, dị ứng, cảm lạnh và cảm cúm, ho và các triệu chứng ở đường hô hấp sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu xảy ra do viêm phổi nhiễm khuẩn, trào ngược dạ dày,… cần tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Các bệnh lý này không thể tự thuyên giảm mà ngược lại có thể chuyển biến phức tạp và gây ra các biến chứng nặng nề nếu không được kiểm soát kịp thời.
Ho về đêm khi ngủ là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở trẻ nhỏ, người lớn và người cao tuổi. Nếu triệu chứng không thuyên giảm khi điều trị tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Xem thêm: Bài thuốc Nhất Nam Bình Vị Khang chữa đau dạ dày có thật sự hiệu quả? Giá bao nhiêu? Mua ở đâu?