Site icon Ung thư & Sức khỏe: Kiến thức chăm sóc điều trị bệnh nhân ung thư !

RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT

RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT

  1. Đại Cương:

Hệ thần kinh thực vật hay gọi là hệ thần kinh tự chủ của con người gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm chi phối các cơ quan nội tạng, chỉ huy hoạt động tự động không theo ý muốn của người, bao gồm hoạt động của các cơ quan như tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, …

Hai hệ này bình thường sẽ có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Hai hệ thần kinh thực vật này hoạt động trái ngược nhau (ví dụ như hệ thần kinh giao cảm tác động trên tim gây tim đập nhanh dẫn đến tăng huyết áp, còn hệ phó giao cảm thì ngược lại làm tim đập chậm, gây hạ huyết), nhưng sự trái ngược này là sự bổ sung cho nhau, kết hợp hài hòa tạo nên các hoạt động bình thường trong cơ thể.

Trong một số trường hợp, vì nguyên nhân nào đó dẫn đến sự mất cân bằng của hệ phó giao cảm và giao cảm dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật, biểu hiện triệu chứng trên các cơ quan khác nhau.

Rối loạn thần kinh thực vật (tên tiếng Anh là Autonomic Nervous System Disorders) không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng tác động rất lớn tới sinh hoạt của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. nếu kéo dài có thể gây thay đổi tâm lý.

2. Chẩn đoán:

2.1.Chẩn đoán xác định:

  • Tim mạch:
  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, hồi hộp, tăng huyết áp hoặc nhịp tim chậm, huyết áp thấp, chóng mặt, hoa mắt khi thay đổi tư thế do tụt huyết áp. Nhịp tim thay đổi thất thường, khó thích nghi với hoạt động thể lực, … Cảm giác hồi hộp, nếu xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi.
  • Đau ngực: cảm giác đau, nóng và rát ở vùng ngực, thậm chí là đau nhói hoặc đau thắt ngực. Cơn đau thường sẽ xuất hiện bất ngờ khiến người bệnh cảm thấy như bị nghẹt thở căng tức vùng ngực.
  • Hô hấp: người bệnh sẽ cảm giác khó thở, hụt hơi, nặng ngực và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ thở hơn. Tình trạng khó thở sẽ tăng mạnh khi ở nơi đông đúc, ồn ào hoặc căng thẳng.
  • Tiêu hóa: Khô miệng, rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón, đầy hơi, kích thích đại tiện khi căng thẳng, …
  • Tiết niệu: Bí tiểu, tiểu tiện không tự chủ, tiểu nhiều lần, tiểu nhiều về đêm…
  • Hệ sinh dục: Rối loạn tình dục ở nam giới gây rối loạn chức năng cương dương, xuất tinh sớm, nữ giới gây khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, Có thể nhầm lẫn với những bệnh do thiếu hụt nội tiết tố gây ra.
  • Hệ thần kinh:
  • Rối loạn vận mạch gây đau đầu hoặc đau nửa đầu; chóng mặt; giảm trí nhớ, hay quên, … Cảm giác choáng váng, đứng không vững hoặc như muốn ngất xỉu, cơ thể lả đi. Triệu chứng này do nhịp tim quá nhanh khiến cho thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp tư thế đột ngột.
  • Mất ngủ: vì luôn ở tình trạng lo lắng, bồn chồn dẫn đến việc trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
  • Hệ vận động:
  • Mất các phản xạ gân xương điển hình xảy ra trước khi bắt đầu yếu cơ vận động.
  • Cơ thể mệt mỏi: người bệnh luôn cảm thấy uể oải và thiếu sức sống. Tình trạng này thường sẽ kéo dài và khó hồi phục dù người bệnh đã được nghỉ ngơi.
  • Rối loạn cảm giác: gồm ngứa râm ran, đau nhói, cảm giác “tê như kim chích” hay nóng bỏng.
  • Rối loạn chức năng thần kinh thực vật: Tay chân run và đổ mồ hôi nhiều do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức. thân nhiệt nóng lạnh bất thường.
  • Lông tóc móng: Bệnh có thể gây rụng tóc, da khô, hư móng, co giãn mạch ngoài da…
  • Khi bệnh ở kéo dài, bệnh nhân sẽ luôn trong tình trạng hoang mang, sợ hãi và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Chính điều này gây ra tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

2.2. Chẩn đoán phân biệt:

  • Nhiễm độc giáp – Suy giáp
  • Rối loạn thần kinh tim
  • Bệnh mạch vành
  • Hen phế quản
  • Viêm loét dạ dày tá tràng
  • Viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa
  • Bệnh đau nửa đầu, rối loạn vận mạch máu não, rối loạn tuần hoàn não.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu, hội chứng bàng quang kích thích.

2.3. Chẩn đoán nguyên nhân:

Nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm các nguyên nhân sau:

  • Bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren
  • Tổn thương hạch thần kinh do phẫu thuật vùng cổ
  • Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh
  • Mắc bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc điều trị ung thư, thuốc chống trầm cảm…
  • Các bệnh lý về thoái hóa thần kinh như teo não, Alzheimer ..
  • Sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các chất tác động tâm thần như thuốc phiện…
  • Bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền
  • Các rối loạn tâm lý như: Căng thẳng kéo dài, rối loạn lưỡng cực…
  • Một số bệnh ung thư (hội chứng cận ung thư).

3. ĐIỀU TRỊ:

Nguyên tắc điều trị chung: gồm điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng đau của bệnh dây thần kinh, chăm sóc nâng đỡ, …

  • Điều trị nguyên nhân:

Mục tiêu đầu tiên là kiểm soát được nguyên nhân gây bệnh và các vấn đề làm tổn thương dây thần kinh. Nếu bạn có tiểu đường, cần kiểm soát chặt chẽ đường huyết để ngừa chứng rối loạn thần kinh tự chủ tiến triển.

  • Điều trị triệu chứng đau:
  • Điều trị đau do bệnh dây thần kinh bằng nội khoa thường khó khăn. Các loại giảm đau đơn giản gồm acetaminophen và các NSADI thường ít hiệu quả. Điều trị thuốc gốc á phiện chỉ nên dùng nếu các phương pháp khác thất bại.
  • Các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm giảm đau do rối loạn cảm giác, nóng bỏng và cải thiện được giấc ngủ.
  • Các thuốc amitriptylin, nortriptylin hay desipramin thường được dùng với các liều khởi đầu nhỏ, sau đó tăng dần đến mức dung nạp. Tác dụng phụ gồm buồn ngủ thường ở liều giới hạn, nên thận trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân bị loạn nhịp tim.
  • Các thuốc chống co giật được mô tả làm giảm đau tốt nhất là carbamazepine và gabapentin. Carbamazepin và phenytoin có thể đặc biệt hữu ích trong đau buốt, nhói xảy ra từng cơn. Gabapentin có hiệu quả trong các rối loạn đau do bệnh dây thần kinh khác nhau.
  • Các điều trị thuốc khác gồm mexiletin và các thuốc chống co cứng.
  • Điều trị triệu chứng:
  • Hạ huyết áp tư thế: có thể được cải thiện với các điều trị nội khoa và các phương pháp không dùng thuốc. Các loại tất thun dài, tốt nhất là cao đến thắt lưng có thể phòng ngừa được bệnh hạ huyết áp ở tư thế đứng. Điều trị nội khoa gồm corticoides có tác dụng giữ nước và muối, ăn mặn, uống nhiều nước.
  • Triệu chứng đường tiêu hóa: chế độ ăn thích hợp, thức ăn mềm, dễ tiêu, thức ăn có đầy đủ chất khoáng và nước. Điều trị triệu chứng tiêu chảy hoặc táo bón nếu có.
  • Triệu chứng đường tiểu: uống nhiều nước (1,5 – 2 lít/ngày) và tập thói quen đi tiểu theo giờ để tăng dung tích bàng quang. Đặt ống thông tiểu nếu bệnh nhân bí tiểu.
  • Triệu chứng tim mạch và huyết áp:
  • Mạch chậm, huyết áp thấp: các thuốc giãn phế quản, thuốc corticoids, giúp nâng mạch và huyết áp.
  • Huyết áp tăng: uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Các thuốc chẹn beta giúp làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp.
  • Vã mồ hôi:
  • Thuốc giảm tiết mồ hôi: tác dụng phụ của các thuốc này là tiêu chảy, khô miệng, bí tiểu, …
  • Cần thiết thì can thiệp ngoại khoa.
  • Các biện pháp chăm sóc nâng đỡ:
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột: đứng dậy chậm để giảm choáng. Ngồi tại giường, thả lỏng chân vài phút trước khi rời khỏi giường.
  • Nâng đầu giường: nếu bạn có huyết áp thấp, nên nâng cao đầu giường.
  • Chế độ ăn uống: chia ra nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, ăn ít béo, hạn chế mỡ động vật, hạn chế ăn mặn, ăn thức ăn nhiều rau củ – chất khoáng.
  • Đặc biệt là nên sống vui vẻ, lạc quan, thoải mái, không quá lo nghĩ, đồng thời đừng quên tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.
  • Ngoài ra người bệnh có thể kết hợp điều trị Đông y như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh, …

4. PHÒNG BỆNH

Phương pháp dự phòng bệnh thần kinh thực vật chủ yếu là thay đổi lối sống:

  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức, tránh căng thẳng.
  • Tập thể dục thường xuyên. Hạn chế căng thẳng bằng cách tập yoga, đi bộ, thư giãn, tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, …
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Điều trị và kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh
  • Nếu mắc đái tháo đường cần dùng thuốc, theo dõi thường xuyên nhằm kiểm soát tốt lượng đường huyết.
  • Từng bước kiểm soát tăng huyết áp.
  • Bỏ rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện, các chất tác động tâm thần bất hợp pháp.
  • Bệnh nhiễm virut và vi khuẩn cũng gây rối loạn thần kinh tự chủ nên mọi người cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi công cộng; luôn thực hiện ăn chín uống sôi..
  • Không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có khuyến cáo của bác sĩ.
  • Tránh các sang chấn tinh thần, …

Bài viết được đăng tải bởi Bác sĩ Nguyễn Đức Thịnh – Bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng.

  • Địa chỉ: 376 Trần Cao Vân, Thành phố Đà Nẵng
  • Điện thoại: 0236.3714.030 – 02363.714552 
  • Giám đốc: Bác sĩ Vũ Thị Tư Hằng – 0913.415.229
  • Điều hành dịch vụ khám sức khỏe: 0906.548848
  • Chăm sóc khách hàng: 0914791948
Bệnh viện Bình Dân Đà Nẵng – Ảnh chụp bởi Khamdinhkydanang

Khamdinhkydanang.com – Danh bạ bác sĩ cho mọi nhà.

Trang tìm kiếm bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc, nha khoa, thẩm mỹ viện, phục hồi chức năng … 

Hệ thống hoạt động vì sức khỏe cộng đồng nên mọi cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ Y tế đều được niêm yết thông tin miễn phí.

Trân trọng cảm ơn quý khách !

Admin: Nguyen Hai Quoc – Email: khamdinhkydanang@gmail.com

THOÁI HÓA CỘT SỐNG

Khamdinhkydanang.com
Nguồn: https://khamdinhkydanang.com/roi-loan-than-kinh-thuc-vat/

Xem thêm: Nữ Vương New điều trị viêm lộ tuyến – Giải pháp hữu hiệu cho chị em

Rate this post
Exit mobile version