Tiểu rắt đau bụng dưới là biểu hiện cảnh báo sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Triệu chứng này có thể là biểu hiện của các bệnh lý như viêm niệu đạo, sỏi thận, ung thư bàng quang… Vậy điều trị tiểu rắt và đau bụng dưới như thế nào? Biện pháp phòng ngừa triệu chứng này ra sao?
Tiểu rắt đau bụng dưới là dấu hiệu bệnh gì?
Tiểu rắt và đau bụng dưới là tình trạng đi tiểu nhiều lần, không kiểm soát. Kèm theo đó là cảm giác đau âm ỉ ở phần bụng dưới, nước tiểu đục và có mùi.
Tiểu rắt và đau bụng dưới có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới. Đây là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến đường tiết niệu, thận, niệu đạo, bàng quang.
Cụ thể, một số bệnh lý gây nên tình trạng tiểu rắt đau bụng dưới như:
Viêm bàng quang
Nguyên nhân gây viêm bàng quang là do vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không điều trị sớm thì bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Triệu chứng của bệnh:
- Tiểu rắt, có mủ, đau bụng dưới âm ỉ.
- Nước tiểu có mùi tanh và màu đục, sốt nhẹ.
- Cảm thấy buồn đi tiểu nhưng lượng nước tiểu đi không nhiều.
Viêm niệu đạo
Viêm niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus tấn công. Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ lây lan sang các bộ phận khác và ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh như đau tức bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần trong ngày.
Sỏi đường tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu xảy ra do sự lắng đọng của nguyên tố canxi và muối ở bàng quang, thận. Do chế độ ăn uống nhiều muối, uống ít nước, nhịn tiểu gây nên tình trạng trên.
Sỏi thận sẽ chèn ép thận, đường tiết niệu gây tổn thương và chảy máu. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng dưới, tiểu rắt, tiểu buốt ra máu khi mắc phải căn bệnh này.
Viêm đường tiết niệu
Một số tác nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu như vi khuẩn E.coli, vi khuẩn lậu… Khi các vi khuẩn này trú ngụ lâu ngày trong cơ thể, đường tiết niệu sẽ bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng thường gặp của bệnh là tiểu ra máu, tiểu buốt, sốt cao, đau bụng dưới, nước tiểu có lẫn máu.
Hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo cũng là nguyên nhân gây nên chứng tiểu buốt và đau bụng dưới. Hẹp niệu đạo xảy ra khi cơ thể bị chấn thương hoặc do viêm nhiễm. Ngoài triệu chứng tiểu rắt đau bụng dưới, hẹp niệu đạo còn gây ra một số triệu chứng như tiểu buốt, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu có mùi hôi.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể xảy ra ở thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần, đau bụng dưới ở cả nam và nữ giới. Một số triệu chứng khác của bệnh lý này là tiểu ra máu, tiểu buốt, nước tiểu đục và có mùi hôi.
Các bệnh lây qua đường tình dục
Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể được kể đến như bệnh lậu, bệnh chlamydia… Các căn bệnh này sẽ gây ra tình trạng tiểu buốt đau bụng dưới, nóng rát mỗi khi đi tiểu, nước tiểu có màu hồng. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác kèm theo như chảy dịch lỏng, vùng kín có mùi hôi, đau rát vùng kín…
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm do sự phát triển quá mức của các tế bào trong dạ con và hình thành những khối u ác tính. Bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và tính mạng của chị em phụ nữ.
Các triệu chứng của bệnh:
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Tiểu rắt, đau bụng dưới, đau khi đi tiểu.
- Khí hư ra nhiều, âm đạo có mùi hôi tanh.
- Người mắc bệnh ở mức độ nặng sẽ bị rối loạn tiểu tiện.
Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt gây ra tình trạng tiểu rắt, đau lưng, đau háng, đi tiểu nhiều lần, đau bụng. Vùng bụng dưới sẽ cảm thấy nóng rát mỗi khi đi tiểu. Khi mắc bệnh, nam giới sẽ cảm thấy đau nhức khi quan hệ tình dục.
Ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang phát triển rất nhanh, gây chèn ép và gây hẹp bàng quang. Khi bị ung thư bàng quang, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức thắt lưng, vùng bụng dưới, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu.
Tiểu rắt đau bụng dưới có nguy hiểm không?
Đau bụng tiểu rắt là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm kể trên. Nếu tình trạng này không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh.
Một số biến chứng đáng lo ngại mà bệnh nhân gặp phải như:
- Bệnh viêm đường tiết niệu gây tắc vòi trứng.
- Bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mãn tính.
- Nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng máu, suy thận và dẫn đến tử vong.
- Người bệnh có nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn, không có khả năng sinh con.
- Suy giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ giới, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
- Chị em phụ nữ đang mang thai có thể gặp phải tình trạng sảy thai, sinh non.
Hơn nữa, bệnh tiểu rắt đau bụng kéo dài và không được điều trị kịp thời sẽ khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, bất an, mất tập trung. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Nói tóm lại đây là một triệu chứng NGUY HIỂM, người bệnh không được chủ quan.
Làm gì khi bị tiểu rắt đau bụng dưới? Cách điều trị bệnh
Khi bị đau bụng và tiểu rắt, người bệnh không nên chủ quan, cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi bàng quang. Đây là các xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh và có phương hướng điều trị hiệu quả.
Điều trị bằng Tây y
Người bệnh có thể điều trị bệnh tiểu rắt và đau bụng dưới bằng các loại thuốc Tây được bác sĩ chỉ định. Một số loại thuốc trị tiểu rắt, đau bụng dưới thường được kê toa cho bệnh nhân như:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc Quinolon, nhóm Cephalosporin thế hệ mới. Việc sử dụng thuốc kháng sinh liều thấp hay liều cao còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Thuốc kháng sinh giúp giảm triệu chứng viêm nhiễm, đau nhức.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Diclofenac, Nospa… Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm đau bụng và nóng rát khi đi tiểu.
- Thuốc cầm máu: Các loại thuốc như Tranexamic acid (uống hoặc tiêm), Goserelin, Flutamide. Nhóm thuốc này có tác dụng giữ máu, hạn chế để máu ra ngoài theo đường nước tiểu.
Đối với những trường hợp bị ung thư, sỏi tiết niệu, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định phẫu thuật khi cần thiết. Người bệnh phải luôn thực hiện theo những chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc sử dụng thuốc bừa bãi.
Chữa tiểu rắt đau bụng dưới bằng Đông y
Theo y học cổ truyền, bệnh tiểu rắt là biểu hiện của chứng thận hư. Vì vậy, để điều trị bệnh triệt để, các bài thuốc Đông y tập trung cải thiện chức năng thận. Đồng thời loại bỏ các độc tố gây bệnh, giảm đau nhức vùng bụng dưới.
Một số bài thuốc Đông y mà bạn có thể tham khảo để chữa bệnh như:
- Bài thuốc số 1: Bá hạ chế, hoạt thạch, mộc thông và trư linh mỗi thứ 12g, rễ cỏ tranh, hoàng liên, hoàng bá, phục linh và sa tiền mỗi vị 16g. Bạn rửa sạch tất cả các loại thảo dược trên, sắc với nước uống mỗi ngày.
- Bài thuốc số 2: Đương quy, phá cố chỉ, thục địa, phụ tử chế và nhục thung dung, trần hương và lộc nhung mỗi vị 4g, xạ hương 0,4g. Bạn rửa sạch tất cả các loại nguyên liệu trên, để ráo nước, tán thuốc thành bột mịn. Bạn nặn thuốc thành viên từ 5 – 10g, mỗi lần uống lấy 1 viên hòa với nước.
- Bài thuốc số 3: Vỏ núc nác, thạch hộc và quả dành dành mỗi vị 12g, rau má 20g. Bạn rửa sạch các loại thảo dược, sắc thuốc và chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày.
Trước khi uống thuốc Đông y chữa tiểu rắt đau bụng dưới, người bệnh cần đến thăm khám tại thầy thuốc uy tín. Tự ý sử dụng thuốc Đông y sẽ gây hại cho sức khỏe và khiến bệnh ngày một nặng hơn.
Bài thuốc dân gian chữa tiểu rắt đau bụng dưới
Khi bị tiểu rắt và đau bụng dưới ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian dưới đây để chữa bệnh:
- Giá đỗ: Giá đỗ có tác dụng lợi tiểu, trị tiểu nhiều lần, tiểu rắt, bí tiểu. Bạn luộc nửa cân giá đỗ với 50g đường trắng. Chia nước luộc giá thành nhiều lần uống trong ngày để điều trị bệnh. Tuy nhiên, người bệnh không nên uống nước luộc giá vào buổi tối để tránh đi tiểu đêm.
- Ram sam: Rau sam có chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Loại rau này có tác dụng điều trị các bệnh lý như đầy hơi, khó tiêu, tiểu rắt, đau bụng dưới. Bạn giã nát rau sam tươi, lọc bỏ phần bã và lấy phần nước thu được để uống.
- Rau mồng tơi: Mồng tơi có chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, rau có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Bạn luộc rau mồng tơi và ăn để điều trị bệnh.
Các mẹo dân gian tại nhà chữa bệnh tiểu rắt đau bụng dưới chỉ có thể áp dụng cho trường hợp nhẹ. Với trường hợp nặng, cơn đau kéo dài, người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Lời khuyên từ chuyên gia cho người bị bệnh tiểu rắt đau bụng dưới
Tiểu rắt đau bụng dưới khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống. Hơn nữa, triệu chứng này còn là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm. Khi gặp tình trạng này, người bệnh nên đến bệnh viện để khám và kiểm tra sớm nhất. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh:
- Uống đủ nước mỗi ngày, tuy nhiên trước khi đi ngủ không nên uống nước nhiều, tránh tình trạng đi tiểu đêm.
- Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể.
- Tuyệt đối không được cố gắng nhịn tiểu.
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào hệ bài tiết.
- Hạn chế sử dụng các chất gây kích thích như đồ uống có cồn, nước ngọt có ga, cà phê…
- Hạn chế ăn các loại gia vị có tính cay nóng, quá mặn, ngọt, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Tập bài tập kegel để tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng chậu.
Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn thông tin về tình trạng tiểu rắt đau bụng dưới. Nếu gặp phải các triệu chứng trên, bạn hãy chủ động đến bệnh viện kiểm tra để được điều trị sớm nhất và hạn chế biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
Xem thêm: Hội chứng tăng thông khí phổi