Ung thư buồng trứng là tình trạng một số tế bào phát triển bất thường dẫn đến sự phân chia không kiểm soát, khiến khối u ác tính hình thành và phát triển từ một hoặc cả hai buồng trứng. Đây là nơi tiết ra hormone estrogen, progestrogen và sản sinh tế bào trứng. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh đều nhận thấy sự bất thường và phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khối u lan rộng và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác.
Ung thư buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một trong những cơ quan quan trọng trong cơ thể của người phụ nữ. Đây là cơ quan sinh sản mang chức năng tiết ra hormone estrogen, progestrogen (hormone sinh dục nữ) và sản sinh tế bào trứng. Theo sinh lý bình thường, trong cơ thể của mỗi một người phụ nữ sẽ có hai buồng trứng. Chúng có kích thước tương đương một hạt nhị và nằm trong khung chậu.
Hai loại nội tiết tố do buồng trứng sản sinh estrogen và progestrogen có khả năng tác động và đảm bảo quá trình phát triển cơ thể của người phụ nữ được diễn ra suôn sẻ. Ngoài ra hai loại hormone này cũng liên quan đến quá trình mang thai và chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên trong một và cả hai buồng trứng có thể xuất hiện khối u ác tính do nhiều nguyên nhân khác nhau và được gọi là ung thư.
Ung thư buồng trứng là tình trạng một số tế bào phát triển bất thường, không tuân theo nhu cầu và sự kiểm soát của cơ thể dẫn đến sự phân chia mất kiểm soát, đồng thời khiến khối u ác tính hình thành và phát triển từ một hoặc cả hai buồng trứng.
Sau một thời gian phát triển, những tế bào ung thư này có thể di căn, xâm lấn và phá hủy các cơ quan xung quanh và các mô quan trọng. Hơn thế, nếu bệnh ung thư không được phát hiện và kiểm soát, tế bào ung thư có thể nhanh chóng di căn đến những mô và cơ quan xa hơn trong cơ thể. Đồng thời gây ung thư thứ phát tại cơ quan bị ảnh hưởng.
Bệnh ung thư buồng trứng được chia thành những thể sau:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: Ung thư biểu mô buồng trứng được xác định là những tế bào ung thư hình thành và phát triển từ những tế bào tồn tại trong buồng trứng. Đây chính là thể ung thư thường gặp nhất.
- Ung thư tế bào mầm: Ung thư tế bào mầm được xác định là loại ung thư hình thành và phát triển từ những tế bào sản xuất ra trứng. So với ung thư biểu mô thì ung thư tế bào mầm ít gặp hơn.
- Ung thư tế bào mô nâng đỡ buồng trứng: Ung thư buồng trứng hình thành và phát triển từ tế bào mô nâng đỡ buồng trứng. Đây cũng là thể ung thư ít gặp.
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Hiện nay nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên kết quả tổng hợp từ nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng nguy cơ mắc loại ung thư này sẽ tăng cao bởi sự tác động của những yếu tố sau:
- Tiền sử gia đình (di truyền): Nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng của bạn sẽ tăng cao khi có quan hệ huyết thống với người bị bệnh, cụ thể như chị, mẹ và em gái ruột. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh ung thư của bạn cũng tăng cao khi trong gia đình có người bị ung thư đại tràng và ung thư vú.
- Tiền sử bản thân: Nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ tăng cao khi bạn là người có tiền sử bị ung đại tràng hoặc ung thư vú.
- Độ tuổi: Nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng có xu hướng tăng cao theo độ tuổi. Đa số những trường hợp mắc bệnh có độ tuổi trên 50 và ng
uy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao hơn ở những người trên 60 tuổi. - Mang thai và sinh con: Những người chưa từng sinh con sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn so với những người đã mang thai và sinh con. Nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp khi phụ nữ sinh càng nhiều con.
- Dùng thuốc kích thích phóng noãn: Nguy cơ mắc bệnh ung thư sẽ tăng cao khi bạn sử dụng thuốc kích thích buồng trứng phóng noãn. Tuy nhiên nguy cơ này vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
- Điều trị hormone thay thế: Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên khi phụ nữ mãn kinh dùng thuốc điều trị hormone thay thế.
- Bột talc: Bột talc khi được dùng nhiều ở cơ quan sinh dục sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư buồng trứng
Rất khó để phát hiện bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do trong giai đoạn sớm của bệnh, các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường. Các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn khi khối u phát triển lớn và bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn.
Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh có thể bao gồm:
- Đầy hơi, đầy bụng kéo dài
- Thường xuyên bị táo bón hoặc táo bón kéo dài
- Có cảm giác khó chịu và đau ở vùng chậu, cảm giác đau xương chậu xuất hiện và kéo dài dai dẳng, hinh thành những cơn đau nhói, có thể đau ở bất kỳ thời điểm nào
- Ăn uống khó tiêu, buồn nôn, có cảm giác đầy khí và khó chịu trong bụng ngay cả khi chưa ăn gì
- Xuất hiện những thay đổi trong đại tiểu tiện, bệnh nhân đi tiểu và bị táo bón thường xuyên hơn
- Ăn nhanh no, chán ăn, ăn không ngon miệng, ăn ít
- Vòng bụng to hơn so với bình thường
- Thiếu năng lượng, cơ thể mệt mỏi thất thường, đặc biệt là khi làm việc quá sức
- Đau lưng dưới
- Chảy máu âm đạo bất thường kèm theo cảm giác đau đớn, nữ giới có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt
- Xuất hiện một ít máu giữa những chu kỳ kinh nguyệt
- Có cảm giác đau đớn khi quan hệ tình dục, cơn đau có thể xuất hiện ở bên trái khung xương chậu hoặc xảy ra ở bên phải
- Tăng cân hoặc giảm cân nhưng không rõ nguyên nhân.
Những giai đoạn phát triển của bệnh ung thư buồng trứng
Có 4 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư buồng trứng:
1. Giai đoạn 1
Ở giai đoạn 1, khối u cũng như những tế bào ung thư được giới hạn trong ống dẫn trứng hoặc trong buồng trứng, không có dấu hiệu lây lan ra các mô và những bộ phận khác. Đây là giai đoạn dễ chữa khỏi bệnh nhất.
- Giai đoạn 1A: Tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện và tiến triển trong ống dẫn trắng hoặc bên trong một buồng trứng. Trong giai đoạn này những tế bào ung thư ác tính chưa xuất hiện. Bên cạnh đó các tế bào cũng chưa ăn sâu và di chuyển ra bên ngoài buồng trứng.
- Giai đoạn 1B: Trong giai đoạn này, khối u ung thư vẫn chưa ăn sâu và xuất hiện ra bên ngoài bề mặt buồng trứng. Đồng thời chưa có tế bào ác tính. Tuy nhiên ở hai buồng trứng đã bắt đầu xuất hiện khối u.
- Giai đoạn 1C: Khối u xuất hiện cùng với những tình trạng sau:
- Ăn sâu và xuất hiện trên bề mặt ngoài của buồng trứng, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên buồng trứng
- Những viên nang bị phá vỡ
- Tế bào ác tính xuất hiện.
2. Giai đoạn 2
Trong giai đoạn 2, khối u còn trong ống dẫn trứng và buồng trứng. Tuy nhiên các tế bào ung thư đã di chuyển và xâm lấn vào những cơ quan lân cận. Cụ thể như vòi trứng, tử cung…
- Giai đoạn 2A: Những tế bào ung thư đã di chuyển và lan rộng đến ống dẫn trứng, tử cung hoặc cả hai.
- Giai đoạn 2B: Tế bào ung thư di chuyển và lan rộng đến những cơ quan lân cận nằm tại vùng chậu. Cụ thể như trực tràng, đại tràng, bàng quang.
- Giai đoạn 2C: Tế bào ung thư đã di chuyển và lan đến ống dẫn trứng, tử cung cùng với những mô xương chậu khác.
3. Giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, tế bào ung thư lan sang những cơ quan khắc thuộc về ổ bụng như niêm mạc của bụng, buồng trứng… hoặc xâm lấn vào những hạch bạch huyết trong ổ bụng.
- Giai đoạn 3A: Ung thư xảy ra ở cả hai buồng trứng, có thể nhìn thấy được những dấu hiệu ung thư trong ổ bụng thông qua kính hiển vi.
- Giai đoạn 3B: Có thể quan sát khối u bằng mắt thường khi thực hiện phẫu thuật (khối u thường có đường kính khoảng 2cm hoặc nhỏ hơn). Tế bào ung thư đã xâm lấn sang những hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến những cơ quan xa như lá lách, gan…
- Giai đoạn 3C: Khối u đã phát triển mạnh, lan rộng từ xương chậu đến ổ bụng, có đường kính lớn hơn 2cm. Tế bào ung thư có thể đã xâm lấn đến bề mặt của những cơ quan xa hơn. Đồng thời có thể có hoặc có thể không có khối u trong những hạch bạch huyết.
4. Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Lúc này khối u đã di căn đến những cơ quan bên ngoài của ổ bụng và gan, thậm chí trong dịch màng phổi đã có sự xuất hiện của những tế bào ung thư.
- Giai đoạn 4A: Trong chất lỏng xung quanh phổi có tế bào ung thư.
- Giai đoạn 4B: Những tế bào ung thư di chuyển và xâm lấn xa hơn, cụ thể bên trong lá lách, phổi, gan, não, những hạch bạch huyết nằm ở háng và nhiều cơ quan khác xa hơn.
Mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư buồng trứng
Nếu được phát hiện và được điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm (đặc biệt là giai đoạn 1), bệnh ung thư buồng trứng sẽ được chữa khỏi, không làm ảnh hưởng đến những cơ quan lân cận và không phát sinh những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
Bệnh nhân điều trị ung thư ở giai đoạn 1 có thể sống trên 5 năm (chiếm 95% trường hợp). Tuy nhiên tỉ lệ sống trên 5 năm sau ung thư có thể thay đổi ở từng đối tượng dựa vào tiền sử bệnh tật, tuổi tác và tình trạng sức khỏe…
Tỉ lệ sống sót sẽ thấp hơn nếu bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn. Cụ thể, tỉ lệ sống trên 5 năm sau ung thư giảm còn 75% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, tỉ lệ sống trên 5 năm sau ung thư giảm còn 39% nếu bệnh chữa ở giai đoạn 3. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn cuối (giai đoạn 4), tế bào ung thư đã di căn.
Chính vì thế, bệnh ung thư buồng trứng cần được sớm phát hiện và điều trị để nâng cao hiệu quả chữa bệnh và tăng khả năng sống sót. Tự nhiên do triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn ở giai đoạn đầu nên bạn cần phải quan sát kỹ cơ thể. Đồng thời chủ động đến bệnh viện tầm soát ung thư nếu có nghi ngờ.
Bệnh ung thư buồng trứng được chẩn đoán như thế nào?
Buồng trứng nằm sâu bên trong khoang bụng. Chính vì thế rất khó để bệnh nhân cảm nhận sự hình thành và phát triển của khối u. Đối với ung thư buồng trứng, không có sàng lọc thường quy nào cho căn bệnh này. Đây là lý do khiến việc báo cáo đầy đủ những dấu hiệu, triệu chứng bất thường là điều vô cùng quan trọng và cần thiết cho quá trình chẩn đoán.
Trong trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm phụ khoa cần thiết. Kết quả xét nghiệm sẽ mang đến nhiều lợi ích trong việc phát hiện bệnh lý và những điều bất thường của bác sĩ. Tuy nhiên rất khó để cảm nhận những khối u nhỏ ở buồng trứng.
Trực tràng và bàng quang sẽ bị ảnh hưởng bởi khối u khi chút phát triển với kích thước lớn. Ngoài ra bác sĩ có thể phát hiện khối u thông qua kết quả kiểm tra, xét nghiệm vùng hậu môn – trực tràng.
Bên cạnh đó một số xét nghiệm ung thư buồng trứng dưới đây cũng được thực hiện, bao gồm:
- Siêu âm qua âm đạo (TVUS): Kết quả siêu âm qua âm đạo có thể giúp bác sĩ chuyên khoa xác định ung thư. Để thu về kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dùng sóng âm để tìm kiếm sự tồn tại của những khối u nằm trong cơ quan sinh sản, trong đó có cả khối u ở buồng trứng. Tuy nhiên kỹ thuật chẩn đoán này không thể đưa ra kết luận cuối cùng cho việc khối u được phát hiện có phải là ung thư hay không.
- Chụp CT hố chậu và vùng bụng: Người bệnh có thể được yêu cầu chụp CT hố chậu và vùng bụng nếu bị dị ứng với thuốc nhuộm.
- Xét nghiệm máu xác định mức độ kháng nguyên ung thư 125 (CA-125): Kháng nguyên ung thư 125 (CA-125) được xác định là một trong những sản phẩm do khối u tiết ra. Thông thường những người mắc bệnh ung thư buồng trứng sẽ có nồng độ kháng nguyên ung thư cao hơn người bình thường. Ngoài ra xét nghiệm máu xác định mức độ kháng nguyên ung thư 125 (CA-125) còn được sử dụng để đánh giá kết quả điều trị ung thư.
- Sinh thiết: Sinh thiết kiểm tra ung thư được thực hiện bằng cách lấy tại buồng trứng một mô tế bào nhỏ, sau đó thực hiện quan sát mô này dưới kính hiển vi. Sinh thiết được đánh giá là phương pháp có khả năng giúp bác sĩ chuyên khoa xác định chính xác bệnh nhân có đang mắc bệnh ung thư buồng trứng hay không.
Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Để điều trị ung thư buồng trứng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện những phương pháp sau:
1. Phẫu thuật
Hầu hết những trường hợp mắc bệnh ung thư buồng trứng đều cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phương pháp điều trị này được thực hiện bằng cách cắt đi tử cung cùng với ống dẫn trứng và buồng trứng. Từ đó giúp ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và lây lan.
Các mô và các hạch bạch huyết thuộc về khung chậu và ổ bụng đều sẽ được kiểm tra, sau đó cắt bỏ nếu cần thiết. Ngoài ra trong nhiều trường hợp khác, bác sĩ chuyên khoa có thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ buồng trứng bị ung thư.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định mổ nội soi hoặc mổ hở. Đối với mổ nội soi, phương pháp điều trị này sẽ mang đến cho bệnh nhân nhiều ưu điểm khi thực hiện. Cụ thể: Xâm lấn tối thiểu, rút ngắn thời gian nằm viện, sức khỏe mau chóng hồi phục và mang tính thẩm mỹ cao.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cảm nhận được những cơn đau ngắn. Đồng thời gặp nhiều khó khăn trong việc đi tiêu và đi tiểu.
2. Hóa trị
Hóa trị sau phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính chính là phương pháp được khuyến nghị cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư buồng trứng. Đây chính là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng nhiều loại thuốc khác nhau.
Những loại thuốc dùng trong hóa trị điều trị ung thư có thể được đưa vào cơ thể thông qua nhiều con đường khác nhau. Trong đó có đường uống, tiêm tĩnh mạch hoặc dùng ống thông để đưa trực tiếp thuốc vào ổ bụng.
Hóa trị liệu được chỉ định sau phẫu thuật với mục đích loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Đối với những trường hợp khác, người bệnh có thể được chỉ định hóa trị trước khi tiến hành phẫu thuật. Khi đó phương pháp này sẽ được chỉ định với mục đích làm giảm kích thước của khối u, phù hợp cho những người bị ung thư ở giai đoạn tiến triển.
Sau khi sử dụng thuốc, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên
khoa kiểm tra dịch và mẫu mô. Kết quả kiểm tra sẽ giúp bác sĩ kiểm tra khả năng đáp ứng của cơ thể với thuốc.
Những loại thuốc dùng trong quá trị chữa ung thư không chỉ loại bỏ tế bào gây hại mà còn có khả năng tác động và làm ảnh hưởng đến những tế bào lành tính. Đồng thời làm phát sinh nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thường gặp nhất gồm: Cơ thể mệt mỏi, sạm da, chán ăn, ăn khong ngon, rụng tóc, buồn nôn và nôn….
Ngoài ra những loại thuốc dùng trong điều trị ung thư buồng trứng còn có khả năng tác động và làm tổn thương thận. Để có thể bảo vệ thận, bệnh nhân cần phải được truyền nhiều dịch.
3. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư bằng tia phóng xạ có năng lượng cao. Phương pháp này có thể giúp bệnh nhân tiêu diệt tế bào ung thư và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ dung dịch phóng xạ được truyền với lượng vừa đủ vào ổ bụng của bệnh nhân hoặc có thể phát ra từ một thiết bị bên ngoài.
Tương tự như những loại thuốc dùng trong hóa trị liệu, tia xạ có thể tác động và làm ảnh hưởng đồng thời cả tế bào ung thư trong cơ thể lẫn tế bào bình thường.
Ngoài ra việc áp dụng phương pháp điều trị này cũng khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Điển hình như tiêu chảy, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn… Tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ có thể thay đổi tùy thuộc vào vùng cơ thể bị chiếu xạ và liều lượng.
Theo dõi sau điều trị ung thư buồng trứng
Sau quá trình điều trị ung thư buồng trứng, bệnh nhân cần phải thường xuyên đến bệnh viện để tiến hành thăm khám và áp dụng các biện pháp phòng ngừa ung thư tái phát. Quá trình theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau điều trị ung thư thường là thăm khám thể chất và xem xét các triệu chứng.
Ngoài ra người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm kiểm tra nồng độ của kháng nguyên ung thư 125 (CA-125). Bệnh nhân thường không được chỉ định thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh trừ khi cần thiết. Những xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh có thể được chỉ định gồm chụp X-quang ngực, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ hạt chân (MRI).
Biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng
Nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng sẽ giảm đáng kể khi nữ giới dùng thuốc tránh thai nội tiết dạng phối hợp, trong đó có những loại chứa cả hai hormone gồm estrogen và progestin. Khả năng mắc bệnh càng giảm đi khi nữ giới sử dụng thuốc càng lâu.
Theo kết quả nghiên cứu, trung bình nữ giới sẽ giảm được 20% nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cứ sau 5 năm sử dụng thuốc. Tuy nhiên nữ giới cần phải cân nhắc cả những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian sử dụng thuốc.
Đối với hầu hết phụ nữ, việc sử dụng thuốc tránh thai nội tiết dạng phối hợp có thể mang đến lợi ích và tương đối an toàn. Tuy nhiên việc sử dụng lâu ngày loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh tim mạch, xuất hiện những cơn đau tim, đột quỵ và chứng huyết khối tĩnh mạch.
Một số nghiên cứu đã được thực hiện và kết luận rằng, một số trường hợp mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể có tế bào ung thư bắt nguồn từ ống dẫn trứng. Nếu nữ giới đã triệt sản để ngừa thai vĩnh viễn hoặc đã cắt bỏ tử cung, bạn có thể liên hệ và trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa về việc phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng.
Đối với phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn trứng, nữ giới sẽ giảm tối đa nguy cơ hình thành và phát triển bệnh ung thư buồng trứng trong tương lai.
Ung thư buồng trứng là một bệnh lý nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây tử vong nếu bệnh nhân không sớm thăm khám và điều trị. Mặt khác các triệu chứng của bệnh trong giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những rối loạn đường tiêu hóa. Điều này khiến đa số trường hợp bị ung thư đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Vì thế nữ giới nên thường xuyên đến chuyên khoa kiểm tra sức khỏe định kỳ và tiến hành tầm soát ung thư buồng trứng khi có nghi ngờ hoặc nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường. Việc sớm phát hiện bệnh và điều trị trong giai đoạn đầu sẽ giúp người bệnh nâng cao khả năng chữa khỏi bệnh lý, kéo dài thời gian sống và làm giảm nguy cơ tế bào ung thư di căn làm phát sinh biến chứng.
Bài viết liên quan:
- Ung thư buồng trứng nên ăn gì, kiêng gì giảm bệnh?
Xem thêm: 7 sai lầm bạn dễ mắc phải trong dịch bệnh corona 2019-nCoV