Vô sinh thứ phát là thuật ngữ chỉ những cặp vợ chồng đã từng có thai hoặc sinh con ít nhất một lần nhưng không thể thụ thai khi muốn tiếp tục sinh con. Tình trạng này phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân và tình trạng cụ thể, bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành điều trị vô sinh cho người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng với những phương pháp thích hợp.
Vô sinh thứ phát là gì?
Về cơ bản, bệnh vô sinh được chia thành hai dạng. Bao gồm bệnh vô sinh nguyên phát và bệnh vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là tình trạng hai vợ chồng chưa từng thụ thai và sinh con trước đó mặc dù đã sống chung trong một thời gian dài và quan hệ tình dục đều đặn.
Trong khi đó vô sinh thứ phát chỉ những cặp vợ chồng đã từng có thai (kể cả sảy thai, phá thai) hoặc sinh con ít nhất một lần nhưng không thể tiếp tục thụ thai khi muốn sinh con. Theo kết quả nghiên cứu, bệnh vô sinh thứ phát thường bắt nguồn từ những nguyên nhân ở người vợ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bệnh lý này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân ở người đàn ông.
Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
Vô sinh thứ phát có thể xảy ra ở cả người vợ lẫn người chồng. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:
1. Đối với người vợ
Viêm nhiễm bộ phận sinh dục sau lần sinh nở trước hoặc sau lần sảy thai chính là nguyên nhân gây vô sinh thứ phát thường gặp nhất ở người phụ nữ. Cụ thể:
- Bệnh buồng trứng đa nang
Bệnh buồng trứng đa nang là tình trạng buồng trứng có nhiều nang nhỏ. Bệnh lý này xuất hiện khiến nữ giới mắc chứng kinh thưa (kinh nguyệt xuất hiện vài tháng 1 lần) hoặc rơi vào tình trạng rối loạn phóng noãn. Đây chính là nguyên nhân gây vô sinh.
- Bệnh viêm vùng chậu
Vô sinh nữ thường phát sinh từ bệnh viêm vùng chậu khi không kịp thời chữa trị hoặc chữa trị không dứt điểm. Vùng chậu có thể bị viêm nhiễm từ sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gồm lậu, Chlamydia…
- Bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục khiến hai ống dẫn trứng bị tắc
Trong trường hợp bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, ống dẫn trứng sẽ bị tổn thương do sự tác động của các loại vi khuẩn. Điều này làm chít hẹp lòng ống khiến quá trình lưu thông trong ống bị cản trở, ống có thể bị tắc hoàn toàn. Trong thời gian tắc ống, đường di chuyển vào trứng của tinh trùng sẽ bị cản lại nên không thể thụ tinh mặc dù noãn có phóng ra.
Trong trường hợp ống dẫn trứng không có dấu hiệu tắc hẳn, tinh trùng được đưa vào có khối lượng nhỏ thì tinh trùng có thể đi qua khu vực bị chít hẹp đó, đồng thời thực hiện quá trình thụ tinh với noãn. Tuy nhiên khi noãn thụ tinh thành phôi, nó có thể bị ách tắc lại khi di chuyển về tử cung. Nguyên nhân là do khối lượng và kích thước phôi lớn nên không thể đi qua khu vực bị chít hẹp. Điều này khiến thai phát triển ngoài tử cung.
Bên cạnh đó ống dẫn trứng liên tục giãn nở đến một mức độ nào đó, căng tức dẫn đến khối thai đang phát triển trong ống dẫn trứng bị vỡ ra làm phát sinh hiện tượng vỡ chửa ngoài tử cung. Nếu không được cấp cứu kịp thời, hiện tượng này có thể khiến sản phụ tử vong do máu chảy nhiều và mất máu nặng.
- Viêm nhiễm ở tử cung
Khi tử cung có dấu hiệu bị viêm nhiễm, tổn thương cũng sẽ xảy ra tại lớp niêm mạc phủ bên trong buồng tử cung. Điều này khiến quá trình làm tổ của phôi sau khi di chuyển vào trong diễn ra không thuận lợi.
Bên cạnh đó, viêm nhiễm tử cung khiến lớp niêm mạc tử cung gặp vấn đề và bị tổn hại nhiều hơn. Điều này làm cho lớp tử cung không còn được niêm mạc bảo vệ và bao bọc dẫn đến hai mặt tử cung chạm và dính vào nhau. Khi đó phôi không thể phát triển cũng như không thể làm tổ trong tử cung.
2. Đối với người chồng
Những nguyên nhân khiến người chồng bị vô sinh thứ phát gồm:
- Những bất thường về rối loạn tinh trùng
Theo kết quả thống kê, tỉ lệ người chồng mắc b
ệnh vô sinh thứ phát đang có dấu hiệu tăng cao. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên những bất thường về rối loạn tinh trùng được xác định là nguyên nhân chủ yếu. Các rối loạn về tinh trùng thường gặp gồm nhiễm trùng đường sinh dục, rối loạn trong quá trình sinh tinh và nhiễm trùng bộ phận sinh dục.
- Suy giảm sinh lý do làm việc trong môi trường ô nhiễm
Nam giới sinh sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều tia bức xạ, hóa chất, phóng xạ… khiến sinh lý nam bị suy giảm. Cụ thể: Không có tinh trùng, yếu tinh trùng, tăng nguy cơ phát sinh chứng rối loạn hoạt động của bộ phận sinh dục.
- Quá trình sản xuất tinh trùng gặp vấn đề
Quá trình sản xuất tinh trùng có thể bị suy giảm dẫn đến vô sinh do tinh hoàn bị tổn thương do nam giới bị ung thư hoặc áp dụng các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị hoặc xạ trị.
Ngoài ra việc thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu, thường xuyên uống rượu, hút thuốc lá, dùng cần sa, anabolic steroids, sử dụng thuốc điều trị trầm cảm, nhiễm khuẩn, huyết áp cao… có thể tác động và làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Bên cạnh đó việc thường xuyên tiếp xúc với nhiệt như tắm nước nóng, sử dụng phòng tắm hơi… có thể khiến nhiệt độ của cơ thể tăng cao. Đồng thời làm ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
- Những vấn đề về việc cung cấp tinh trùng
Những vấn đề về việc cung cấp tinh trùng có thể dẫn đến vô sinh ở nam giới. Cụ thể xuất tinh sớm (vấn đề về tình dục), xơ nang (bệnh di truyền), chấn thương ở cơ quan sinh sản và tắc nghẽn trong tinh hoàn.
Phương pháp điều trị bệnh vô sinh thứ phát
Quá trình điều trị bệnh vô sinh thứ phát phụ thuộc vào:
- Thời gian mắc bệnh vô sinh
- Nguyên nhân gây ra vô sinh. Lưu ý không thể điều trị khỏi tất cả nguyên nhân gây chứng vô sinh
- Độ tuổi của bệnh nhân
- Nguyện vọng cá nhân.
Đối với những trường hợp không thể mang thai tự nhiên, sau quá trình thăm khám, các cặp vợ chồng có thể sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản để mang thai và sinh con.
1. Điều trị vô sinh thứ phát cho người vợ
Những phương pháp giúp điều trị bệnh vô sinh cho người vợ gồm:
- Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản để kích thích rụng trứng
Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản (Fertility drugs) là phương pháp khắc phục chủ yếu cho những trường hợp bị rối loạn rụng trứng dẫn đến vô sinh. Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bạn sử dụng thuốc gây rụng trứng hoặc thuốc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt để hỗ trợ sinh sản.
- Phẫu thuật khôi phục khả năng sinh sản
Đối với những trường hợp mắc các vấn đề về tử cung như vách ngăn tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, mô sẹo trong tử cung… nữ giới cần tiến hành phẫu thuật hysteroscopic theo sự tư vấn của bác sĩ để khôi phục khả năng sinh sản, giúp điều trị vô sinh.
Tiến hành phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi đối với những trường hợp bị xơ dính vùng chậu, lạc nội mạc tử cung hay u xơ lớn hơn.
- Thụ tinh nhân tạo
Để hỗ trợ khả năng mang thai và sinh sản, người vợ có thể được tư vấn áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo (Intrauterine insemination – IUI) – bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Trong quá trình thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo, tinh trùng khỏe mạnh của người chồng sẽ được lọc ra và đặt trực tiếp vào tử cung. Bước này được thực hiện trong khoảng thời gian một hoặc nhiều trứng được giải phóng từ buồng trứng.
Dựa vào nguyên nhân gây vô sinh, phương pháp thụ tinh nhân tạo có thể được áp dụng trong thời gian nữ giới sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc dùng trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
2. Điều trị vô sinh thứ phát cho người chồng
Nhìn chung, những phương pháp dùng trong điều trị vô sinh thứ phát ở nam giới tập trung vào giải quyết tình trạng thiếu tinh trùng khỏe mạnh hoặc giải quyết những bệnh lý tình dục. Cụ thể:
- Thay đổi lối sống
Để cải thiện khả năng thụ thai, nam giới cần cải thiện một số hành vi nhất định và lối sống của mình. Cụ thể như:
-
- Ngừng sử dụng một số loại thuốc điều trị làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai của nam giới khi bác sĩ chuyên khoa cho phép
- Hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại, không uống rượu và không hút thuốc lá
- Điều chỉnh thời gian giao hợp và tần suất
- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao
- Tăng cường bổ sung những loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới như rau xanh, trái cây tươi, chuối, thịt đỏ, chocolate đen, dưa hấu, quả lựu, thực phẩm giàu kẽm, trái cây giàu vitamin C, thực phẩm chứa nhiều axit folic…
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Một số loại thuốc khi được sử dụng sẽ phát huy tác dụng cải thiện số lượng tinh trùng, tăng sinh lý nam và cải thiện khả năng mang thai. Bên cạnh đó những loại thuốc dùng trong điều trị vô sinh ở nam giới còn có tác dụng tăng cường chức năng của tinh hoàn, kể
cả tăng cường sản xuất tinh trùng và nâng cao chất lượng tinh trùng.
- Phẫu thuật
Nam giới có thể được bác sĩ chuyên khoa chỉ định phẫu thuật để điều trị vô sinh thứ phát do một số bệnh lý làm tắc nghẽn tinh trùng. Từ đó cải thiện bệnh lý nguyên nhân và làm khôi phục khả năng sinh sản.
Biện pháp dự phòng vô sinh thứ phát
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc chứng vô sinh thứ phát ở cả nam giới lẫn phụ nữ, các cặp vợ chồng cần cân nhắc thời gian mang thai (vấn đề về tuổi tác của người vợ), tránh kéo dài khoảng cách giữa hai lần sinh con. Tốt nhất các cặp vợ chồng nên áp dụng khoảng cách giữa hai lần sinh con là từ 3 đến 5 năm, đồng thời nên sinh trước 35 tuổi. Đây là thời gian hợp lý và lý tưởng nhất được các chuyên gia sinh sản khuyến cáo.
Trong trường hợp muốn có thai và sinh con, nếu vợ chồng không có thai sau một năm quan hệ tình dục đều đặn, sức khỏe ổn định và không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, cả hai vợ chồng nên chủ động tìm đến những cơ sở y tế chuyên khoa để tiến hành thăm khám, kiểm tra xác định nguyên nhân và chữa trị.
Đặc biệt, phụ nữ nên đến bệnh viện và tiến hành khám phụ khoa ít nhất 6 tháng một lần để kiểm tra sức khỏe sinh sản, phòng ngừa nhiễm khuẩn và viêm làm dính vòi tử cung.
Trong trường hợp có ý định bỏ thai ngoài ý muốn, nữ giới cần lựa chọn và thực hiện ở những cơ sở y tế uy tín, an toàn. Bởi có rất nhiều trường hợp can thiệp quá thô bạo, nhiễm khuẩn do sử dụng thuốc kháng sinh sai cách hoặc không được hướng dẫn hay thực hiện loại bỏ thai ngoài ý muốn không đúng kỹ thuật dẫn đến vô sinh thứ phát.
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý thì chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe tổng thể cũng tác động và gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Trong trường hợp những cặp vợ chồng thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm, thức uống chứa nhiều chất độc hại, nhất là rượu, thuốc lá, ma túy, sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc hóa chất… khả năng sinh sản của người vợ lẫn người chồng đều bị ảnh hưởng.
Khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Theo kết quả nghiên cứu, những người phụ nữ sau 35 tuổi thường có thụ thai và sinh con hơn. Chính vì thế hai vợ chồng cần điều chỉnh kế hoạch và thời gian mang thai, ổn định sức khỏe tổng thể, ăn uống lành mạnh và hạn chế sử dụng hay tiếp xúc với các chất độc hại để làm giảm nguy cơ mắc chứng vô sinh thứ phát.
Đối với những trường hợp đang mắc bệnh nan y, cần phải áp dụng các phương pháp điều trị trong thời gian dài và giảm khả năng sinh sản như bệnh ung thư, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu và áp dụng phương pháp lưu trữ phôi hay lưu trữ tinh trùng để có thể mang ra sử dụng khi cần thiết, muốn có con.
Nhìn chung, bệnh vô sinh thứ phát có thể xuất hiện ở cả nam giới lẫn phụ nữ do nguyên nhân bệnh lý hoặc nhiều yếu tố khác tác động. Do đó các cặp vợ chồng cần ăn uống điều độ, đảm bảo sức khỏe tổng thể, tránh dùng/ tiếp xúc với hóa chất độc hại, có kế hoạch mang thai hợp lý để làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ để kịp thời chữa trị những bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Xem thêm: Thiếu máu ác tính