Tiểu đường hiện đang rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Đây là căn bệnh nguy hiểm và chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, hiểu biết về cơ chế bệnh tiểu đường có thể giúp bạn chủ động phòng và điều trị bệnh này hiệu quả.
Như thế nào là bị tiểu đường?
Trước khi tìm hiểu cơ chế bệnh tiểu đường, bạn cần biết biểu hiện và nguyên nhân gây ra bệnh lý này.
Bệnh hình thành khi lượng đường trong máu cao hơn so với bình thường. Nói cách khác, khi mắc bệnh, cơ thể không thể chuyển hóa carbohydrates (tinh bột) từ thức ăn một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng.
Bình thường, carbohydrates khi đưa vào cơ thể sẽ được hệ tiêu hóa phân giải thành glucose và đi vào máu để nuôi sống cơ thể. Khi lượng glucose trong máu quá nhiều, các tế bào beta trong tuyến tụy sẽ được kích thích để sản xuất hormone insulin. Hormon này kích thích các tế bào chuyển hóa mạnh mẽ lượng glucose tồn đọng trong máu. Nhờ đó, đưa lượng đường trở về trạng thái cân bằng.
Ngoài ra, khi lượng đường trong máu thấp hơn bình thường, hormone còn lại của tuyến tụy là glucagon sẽ truyền tín hiệu cho gan. Gan giải phóng lượng đường được tích lũy trước đó. Nhờ đó, lượng đường lại được quay về mức cân bằng.
Hoạt động của hai hormone này phối hợp nhịp nhàng và giữ cân bằng đường huyết cho tất cả các tế bào, nhất là các tế bào ở não. Một khi hormone insulin hoạt động không hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ mất kiểm soát và cao hơn bình thường. Khi đó người bệnh được xác định là mắc bệnh tiểu đường.
Biểu hiện của người bệnh tiểu đường
Các biểu hiện lâm sàng của hầu hết những người bị tiểu đường là đi tiểu nhiều; sụt cân; dễ mệt mỏi; thường xuyên cảm thấy khô miệng và uống nhiều nước… Tùy từng loại và từng giai đoạn, người bệnh sẽ có các biểu hiện rõ ràng hơn hoặc mờ nhạt hơn. Các biểu hiện bệnh cũng có nhiều điểm khác nhau ở từng loại bệnh tiểu đường khác nhau.
Bệnh tiểu đường tuýp 1:
Đối tượng bị tiểu đường tuýp 1 thường là trẻ em là đa số có tính di truyền. Ngoài các triệu chứng chung, ở giai đoạn đầu mắc bệnh này, người bệnh sẽ gặp các biểu hiện như bệnh cảm lạnh.
Bệnh tiểu đường tuýp 2:
Đối tượng mắc bệnh này thường là người trưởng thành có lối sống không lành mạnh hoặc mắc bệnh béo phì. Trong đó, người trung niên dễ mắc bệnh nhất. Bệnh chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu thường khó nhận biết bởi các triệu chứng xuất hiện mờ nhạt. Đa số người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh tiểu đường tuýp 2 đã chuyển sang giai đoạn biến chứng, gây tổn thương đến thận, gan và mắt…
Tiểu đường tuýp 3:
Chỉ xảy ra ở những đối tượng đã mắc tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2. Bệnh này còn được gọi là tiểu đường não. Biểu hiện đặc thù là sự suy giảm trí nhớ.
Tiểu đường thai kỳ:
Chỉ xảy ra trong giai đoạn thai kỳ và hết khi sinh em bé. Chính vì thế loại tiểu đường này không được xếp chung với 3 loại tiểu đường còn lại. Ngoài ra, nó cũng ít có biểu hiện đặc thù.
Nguyên nhân gây tiểu đường
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường chưa được xác định rõ ràng. Các nhà khoa học đã đưa ra một vài giả thuyết có thể là nguyên nhân của bệnh này. Chúng được xếp vào 2 nhóm nguyên nhân: do tụy và ngoài tụy.
Nguyên nhân do tụy
Những người phải phẫu thuật cắt bỏ một phần tụy hoặc toàn bộ tụy rất dễ đối mặt với bệnh tiểu đường. Ngoài ra, một số bệnh lý về tụy như: sỏi hoặc ung thư tụy cũng là nguyên nhân của bệnh này. Cũng có một vài người sinh ra đã mắc bệnh tiểu đường do yếu tố di truyền.
Ngoài ra, khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể suy giảm cũng góp vào nguyên nhân gây bệnh. Khi đó, các tế bào làm nhiệm vụ sản xuất insulin trong đảo tụy rất dễ tổn thương. Nhất là khi có sự xuất hiện của virus gây bệnh quai bị, rubella; các độc tố trong thực phẩm hằng ngày.
Nguyên nhân ngoài tụy
Chủ yếu do ảnh hưởng các bệnh lý khác như: cường thùy trước tuyến yên, cường vỏ thượng thận, cường giáp trạng, béo phì…
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt và ăn uống không khoa học cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Nhất là những người ăn quá nhiều chất béo, đường bột và ít ăn rau quả tươi. Bên cạnh đó việc lường vận động, thói quen thức khuya và hay căng thẳng cũng sẽ khiến người ta dễ mắc bệnh hơn.
Cơ chế bệnh tiểu đường
Một cách tổng thể, người bị bệnh tiểu đường là do hormone insulin trong tuyến tụy bị suy giảm chức năng hoặc không còn phù hợp với cơ thể nữa. Ứng với các loại bệnh tiểu đường sẽ có cơ chế hình thành bệnh khác nhau.
Cơ chế bệnh tiểu đường tuýp 1:
Trong tuyến tụy, các tế bào tham gia sản xuất hormone insulin có tên là tế bào beta. Nếu trong cơ thể có sự xuất hiện của các kháng thể GAD65, IAA, ICA, IA-2, các tế bào beta ở đảo tụy sẽ bị phá hủy. Mức độ phá hủy phụ thuộc vào số lượng kháng thể hiện có.
Khi các tế bào beta bị phá hủy, insulin sẽ không có hoặc không đủ để cân bằng glucose trong máu. Glucose không được vận chuyển vào các tế bào sẽ tích tụ trong máu. Lâu dần gia tăng lượng đường.
Cơ chế bệnh tiểu đường tuýp 2:
Đối với trường hợp tiểu đường tuýp 2, các tế bào beta ở đảo tụy không bị phá hủy và chúng vẫn sản xuất đủ insulin cần thiết. Tuy nhiên, cơ thể lại kháng tác dụng của loại hormone này. Cơ thể kháng insulin là do hậu quả của một số bệnh lý đang mắc phải như đã trình bày ở trên. Và trong trường hợp này thì sự kháng lại insulin ở các mô cơ xảy ra mạnh mẽ nhất.
Trường hợp khác, cơ thể không kháng insulin, nhưng lượng insulin sản xuất lại không đủ đáp ứng nhu cầu cân bằng glucose trong máu. Kết quả của cả hai trường hợp trên đều dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và gây bệnh tiểu đường.
Cụ thể, các rối loạn của hormone insulin đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2 gồm: rối loạn tiết insulin; rối loạn tiết insulin theo nhịp liên quan đến nồng độ glucose; insulin giảm đáp ứng đối với hoạt động của glucose; giảm lượng tế bào beta, rối loạn chức năng ty thể…
Cơ chế bệnh tiểu đường tuýp 3:
Cơ chế hình thành bệnh tiểu đường tuýp 3 được làm sáng tỏ khi người ta phát hiện ra không chỉ tuyến tụy mới có khả năng sản xuất insulin. Hormone này còn được sản xuất ở não. Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào lượng insulin mà não tiết ra. Thiếu insulin, não không thể hình thành thêm ký ức mới. Và biểu hiện của tình trạng này là chứng hay quên, thậm chí mất trí nhớ.
Bệnh tiểu đường đáng sợ thế nào?
Cơ chế bệnh tiểu đường có mối quan hệ mật thiết với hormone insulin. Ngoài tác dụng cân bằng lượng đường huyết, hormone này còn có tác dụng đến chuyển hóa năng lượng ATP, duy trì sự sống cho cơ thể. Do đó, khi hormone này gặp vấn đề sẽ kéo theo một loạt các bất ổn khác. Và bệnh tiểu đường đáng sợ hơn bạn tưởng.
Nếu lượng đường cứ tiếp tục tăng cao mà không được kiểm soát. Đến một giai đoạn nhất định nó sẽ khiến máu bị đặc và gây áp lực rất lớn lên mạch máu. Nó gây các bệnh về mao mạch, mất thị giác và hoại tử chân tay. Thậm chí có thể gây đột tử.
Biến chứng liên quan đến võng mạc
Biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra với mắt là bệnh võng mạc. Chúng ta nhìn thấy các vật xung quanh là nhờ việc cảm nhận ánh sáng trên võng mạc. Trong võng mạc có vô số dây thần kinh và mao mạch. Khi máu và oxy truyền không đủ tới các mao mạch ở võng mạc, người bệnh sẽ giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
Biến chứng liên quan đến thận
Đối với thận, biến chứng tiểu đường sẽ khiến bộ lọc của thận bị tắc nghẽn. Do đó, nó không thể xử lý được chất thải. Chất thải tích tụ lâu ngày sẽ gây các bệnh lý về thận như viêm, ung thư hoặc sỏi thận… Cuối cùng, để sống được, người bệnh buộc phải chạy thận đến suốt đời.
Biến chứng liên quan đến thần kinh, tứ chi
Một biến chứng khác rất nguy hiểm của bệnh tiểu đường mà nhiều người chưa biết đó là bệnh thần kinh tiểu đường. Ban đầu bệnh sẽ gây tê và đau ở các ngón tay và ngón chân. Nó khiến bệnh nhân dễ bị tổn thương ở các vị trí này. Cuối cùng gây ra tình trạng hoại tử và bệnh nhân phải cắt bỏ tay chân của mình.
Phòng và trị bệnh tiểu đường
Dù đã phần nào xác định được cơ chế bệnh tiểu đường nhưng các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu ra phương pháp chữa bệnh này dứt điểm. Nhất là khi bệnh nhân ở giai đoạn cuối của tiểu đường tuýp 2.
Các bác sĩ chỉ có thể can thiệp bằng cách bổ sung insulin cho người bệnh. Thế nhưng, người bệnh phải chấp nhận tiêm insulin đến suốt đời. Nếu ngừng, lượng đường trong máu lại tiếp tục cao. Ngoài ra, khi bệnh chuyển sang giai đoạn biến chứng, gây tổn thương đến các cơ quan khác, các bác sĩ sẽ tập trung các biện pháp hạn chế tổn thương nhằm kéo dài sự sống cho người bệnh.
Phát hiện sớm để kéo dài sự sống
Tuy nhiên, nếu bệnh tiểu đường được phát hiện sớm, thời gian tiến triển của bệnh sẽ lâu hơn và người bệnh ít chịu đau đớn hơn. Cách tốt nhất để kịp thời phát hiện bệnh là khám bệnh định kỳ, ít nhất 6 tháng/1 lần. Bởi các biểu hiện ban đầu của bệnh tiểu đường nhìn chung là không rõ ràng.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ cũng sẽ phần nào giảm được tốc độ tiến triển của bệnh. Trong đó có việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục điều độ và giữ cho tinh lạc lạc quan, thoải mái.
Thực hiện thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học để phòng bệnh
Chế độ ăn uống:
- Cân bằng các chất dinh dưỡng mà mình hấp thụ hằng ngày, chú ý đến việc bổ sung rau củ quả tươi.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Thời gian ăn uống khoa học, không ăn quá nhiều vào đêm muộn.
Chế độ sinh hoạt:
Tập thể dục vừa sức mỗi ngày có tác dụng rất tốt để glucose được đưa vào tế
bào một cách dễ dàng hơn. Qua đó, giảm và đưa lượng đường trong máu về mức cân bằng.
Bên cạnh đó, bạn cũng hạn thức quá khuya hoặc làm việc quá sức. Tốt nhất là nên có thời gian nghỉ ngơi và làm việc cân bằng.
Xem thêm: Đau ruột già nguy hiểm không, dấu hiệu của bệnh gì?