Đau dạ dày lan ra sau lưng thường xảy ra do các thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu lành mạnh. Tuy nhiên ở một số trường hợp, triệu chứng này có thể là dấu hiệu của trào ngược thực quản, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, tắc ống dẫn mật và viêm loét thực quản. Vì vậy trước khi can thiệp điều trị, cần xem xét các biểu hiện đi kèm nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng này.
Đau dạ dày lan ra sau lưng là bị gì?
Đau dạ dày (đau thượng vị) là thuật ngữ y tế đề cập đến hiện tượng cơn đau khởi phát ở vùng bụng trên rốn và dưới xương ức. Cơn đau vùng thượng vị thường bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh hoặc cũng có thể khởi phát do thương tổn, rối loạn ở các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, ruột non, thực quản, ống dẫn mật,…
Thông thường, đau dạ dày chỉ khu trú ở vùng bụng trên rốn và đi kèm với triệu chứng buồn nôn, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, trớ thức ăn. Tuy nhiên ở một số trường hợp, cơn đau có thể lan tỏa ra sau lưng gây khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Nếu đau dạ dày lan ra sau lưng, bạn có thể cân nhắc về một số vấn đề sức khỏe sau:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa trên. Bệnh xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới suy yếu, tạo điều kiện cho dịch vị trào ngược lên thực quản, khoang miệng hoặc thậm chí là thanh quản.
Thông thường, GERD chỉ gây trớ thức ăn, nóng rát thượng vị, đau dạ dày, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu,… Tuy nhiên trong trường hợp dịch vị trào ngược liên tục, bạn có thể nhận thấy cơn đau lan tỏa ra sau lưng hoặc gây đau thắt ngực. Ngoài ra, GERD còn điển hình bởi tình trạng hôi miệng, đắng miệng, ăn uống kém, khàn giọng, tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa và hô hấp trên.
2. Loét dạ dày tá tràng
Đau dạ dày lan ra sau lưng cũng có thể là biểu hiện của bệnh loét dạ dày tá tràng. Ở giai đoạn viêm, bệnh lý này chỉ khởi phát cơn đau khi đói hoặc sau khi ăn no, cơn đau chủ yếu khu trú ở vùng thượng vị và có xu hướng thuyên giảm sau 30 – 60 phút nghỉ ngơi.
Tuy nhiên khi ổ viêm đã tiến triển sang giai đoạn loét, cơn đau thường khởi phát đột ngột, xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, mức độ đau nặng, có xu hướng lan tỏa lên thực quản và lan ra sau lưng. Ngoài ra, loét dạ dày tá tràng còn gây buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, ợ hơi, chướng bụng, đi ngoài, tiêu chảy, sụt cân,…
3. Viêm loét thực quản
Viêm loét thực quản có thể là biến chứng của GERD hoặc khởi phát do thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và tác dụng phụ của một số loại thuốc. Bệnh lý này thường gây đau và nóng rát ở vùng thượng vị kéo dài đến vùng cổ họng.
Trong trường hợp liên tục dùng rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng,… cơn đau ở vùng thượng vị có xu hướng gia tăng mức độ, tiến triển dai dẳng và âm ỉ. Vì vậy ở một số trường hợp, đau dạ dày lan ra sau lưng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm loét thực quản.
4. Xuất huyết tiêu hóa trên
Đau dạ dày lan ra sau lưng là một trong những dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa trên. Tình trạng này xảy ra khi niêm mạc của ruột non, dạ dày và thực quản bị loét nặng, gây vỡ tĩnh mạch và chảy máu. Xuất huyết tiêu hóa thường là biến chứng của loét dạ dày tá tràng, viêm loét thực quản, ung thư dạ dày hoặc do lạm dụng thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài.
Khác với các bệnh lý thông thường, đau dạ dày do xuất huyết tiêu hóa thường khởi phát đột ngột, mức độ đau nặng và có xu hướng lan tỏa sang các cơ quan lân cận. Bên cạnh đó, tình trạng này còn gây nôn mửa liên tục, dịch nôn có màu cà phê hoặc có máu tươi, bụng cứng, đầy trướng, đi phân đen,…
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng có mức độ nguy hiểm, có thể gây hạ huyết áp, choáng và tử vong. Vì vậy ngay khi nhận thấy các triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và xử lý trong thời gian sớm nhất.
5. Tắc ống dẫn mật
Tắc ống dẫn mật (tắc nghẽn đường mật) thường xảy ra do sỏi mật. Ống mật bị tắc nghẽn có thể gây ra các triệu chứng như vàng da, ngứa da, đau vùng thượng vị, hạ sườn bên phải và cơ đau có xu hướng lan ra sau lưng. Ngoài ra bệnh lý này còn khiến nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, phân màu đất sét, ăn uống kém, sợ mỡ, mệt mỏi,…
6. Ung thư dạ dày, thực quản
Ung thư dạ dày, thực quản là tình trạng các mô ở thực quản, dạ dày bị biến đổi bất thường, loạn sản và mất kiểm soát. Khối u ác tính ở các cơ quan này có thể gây đau vùng thượng vị, mức độ đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Trong trường hợp khối u đã phát triển lớn, cơn đau có xu hướng lan tỏa xuống vùng bụng dưới hoặc lan ra sau lưng.
Ngoài ra, ung thư dạ dày thực quản còn có thể gây đau thắt ngực, chán ăn, khó thở, người gầy yếu, suy nhược và sụt cân trong một thời gian ngắn. Mặc dù có mức độ nguy hiểm nhưng ung thư dạ dày, thực quản thường khởi phát triệu chứng không điển hình. Các triệu chứng nặng chỉ bùng phát khi khối u đã phát triển về kích thước và có xu hướng di căn sang các cơ quan khác.
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý, đau dạ dày lan ra sau lưng cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân thông thường như:
- Vận động mạnh ngay sau khi ăn: Vận động mạnh ngay sau khi ăn có thể khiến dạ dày bị kích thích, tăng nguy cơ trào ngược dịch vị lên thực quản, khoang miệng và gây ra cơn đau ở vùng thượng vị. Nếu tiếp tục vận động mạnh, cơn đau có thể lan xuống vùng bụng dưới hoặc lan ra sau lưng.
- Ăn quá no: Dung nạp một lượng lớn thực phẩm có thể làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, môn vị và thành dạ dày. Vì vậy ăn quá no có thể gây buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày lan tỏa ra sau lưng hoặc lan xuống vùng bụng dưới.
- Do thói quen ăn khuya: Ăn khuya là thói quen có hại cho cơ quan tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Thói quen này kích thích dạ dày, thực quản, đường ruột phải hoạt động quá mức và gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể. Trong trường hợp ăn khuya thường xuyên, cơn đau ở vùng thượng vị có thể lan ra sau lưng hoặc lan xuống vùng bụng giữa.
- Mang thai: Đau dạ dày lan ra sau lưng thường xảy ra ở phụ nữ mang thai 3 tháng cuối do sự giãn nở của tử cung và áp lực từ trọng lượng thai nhi. Ngoài ra thai phụ ở giai đoạn cuối thai kỳ còn dễ gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa và trớ thức ăn.
Đau dạ dày lan ra sau lưng còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân và vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy nếu nhận thấy cơn đau có mức độ nghiêm trọng hoặc đi kèm với các biểu hiện bất thường, cần chủ động đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp điều trị kịp thời.
Đau dạ dày lan ra sau lưng có nguy hiểm không?
So với đau dạ dày khu trú, cơn đau vùng thượng vị lan ra sau lưng và các cơ quan lân cận thường có mức độ nặng, khởi phát đột ngột và tiến triển dai dẳng. Nếu không tiến hành khắc phục, cơn đau có thể gia tăng về mức độ và tần suất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, hoạt động ăn uống, sinh hoạt và hiệu suất làm việc.
Ngoài ra, đau dạ dày lan ra sau lưng còn là dấu hiệu cho thấy chức năng tiêu hóa bị suy giảm và tổn thương. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng sụt cân, mệt mỏi và suy nhược.
Cách điều trị đau dạ dày lan ra sau lưng
Đau dạ dày lan ra sau lưng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý ở đường tiêu hóa. Nếu nhận thấy cơn đau có xu hướng lặp đi lặp lại và có mức độ nặng dần hơn theo thời gian, bạn nên can thiệp điều trị với một số biện pháp sau:
1. Thăm khám và điều trị y tế
Khác với cơn đau dạ dày đơn thuần, đau dạ dày lan ra sau lưng cho thấy cơ quan tiêu hóa bị kích thích và tổn thương nặng. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp điều trị kịp thời.
Thăm khám sớm có thể giúp bác sĩ phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường, đánh giá mức độ thương tổn và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Điều trị kịp thời không chỉ làm giảm các triệu chứng lâm sàng mà còn thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
2. Áp dụng mẹo chữa tại nhà
Ngoài các biện pháp y tế được bác sĩ chỉ định, bạn cũng có thể giảm đau dạ dày lan ra sau lưng với một số mẹo chữa tại nhà như:
- Uống trà hoa cúc: Trà hoa cúc không chứa caffeine, ngược lại có hàm lượng chất chống oxy hóa, khoáng chất và axit amin dồi dào. Uống trà hoa cúc ấm giúp làm dịu niêm mạc cổ họng, trung hòa dịch vị, điều hòa hoạt động co thắt của thành thực quản, dạ dày và tá tràng. Ngoài ra, hoạt chất apigen trong thảo dược này còn giúp ngăn ngừa ung thư, chống viêm và phục hồi niêm mạc bị loét.
- Chườm ấm: Bạn cũng có thể chườm ấm lên vùng thượng vị và vùng lưng để giảm cơn đau và cảm giác khó chịu. Nhiệt độ từ túi chườm giúp thư giãn cơ thành thực quản, dạ dày và hạn chế tình trạng co thắt quá mức.
- Dùng mật ong ấm: Mật ong có mùi thơm dịu nhẹ và vị ngọt thanh. Dùng nước mật ong ấm giúp cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa và giảm mức độ của cơn đau thượng vị. Bên cạnh đó, mẹo chữa này còn hỗ trợ chống viêm, ức chế virus, nấm và vi khuẩn gây hại trong dạ dày, đường ruột.
Các mẹo chữa tại nhà có thể giảm mức độ cơn đau và cải thiện một số triệu chứng đi kèm như đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng, khó tiêu, ăn uống kém,… Tuy nhiên các mẹo chữa này chỉ đem lại cải thiện với các triệu chứng có mức độ nhẹ và hiệu quả chỉ mang tính tạm thời.
3. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là biện pháp kiểm soát đau dạ dày lan ra sau lưng hiệu quả nhất. Biện pháp này không giảm nhanh cơn đau nhưng có khả năng điều hòa hoạt động của cơ quan tiêu hóa, hỗ trợ tác dụng của các phương pháp điều trị và ngăn ngừa đau thượng vị tái phát.
Ngoài ra lối sống lành mạnh còn giúp hạn chế các biến chứng của các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể và phòng ngừa tiêu chảy, táo bón, bệnh trĩ,…
Lối sống giúp kiểm soát và phòng ngừa đau dạ dày lan ra sau lưng:
- Thay đổi một số thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn quá nhanh, ăn uống quá mức, ăn khuya, nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn.
- Hạn chế các loại đồ uống và thực phẩm khó tiêu, làm tăng áp lực lên dạ dày và đường ruột như thức ăn nhanh, đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chứa nhiều muối đường, gia vị cay nóng, cà phê, trà đặc, rượu bia, nước ngọt có gas.
- Nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm tốt cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, nước, thịt trắng, các loại đậu, củ,…
- Kiểm soát căng thẳng thần kinh cũng có thể giảm mức độ, tần suất và hạn chế tái phát cơn đau thượng vị. Vì vậy bạn nên cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh lo lắng và suy nghĩ quá mức.
- Hoạt chất thể chất không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường độ dẻo dai của xương khớp mà còn hỗ trợ điều hòa nhu động ruột và tăng hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Do đó để kiểm soát cơn đau dạ dày lan ra sau lưng, nên tập thể dục từ 15 – 30 phút/ ngày.
- Một số loại thuốc có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và dạ dày. Vì vậy cần tham vấn y khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào – đặc biệt là thuốc giảm đau và chống viêm.
Bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân và cách điều trị triệu chứng đau dạ dày lan ra sau lưng. Tuy nhiên thông tin trong bài viết chỉ đề cập đến các tình trạng phổ biến nhất. Để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và can thiệp biện pháp điều trị phù hợp, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa.
Tham khảo thêm: Hay bị đau dạ dày vào buổi sáng ngủ dậy là bị gì?
Xem thêm: Bệnh viêm gan A là gì? Có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?