Đau dạ dày trong đêm là hiện tượng xảy ra rất phổ biến và có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, chúng khiến người bệnh luôn khó chịu và dễ gây ra mất ngủ. Vì sao chúng ta bị đau dạ dày trong đêm và cách khắc phục như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thông tin về chứng đau dạ dày vào ban đêm.
Đau dạ dày trong đêm là gì? Cách nhận biết bệnh
Chứng đau dạ dày xảy ra trong đêm là tình trạng bệnh dạ dày đau kéo dài âm ỉ, đôi khi đau quặn thành từng cơn ngay cả khi cơ thể đang trong quá trình ngủ say. Điều này khiến cho người bệnh đau đớn và gây tỉnh giấc, những cơn đau kéo dài làm cho bạn không thể bước vào giấc ngủ trở lại.
Hầu hết tình trạng đau dạ dày xảy ra vào đêm đều bắt nguồn từ lượng thức ăn mà cơ thể nạp vào buổi tối hoặc do thức quá khuya. Bệnh lý này diễn ra dài ngày sẽ khiến cho sức khỏe người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng, thiếu tỉnh táo trong các hoạt động hàng ngày.
Người bệnh có thể nhận biết chứng đau dạ dày trong đêm thông qua các biểu hiện bệnh như sau:
- Những cơn đau nặng xuất hiện vào khoảng 1 – 2 giờ sáng. Đau quặn và lặp lại nhiều lần trong đêm khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu, không thể ngủ lại được.
- Vị trí cơn đau thường ở vùng dạ dày, xương ức, nằm ở trên rốn. Ngoài ra còn kèm theo cảm giác nóng rát vùng thượng vị.
- Đau vùng dạ dày, thượng vị có kèm theo một số hiện tượng khác như ợ hơi, ợ chua, đau tức ngực, khó thở, buồn nôn hoặc nôn.
Nguyên nhân gây đau dạ dày về đêm
Đau dạ dày về đêm với mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với đau dạ dày thông thường rất nhiều vì chúng làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh, khiến cho sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý đau dạ dày trong đêm? Chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này như sau:
Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống không khoa học
Ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe là nguyên nhân trực tiếp nhất ảnh hưởng đến dạ dày của bạn. Cụ thể, một số thói quen ăn các loại thức ăn sau khiến cho đau dạ dày xuất hiện:
- Thực phẩm khó tiêu hóa như các món ăn chứa nhiều chất béo, đồ chiên rán đầy dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,… Những món ăn này tồn đọng trong dạ dày một thời gian dài khiến cho dịch vị dạ dày tiết nhiều acid, đồng thời dạ dày cũng phải làm việc quá công suất để tiêu hóa thức ăn. Vì thế người bệnh sẽ gặp phải tình trạng đầy chướng bụng, khó tiêu, bụng đau âm ỉ.
- Ăn nhiều đồ ăn có tính axit cao như các loại quả cam, chanh, cóc, xoài,… Chúng có chứa hàm lượng axit lớn gây kích thích niêm mạc tiết acid khiến cho người bệnh bị trào ngược hay viêm loét dạ dày.
- Những loại thức ăn ôi thiu, mốc hỏng có chứa nhiều vi khuẩn, nấm phát sinh. Khi đi vào cơ thể chúng sẽ gây kích ứng và gây ra tình trạng đau bụng trong đêm. Lúc này, ngoài hiện tượng đau bụng bạn sẽ cảm nhận thêm tình trạng buồn nôn, tiêu chảy,…
- Việc ăn quá no trước khi đi ngủ sẽ khiến cho dạ dày không kịp làm việc để tiêu hóa hết thức ăn, làm tích tụ đồ ăn lâu ngày trong dạ dày sẽ gây chướng bụng, đau tức và hình thành các cơn đau quặn thắt khó chịu. Ngoài ra, thức ăn ứ đọng sẽ bị lên men và hình thành thêm acid trong dạ dày làm gia tăng vết viêm loét.
Do stress quá độ và thức khuya nhiều ngày
Căng thẳng quá độ, thường xuyên thức khuya cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người bệnh bị đau dạ dày trong đêm. Khi bạn thức khuya, các cơ quan trong cơ thể đều ở trạng thái hoạt động, điều này làm cho dạ dày phải làm việc nhiều hơn và dẫn đến tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, trong quá trình bị căng thẳng, stress quá mức, dạ dày sẽ tiết ra nhiều acid dịch vị hơn bình thường. Lượng acid này không được trung hòa hết sẽ khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị ảnh hưởng, hình thành viêm loét và gây ra những cơn đau nhức về đêm.
Chứng trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản có liên quan đến hệ tiêu hóa của cơ thể, nguyên nhân là do acid dạ dày tiết ra quá nhiều khiến cho thức ăn bị trào ngược lên thực quản, gây ra ợ chua hay ợ nóng. Biểu hiện này rất dễ xuất hiện sau khi ăn no hoặc khi nằm nghỉ.
Trào ngược dạ dày thực quản có thể diễn ra vào ban đêm và làm cho người bệnh gặp phải các cơn đau bụng, cồn cào ruột. Nếu bạn bị chứng trào ngược dạ dày, bạn cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh gây nhiều bệnh lý liên quan.
Dạ dày bị viêm loét
Viêm loét dạ dày – tá tràng xảy ra khi niêm mạc tại vùng hang vị và tá trạng bị tổn thương do acid dạ dày gây nên. Người bệnh có thể dễ dàng cảm nhận cơn đau bụng diễn ra ngay sau khi ăn uống.
Người bị viêm loét dạ dày nếu thường xuyên ăn các loại đồ như dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn đóng hộp,… sẽ gây ra những cơn đau bụng vào buổi đêm. Viêm loét dạ dày nếu ở mức độ quá nghiêm trọng hoàn toàn có thể gây thủng dạ dày.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một hiện tượng ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất thường gặp. Ngày nay do môi trường độc hại ô nhiễm, thực phẩm bẩn khiến cho dạ dày của chúng ta phải dung nạp quá nhiều chất không có lợi cho sức khỏe. Khối u dạ dày bắt đầu xuất hiện và khởi phát bằng những cơn đau bất thường tại bất kỳ thời điểm nào ngay cả ban đêm.
Ung thư dạ dày thường rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu do không có biểu hiện đặc trưng. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng hơn, một loạt các triệu chứng rõ ràng như nôn ra máu, chán ăn, cơ thể suy nhược, đau dạ dày, sụt cân nghiêm trọng,… sẽ xuất hiện.
Các yếu tố khác
Bên cạnh các nguyên nhân chính trên, bệnh đau dạ dày trong đêm còn có thể khởi phát do các yếu tố khác như sau:
- Thường xuyên bỏ bữa đặc biệt là bữa tối, ăn sai giờ.
- Uống các loại trà đặc, cà phê trước khi đi ngủ và các đồ uống có cồn.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc Tây y.
- Đang mắc các bệnh lý như sỏi mật, bệnh tim, viêm vùng chậu,…
Đau dạ dày trong đêm có nguy hiểm không? Khi nào cần thăm khám?
Đau dạ dày trong đêm gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và sức khỏe của bạn. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều ngày còn khiến cho bệnh nhân gặp nhiều nguy hiểm. Những triệu chứng bất thường đi kèm với đau dạ dày là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như sau:
- Chứng xuất huyết dạ dày: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày diễn ra trong thời gian dài khiến cho vùng niêm mạc trong của dạ dày tổn thương nặng, có thể dẫn đến chảy máu. Điều này lý giải cho các biểu hiện như nôn ra máu, đi ngoài ra máu. Nếu cơ thể bị mất máu do xuất huyết dạ dày quá nhiều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Hẹp môn vị dạ dày: Khi bị hẹp môn vị, quá trình di chuyển thực ăn từ dạ dày đến ruột non bị gián đoạn. Chúng khiến cho thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày và hình thành nên những cơn đau co thắt, nôn có lẫn máu.
- Thủng dạ dày: Như đã đề cập ở trên, tình trạng acid dịch vị tiết quá nhiều sẽ gây tổn thương lên niêm mạc và hình thành vết loét và dẫn đến thủng dạ dày. Lâu ngày thức ăn rơi vào lỗ thủng đó tràn sang các cơ quan khác, rơi vào ổ bụng gây viêm ruột, viêm phúc mạc,…
- Ung thư dạ dày: Đau dạ dày trong đêm lâu ngày hoàn toàn có thể dẫn đến bệnh lý ung thư dạ dày. Khối u ác tính phát triển mạnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cơ thể vì chúng xảy ra ở cơ quan tiêu hóa quan trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tỉ lệ tử vong là rất cao.
Đau dạ dày vào ban đêm là một tình trạng bệnh đặc biệt nghiêm trọng, chúng không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn khiến sức khỏe toàn bộ cơ thể suy kiệt. Do đó việc thăm khám và điều trị không được chần chừ, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy những dấu hiệu của đau dạ dày dù là nhỏ nhất.
Để chẩn đoán bệnh đau dạ dày một cách chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra như: Nội soi dạ dày, Test hơi thở, Xét nghiệm máu, chụp X – quang, Sinh thiết mô tế bào,…
Phương pháp trị đau dạ dày trong đêm hiệu quả dứt điểm
Đau dạ dày lúc gần sáng khiến người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu và không thể ngủ ngon giấc. Vì thế việc điều trị bệnh lý đau dạ dày trong đêm dứt điểm là ưu tiên hàng đầu của người bệnh khi không may mắc phải bệnh lý này.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh phổ biến như sử dụng thuốc Tây y, chữa bằng mẹo tại nhà hay áp dụng các bài thuốc Đông y mà bạn có thể tham khảo. Mỗi phương pháp đều có ưu – nhược điểm riêng, bạn đọc cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ có chuyên môn để lựa chọn hướng chữa trị phù hợp nhất.
Điều trị chứng đau dạ dày trong đêm với thuốc uống Tây y
Thuốc Tây điều trị đau dạ dày tuyệt đối không được tự ý mua về sử dụng. Bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện uy tín sau đó lắng nghe hướng dẫn phác đồ điều trị. Tùy theo tình trạng bệnh và cơ địa từng người mà sẽ có phương án chữa trị khác nhau.
Một số loại thuốc Tây chữa đau dạ dày được dùng nhiều đó là:
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh giúp giảm đau và kháng viêm tốt, những cơn đau và viêm nhiễm sẽ bị chặn đứng ngay tức thì. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng đều sử dụng được kháng sinh.
- Thuốc dạ dày chữ P: Đây là thuốc dạng hỗn dịch giúp trung hòa nồng độ acid dịch vị dạ dày, cải thiện tình trạng ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.
- Thuốc Gastropulgite: Công dụng tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm giảm nhanh cơn đau và dịu các vết viêm nhiễm, nhanh chóng làm lành các tổn thương.
Thuốc Tây đem đến tác dụng nhanh chóng chỉ sau 2 – 3 ngày dùng, tuy nhiên người bệnh không nên ngưng thuốc khi thấy bệnh suy giảm mà cần dùng hết liều. Thuốc cũng gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe nên không được lạm dụng thuốc để điều trị dài ngày.
Chữa bệnh đau bao tử về đêm bằng Đông y
Chữa đau dạ dày bằng thuốc Đông y từ lâu đã được người bệnh ưu tiên lựa chọn để điều trị lâu dài so với phương pháp Tây y bởi chúng an toàn và lành tính hơn. Đông y sử dụng các thảo dược tự nhiên an toàn, kết hợp và gia giảm vị thuốc sao cho phù hợp để tạo thành bài thuốc điều trị bệnh đau bao tử.
Một số vị dược liệu với công dụng tốt thường được kê trong các bài thuốc chữa chứng đau dạ dày trong đêm như:
- Ô tặc cốt: Tác dụng cầm máu, khắc phục đau nhức dạ dày, điều trị tiêu chảy.
- Bắc sài hồ: Giúp thoát nhiệt tốt, sơ can giải uất và hỗ trợ điều trị đau dạ dày do nhiệt tụ.
- Củ tam thất: Tác động trực tiếp và các Kinh Can, Vị, Phế, Đại Tràng, giúp hành khí hóa ứ, cầm máu, bồi bổ.
- Kim ngân hoa: Giúp kháng khuẩn, đẩy lùi virus, nấm mốc xâm nhập vào cơ thể.
- Bạch thược: Công dụng bổ gan, lợi tiểu, thanh nhiệt giải độc, dưỡng huyết, giảm đau dạ dày.
Sở dĩ các bài thuốc Đông y luôn được người bệnh ưu ái sử dụng bởi thuốc không chỉ giúp điều trị chứng đau dạ dày mà còn bồi bổ chính khí, nâng cao sức khỏe toàn diện đề phòng bệnh tái phát. Bệnh nhân nên thăm khám tại các cơ sở Y học cổ truyền uy tín để được các lương y chẩn đoán và kê đơn, bốc thuốc đúng bệnh.
Thảo dược tự nhiên an toàn, lành tính đối với mọi đối tượng nhưng để thuốc phát huy hết công dụng thường tốn nhiều thời gian. Vì thế nếu xác định điều trị đau dạ dày về đêm bằng bài thuốc Đông y, người bệnh cần hết sức kiên trì sử dụng, tránh trường hợp bỏ dở giữa chừng khiến bệnh kéo dài thêm.
Biện pháp cải thiện đau dạ dày tại nhà
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc Tây y, Đông y, người bệnh hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ cải thiện bệnh tại nhà để giảm thiểu tối đa tình trạng đau dạ dày về đêm. Cụ thể như sau:
Uống trà gừng ấm
Nếu cơn đau dạ dày về đêm đột ngột xuất hiện khiến chúng ta không kịp thời chủ động được thuốc điều trị, bạn có thể sử dụng một cốc trà gừng ấm để làm dịu ngay tình trạng này. Trong gừng có chứa Tecpen, Oleoresin sẽ giúp kháng viêm, giảm đau nhanh, làm ấm cơ thể và kích thích lưu thông máu tại dạ dày.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị một củ gừng tươi đem rửa sạch rồi thái lát mỏng, đem hãm với nước sôi trong khoảng 15 phút.
- Đợi khi nước ấm, cho thêm một thìa mật ong để tăng cường hiệu quả bài thuốc. Uống từng ngụm nhỏ để nước dễ dàng thấm vào thành dạ dày.
- Không nên uống trà gừng khi nguội vì chúng không đem đến nhiều hiệu quả điều trị tốt.
Uống nước mật ong
Mật ong có chứa các hoạt chất giúp làm ấm cơ thể, tiêu viêm kháng khuẩn hiệu quả. Ngoài ra uống mật ong vào buổi đêm còn giúp bổ sung đường, năng lượng thiếu hụt do cơ thể bị đang bị đói.
- Pha khoảng 3 thìa mật ong vào cốc nước ấm, khuấy đều cho đến khi tan hết.
- Uống từng ngụm nhỏ để cải thiện cơn đau tại dạ dày.
Nhai lá bạc hà giảm đau
Lá bạc hà có chứa Menthol, acid Rosmarinic sẽ giúp chống viêm, kích thích quá trình tiêu hóa tốt hơn, từ đó giảm nhanh cơn đau nhức dạ dày và đầy ứ bụng.
Cách thực hiện như sau:
- Đem lá bạc hà tươi đi rửa sạch, sau đó ngâm cùng với nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn, nấm bụi.
- Để đến khi ráo nước thì lấy lá bạc hà để nhai thật kỹ và nuốt từ từ để những tinh chất trong lá thẩm thấu vào niêm mạc dạ dày.
- Bạn sẽ cảm nhận được cơn đau dạ dày nhanh chóng giảm bớt chỉ sau vài phút.
- Ngoài ra, một số dịch chiết nguyên chất từ cây bạc hà cũng có thể sử dụng trong trường hợp này.
Uống trà cam thảo
Cam thảo là một vị dược liệu quen thuộc, chứa Glabridin, Flavonoid,… sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn HP gây đau dạ dày, từ đó giảm nhanh các triệu chứng bệnh. Để điều trị đau dạ dày vào sáng sớm, bạn có thể mua sẵn một ít rễ cam thảo và pha theo công thức sau:
- Dùng 3 – 5g rễ cam thảo đem hãm khoảng 15 phút với nước sôi. Bạn cũng có thể dùng cam thảo bột để pha luôn cùng nước uống.
- Nên uống trước các bữa ăn khoảng 20 – 30 phút để giúp quá trình tiêu hóa được diễn ra tốt nhất.
- Người bệnh có thể dùng nước cam thảo sắc uống mỗi ngày để duy trì sức khỏe dạ dày.
Chườm ấm bụng khi bị đau dạ dày
Chườm ấm không chỉ là phương pháp áp dụng trong trường hợp chị em đến tháng hay cải thiện các chấn thương mà còn có thể làm giảm đau dạ dày hiệu quả. Khi chườm ấm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn, giảm tình trạng đau co thắt từ đó giúp bạn dễ ngủ hơn.
- Thực hiện đổ nước nóng vào trong túi chườm, sau đó áp lên vùng dạ dày bị đau trong khoảng 15 phút.
- Không nên chườm túi trong thời gian quá lâu vì chúng có thể gây tình trạng nóng rát, phỏng da.
- Bên cạnh đó, kết hợp uống một cốc nước ấm để làm loãng dịch vị dạ dày và giúp làm ấm bụng.
Ăn bánh mì mềm
Nếu giữa đêm bạn bị tỉnh giấc bởi những cơn đau dạ dày quặn thắt, bạn có thể giảm đau nhanh chóng bằng việc ăn một lát bánh mì mềm. Điều này vừa giúp bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, vừa giúp thấm hút hết axit dư thừa trong dạ dày để từ đó giảm bớt cơn đau.
Biện pháp phòng tránh bệnh đau dạ dày về đêm
Để những cơn đau dạ dày không còn xuất hiện nhiều về đêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, người bệnh cần chú ý thói quen ăn uống, sinh hoạt của mình. Việc thay đổi thói quen sống sẽ giúp bệnh chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, giảm bớt tình trạng đau dạ dày đột ngột xảy ra.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bảo vệ cơ thể, phòng ngừa chứng đau dạ dày trong đêm xuất hiện:
- Rèn luyện thói quen ăn chậm, nhai kỹ càng. Điều này giúp cho thức ăn được tẩm nước bọt đầy đủ để bổ sung enzym hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, việc nhai quá nhanh khiến thức ăn không được nghiền nát, dạ dày cần làm việc nhiều hơn dẫn đến đau dạ dày.
- Ngừng nạp các loại thực phẩm có hại cho dạ dày vào trong cơ thể. Những món ăn cay nóng, đồ ăn dầu mỡ, thực phẩm chứa axit không tốt cho sức khỏe của bạn và khiến cho cơn đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
- Không ăn quá no trong một bữa, việc ăn quá no sẽ khiến dạ dày phải làm việc quá công suất trong thời gian ngắn và làm gia tăng tình trạng dư thừa thức ăn ứ đọng. Người bệnh nên ăn đủ 3 bữa/ ngày, ngoài ra có thể bổ sung thêm các bữa phụ để đảm bảo không bị đói bụng.
- Tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho dạ dày như rau xanh, trái cây chứa ít axit, ngũ cốc,… Những thực phẩm này sẽ giúp nâng cao sức khỏe, đồng thời giảm đầy bụng, ợ hơi và khó tiêu.
- Hạn chế việc thức quá khuya sau 11 giờ đêm để giúp cho dạ dày và các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp làm loãng dịch vị dạ dày, từ đó tránh tình trạng dư thừa acid dịch vị gây đau. Ngoài ra, bổ sung nước còn hỗ trợ các hoạt động của cơ thể diễn ra nhanh chóng hơn.
- Luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày để duy trì cơ thể khỏe mạnh, tăng cường trao đổi chất và thúc đẩy các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt hơn.
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng hay áp lực quá mức. Khi cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi sẽ gây áp lực lên dạ dày và tiết nhiều acid. Bạn đọc nên thư giãn đầu óc qua một vài cuốn sách, bản nhạc hoặc tập yoga, ngồi thiền,…
- Nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý đau dạ dày thì không nên chần chừ mà cần thăm khám sớm. Điều này sẽ giúp cho bạn kiểm soát tốt sức khỏe bản thân, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý có liên quan đến hệ tiêu hóa.
Đau dạ dày trong đêm là một hiện tượng dễ gặp và không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để duy trì sức khỏe tốt và tránh đau dạ dày tái phát, người bệnh nên quan tâm nhiều đến thói quen ăn uống và sinh hoạt. Chúc các bạn luôn khỏe!
Xem thêm: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc