U trực tràng là bệnh lý đường tiêu hóa xảy ra rất phổ biến. Tùy thuộc vào khối u là lành tính hay ác tính mà nó có thể gây ra những ảnh hưởng rất khác nhau tới sức khỏe người bệnh và được áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Những thông tin dưới đây sẽ giúp quý độc giả hiểu hơn về 2 loại u trực tràng và biện pháp để điều trị căn bệnh này.
U trực tràng là gì?
Đại tràng là cơ quan nằm gần cuối cùng trong hệ thống tiêu hóa, nơi rất dễ xuất hiện khối u. U ở đại tràng có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trong đường ruột già, bao gồm: u đại tràng trái, u đại tràng phải, u đại tràng xích ma hay u trực tràng. U trực tràng là khối u nằm ở giữa đại tràng xích ma và hậu môn.
U trực tràng là căn bệnh phổ biến và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Chính vì vậy, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau bụng, co thắt dạ dày, đi tiêu phân nhỏ hay đi tiêu ra máu…, người bệnh nên sớm đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Phân biệt u trực tràng
U trực tràng được phân biệt với hai dạng là u lành và u ác (ung thư). Xác định u trực tràng thuộc loại nào có vai trò quan trọng trong việc định hướng điều trị cho người bệnh.
U trực tràng lành tính
U trực tràng lành tính có nhiều dạng, bao gồm polyp trực tràng, u mỡ, u xơ, u mạch máu hay một số loại u lành tính khác hiếm gặp hơn. Polyp trực tràng là loại u trực tràng lành tính phổ biến nhất, mỗi người có thể có từ 1 đến hàng chục cái polyp trực tràng.
Các khối u lành tính không gây nguy hiểm cho sức khỏe, tuy nhiên chúng có thể gây ra những triệu chứng rối loạn tiêu hóa khó chịu. Hơn thế nữa, polyp trực tràng và tất cả các loại u lành tính khác đều có khả năng phát triển thành ung thư. Vì vậy, khi phát hiện các khối u ở đại – trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ để không gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa và hạn chế nguy cơ ung thư đe dọa sức khỏe người bệnh.
U trực tràng ác tính
U trực tràng ác tính hay ung thư trực tràng là bệnh lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Các đối tượng bị viêm loét trực tràng, viêm loét đại tràng, bị trĩ lâu ngày hay đa polyp phát hiện muộn đều có nguy cơ cao mắc ung thư trực tràng.
Cách phân biệt u trực tràng lành tính và ung thư trực tràng
U trực tràng lành tính và ác t
ính có thể được phân biệt khá dễ dàng thông qua triệu chứng. Trong khi u trực tràng lành tính hầu như không có biểu hiện gì rõ rệt thì ung thư trực tràng có thể được báo hiệu bằng các triệu chứng sau:
- Đau bụng: bệnh nhân bị ung thư trực tràng sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng đau bụng. Các cơn đau này thường không dữ dội và có thể diễn ra ở vùng hố chậu bên phải hoặc bên trái, hay thậm chí đau vùng thượng vị.
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy và táo bón xen kẽ có thể xảy ra cả trong trường hợp bị u lành tính; tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng.
- Đại tiện ra máu, chảy máu trực tràng: đây là các dấu hiệu nguy hiểm của u ác tính. Bệnh nhân sẽ thường xuyên đại tiện ra máu có màu thẫm, xám. Tình trạng này nếu kéo dài có thể gây mất nhiều máu dẫn tới tử vong.
- Các triệu chứng khác: Khối u ác tính phát triển ở trực tràng lâu ngày sẽ khiến cơ thể bệnh nhân gầy yếu, xanh xao và sút cân nhanh chóng. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể sờ và cảm nhận được khối u.
Ung thư trực tràng ở giai đoạn đầu khi khối u còn nhỏ thường chưa bộc lộ các triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao hoặc có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh đường tiêu hóa dưới như đau bụng, mệt mỏi, ăn không ngon nên chủ động đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
U trực tràng có nguy hiểm không?
Điều này phụ thuộc vào loại khối u mà người bệnh mắc phải là lành tính hay ác tính. Đa số các trường hợp u trực tràng là u lành không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, những khối u lành hoàn toàn có thể phát triển thành u ác đe dọa tính mạng người bệnh.
Ung thư trực tràng là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công lên tới 90%, người bệnh sau đó có thể tiếp tục sống khỏe mạnh thêm hàng chục năm. Việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư trực tràng, người bệnh bởi vậy nên chủ động đi khám sức khỏe khi có các triệu chứng cảnh báo và tuân thủ chỉ định nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng nếu thuộc đối tượng nguy cơ cao.
Chẩn đoán bệnh u trực tràng
Chẩn đoán bệnh chính xác là cơ sở để đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. U trực tràng có thể được xác định bằng các biện pháp chẩn đoán thông thường như: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, xét nghiệm phân. Tuy nhiên, nội soi đại tràng và tiến hành lấy mẫu sinh thiết là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nhất khối u là lành tính hay ác tính.
Trong trường hợp u ác tính, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các chẩn đoán chuyên sâu nhằm xác định giai đoạn và mức độ lây lan của khối u để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Điều trị u trực tràng như thế nào?
Trên cơ sở chẩn đoán xác định loại u trực tràng mắc phải, các khối u sẽ được xử trí bằng cách phẫu thuật cắt bỏ (nếu là u lành) hoặc hóa trị/xạ trị (nếu là u ác).
Điều trị u trực tràng lành tính
Một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid có khả năng kiểm soát sự phát triển của u trực tràng lành tính. Tuy nhiên, sử dụng thuốc thường chỉ cho hiệu quả tạm thời, khối u sẽ nhanh chóng phát triển trở lại khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc.
Phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp được khuyến cáo sử dụng để xử lý các khối u lành tính. Phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp nội soi, việc loại bỏ các khối u lành được tiến hành nhanh chóng mà không gây ra đau đớn. Sau khi thực hiện can thiệp nội soi cắt polyp, bệnh nhân chỉ cần lưu ý một vài vấn đề về chế độ ăn uống là có thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Điều trị bệnh ung thư trực tràng
Các khối u ác tính cần được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và kích thước khối u.
- Giai đoạn I – IIIa: điều trị bằng phẫu thuật loại bỏ khối u.
- Giai đoạn IIIb – IIIc: điều trị kết hợp bằng phẫu thuật và hóa trị/xạ trị để ngăn chặn tế bào ung thư lây lan và tấn công vào các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn IV: hóa trị là phương pháp điều trị được sử dụng trong giai đoạn cuối của ung thư trực tràng.
Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Phẫu thuật: phẫu thuật điều trị ung thư bao gồm phẫu thuật tạm thời và phẫu thuật triệt để. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể đối với từng trường hợp.
- Xạ trị: là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ năng lượng cao chiếu vào tế bào ung thư để tiêu diệt hoàn toàn hoặc ngăn chặn chúng phân chia và phát triển.
- Hóa trị: hóa trị tiêu diệt các tế bào ung thư đại tràng bằng cách sử dụng các hóa chất gây độc tế bào.
Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và mức độ đáp ứng trị liệu của cơ thể người bệnh mà hóa trị và xạ trị có thể giúp tiêu diệt được hoàn toàn các tế bài ung thư hoặc chỉ dừng lại ở mức giảm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn sự phát triển xâm lấn của khối u.
Chăm sóc bệnh nhân bị u trực tràng
Chế độ ăn uống
có vai trò quan trọng đặc biệt trong hỗ trợ điều trị u trực tràng, dù khối u là lành tính hay ác tính. Người bệnh cần thực hiện tốt một số vấn đề liên quan tới lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm được lưu ý dưới đây.
U trực tràng nên ăn gì?
- Các loại ngũ cốc giàu chất xơ: như bánh mì nguyên hạt, hạt điều, hạt óc chó, hạt hạnh nhân… Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân ung thư trực tràng giai đoạn đầu.
- Các loại hoa quả và rau xanh: bổ sung đa dạng rau xanh và hoa quả vào bữa ăn hằng ngày giúp tăng cường sức khỏe đường ruột và hỗ trợ miễn dịch. Một số loại rau quả người bệnh nên sử dụng là: cà rốt, bí đỏ, dưa hấu, chuối, táo, cải xoăn…
- Các loại thực phẩm từ sữa: người bị viêm đại tràng nên dùng các loại sữa ít béo và các thực phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua để bổ sung vitamin D và canxi cho cơ thể. Các chất này có khả năng chống lại tế bào ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng không nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm người bị ung thư trực tràng nên tránh:
- Các loại thịt đỏ.
- Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
- Thức ăn thô cứng, thức ăn mặn.
- Đồ nướng hoặc chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Cà phê, rượu bia.
Lưu ý về nguyên tắc ăn uống:
- Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn đúng giờ, đúng bữa.
- Không nên ăn quá nhanh hoặc quá no.
- Nên sử dụng các món ăn mềm, lỏng như cháo, súp.
- Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày.
- Nên chế biến món ăn bằng cách luộc, hấp; tránh chiên xào nhiều dầu mỡ và tránh nêm nếm nhiều gia vị.
Cùng với một chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh nên xây dựng thói quen tập luyện thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan, vui vẻ cũng là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân có thể điều trị thành công căn bệnh ung thư trực tràng.
U trực tràng xuất hiện phổ biến ở người từ 45 tuổi trở lên. Ngay cả khi các khối u là lành tính, chúng cũng nên được loại bỏ để phòng ngừa nguy cơ tiến triển thành ác tính. Tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở Việt Nam là khá cao, những đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ nên chủ động đi khám tầm soát ung thư để có thể phát hiện bệnh sớm, giúp tăng khả năng điều trị thành công.
Xem thêm: Có cả 100 nguyên nhân mất ngủ, nhưng số 3 hay gặp nhất