Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn khởi phát có liên quan mật thiết với yếu tố cơ địa và nhiều yếu tố khác như môi trường sống, di truyền. Sử dụng thuốc kết hợp thay đổi lối sống và chăm sóc da đúng cách là những phương pháp đang được áp dụng để điều trị triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát bệnh.
Viêm da cơ địa ở người lớn là gì?
Viêm da cơ địa là một căn bệnh ngoài da mãn tính được đặc trưng bởi tình trạng ngứa da, nổi sẩn đỏ, khô da. Căn bệnh này ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em nhưng đôi khi người lớn cũng có thể mắc phải. Bệnh có thể khởi phát ở một cá nhân khi còn bé, có thể tái phát nhiều lần và kéo dài qua tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở người lớn
Cho đến nay, nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở người lớn cũng như các đối tượng khác đều chưa được xác định một cách rõ ràng. Các nhà khoa học tin rằng, sự khởi phát của căn bệnh này có liên quan trực tiếp đến yếu tố cơ địa và di truyền, tức có tiền sử mắc bệnh trong gia đình.
1. Di truyền
Thống kê cho thấy, phần lớn các trường hợp bị viêm da cơ địa khi trưởng thành đều có tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Điều này có liên quan đến sự di truyền của một số gen bị bệnh.
Theo đó thì bạn sẽ có nguy cơ bị viêm da cơ địa cao hơn nếu trong gia đình cũng có cha mẹ, ông bà hay anh chị em từng mắc căn bệnh này. Trong trường hợp bị viêm da cơ địa do di truyền, bệnh có thể khởi phát ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời và kéo dài ngay cả khi bạn đã qua tuổi trưởng thành.
2. Nguyên nhân viêm da cơ địa ở người lớn do yếu tố môi trường sống
Một số yếu tố môi trường cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da cơ địa khởi phát hoặc khiến các triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bao gồm:
- Môi trường sống bị ô nhiễm: Không khí chứa nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc có thể gây tổn thương cho hàng rào bảo vệ da và khiến hoạt động của hệ miễn dịch trở nên mẫn cảm hơn. Điều này kích hoạt bệnh viêm da cơ địa ở người lớn bùng phát và có thể tái đi tái lại nhiều lần.
- Thời tiết: Điều kiện thời tiết cũng có liên quan mật thiết với bệnh viêm da cơ địa ở người trưởng thành. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến cho cơ thể không kịp thích ứng, làm da cũng trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Bên cạnh đó khí hậu khô hanh, lạnh giá của mùa đông cũng là thời cơ lý tưởng để bệnh viêm da cơ địa phát triển ở người trưởng thành.
- Một số người xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa sau khi tiếp xúc với phấn hoa, lông thú nuôi trong nhà, khói thuốc lá, chất tẩy rửa hay mỹ phẩm.
- Thói quen ăn uống hàng ngày cũng có thể gây viêm da cơ địa ở người lớn. Nếu bạn bị dị ứng với hải sản, thịt gà, trứng, đậu phộng hay bất cứ thực phẩm nào thì nguy cơ tái phát bệnh viêm da cơ địa sau khi ăn các thực phẩm đó là rất cao. Trường hợp đang trong giai đoạn cấp của bệnh, các triệu chứng có thể diễn biến phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thói quen sử dụng rượu, bia hoặc hút thuốc lá đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa ở người lớn.
- Môi trường làm việc căng thẳng, thường xuyên bị stress kéo dài khiến cho hệ miễn dịch bị rối loạn, từ đó dẫn đến các triệu chứng của viêm da cơ địa ở người lớn.
3. Yếu tố cơ địa gây viêm da cơ địa ở người lớn
Đây là một trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến bệnh viêm da cơ địa
ở người trưởng thành. Bệnh dễ phát triển ở những người có cơ địa mẫn cảm, dễ dàng bị dị ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như khói thuốc lá, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi…
Một số yếu tố cơ địa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa ở người lớn như:
- Mắc bệnh suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như tiểu đường, HIV
- Có tiền sử mắc bệnh viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da dị ứng
- Da khô, mất nước
Triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn
Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn có nhiều biểu hiện rầm rộ như ngứa ngoài da, nổi sẩn hay các nốt mụn đỏ, mụn mủ, mụn nước. Chúng diễn ra thường xuyên khiến cho người bệnh không chỉ khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của làn da cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Các dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa ở người lớn thường gặp bao gồm:
- Da khô sần và nhạy cảm
- Ngứa nhiều. Cảm giác ngứa thường dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này khiến cho bạn khó ngủ, mất ngủ, ngủ không yên giấc. Càng gãi, cơn ngứa càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Da sưng đỏ, trầy xước, nứt nẻ, chảy máu hoặc đóng vảy do gãi ngứa
- Xuất hiện các nốt mụn đỏ hay mụn mủ. Khi gãi ngứa có dịch hay mủ chảy ra.
Các triệu chứng viêm da cơ địa ở người lớn có thể ảnh hưởng đến một vùng da nhỏ trên cơ thể, thường gặp nhất là khu vực đầu mặt, chân hay khuỷu tay và cổ tay. Trường hợp nặng, bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn thân và để lại nhiều di chứng nặng nề cho da.
Ở mỗi cá nhân, các dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau tùy vào thể bệnh mắc phải.
Các dạng viêm da cơ địa ở người lớn
Dựa trên các đặc điểm lâm sàng, bệnh viêm da cơ địa ở người lớn được chia thành 2 thể chính gồm:
Viêm da cơ địa cấp tính
- Bệnh bắt đầu với sự xuất hiện của các đám da sẩn không rõ ranh giới
- Vùng da bị tổn thương có nhiều mụn nước nhỏ li ti nhưng chưa đóng vảy
- Da ngứa ngáy nhiều
- Việc cào gãi quá mạnh gây bể mụn nước, tiết dịch, tạo ra các tổn thương viêm trợt trên da
- Vùng da bị tổn thương có thể bội nhiễm tại chỗ và đóng vảy tiết màu vàng.
- Khu vực bị bệnh đầu tiên thường là ở trán, má, cằm. Tổn thương sau đó có thể lan rộng xuống hai tay đến các ngón tay hoặc toàn bộ thân mình.
Viêm da cơ địa mãn tính:
Bệnh viêm da cơ địa cấp tính ở người lớn kéo dài hoặc tái phát nhiều lần sẽ tiến triển thành mãn tính. Lúc này, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu như:
- Da dày hơn và thâm sạm
- Xuất hiện vết nứt trên da gây đau đớn
- Tổn thương có ranh giới rõ ràng
- Lichen hóa
- Ngứa ngoài da dữ dội
- Tổn thương do viêm da cơ địa mãn tính thường xuất hiện ở các vùng da có nếp gấp lớn, chẳng hạn như cổ, gáy, cẳng chân…
Người trưởng thành bị viêm da cơ địa mãn tính thường kèm theo các bệnh lý toàn thân khác như viêm mũi dị ứng hay hen suyễn…
Biến chứng của bệnh viêm da cơ địa ở người lớn
Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn nếu không được điều trị và chăm sóc tốt có thể gây ra một số biến chứng như:
- Nhiễm trùng da, bội nhiễm vi khuẩn do gãi ngứa mạnh
- Thâm da, nứt nẻ, bong tróc da và có nhiều sẹo xấu trên da
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ do bệnh gây ngứa ngáy nhiều vào ban đêm
- Phát triển các bệnh lý khác có liên quan đến tình trạng rối loạn miễn dịch khi bị viêm da cơ địa, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng, viêm da tiếp xúc hay hen suyễn…
Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa ở người lớn
Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn chủ yếu được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Bác sĩ có thể dựa vào các yếu tố liên quan như:
- Ngứa ngoài da, khô da, nổi sẩn ở khu vực ảnh hưởng
- Viêm da mãn tính
- Da dầy sừng
- Lichen ở các nếp gấp
- Khai thác tiền sử bệnh tật của cá nhân và gia đình
- Xét nghiệm máu thấy IgE tăng
- Phản ứng da tức thì týp 1 cho kết quả dương tính
Cách điều trị viêm da cơ địa ở người lớn
Quá trình điều trị viêm da cơ địa ở người lớn được bắt đầu sớm sẽ hạn chế tối đa các di chứng để lại cho da, đồng thời giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng phát sinh. Tùy theo tình trạng bệnh mà lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp. Thông thường, các trường hợp bị viêm da cơ địa nhẹ thì chỉ cần loại bỏ được các yếu tố nguy cơ kết hợp chăm sóc da đúng cách và áp dụng các mẹo trị bệnh tại nhà một thời gian bệnh sẽ tự khỏi. Các đối tượng bị bệnh nặng cần dùng đến thuốc bác sĩ kê đơn hoặc áp dụng các liệu pháp điều trị khác.
1. Mẹo chữa viêm da cơ địa ở người lớn tại nhà
Những cách trị viêm da cơ địa ở người lớn bằng mẹo tự nhiên thường được dân gian áp dụng để khắc phục các triệu chứng tại nhà khi bị bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một phương pháp thật sự an toàn, hiệu quả.
– Bôi gel nha đam:
Nha đam được sử dụng như một loại thuốc bôi để chữa viêm da cơ địa cho người trưởng thành. Thảo dược này cung cấp nhiều nước và chất chống oxy hóa có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu kích ứng, giảm ngứa, sát trùng, chống khô da và ngăn ngừa bội nhiễm vi k
huẩn.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 1 lá nha đam tươi, gọt vỏ, rửa sạch
- Lấy ruột nha đam bỏ vào máy xay kỹ thành một loại gel trong suốt
- Khi sử dụng, làm sạch vùng da bị bệnh rồi bôi một lớp mỏng gel nha đam lên
- Lưu lại từ 15 – 20 phút sau mới rửa sạch.
– Cách chữa viêm da cơ địa ở người lớn bằng mật ong
Mật ong nguyên chất là nguyên liệu thiên nhiên lành tính có nhiều tác dụng tốt với da, đặc biệt là khi bạn đang bị viêm da cơ địa. Thành phần vitamin E được tìm thấy trong thực phẩm này có khả năng dưỡng ẩm, chống oxy hóa mạnh mẽ. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt da, cân bằng độ ẩm, xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu.
Cùng với đó, mật ong còn cung cấp nhiều axit amin, vitamin và khoáng tố. Khi được hấp thu, chúng tham gia vào quá trình tái tạo các tế bào da mới, làm nhanh lành tổn thương trên da, đồng thời ổn định chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.
Cách sử dụng:
- Vệ sinh vùng da cần điều trị cho sạch sẽ
- Lấy một lượng mật ong nguyên chất vừa đủ thoa trực tiếp lên tổn thương
- Để 20 – 30 phút cho các dưỡng chất trong mật ong thẩm thấu vào sâu trong da và phát huy tác dụng.
- Áp dụng mỗi ngày 1 lần, sau đó dùng nước rửa sạch.
– Tắm lá khế trị viêm da cơ địa ở người lớn
Nếu bệnh viêm da cơ địa ảnh hưởng đến phạm vi rộng hoặc toàn thân, bạn có thể tắm nước lá khế. Các thành phần trong lá có tác dụng sát trùng, tiêu viêm tự nhiên nên có thể giúp giảm nổi mẩn đỏ, sát trùng và làm dịu cơn ngứa liên quan đến bệnh.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá khế tươi
- Đun sôi 2 lít nước rồi bỏ lá khế vào nấu chung với một ít muối biển
- Để nồi nước trên lửa nhỏ cho sôi khoảng 10 phút là được
- Gạn nước ra chậu, pha thêm nước sạch cho đủ tắm
- Dùng nước lá khế tắm gội toàn thân. Chú ý tắm rửa kỹ ở khu vực bị bệnh mỗi ngày 1 – 2 lần
- Có thể dùng xác lá khế chà nhẹ nhàng lên vùng da bị nổi mẩn ngứa để tăng công dụng điều trị.
– Dùng lá chè xanh:
Lá chè xanh nổi tiếng với tác dụng sát khuẩn, chống oxy hóa cho da nhờ chứa nhiều EGCG và các hoạt chất như polyphenol hay catechin. Chúng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da, giảm ngứa, phục hồi tổn thương viêm trên bề mặt da.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị khoảng 100g lá chè xanh tươi
- Rửa sạch lá, vò cho hơi nát rồi bỏ vào ấm nấu chung với 2 lít nước
- Đun sôi trong 5 phút
- Chờ cho nước nguội bớt lấy ngâm rửa khu vực bị bệnh hoặc dùng tắm gội toàn thân tùy theo diện tích da bị ảnh hưởng
- Áp dụng trong ít nhất 7 ngày để thấy được hiệu quả rõ ràng.
– Bài thuốc chữa viêm da cơ địa ở người lớn từ lá trầu không
Lá trầu không chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên có thể giúp ức chế hoạt động của một số chủng vi khuẩn gây bệnh như tụ cầu khuẩn hay liên cầu khuẩn. Ngoài ra, thành phần polyphenol được tìm thấy trong thảo dược còn có tác dụng chống oxy hóa, giảm viêm, bảo vệ các tế bào da khỏe mạnh.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 5 – 7 cái lá trầu không bánh tẻ và một ít muối biển
- Rửa sạch lá, đem nấu sôi với 3 lít nước trong 10 phút
- Cuối cùng, thêm muối vào, hòa tan
- Chờ nước nguội lấy tắm hoặc rửa vùng da bị ảnh hưởng mỗi ngày 2 lần.
Một số vấn đề cần chú ý trong quá trình điều trị viêm da cơ địa ở người lớn tại nhà:
- Bổ sung nhiều chất lỏng cho da để hỗ trợ đào thải độc tố, ngăn ngừa khô da, bong tróc da hoặc nứt nẻ.
- Thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày từ 1 – 2 lần có tác dụng cân bằng độ ẩm, giảm kích ứng và xoa dịu cơn ngứa do viêm da cơ địa gây ra.
- Tránh để da đổ nhiều mồ hôi
- Không sử dụng các loại xà phòng hay sữa tắm chứa chất tẩy rửa mạnh khiến da bị kích ứng và ngứa ngáy dữ dội hơn.
- Tắm rửa hàng ngày với nước lạnh hoặc nước hơi âm ấm. Tránh tắm bằng nước quá nóng sẽ khiến da bị khô và làm tăng nặng các triệu chứng bệnh.
- Tránh chà sát hay cào gãi mạnh khiến da bị tổn thương, bội nhiễm vi khuẩn
2. Thuốc trị viêm da cơ địa ở người lớn
Để chữa viêm da cơ địa ở người trưởng thành, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống nhằm mục đích điều trị triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, đồng thời chữa lành tổn thương trên da. Các loại thuốc thông dụng gồm:
- Thuốc corticosteroid: Loại thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm ngứa. Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ dùng để thoa ngoài vùng da bị tổn thương trong ngắn hạn. Tránh lạm dụng kéo dài gây teo da, mỏng da và nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Trường hợp bị viêm da nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid đường uống.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc có tác dụng chống dị ứng, giảm viêm ngứa và cải thiện tình trạng nổi sẩn trên bề mặt da. Một số thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ. Vì vậy bạn nên thận trọng nếu dùng thuốc trong thời gian lái xe hay làm việc.
- Thuốc kháng sinh: Nếu bệnh viêm da cơ địa ở người lớn gây nhiễm trùng da, bác sĩ sẽ chỉ định thêm thuốc kháng sinh để ức chế vi khuẩn, giảm viêm nhiễm trên da.
3. Điều trị viêm da cơ địa ở người lớn bằng liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa ở người lớn bằng công nghệ cao được áp dụng cho các đối tượng bị nặng, bệnh hay tái phát hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị. Bệnh nhân sẽ được chữa trị với máy chiếu tia UVA và UVB nhân tạo nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu và đẩy nhanh tốc độ tái tạo da.
Mặc dù cho hiệu quả tích cực nhưng việc điều trị viêm da cơ địa cho người trưởng thành cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thường gặp nhất là tình trạng lão hóa da sớm. Về mặt lâu dài, những đối tượng được điều trị bằng liệu pháp này sẽ có nguy cơ bị ung thư da cao hơn. Trước khi tiến hành chữa trị, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nắm rõ lợi ích và rủi ro có thể gặp phải.
Cách phòng ngừa viêm da cơ địa ở người lớn
Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn có liên quan đến cơ địa, di truyền và môi trường sống nên nếu không loại bỏ được hết các yếu tố nguy cơ thì rất dễ tái phát. Một số lời khuyên hữu ích dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là ở vùng da bị bệnh. Thường xuyên tắm rửa và thay quần áo để tránh bị nhiễm trùng.
- Mặc đồ rộng rãi, thoải mái và có chất liệu mềm mại để tránh cọ sát vào da mỗi khi vận động
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và cắt móng tay cho sạch sẽ. Tránh dùng tay cào gãi mạnh gây trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể dẫn đến bệnh viêm da cơ địa.
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, chẳng hạn như khói thuốc lá, xà phòng, phấn hoa, côn trùng…
- Loại bỏ các thực phẩm từng khiến bạn bị dị ứng ra khỏi thực đơn
- Chăm sóc da bằng các sản phẩm có thành phần phù hợp với loại da
- Uống nhiều nước và thoa kem giữ ẩm khi trời lạnh
- Tránh các hoạt động có thể gây mất nước cho da và khiến da bị khô như tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, tắm nước nóng.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như viêm mũi dị ứng, hen suyễn nếu có
- Cải thiện khả năng miễn dịch bằng cách ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, rau xanh, trái cây để làm tăng sức đề kháng cho da, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa ở người lớn.
Bạn nên tham khảo thêm
- Thuốc bôi trị viêm da cơ địa loại nào tốt nhất?
- Kế hoạch, quy trình chăm sóc bệnh nhân viêm da cơ địa
- Bị viêm da cơ địa nên ăn, kiêng gì nhanh khỏi?
Xem thêm: Tiểu ra máu là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân, cách trị