Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, ngăn ngừa ung thư, kiểm soát cân nặng và tăng cường hoạt động tiêu hóa là các công dụng chính của cải bắp. Với nhiều lợi ích đối với sức khỏe, cải bắp không chỉ được sử dụng để chế biến món ăn và còn được tận dụng để chữa trị các bệnh lý thường gặp như đau xương khớp, ho, viêm họng,…
Đặc điểm của cây cải bắp
Cải bắp (bắp cải) thuộc Cải (Brassicaceae) là loại rau quen thuộc với người Việt. Cải bắp là cây thân thảo to, cứng, cây hầu như không có thân. Lá cây to, tròn, mọc ốp vào nhau tạo thành bắp có dạng hình cầu.
Cây sống khoảng 2 năm, vào năm thứ hai, bắp cải ra hoa, hoa mọc ở dạng chùm, có màu vàng. Quả hạp có mỏ, dài 8 – 10cm, bên trong chứa hạt cỡ 1.5mm. Bắp cải thường có màu xanh nhạt, xanh đậm hoặc màu tím (bắp cải tím).
Thành phần dinh dưỡng của Cải bắp
Cải bắp cung cấp lượng calo thấp. Tuy nhiên loại thực phẩm này chứa hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào.
Trên thực tế, 89gram bắp cải tươi có thể cung cấp hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- Protein 1g
- Chất xơ 2g
- Vitamin C 54% nhu cầu mỗi ngày (RDI)
- Vitamin K 86% RDI
- Vitamin B6 6% RDI
- Kali 4% RDI
- Folate 10% RDI
- Canxi 4% RDI
- Magie 3% RDI
- Mangan 7% RDI
Ngoài ra bắp cải còn chứa
riboflavin, sắt, vitamin A, lưu huỳnh, các hợp chất chống oxy hóa – polyphenol,…
17 Công dụng của Cải bắp đối với sức khỏe
Với thành phần dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào, sử dụng cải bắp thường xuyên có thể đem đến những công dụng như sau:
1. Cải bắp giúp kiểm soát tình trạng viêm
Hiện tượng viêm là phản ứng của hệ miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên tình trạng viêm kéo dài có thể gây đau nhức, sưng đỏ và khó chịu.
Các chuyên gia cho biết, những chất chống oxy hóa trong bắp cải như kaemferol và sulforaphane có tác dụng ức chế hiện tượng viêm ở mạch máu, khớp và mô mềm.
2. Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư
Bắp cải là một trong những loài thực vật chứa hàm lượng vitamin C dồi dào. Thành phần này không chỉ có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể mà còn tạo ra collagen.
Collagen là một loại protein đặc biệt có tác dụng tăng độ bền cho sụn khớp, mạch máu, da và cơ bắp. Hơn nữa, vitamin C còn là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Các nghiên cứu cho thấy, thành phần này có thể bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra (ung thư và các bệnh mãn tính).
3. Cải bắp giúp tăng cường hoạt động tiêu hóa
Với hàm lượng chất xơ, vitamin và nguyên tố vi lượng dồi dào, bắp cải có tác dụng duy trì đường ruột khỏe mạnh và ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa.
Chất xơ hòa tan trong cải bắp có công dụng tăng thể tích phân và giảm nguy cơ táo bón. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn làm tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột như Lactobacilli và Bifidobacteria. Những lợi khuẩn này đảm nhiệm vai trò bảo vệ và tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng ở đường ruột.
4. Bổ sung bắp cải thường xuyên giúp bảo vệ tim mạch
Flavonoid trong bắp cải là hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa. Các bác sĩ cho biết, thường xuyên bổ sung flavonoid có thể làm sạch mạch máu, tăng độ bền thành mạch và ổn động hoạt động của tim. Do đó ăn bắp cải có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, huyết áp cao, thiếu máu cơ tim,…
5. Hỗ trợ điều trị cao huyết áp
Thực phẩm chứa nhiều natri là nguyên nhân làm tăng áp lực ở thành mạch và khiến huyết áp tăng cao. Trong khi đó thực phẩm giàu kali như bắp cải có thể điều hòa và ổn định huyết áp.
Kali là một trong những thành phần điện giải quan trọng. Bổ sung kali giúp tăng khả năng bài tiết natri dư thừa trong nước tiểu và làm giãn mạch máu. Từ đó giúp ổn định huyết áp và cân bằng điện giải trong cơ thể.
6. Giảm lượng cholesterol trong cơ thể
Cholesterol là một dạng chất béo xấu, thường tích tụ tại các mạch máu và làm cản trở quá trình tuần hoàn máu. Khi hàm lượng cholesterol tăng cao, bạn có thể đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm như cao huyết áp, xơ vữa động mạch và một số vấn đề về tim khác.
Việc bổ sung cải bắp vào chế độ ăn có thể làm giảm lượng cholesterol tích tụ trong cơ thể. Bởi thực phẩm này có chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất – các thành phần này có công dụng tăng bài tiết chất béo và làm sạch các mao mạch trong cơ thể.
7. Đảm bảo chức năng đông máu
Bắp cải là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào. Trung bình 89gram bắp cải cung cấp đến 85% lượng vitamin K cần thiết cho cơ thể trong một ngày.
Vitamin K có nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe, trong đó có chức năng sản sinh enzyme chịu trách nhiệm đông máu. Vì vậy bổ sung cải bắp thường xuyên có thể đảm bảo chức năng đông máu và hạn chế tình trạng chảy máu kéo dài.
8. Ăn bắp cải giúp ngăn ngừa thiếu máu
Sắt là khoáng chất cần thiết trong quá trình sản sinh hồng cầu. Ngoài việc bổ sung thịt bò, gan hoặc trứng gà, bạn cũng có thể thêm bắp cải vào chế độ dinh dưỡng để cung cấp sắt cho cơ thể và ngăn ngừa thiếu máu. Để tối ưu hàm lượng sắt trong bắp cải, bạn nên bổ sung đồng với nước cam, chanh hoặc nước bưởi.
9. Kiểm soát cân nặng
Rau xanh nói chung và bắp cải nói riêng là các loại thực phẩm có khả năng kiểm soát cân nặng hiệu quả. Với hàm lượng chất xơ dồi dào và lượng calo thấp, bắp cải có thể tạo cảm giác no nhưng không gây tích trữ chất béo và tăng cân.
10. Bổ sung bắp cải giúp cải thiện thị lực
Bắp cải cũng là nguồn cung cấp beta-carotene dồi dào. Thành phần này là tiền chất của vitamin A, có tác dụng bảo vệ thị lực, ngăn chặn ảnh hưởng của gốc tự do đối với võng mạc và giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, beta-carotene trong bắp cải còn có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.
11. Ngăn ngừa loãng xương
Với số lượng khoáng chất và vitamin phong phú, bắp cải còn có tác dụng bảo vệ xương khớp và ngăn ngừa loãng xương. Bên cạnh đó, các hợp chất thực vật trong cải bắp còn có công dụng ức chế gốc tự do, giảm viêm và ngăn chặn quá trình thoái hóa mô sụn.
12. Cải bắp lên men giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột
Cải bắp sau khi được lên men (kim chi) có thể sản sinh ra lượng lợi khuẩn dồi dào. Vì vậy bổ sung cải bắp lên men có thể tăng sức đề kháng và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng ruột kết.
Ngoài ra, các lợi khuẩn được sản sinh trong quá trình lên men còn hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của đường ruột, từ đó làm giảm triệu chứng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi,…
13. Giảm mức độ ảnh hưởng của xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X hoặc các hạt năng lượng để ngăn chặn quá trình phân chia của tế bào ung thư. Phương pháp này có tác dụng làm giảm kích thước khối u ác tính và ngăn chặn tình trạng di căn. Tuy nhiên xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như rụng tóc, mệt mỏi, mất kinh nguyệt, tiêu chảy, phát ban,…
Các chuyên gia cho biết, hợp chất 3.3’-diindolylmethane (DIM) trong cải bắp có thể ngăn chặn tế bào ung thư và bảo vệ cơ thể khỏi các tác động tiêu cực của tia X.
14. Nuôi dưỡng làn da và hạn chế nếp nhăn
Cải bắp chứa hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa dồi dào. Các thành phần này không chỉ cải thiện chức năng của các cơ quan bên trong mà còn tác động tích cực đến làn da.
Vitamin C có thể làm tăng mạng lưới collagen ở da, từ đó duy trì làn da căng bóng, ẩm mượt và hạn chế hình thành nếp ngăn. Hơn nữa các chất chống oxy hóa trong loại thực phẩm này còn có tác dụng ức chế gốc tự do và ngăn ngừa các vấn đề da liễu thường gặp như sạm, nám, tàn nhang,…
15. Duy trì mái tóc chắc khỏe
Vitamin A có trong bắp cải là thành phần cần thiết cho quá trình sừng hóa protein. Vì vậy bổ sung bắp cải đều đặn 2 – 3 lần/ tuần có thể duy trì mái tóc chắc khỏe và giảm nguy cơ rụng tóc, tóc khô xơ, chẻ ngọn,…
16. Bắp cải giúp cải thiện chức năng não bộ
Anthocyanin và vitamin K trong cải bắp có thể tăng mức độ tập trung của não bộ. Các chuyên gia cho biết, vitamin K trong loại rau này là thành phần cần thiết để sản sinh spakenolipids – vỏ bao quanh các tế bào thần kinh. Từ đó có thể bảo vệ hệ thần kinh khỏi các tác động tiêu cực như căng thẳng, áp lực,…
Trong khi đó, anthocyanin là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng ngăn ngừa thoái hóa thần kinh và giữ cho não bộ luôn trong trạng thái ổn định.
17. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Bắp cải tím có khả năng điều hòa và giảm lượng đường huyết trong máu. Vì vậy bổ sung loại thực phẩm này thường xuyên có thể kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh đái tháo đường. Các anthycyanin trong bắp cải có khả năng tăng chuyển hóa lượng đường trong máu và duy trì đường huyết ở mức ổn định.
Cách sử dụng Cải bắp hiệu quả nhất
Cải bắp là một trong những loại thực phẩm lành mạnh và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Để tận dụng tối đa hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh từ cải bắp, bạn có thể sử dụng thực phẩm này theo những cách sau đây:
1. Dùng sống
Bạn có thể dùng cải bắp sống bằng cách ăn như một loại rau sống, trộn salad hoặc ép cùng với các loại trái cây khác. Rau cải bắp có độ giòn, vị cay ngọt nên rất thích hợp để ăn sống.
Tuy nhiên khi dùng bắp cải sống, bạn nên ngâm rửa thực phẩm với nước muối pha loãng và rửa thật kỹ để tránh tình trạng đau bụng và nhiễm khuẩn đường ruột.
2. Nấu chín
Ngoài ra bạn có thể bổ sung bắp cải bằng cách nấu chín (hấp, luộc, xào, nấu canh). Để gia tăng giá trị dinh dưỡng, bạn có thể kết hợp cải bắp với rau, củ và các loại thực phẩm khác như thịt, hải sản,…
Các chất chống oxy hóa trong cải bắp có thể bị giảm đi đáng kể khi nấu chín. Vì vậy bạn nên nấu bắp cải vừa chín để tránh làm sụt giảm vi chất dinh dưỡng trong loại thực phẩm này.
3. Dùng cải bắp làm bài thuốc chữa bệnh
Không chỉ được sử dụng để làm thực phẩm, bắp cải còn được dân gian dùng trong các bài thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, cải bắp có vị ngọt, tính mát, tác dụng hoạt huyết và an thần.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ bắp cải:
- Bài thuốc trị bệnh tiểu đường: Dùng 100g bắp cải luộc ăn hàng ngày giúp kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh tiểu đường type 2.
- Bài thuốc chữa ho có đờm: Chuẩn bị 80 – 100g cải bắp, sau đó rửa sạch và sắc với 500ml nước còn lại khoảng 1/3. Thêm mật ong vào nước sắc và dùng uống trong ngày.
- Bài thuốc chữa đau nhức chân tay: Dùng 1 lá cải bắp cán dập gân, hơ nóng rồi đắp lên chỗ đau. Sau đó dùng miếng vải dày cột chặt.
- Bài thuốc trị chứng thần kinh suy nhược và mất ngủ: Uống nước bắp cải luộc thường xuyên cho đến khi khỏi.
Những lưu ý khi ăn rau cải bắp
Rau cải bắp là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên sử dụng cải bắp không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ và một số tình huống rủi ro.
Vì vậy trước khi bổ sung loại rau này vào chế độ ăn, bạn nên chú ý những thông tin sau:
- Cân nhắc trước khi bổ sung cải bắp nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu.
- Ăn quá nhiều bắp cải có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, tiêu chảy, hạ đường huyết,
- Không sơ chế bắp cải đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
- Một số thành phần trong bắp cải có thể can thiệp vào quá trình sản sinh hormone tuyến giáp. Nếu bạn bị suy giáp, hãy chủ động hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn.
- Với người tạng hàn, nên dùng bắp cải kết hợp với gừng tươi.
- Goitrin trong cải bắp có thể gây bướu cổ. Do đó nên thận trọng khi dùng cho người bị rối loạn tuyến giáp.
- Bắp cải làm tăng lượng natri bài tiết qua nước tiểu. Vì vậy không nên bổ sung loại thực phẩm này cho người bị suy thận nặng hoặc đang chạy thận nhân tạo.
- Nên kết hợp bắp cải với những loại rau củ khác nhằm đa dạng thành phần dinh dưỡng và tác động toàn diện đến sức khỏe tổng thể.
Bài viết đã tổng hợp một số công dụng của cải bắp, cách sử dụng và những lưu ý khi dùng. Hy vọng qua thông tin trên, bạn có thể hiểu hơn về tác dụng của bắp cải và sử dụng loại thực phẩm này một cách hiệu quả nhất.
Xem thêm: Đậu răng ngựa: Ngừa cao huyết áp cùng nhiều lợi ích hay