Các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và lưu ý khi dùng
Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng kết hợp các loại thuốc điều trị tiểu đường để kiểm soát tốt lượng đường trong máu và tăng hiệu quả chữa bệnh. Ngoài ra việc sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc điều trị bệnh còn giúp người bạn phòng ngừa tình trạng nhờn thuốc. Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và những điều cần lưu ý khi dùng để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả chữa trị.
Cơ chế phát sinh bệnh tiểu đường
Trong cơ thể của con người, bộ máy tiêu hóa sẽ biến chế một hàm lượng lớn thức ăn và thức uống được dung nạp thành một loại đường có tên gọi là glucose. Loại đường này có khả năng hấp thu vào máu, sau đó nhanh chóng di chuyển từ máu đến những tế bào với mục đích tạo thành năng lượng.
Insulin chính là một nội tiết tố quan trọng được sản sinh từ tuyến tụy. Nội tiết tố này đóng vai trò quyết định trong việc ổn định và điều hòa lượng đường trong máu. Bên cạnh đó hormone Insulin cũng được xác định là chiếc chìa khóa có khả năng mở cửa cho lượng đường di chuyển vào bên trong tế bào từ máu. Khi đó các tế bào sẽ sử dụng lượng đường này để sản sinh năng lượng.
Khi các hoạt động diễn ra suôn sẻ và bình thường, lượng glucose đang tồn tại trong máu di chuyển vào các tế bào. Với sự thúc đẩy của hormone Insulin, nồng độ đường trong máu sẽ giảm xuống. Đồng thời cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng để phục vụ cho quá trình vận động và hoạt động của sự sống.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, hệ thống chuyển hóa đường và sản sinh năng lượng nêu trên sẽ gặp vấn đề và không hoạt động bình thường nữa. Cụ thể quá trình sản xuất insulin của tuyến tụy bị cản trở, insulin không được tiết ra (bệnh tiểu đường type 1) hoặc insulin được tiết ra nhưng cơ thể không còn khả năng sử dụng hormone này khiến lượng đường được chuyển hóa không vào bên trong tế bào (bệnh tiểu đường type 2). Đường ở lại trong máu do không di chuyển vào được bên trong tế bào. Từ đó khiến đường huyết tăng cao và phát sinh bệnh đái tháo đường.
Khi lượng đường huyết trong máu tăng cao và vượt quá mức độ nhất định, cơ quan bài tiết là thận không còn khả năng giữ được đường, cuối cùng thải đường ra ngoài thông qua nước tiểu. Hiện tại, không có phương pháp đặc hiệu trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Người bệnh sẽ mang bệnh tiểu đường suốt đời.
Hơn thế bệnh đái tháo đường có thể làm phát sinh những biến chứng nghiêm trọng. Điển hình như làm tăng nguy cơ đột quỵ và mắc những bệnh lý về tim, bệnh suy thận, bệnh lý bàn chân và nhiều vấn đề về sức khỏe nguy hiểm khác.
Tuy không thể điều trị dứt điểm nhưng bệnh nhân có thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và phòng ngừa biến chứng phát sinh. Đồng thời kiểm soát tích cực những bệnh lý liên quan như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp.
Ngoài ra việc sớm phát hiện và kịp thời kiểm soát có thể giúp bệnh nhân bị đái tháo đường chung sống hòa bình cùng với bệnh lý này, Chính vì thế, bác sĩ chuyên khoa thường yêu cầu bệnh nhân sử dụng kết hợp các thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Mục tiêu điều trị bệnh tiểu đường
Các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 được bác sĩ chuyên khoa chỉ định với những mục tiêu điều trị sau:
- Mục tiêu chung: HbA1c < 7%.
- Đường máu lúc đói: Đường máu lúc đói trong quá trình điều trị bệnh nên được duy trì tốt ở mức 4,4 đến 7,2 mmol/l.
- Đường máu sau ăn: Đường máu sau ăn 2 giờ đồng hồ < 10 mmol/l.
- Huyết áp: Huyết áp đo được < 140/90 mmHg. Trong trường hợp bệnh nhân có biến chứng thận thì huyết áp < 130/80 mmHg.
- Lipid máu:
- Chưa có biến chứng tim mạch: LDL-C < 2,6 mmol/l.
- Nếu đã có biến chứng tim mạch: LDL-C < 1,8 mmol/l.
- Triglycerid < 1,7 mmol/l.
- HDL-C > 1,3 mmol/l đối với nữ và HDL-C > 1.0 mmol/l đối với nam.
Các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2
Kiểm soát và ổn định lượng đường trong máu , giảm tối đa nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường là điều vô cùng quan trọng. Thông thường để kiểm soát đường huyết, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn bạn luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên nếu phương pháp điều trị không dùng thuốc không thành công hoặc mang đến kết quả không như mong đợi thì việc sử dụng thuốc điều trị tiểu đường là chỉ định bắt buộc.
Dựa trên cơ chế bệnh sinh, do tụy không sản xuất được insulin nên quá trình điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 chủ yếu dựa vào insulin đường tiêm. Đây chính là bệnh tiểu đường không sử dụng thuốc uống. Ngược lại, sử dụng thuốc hạ đường máu dạng viên chữa đái tháo đường chính là một biện pháp được ứng dụng phổ biến trong điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Hiện nay do sự phát triển không ngừng của các nghiên cứu và ngành Y học, các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 rất nhiều và rất đa dạng. Cụ thể:
1. Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 đường uống
Các thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 đường uống được phân ra thành nhiều nhóm, bao gồm:
Nhóm thuốc kích thích tuyến tụy bài tiết insulin (Sulphonylurea)
Sulfonylurea chính là nhóm thuốc có khả năng kích thích tuyến tụy sản sinh insulin để phục vụ cho quá trình điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc Sulfonylurea được chia thành những loại sau:
- Thế hệ 1: Những loại thuốc thuộc Sulfonylurea thế hệ 1 gồm Chlorpropamide, Tolbutamide, viên 500mg. Tuy nhiên do mang đến nhiều tác dụng phụ trong quá trình chữa bệnh nên thuốc Sulfonylurea thế hệ 1 ít được sử dụng.
- Thế hệ 2: Những loại thuốc thuộc Sulfonylurea thế hệ 2 gồm Gliclazid (Diamicron MR 60mg, Predian 80mg, Diamicron MR30 mg, Diamicron 80mg), Glibenclamid (Glibenhexal 3,5mg, Hemidaonil 2,5mg, Daonil 5mg), Glyburide, Glipizide (minidiab). Sulfonylurea thế hệ 2 được xác định là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tiểu đường.
Chỉ định
- Đái tháo đường tuýp 2 gầy hoặc có thể trạng trung bình. Khi điều trị cần phối hợp với Acarbose, Insulin,Metformin, Thiazolidinedion (TZD).
Chống chỉ định
Nhóm thuốc kích thích tuyến tụy bài tiết insulin (sulphonylurea) chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1
- Bệnh nhân bị suy gan nặng, suy thận
- Bệnh nhân bị đái tháo đường nhiễm toan ceton
- Có tiền sử hoặc đang dị ứng với sulfonylurea
- Phụ nữ mang thai.
Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị tiểu đường với Sulphonylurea
- Dị ứng
- Tăng cân
- Hạ đường huyết.
Liều lượng
- Bệnh nhân điều trị bắt đầu với liều thấp. Sau đó điều chỉnh liều dần theo đáp ứng.
Nhóm thuốc giảm đề kháng insulin, tăng nhạy cảm insulin ở ngoại vi
Nhóm thuốc giảm đề kháng insulin, tăng nhạy cảm insulin ở ngoại vi gồm những loại thuốc sau:
- Metformin
- Thiazolidinedione
- Biguanide.
Trong những loại thuốc nêu trên, Metformin (Glucophage, Metforan…) là thuốc duy nhất còn sử dụng.
Tác động chủ yếu của thuốc Metformin là ức chế quá trình sản xuất glucose diễn ra tại gan. Tuy nhiên cũng làm tăng mức độ nhạy cảm của insulin ngay tại mô đích ngoại vi. Loại thuốc điều trị này có thể giảm HbA1c đến 2% và tác động hạ glucose trong máu dao động trong khoảng từ 2 đến 4 mmol/l.
Khi sử dụng đơn độc, thuốc Metformin không gây hạ glucose máu do loại thuốc này không có khả năng kích thích chế tiết insulin của tụy.
Ngoài ra Metformin chính là loại thuốc được khuyến cáo sử dụng với mục đích chữa bệnh cho những bệnh nhân bị tiểu đường béo phì, thừa cân để làm gảm cân nặng hoặc duy trì cân nặng ở mức cho phép. Bên cạnh đó loại thuốc này còn có khả năng mang đến nhiều tác động có lợi trong quá trình giảm lipid máu.
Chỉ định
- Đái tháo đường tuýp 2. Đặc biệt là những người có rối loạn lipid máu, người béo phì hoặc thừa cân.
Chống chỉ định
Nhóm thuốc giảm đề kháng insulin, tăng nhạy cảm insulin ở ngoại vi không được khuyến cáo dùng cho các trường hợp:
- Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1
- Thiếu oxy tổ chức (suy hô hấp, suy thận)
- Bệnh nhân bị đái tháo đường nhiễm toan ceton
- Những người bị rối loạn chức năng gan, bị suy thận
- Phụ nữ đang mang thai
- Những người đang áp dụng chế độ ăn uống ít calo để giảm cân
- Người lớn trên 70 tuổi
- Những trường hợp trước và sau khi phẫu thuật.
Liều lượng
- Liều khuyến cáo: Dùng từ 500 – 2500 mg/ ngày, bệnh nhân uống thuốc sau bữa ăn
Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi chữa bệnh với nhóm thuốc giảm đề kháng insulin, tăng nhạy cảm insulin ở ngoại vi:
Tác dụng phụ trên đường tiêu hóa
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Tiêu chảy
- Đầy bụng.
Tác dụng phụ ít gặp
- Gây độc trên da
- Huyết học.
Metformin không làm phát sinh tác dụng phụ hạ đường máu hay nhiễm toan lactic.
Thuốc Thiazolidinediones (Pioglitazone)
Thiazolidinediones (Pioglitazone) là một nhóm thuốc có khả năng kích thích và làm tăng độ nhạy cảm của tổ chức mỡ và các cơ với insulin bằng cách tác động và hoạt hóa PPAR γ (peroxisome proliferator-acti
vated receptor γ). Chính vì thế làm tăng hiệu quả thu nạp glucose từ máu.
Thuốc Thiazolidinediones (Pioglitazone) làm tăng mức độ nhạy cảm của insulin ở mô mỡ, cơ vân. Đồng thời khiến quá trình sản xuất glucose từ gan bị cản trở.
Tên thuốc
- Pioglitazone 15 mmg, Pioglitazone 30 mg.
Liều dùng
- Liều khuyến cáo: Dùng 15 – 45 mg/ ngày.
Chỉ định
- Điều trị kết hợp với insulin, metformin hoặc sulfonylurea.
Chống chỉ định
- Những người có dấu hiệu mẫn cảm với thuốc và những thành phần có trong thuốc
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú
- Những người mắc bệnh gan
- Bệnh nhân bị suy tim.
Tác dụng phụ
Những tác dụng phụ dưới đây có thể phát sinh trong thời gian sử dụng thuốc Thiazolidinediones (Pioglitazone):
- Tăng cân.
- Thận trọng sử dụng cho những người có men gan cao hoặc bị viêm gan, mắc bệnh tim hoặc suy tim.
Nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase làm giảm khả năng làm hấp thu glucose
Enzyme Alpha – glucosidase có khả năng phá vỡ đường đôi (disaccharide) và chuyển sang thành đường đơn (monosaccharide). Ngoài ra nhóm thuốc này có khả năng ức chế Alpha – glucosidase. Do đó thuốc có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ monosaccharide. Điều này khiến hàm lượng glucose trong máu hạ thấp sau bữa ăn.
Nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase làm giảm khả năng làm hấp thu glucose gồm: Acarbose (Glucobay 100mg, Glucobay 50mg).
Chỉ định
Thông thường nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidas được chỉ định dùng cho những trường hợp tăng nhẹ đường huyết sau khi tăng nhẹ bữa ăn. Bệnh nhân điều trị đơn trị liệu kết hợp với những loại thuốc khác hoặc kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.
Cách sử dụng và liều lượng
Cách sử dụng và liều dùng nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase được hướng dẫn như sau:
- Uống thuốc sau khi sử dụng miếng cơm đầu tiên
- Bắt đầu với liều dùng thấp nhất
- Tăng dần liều dùng thuốc tùy theo mức độ tác dụng phụ hoặc đáp ứng với điều trị.
Tác dụng phụ
- Tiêu chảy
- Đầy trướng bụng
- Buồn nôn.
Nhóm thuốc Glinides (Repaglinid, Nateglinid)
Nhóm thuốc Glinides (Repaglinid, Nateglinid) có tác dụng làm giảm khả năng hấp thụ glucose hoặc làm chậm quá trình hấp thụ glucose sau bữa ăn.
Chỉ định
Nhóm thuốc Glinides (Repaglinid, Nateglinid) được chỉ định dùng cho những trường hợp tăng nhẹ lượng đường trong máu sau bữa ăn Uống thuốc khoảng từ 1 đến 10 phút trước bữa ăn chính.
Cách sử dụng
- Uống thuốc Glinides trước bữa ăn khoảng 15 phút.
Liều dùng
- Dùng thuốc Glinides theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tùy theo mức độ tác dụng phụ hoặc đáp ứng với điều trị, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn thay đổi thuốc điều trị.
Tác dụng phụ
Hạ đường huyết là tác dụng phụ có thể gặp trong thời gian chữa bệnh với thuốc Glinides.
Nhóm thuốc tác dụng trên hệ incretin
Nhóm thuốc tác dụng trên hệ incretin là những loại thuốc đồng phân GLP-1.
Tác dụng
Sau khi được đưa vào cơ thể GLP-1 sẽ di chuyển đến tụy, sau đó kích thích và đẩy nhanh quá trình tiết insulin của tuyến tụy. Điều này giúp một lượng vừa đủ insulin được tiết ra từ tuyến tụy. Đồng thời giúp nồng độ đường trong máu giảm xuống.
Chỉ định
Nhóm thuốc tác dụng trên hệ incretin được chỉ định dùng cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Những người có dấu hiệu tăng đường huyết sau ăn.
Liều lượng và cách sử dụng
- Sử dụng Exenatide (Byeta dạng bút tiêm)
- Sử dụng 5 hoặc 10mg/ lần x 2 lần/ ngày, tiến hành tiêm dưới da
- Sử dụng thuốc trước mỗi bữa ăn 60 phút.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ từ việc sử dụng nhóm thuốc tác dụng trên hệ incretin:
- Buồn nôn, xảy ra ở 15 – 30% trường hợp. Tuy nhiên tác dụng phụ này thường tự hết
- Khi sử dụng cùng với nhóm thuốc kích thích tụy tiết insulin, tình trạng hạ đường huyết gây nguy hiểm có thể xảy ra.
Nhóm thuốc ức chế DPP 4
Gliptin được xác định là nhóm thuốc ức chế enzym DPP-4 (Dipeptidylpeptidase-4). Loại thuốc này có khả năng kích thích và làm tăng nồng độ GLP1 nội sinh. Trong khi đó GLP1 có tác dụng kích thích và đảm bảo quá trình bài tiết insulin diễn ra. Đồng thời ức chế hoạt động bài tiết glucagon khi có dấu hiệu tăng lượng đường glucose trong máu sau khi ăn.
Chỉ định
- Những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2
- Bệnh nhân có dấu hiệu tăng đường huyết sau ăn.
Cách sử dụng và liều dùng
Sử dụng Sitagliptin như Januvia bằng đường uống. Uống viên 25mg, 50mg hoặc 100mg. Đối với bệnh nhân bị suy thận, liều dùng thuốc cần được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất
Liều dùng thuốc thông thường
- Liều khuyến cáo: Dùng từ 50 – 100mg/ ngày.
Tác dụng phụ
Nhóm thuốc ức
chế DPP 4 làm phát sinh những tác dụng phụ sau:
- Buồn nôn (xảy ra nhưng ít gặp hơn so với việc sử dụng thuốc đồng phân GLP -1)
- Đau họng
- Đau đầu.
Lựa chọn điều trị ban đầu
Đơn trị liệu:
- Tăng lipid máu máu, béo phì: Những người có dấu hiệu tăng lipid máu máu, béo phì nên lựa chọn nhóm Glitazone hoặc nhóm Metformin hay nhóm thuốc ức chế alpha glucosidase (bệnh nhân cần lưu ý mục chống chỉ định của từng nhóm thuốc.
- Đường huyết lúc đói đo được > 13.7 mmol/l, gầy: Những bệnh nhân có đường huyết lúc đói đo được > 13.7 mmol/l, gầy nên tiêm insulin hoặc chọn và sử dụng nhóm thuốc sulfonylurea.
- Có dấu hiệu tăng đường huyết sau khi ăn nhiều: Trong trường hợp có dấu hiệu tăng đường huyết sau khi ăn nhiều nên lựa chọn và sử dụng nhóm thuốc ức chế alpha – glucosidase.
- HbA1C > 11% hoặc/ và Đường huyết đo được > 16,5 mmol/l: Những trường hợp có HbA1C > 11% hoặc/ và Đường huyết đo được > 16,5 mmol/l cần được điều trị với insulin cho đến khi cơ thể ổn định mới sử dụng nhóm thuốc khác.
Phối hợp thuốc:
- Phối hợp thuốc khi thất bại, đơn trị liệu không đạt mục tiêu.
- Có thể tiêm insulin và phối hợp sử dụng nhiều nhóm thuốc uống khác nhau.
2. Tiêm Insulin điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Những trường hợp được liệt kê dưới đây thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định tiêm insulin
- Bắt buộc tiêm insulin với những người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường type 1.
- Chỉ định điều trị đái tháo đường type 2 khi có:
- Mất bù do nhiễm trùng, stress, căng thẳng, tăng đường huyết cùng với tăng ceton máu cấp nặng, vết thương cấp. Mất cân bằng và không có khả năng kiểm soát được lượng đường, suy gan, suy thận, khi có can thiệp ngoại khoa
- Thất bại hoặc bị dị ứng với thuốc hạ đường huyết dạng viên uống
- Tiểu đường thai kỳ
- Chỉ định tạm thời ngay khi kết quả chẩn đoán có HbA1c > 11%, đường huyết cao trên 14 – 16,5mmol/l (> 250 – 300 mg/dl)
- Tăng áp lực thẩm thấu hoặc mắc bệnh đái tháo đường hôn mê toan ceton
- Bệnh tiểu đường do bệnh lý tụy: Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt tụy, viêm tụy mạn…
- Trong những trường hợp nhu cầu tăng insulin của bệnh nhân tăng cao: Điều trị với corticoid hoặc một số loại thuốc gây tăng đường huyết khác.
Liều tiêm Insulin
- Liều tiêm insulin cần thiết đối với những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường type 1, dao động từ 0,5 – 1,0 UI/kg cân nặng.
- Liều khởi đầu: Tiêm 0,4 – 0,5UI/ kg trọng lượng/ ngày.
- Liều thông thường: Tiêm insulin dưới da từ 1 đến 2 lần trong ngày, dùng 0,6UI/ kg trọng lượng.
- Liều duy trì: Điều chỉnh liều dùng thuốc theo đáp ứng và kết quả dùng thuốc.
- Liều tiêm insulin đối với bệnh nhân bị đái tháo đường type 2
- Liều khởi đầu: Tiêm 0,2UI/ kg trọng lượng/ ngày.
- Liều duy trì: Tiêm 0,3 – 0,6 UI/ kg trọng lượng/ ngày.
- Liều tiêm insulin nền: Từ 0,1 – 0,2UI/ kg trọng lượng.
- Vị trí tiêm insulin: Để phòng ngừa thoái hóa mỡ dưới da chỗ viêm, bệnh nhân cần được thay đổi liên tục vị trí tiêm.
Phác đồ điều trị cụ thể khi sử dụng insulin thuốc tiêm
- Phác đồ 1 mũi Insulin: Người bệnh được chỉ định sử dụng phối hợp thuốc viên cùng với Insulin (liều dùng 1 mũi) hỗn hợp hoặc tác dụng trung gian trước bữa ăn tối. Hoặc Glargin/ một mũi Insulin tác dụng trung gian trước khi đi ngủ với liều dùng từ 0,1 – 0,2UI/kg trọng lượng.
- Phác đồ 2 mũi Insulin: Bệnh nhân sử dụng 2 mũi Insulin hỗn hợp (Insulatard, Novomix, Mixtard) hoặc 2 mũi Insulin trung gian, tiêm thuốc trước khi ăn sáng và tối. Cụ thể liều 1/3 trước bữa tối và liều 2/3 trước bữa sáng. Khi quá trình điều trị thất bại, chế độ sinh hoạt và chế độ ăn thất thường, hoặc trong quá trình điều trị cần kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu bệnh nhân cần áp dụng các phác đồ nhiều mũi insulin theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Phác đồ nhiều mũi Insulin:
- Tiêm Insulin 3 lần trong ngày: Đối với phác đồ nhiều mũi Insulin, bệnh nhân cần tiêm Insulin 3 lần trong ngày. Trong đó có 1 mũi Insulin bán chậm (Insulatard, Mixtard) và 2 mũi Insulin nhanh (Novopapid, Actrapid). Hoặc sử dụng 2 mũi Insulin nền/ Insulin bán chậm.
- Tiêm Insulin 4 lần trong ngày: Bệnh nhân tiêm 3 mũi Insulin tác dụng nhanh trước khi ăn (3 bữa sáng, trưa và tối) và tiêm Glargin (lantus) hoặc tiêm 1 mũi Insulin nền loại Insulatard trước khi đi ngủ (tốt nhất nên tiêm trước 21 giờ).
3. Điều trị bệnh và những yếu tố nguy cơ kèm theo
Bệnh nhân cần được tiến hành điều trị bệnh và những yếu tố nguy cơ kèm theo như điều trị tăng lipid máu, tăng huyết áp, điều trị các biến chứng với các loại thuốc và liều dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Để đảm bảo an toàn trong quá trình chữa bệnh với các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Sử dụng các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 đúng loại và đúng liều theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Cần uống thuốc đúng thời điểm được chỉ định.
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
- Tuyệt đối không lạm dụng thuốc và không kéo dài thời gian điều trị so với quy định.
- Cần kết hợp chặt chẽ việc sử dụng thuốc cùng với chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ sinh hoạt khoa học và điều độ để kiểm soát tốt lượng đường trong máu và phòng ngừa biến chứng phát sinh từ bệnh đái tháo đường.
- Việc sử dụng các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 nói riêng và thuốc điều trị bệnh tiểu đường nói chung có thể làm phát sinh tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng thuốc kéo dài, dùng thuốc với liều cao hoặc có chế độ ăn uống không phù hợp, đặc biệt là khi chữa bệnh với Insulin và Metformin.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết trong thời gian sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Cụ thể kiểm tra đường huyết lúc đói, kiểm tra đường huyết sau ăn và xét nghiệm HbA1c.
- Thận trọng trong việc sử dụng các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 cùng với một hoặc nhiều loại thuốc chữa bệnh khác để tránh mắc phải tình trạng tương tác thuốc gây nguy hiểm.
- Cần chú ý đến mục chống chỉ định trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc chữa bệnh tiểu đường nào để phòng ngừa phát sinh những rủi ro không mong muốn.
Việc điều trị bệnh tiểu đường cũng như kiểm soát lượng đường trong máu và phòng ngừa biến chứng phát sinh là một quá trình lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì. Bên cạnh đó, người bệnh không chỉ dựa vào các thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 mà cần phối hợp điều chỉnh chế độ ăn uống và thay đổi lối sống hợp lý.
Bài viết liên quan:
- Thuốc tiểu đường của Nhật Bản loại nào tốt? Giá bán?
- Các cây thuốc nam trị tiểu đường tốt và cách dùng
Xem thêm: Tiểu đường không nên ăn gì, ăn gì có lợi cho tiểu đường?
Tin mới nhất
- Ngón tay cò súng (hội chứng ngón tay bật)
- Ghép tụy điều trị bệnh tiểu đường: nên hay không nên?
- Những dấu hiệu bệnh tiểu đường dễ nhận biết cho bạn
- KHOÁ HỌC NẤU ĂN THỰC DƯỠNG GIA ĐÌNH
- Tác dụng của nấm lim xanh Tiên Phước với sức khỏe con người
- Bệnh viêm gan: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Kirkland Vitamin E 400 IU Review Tốt Không? Mua Ở Đâu Chính Hãng?
- Nổi mề đay sau sinh: Cách điều trị an toàn và những lưu ý sản phụ
- Khám phá những tác dụng của nấm lim xanh với sức khỏe con người
- COVID-19 tác động đến cơ thể con người như thế nào?
Video
- TIN TỨC UNG THƯ Phòng Ngừa và Giảm Tác Hại Do Bức Xạ Nhờ Nấm Linh Chi
- TIN TỨC UNG THƯ Tâm lý của bệnh nhân ung thư sẽ như thế nào khi biết mình mắc bệnh?
- CHĂM SÓC NGƯỜI UNG THƯ Bị viêm amidan nên làm gì để nhanh khỏi bệnh?
- TIN TỨC UNG THƯ Hội chứng tái dưỡng là gì? Những điều người ăn kiêng không nên bỏ qua