Viêm da cơ địa ở trẻ có xu hướng khởi phát nhiều trong những năm đầu đời và thường thuyên giảm khi trẻ trưởng thành. Tuy nhiên, nếu không can thiệp điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ địa. Việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, chăm sóc da là biện pháp quan trọng để giúp cha mẹ chăm sóc con và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh gì?
Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh lý viêm da mãn tính, thường khởi phát trong những năm đầu đời, tiến triển theo từng đợt. Bệnh đặc trưng bởi những tổn thương da dạng chàm và rất ngứa ngáy, khó chịu. Theo thống kê, có khoảng gần 60% trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ mắc bệnh trong những năm đầu đời và có khoảng 30% trường mắc bệnh trong 5 năm tiếp theo. Bệnh thường diễn tiến theo 2 mức độ: Cấp tính và mãn tính.
Trẻ nhỏ là đối tượng có làn da nhạy cảm và hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Ở giai đoạn cấp tính, các tổn thương da còn đi kèm với triệu chứng toàn thân khác như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và sốt cỏ khô.
Nguyên nhân trẻ bị viêm da cơ địa
Hiện các nguyên nhân gây viêm da cơ địa trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Yếu tố di truyền: Theo thống kê của Bộ Y tế, có đến 60% trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa có cha hoặc mẹ cũng có tiền sử mắc bệnh tương tự. Ngoài ra, trường hợp cha mẹ mắc các bệnh lý liên quan đến cơ địa như viêm mũi dị ứng, bệnh viêm da tiếp xúc, bệnh chàm tổ đỉa, hen suyễn,… con cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
- Hệ miễn dịch suy giảm, sức đề kháng kém: Trong những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị tác động bởi các tác nhân kích thích từ bên ngoài. Vì vậy, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh da liễu mãn tính như viêm da cơ địa, chàm sữa, viêm da dị ứng,…
- Phản ứng dị ứng: Trẻ có thể bị viêm da cơ địa do phản ứng dị ứng khi tiếp xúc với những tác nhân như thực phẩm có khả năng kích ứng (hải sản, đậu phộng, nấm,…), hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm chứa bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa, nấm mốc,…
- Khí hậu thời tiết lạnh, hanh khô: Viêm da cơ địa rất dễ bùng phát ở điều kiện thời tiết lạnh lẽo, hanh khô, độ ẩm thấp. Vào mùa đông, da khô hơn, làn da cũng trở nên nhạy cảm hơn. Vì vậy, da dễ bị kích ứng từ môi trường bên ngoài.
Trẻ bị viêm da cơ địa có triệu chứng gì?
Trẻ em bị viêm da cơ địa thường có những triệu chứng đặc trưng như tình trạng nổi nốt mề đay, mẩn ngứa màu hồng hoặc đỏ, da khô, sần sùi, bong tróc vảy trắng. Tuy nhiên, trên thực tế, tổn thương da ở trẻ do viêm da cơ địa thường có hình thái, kích thước đa dạng. Điều này phụ thuộc vào mức độ phát triển bệnh lý, cơ địa và độ tuổi của trẻ.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
- Da nổi các nốt ban đỏ hoặc hồng nhạt, hình móng ngựa ở hai bên má, cằm và trán.
- Xuất hiện các mụn nước kích thước nhỏ trên bề mặt da, sau một thời gian, các mụn nước này vỡ ra, chảy dịch, tạo thành trợt loét và tạo thành lớp vảy tiết.
- Da ngứa và sần sùi, vùng da tổn thương khô lại và bong tróc.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ em
- Vùng da tổn thương có dấu hiệu chuyển thành mảng lichen hóa: Da khô ráp, nứt nẻ, hình thành lớp tế bào sừng dày, có nhiều vết hằn).
- Tổn thương da xuất hiện chủ yếu ở các vùng da hay bị tỳ đè, cọ xát và có nhiều nếp gấp như mu bàn tay, bàn chân, khuỷu tay.
- Bệnh thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 2-12 tuổi.
Viêm da cơ địa ở trẻ em có lây không? Có nguy hiểm không?
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là bệnh da liễu mãn tính, có mối quan hệ mật thiết đến yếu tố di truyền và cơ địa. Tác nhân chính gây bệnh không phải do virus, vi khuẩn hay nấm men. Do đó bệnh không có khả năng lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trên da. Vì vậy, người bệnh viêm da cơ địa có thể sinh hoạt, tiếp xúc như bình thường.
Bệnh chủ yếu gây ra tổn thương ngoài da hoặc có thể đi kèm với một số triệu chứng sức khỏe khác. Do đặc tính kéo dài dai dẳng và dễ tái phát,nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Do ngứa ngáy nên trẻ thường gãi cào, chà xát trên da dẫn đến hình thành những vết trầy xước, vết thương hở trên da. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào, gây nhiễm trùng và tổn thương thứ phát. Viêm da cơ địa bội nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Trẻ biếng ăn, chậm lớn: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể khiến trẻ khó chịu, mất ngủ, biếng ăn và mệt mỏi, quấy khóc. Khi tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ sụt cân, chậm phát triển và suy dinh dưỡng.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cơ địa, di truyền: Viêm da cơ địa kéo dài có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của cơ địa trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa có thể gây bùng phát một số vấn đề sức khỏe có liên quan đến yếu tố cơ địa như viêm mũi dị ứng, sốt cỏ khô, hen suyễn,…
Do đó, để ngăn ngừa và phòng tránh những biến chứng do viêm da cơ địa gây ra, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da của bé, cha mẹ cần đưa ngay con đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em
Vì viêm da cơ địa có liên quan lớn đến yếu tố tự miễn và cơ địa của bệnh nhân nên hiện nay chưa có phương pháp nào chữa dứt điểm triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, nếu tích cực chăm sóc và điều trị, các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm rõ rệt và hạn chế tối đa mức độ và tần suất tái phát bệnh. Dưới đây là các biện pháp điều trị cho trẻ bị viêm da cơ địa phổ biến, bố mẹ có thể tham khảo:
Điều trị viêm da cơ địa ở bé bằng Tây y
Điều trị viêm da cơ địa trong Tây y chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc và áp dụng liệu pháp ánh sáng.
Viêm da cơ địa ở trẻ em dùng thuốc gì? – Một số nhóm thuốc phổ biến, thường được chỉ định khi trẻ gặp các tình trạng bệnh viêm da cơ địa có thể kể đến như:
- Dung dịch sát khuẩn và làm dịu tổn thương da: Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%; thuốc tím và xanh Methylen 1%, hồ nước, dung dịch Jarish,…
- Thuốc bôi ngoài da Corticoid, kháng sinh tại chỗ, thuốc bạt sừng axit salicylic,…
- Kem dưỡng ẩm (Eucerin, Atopalm, La Roche Posay,…) để dưỡng ẩm da, tăng cường khả năng phục hồi, tái tạo da, giảm bong tróc.
- Thuốc uống thường được chỉ định trong trường hợp em bé bị viêm da cơ địa mãn tính, đáp ứng kém với thuốc bôi tại chỗ. Một số thuốc uống trị viêm da cơ địa phổ biến như: thuốc kháng sinh Tetracyclin hoặc Erythromycinngừa viêm nhiễm; thuốc kháng histasmin nhóm H1 tiêu viêm, giảm ngứa; viên uống vitamin bổ sung,…
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, sức đề kháng còn yếu nên dễ gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc. Vì vậy, bố mẹ cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho con sử dụng thuốc.
Quang trị liệu:
Với những trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa mãn tính và đáp ứng kém thuốc điều trị, bác sĩ có thể chỉ định quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng) cho trẻ.Phương pháp này sử dụng tia UVA/ UVB chiếu trực tiếp lên vùng da tổn thương nhằm làm giảm tình trạng ngứa ngáy, dày sừng da, khô ráp trên da,…Tuy nhiên, biện pháp này cũng có nhược điểm là có thể làm da bị lão hóa sớm và làm tăng nguy cơ ung thư da.
Mẹo chữa viêm da cơ địa ở trẻ bằng dân gian tại nhà
Các trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ đều có mức độ diễn tiến từ cấp tính đến mãn tính. Vì vậy, ngoài sử dụng thuốc điều trị, bố mẹ có thể kết hợp với một số biện pháp điều trị tại nhà để làm giảm mức độ tổn thương trên da, hạn chế sử dụng thuốc. Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa cho trẻ nhỏ tại nhà gồm:
- Chườm lạnh trên da: Sử dụng túi chườm đá lạnh, khăn mát đắp trực tiếp lên vùng da tổn thương để làm giảm tình trạng ngứa ngáy, viêm ngứa trên da.
- Tắm tinh dầu khuynh diệp hoặc tràm trà: Tinh dầu khuynh diệp, tràm trà có khả năng sát trùng, giảm ngứa ngáy, sưng đỏ da. Vì vậy bố mẹ có thể cho vài giọt tinh dầu khuynh diệp hoặc tràm trà vào nước tắm để giảm bớt triệu chứng trên da của trẻ.
- Tắm cho trẻ bằng nước lá khế, lá tía tô, kinh giới, sài đất…: Các loại lá thảo dược này chứa hoạt chất chống ngứa và giảm viêm, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể sử dụng các loại lá này đun nước tắm hàng ngày cho trẻ.
Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ trong Đông y
Trong Đông y, bệnh viêm da cơ địa ở trẻ khởi phát là do cơ thể bị các yếu tố phong, thấp, nhiệt xâm nhập vào, trong đó chủ yếu là phong, lâu ngày sẽ sinh ra huyết táo, kết hợp với tình trạng cơ thể hư yếu, khí huyết không thông, sức đề kháng khiến cho da sinh dưỡng kém, dễ mắc các bệnh lý viêm da.
Vì vậy, Đông y điều trị bệnh dựa trên nguyên lý điều trị từ căn nguyên bên trong cơ thể, từ đó mới làm thuyên giảm triệu chứng bệnh ngoài da. Các bài thuốc Đông y tập trung vào giải độc, bồi bổ chức năng can tỳ thận, lấy lại sự cân bằng huyết khí, điều hòa ngũ tạng nhờ đó hệ miễn dịch cơ thể được nâng cao, đẩy lùi triệu chứng bệnh, hạn chế tối đa khả năng tái phát.
Thêm vào đó, các bài thuốc Đông y thường có thành phần từ các loại thảo dược tự nhiên, khá lành tính, ít gây ra tác dụng phụ nên thường rất an toàn cho trẻ. Đây cũng là một trong những ưu điểm nổi trội của phương pháp chữa bệnh Đông y.
Các bài thuốc Đông y được áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Một số bài thuốc chữa viêm da cơ địa bằng Đông y cho trẻ em phổ biến như:
- Bài thuốc số 1: Thành phần gồm mao truật, địa hoàng, kim ngân hoa, bồ công anh, sài đất, rau má, khúc khắc mỗi loại 12g; tần quy, cây cù đèn, kinh giới mỗi loại 10g, bỉnh phong, tri mẫu, hắc phong tử, thạch cao mỗi loại 8g, thiền thuế 6g và cam thảo bắc 4g đem sắc thuốc uống.
- Bài thuốc số 2: Thành phần gồm Bạch đảng sâm, dương cửu, sài đất, cây chuối nước, kim ngân hoa, rau má mỗi loại 12g; xích sâm 10g; hoàng liên, toái cốt tử mỗi loại 8g sắc uống hàng ngày.
- Bài thuốc số 3: Thành phần gồm rau má 30g; sơn kê mễ, mạch đông mỗi vị 20g; sài đất, hồng căn, đại liên tử mỗi loại 10g dùng sắc thuốc uống hàng ngày.
Các bài thuốc Đông y thường có tác dụng điều trị từ bên trong nên bố mẹ cần kiên trì cho con điều trị trong thời gian nhất định mới thấy hiệu quả. Ngoài ra, các bài thuốc Đông y trên thường có vị đắng, khá là khó uống, vì vậy phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi cho trẻ sử dụng.
Cách chăm sóc và phòng ngừa tái phát bệnh
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ dù đã được điều trị song nguy cơ tái phát vẫn cao. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp điều trị, phụ huynh nên kết hợp với cách chăm sóc da và chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh cho trẻ giúp hỗ trợ làm giảm thương tổn da và ngăn ngừa bệnh tái phát:
- Cắt ngắn móng tay, móng chân và không để trẻ gãi cào lên vùng da viêm nhiễm.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như: Khói bụi, nấm mốc, phấn hoa, mủ thực vật,…
- Lựa chọn quần áo, giày dép có chất liệu mềm mại, thoáng mát và thấm hút mồ hôi để tránh gây bí bách, gây đổ nhiều mồ hôi.
- Chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ ra ngoài trời khi thời tiết chuyển lạnh.
- Cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu để tăng cường sức đề kháng và hê miễn dịch cho trẻ. Bởi ngoài nguồn chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể tự nhiên giúp trẻ giảm bớt nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa và một số bệnh lý viêm nhiễm khác.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc và làm sạch da cho trẻ có nguồn gốc tự nhiên, lành tính, độ pH phù hợp cho da.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da bé để tránh tình trạng da khô, nứt nẻ.
Bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết về viêm da cơ địa ở trẻ. Hy vọng qua bài viết, phụ huynh đã có cho mình những kiến thức hữu ích về bệnh lý, biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho con. Để đảm bảo an toàn sức khỏe bé, bố mẹ nên đưa con thăm khám, điều trị y tế từ sớm.
Các liên kết hữu ích về BỆNH VIÊM DA mà chúng tôi đã tổng hợp được trên các trang Sở Y tế chính thống:
http://soyte.laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pho-bien-kien-thuc-y-te/thuoc-tri-benh-cham-cac-loai-thuoc-hieu-qua-nhat-hien-nay.html
http://soyte.laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pho-bien-kien-thuc-y-te/top-17-cach-tri-vay-nen-dan-gian-hieu-qua-an-toan.html
http://soyte.laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pho-bien-kien-thuc-y-te/cham-moi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-tri-benh-hieu-qua.html
http://soyte.laichau.gov.vn/tin-tuc-su-kien/pho-bien-kien-thuc-y-te/15-thuoc-tri-vay-nen-hieu-qua-va-pho-bien-nhat-hien-nay.html
Xem thêm: 9+ Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị thiếu canxi mẹ nên chú ý