Xét nghiệm tầm soát (Phát hiện sớm) ung thư : Những thông tin cần biết
Xét nghiệm tầm soát ung thư là phương pháp sử dụng các kỹ thuật khác nhau để đánh giá nguy cơ và phát hiện sớm tế bào ung thư. Hiện nay, phương pháp này có thể phát hiện hầu hết các loại ung thư thường gặp như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt,…
Xét nghiệm tầm soát ung thư là gì?
Xét nghiệm tầm soát ung thư ứng dụng các phương pháp khác nhau (xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, sinh thiết,…) để phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể. Hiện nay, các phương pháp này còn có thể phát hiện nguy cơ ung thư ngay cả khi tế bào chưa chuyển thành ác tính.
Chính vì vậy, tầm soát ung thư có thể dự đoán nguy cơ và phát hiện sớm các bệnh lý ung thư. Từ đó giúp bệnh nhân can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất và tăng khả năng điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Tầm soát ung thư phát hiện được bệnh lý nào?
Thực tế, tất cả các tế bào trong cơ thể đều có khả năng phát triển loạn sản và ác tính hóa. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, tầm soát ung thư có thể phát hiện sớm các bệnh lý như:
- Ung thư gan
- Ung thư dạ dày
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư đại tràng
- Ung thư phổi
- Ung thư vú
- Ung thư vòm họng
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Một số bệnh ung thư khác như u đa tủy xương, ung thư tinh hoàn, u tế bào crom, ung thư đường mật, ung thư bàng quang,…
Khi nào nên xét nghiệm tầm soát ung thư?
Tầm soát ung thư thường được khuyến khích thực hiện ít nhất 1 năm/ lần – đặc biệt là đối với người cao tuổi và người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động tầm soát định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ như mắc các bệnh mãn tính, chế độ ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt thất thường, đời sống tình dục phóng túng,…
1. Ung thư vú
Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên nếu phát hiện sớm, khối u sẽ nhanh chóng bị loại bỏ và hạn chế tối đa nguy cơ di căn sang những cơ quan khác.
Vì vậy, nên thực hiện tầm soát ung thư vú khi:
- Nữ giới từ 40 – 54 tuổi nên tầm soát ung thư vú 1 lần/ năm. Trong khi đó, phụ nữ trên 55 tuổi nên sàng lọc ung thư vú 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
- Tuy nhiên nếu có tiền sử gia đình (mẹ, bố, anh chị ruột) bị đột biến gen BRCA (nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vú) hoặc có tiền sử ung thư, nên tầm soát ung thư vú 1 – 2 lần/ năm từ năm 30 tuổi. Đồng thời cần chú ý biểu hiện ở vùng ngực và tiến hành thăm khám khi cần thiết.
2. Ung thư/ polyp đại trực tràng
Ung thư/ polyp đại trực tràng là loại ung thư thường gặp ở đường tiêu hóa, bên cạnh ung thư thực quản và ung thư dạ dày. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc các bệnh lý này có thể tăng lên theo độ tuổi. Do đó, nên chủ động tầm soát ung thư và polyp đại trực tràng trong những trường hợp sau:
- Người từ 45 tuổi nên thực hiện các biện pháp xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng 1 lần/ năm và cần duy trì đến năm 75 tuổi.
- Người cao tuổi (76 – 85 tuổi) chỉ tầm soát khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời không khuyến cáo sàng lọc cho người trên 85 tuổi vì nhóm đối tượng này hầu như không có khả năng phát triển ung thư ruột kết.
- Người từ 30 tuổi nên tầm soát ung thư và polyp đại trực tràng hằng năm khi bị đa polyp đại trực tràng, tiền sử gia đình mắc bệnh, nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán mắc hội chứng đa polyp hoặc hội chứng lynch có tính chất di truyền. Ngoài ra, người bị viêm đại tràng mãn tính hoặc từng xạ trị ở vùng chậu do các loại ung thư khác nên tầm soát thường xuyên.
3. Ung thư phổi
Trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi. Con số này tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây do ảnh hưởng của môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Theo dự đoán, mỗi ngày sẽ có khoảng 90 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi.
Chính vì vậy, nên chủ động tầm soát ung thư phổi để bảo vệ sức khỏe bản thân. Đặc biệt là trong những trường hợp sau:
- Người từ 55 – 74 tuổi có sức khỏe tốt, không hút thuốc lá hay sinh sống, làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất
- Người có thói quen hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc lá 15 năm quá cần tầm soát ít nhất 1 lần/ năm bất kể độ tuổi nào
- Có tiền sử hút thuốc từ 30 bao/ năm trở lên nên tầm soát 1 – 2 lần/ năm
4. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp ở nữ giới bên cạnh ung thư vú. Số lượng nữ giới mắc loại ung thư này đang có xu hướng tăng lên ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư chiếm vị trí thứ 4 và đang có xu hướng trẻ hóa.
Các đối tượng nên tầm soát ung thư cổ tử cung:
- Nữ giới từ 21 tuổi trở lên tầm soát ung thư cổ tử cung 1 lần/ năm
- Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi nên thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/ lần (thu thập mẫu nhỏ tế bào của bề mặt cổ tử cung, sau đó phết lên tấm lam và kiểm tra dưới kính hiển vi)
- Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/ lần cùng với xét nghiệm HPV 5 năm/ lần.
- Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên cần tầm soát ung thư cổ tử cung liên tục trong 10 năm. Nếu sau 10 năm không có dấu hiệu bất thường, có thể ngưng sàng lọc.
- Hiện nay, tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phụ nữ đã tiêm vaccine ngừa HPV vẫn cần sàng lọc ung thư theo nhóm tuổi.
5. Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư thường gặp ở nam giới. Tương tự như ung thư vú, loại ung thư này có xu hướng gặp nhiều ở nam giới cao tuổi.
Do đó, nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt trong những trường hợp sau:
- Nam giới từ 50 tuổi nên thực hiện tầm soát ung thư tuyến tiền liệt 1 lần/ năm
- Nam giới từ 45 tuổi bắt đầu sàng lọc ung thư nếu có bố và anh em ruột bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện tầm soát các loại ung thư khác nếu có người thân cận huyết được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư có khả năng di truyền. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cân nhắc, đánh giá tình trạng sức khỏe và yêu cầu thực hiện sàng lọc ung thư đối với những đối tượng có nguy cơ cao.
Các xét nghiệm được thực hiện để tầm soát ung thư
Hiện nay, có nhiều phương pháp được thực hiện để phát hiện sớm tế bào ác tính. Với mỗi loại ung thư, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Ngoài ra, số lượng xét nghiệm được chỉ định còn phụ thuộc vào kết quả của các xét nghiệm cơ bản và độ tuổi của người thực hiện.
1. Xét nghiệm tầm soát ung thư vú
Để phát hiện sớm tế bào ung thư vú, cần thực hiện các xét nghiệm sau:
- X-Quang tuyến vú: X-Quang là xét nghiệm hình ảnh được áp dụng để tầm soát ung thư vú. Kỹ thuật này sử dụng chùm tia X có cường độ thấp chiếu vào các mô vú nhằm ghi lại hình ảnh của tuyến vú. X-Quang tuyến vú giúp phát hiện khối u ác tính ở vú ngay cả trong giai đoạn sớm.
- MRI tuyến vú: MRI tuyến vú thường được chỉ định đối với nữ giới có nguy cơ cao bị ung thư vú (tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú). Xét nghiệm hình ảnh này sử dụng cộng hưởng từ ghi lại hình ảnh chi tiết của mô vú. Ngoài ra, MRI tuyến vú cũng có thể được chỉ định khi nữ giới từng thực hiện xạ trị vùng ngực trước 30 tuổi hoặc có mô tuyến vú rất dày và không thể quan sát được bằng X-Quang tuyến vú.
- Siêu âm vú: Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để quan sát mô của bầu ngực, từ đó phát hiện các tổn thương sâu nằm bên trong. Siêu âm vú được thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng và có thể phát hiện được ung thư vú ngay từ những giai đoạn đầu.
- Xét nghiệm gen: Thực tế, người bị ung thư vú thường mang các gen đột biến như BRCA1 và BRCA2. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm gen để đánh giá nguy cơ bị ung thư vú và kịp thời xử lý nếu khối u đã hình thành.
- Sinh thiết vú: Sinh thiết vú được thực hiện khi các xét nghiệm hình ảnh không thể quan sát được mô vú một cách chi tiết. Để tầm soát ung thư, bác sĩ sẽ thu thập 1 mẫu mô nhỏ ở vú và kiểm tra dưới kính hiển vi.
2. Các xét nghiệm tầm soát polyp, ung thư đại trực tràng
Để tầm soát polyp và ung thư đại trực tràng, cần thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm miễn dịch hóa phân (FIT): FIT được thực hiện hằng năm cho người từ 45 tuổi trở lên để phát hiện sớm ung thư và polyp đại trực tràng. Xét nghiệm này được thực hiện thông qua mẫu phân. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nhằm phát hiện lượng máu nhỏ ẩn trong phân và tìm kiếm kháng thể có trong máu.
- Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng được thực hiện khi xét nghiệm FIT cho kết quả bất thường. Đối với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi có gắn camera ở đầu, đưa vào hậu môn – trực tràng nhằm quan sát tình trạng bên trong ruột già. Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện khối u ác tính và polyp ngay cả trong những giai đoạn đầu. Ngoài ra khi nội soi, bác sĩ cũng có thể tiến hành sinh thiết mô để làm xét nghiệm nhằm đánh giá nguy cơ ác tính hóa tế bào.
- Xét nghiệm ADN trong phân: Người bị ung thư, polyp đại trực tràng thường có ADN đột biến trong tế bào và một lượng nhỏ tế bào đột biến có thể tồn tại trong phân. Xét nghiệm ADN trong phân giúp phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư ngay cả khi khối u chưa phát triển. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ sẽ đề nghị nội soi trước khi đưa ra chẩn đoán.
- Chụp CT: CT (Chụp cắt lớp vi tính) cũng có thể được áp dụng để tầm soát ung thư và polyp đại trực tràng. Hình ảnh từ CT cho phép bác sĩ quan sát tổ chức của ruột kết, từ đó phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, hình ảnh từ CT không thực sự chi tiết nên chỉ được thực hiện trong trường hợp bệnh nhân không thể nội soi.
3. Các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung
Nguy cơ bị ung thư cổ tử cung có xu hướng tăng lên theo độ tuổi. Do đó, nữ giới từ 21 tuổi trở nên sàng lọc ung thư đều đặn mỗi năm. Tùy theo độ tuổi của bệnh nhân, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm Pap: Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên được khuyến khích thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/ lần. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách thăm khám âm đạo và cổ tử cung thông qua mỏ vịt, sau đó sử dụng thiết bị lấy mẫu tế bào cổ tử cung và đem xét nghiệm. Xét nghiệm Pap giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường và kịp thời điều trị khi tế bào chuyển sang ác tính.
- Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm HPV được khuyến cáo thực hiện 5 năm/ lần đối với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách sinh thiết mô tại dịch phết cổ tử cung hoặc những vị trí xuất hiện thương tổn bên trong cơ quan sinh dục của nữ giới. Sau đó đem tế bào xét nghiệm trên máy sinh học phân tử để xác định nguy cơ ung thư. Xét nghiệm này có thể phát hiện sự hiện diện của HPV chủng 13 và 14 – nguyên nhân phổ biến gây ung thư cổ tử cung.
4. Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày thường gặp ở người bị viêm loét dạ dày tá tràng trên 10 năm – đặc biệt là những đối tượng dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc bệnh lý này cũng cần sàng lọc ung thư thường xuyên.
Các xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày, bao gồm:
- Siêu âm dạ dày: Hình ảnh từ siêu âm giúp bác sĩ phát hiện các khối u ác tính hoặc polyp ở dạ dày, thực quản. Tuy nhiên, xét nghiệm này cho hình ảnh tương đối hạn chế. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị nội soi dạ dày đối với những trường hợp có nguy cơ cao.
- Nội soi dạ dày: Nội soi dạ dày sử dụng ống nội soi nhỏ có camera ở đầu đưa vào miệng hoặc đường mũi. Camera có khả năng ghi lại hình ảnh bên trong dạ dày và tá tràng. Qua các hình ảnh này, bác sĩ có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường và đánh giá có sự hiện diện của khối u hay không.
- Sinh thiết: Khi nội soi, bác sĩ có thể lấy sinh thiết mô để đem xét nghiệm. Biện pháp này giúp phát hiện các tế bào đột biến, đánh giá nguy cơ ung thư ngay cả khi tế bào chưa loạn sản và chuyển sang giai đoạn ác tính.
- Xét nghiệm khác: Trong trường hợp phát hiện khối u bất thường ở dạ dày, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT, X-Quang, xét nghiệm máu để đánh giá khối u lành tính hay ác tính và định hướng phương án điều trị phù hợp.
5. Các xét nghiệm tầm soát ung thư gan
Ung thư gan là một trong những loại ung thư ở đường tiêu hóa phổ biến, chỉ đứng thứ 2 sau ung thư dạ dày. Bệnh lý này thường gặp ở người có bệnh gan mãn tính, uống rượu bia thường xuyên và hút thuốc lá trong nhiều năm.
Các xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư gan:
- Xét nghiệm AFP: AFP (alpha-fetoprotein) là một chất có trong cơ thể người với nồng độ rất nhỏ. Tuy nhiên, nồng độ AFP có thể tăng lên đột ngột khi mang thai hoặc khi mắc các bệnh lý về gan. Xét nghiệm AFP giúp bác sĩ phát hiện bệnh xơ gan, viêm gan và ung thư gan. Đối với người bị ung thư gan, chỉ số AFP thường cao hơn 200ng/ ml.
- Xét nghiệm hình ảnh: Bên cạnh xét nghiệm AFP, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm và chụp X-Quang để tìm sự hiện diện của khối u bất thường. Ngoài ra, xét nghiệm hình ảnh còn giúp đánh giá tiến triển của các bệnh về gan và định hướng phương án điều trị phù hợp.
- Sinh thiết gan: Sinh thiết gan ít khi được chỉ định trong tầm soát ung thư gan – trừ những trường hợp thực sự cần thiết. Kiểm tra tế bào gan có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư gan và phát hiện các tế bào đột biến.
6. Các xét nghiệm sàng lọc ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng xảy ra khi các tế bào ở vòm họng phát triển bất thường và tạo thành khối u ác tính. Loại ung thư này thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi có thói quen uống rượu bia và hút thuốc lá trong thời gian dài.
Các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư vòm họng, bao gồm:
- Nội soi NBI: Nội soi NBI (nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) là xét nghiệm hình ảnh được áp dụng để sàng lọc ung thư vòm họng. Phương pháp này sử dụng dải màu nhất định để tương phản hình ảnh niêm mạc và các mô ở cổ họng, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi tiến triển của tế bào ác tính.
- Sinh thiết vòm họng: Sinh thiết vòm họng được thực hiện nhằm phát hiện các tế bào đột biến và đánh giá nguy cơ ung thư của bệnh nhân.
- Xét nghiệm máu: Nhiễm virus EBV là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng. Xét nghiệm máu có thể phát hiện được sự hiện diện của virus thông qua kháng nguyên hoặc kháng thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể thử phản ứng huyết thanh IgA/ VCA, IgA/ EA và IgA/ EBNA để tiên lượng bệnh và đề xuất hướng điều trị phù hợp.
7. Các xét nghiệm tầm soát ung thư khác
Đối với mỗi loại ung thư, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Ban đầu, bác sĩ thường đề nghị thực hiện các xét nghiệm lâm sàng trước khi can thiệp kỹ thuật cận lâm sàng.
Một số xét nghiệm tầm soát ung thư khác:
- Ung thư phổi: Để phát hiện sớm ung thư phổi, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang lồng ngực, xét nghiệm CYFRA 21-1,… Nếu phát hiện khối u, bệnh nhân cần chụp CT để xác định vị trí và kích thước khối u.
- Ung thư thực quản: Tầm soát ung thư thực quản bao gồm các phương pháp như nội soi thực quản, chụp X-Quang và xét nghiệm máu xác định các chất chỉ điểm khối u như Pepsinogen, SCC, CA19-9, CA 72-4, CEA, sinh thiết,… Khi đã phát hiện tế bào ung thư, cần thực hiện chụp cắt lớp vi tính CT để đánh giá kích thước, vị trí và xác định ung thư đã di căn hay chưa.
- Ung thư tuyến tiền liệt: Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bao gồm các phương pháp như chụp CT, xét nghiệm máu theo phương pháp PSA, siêu âm và sinh thiết mô.
- Ung thư tuyến giáp: Để sàng lọc ung thư tuyến giáp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm hormone tuyến giáp để đánh giá chức năng tuyến giáp, siêu âm, xạ hình tuyến giáp và sinh thiết mô.
- Ung thư tuyến tụy: Đối với ung thư tuyến tụy, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu nhằm tìm ra chất chỉ điểm khối u CA 19-9. CA 19-9 là kháng nguyên carbohydrate nằm trên bề mặt của các tế bào ác tính. Việc xác định chất chỉ định CA 19-9 có thể phát hiện được ung thư tuyến tụy và ung thư gan – mật.
Quy trình tầm soát ung thư
Tầm soát ung thư bao gồm 3 bước chính:
1. Thăm khám lâm sàng
Trước khi chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe, khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình. Ngoài ra, bác sĩ có thể thu thập một số triệu chứng bất thường mà bệnh nhân gặp phải để khoanh vùng những nguy cơ có thể xảy ra.
2. Thực hiện xét nghiệm cơ bản
Các xét nghiệm cơ bản được thực hiện để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Các xét nghiệm này có thể được thực hiện theo mong muốn của bệnh nhân hoặc cũng có thể là yêu cầu của bác sĩ (tùy trường hợp). Các xét nghiệm cơ bản thường là xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa,…
3. Chẩn đoán hình ảnh
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, CT, siêu âm và X-Quang,… để phát hiện các khối u bất thường. Ngoài ra, chẩn đoán hình ảnh còn giúp bác sĩ xác định vị trí, kích thước khối u và đánh giá tình trạng di căn của tế bào ung thư.
Vì sao cần xét nghiệm tầm soát ung thư?
Không giống với các bệnh truyền nhiễm, ung thư là bệnh lý có tiến triển chậm. Quá trình biến đổi và ác tính hóa tế bào có thể diễn ra trong 3 – 7 năm và hầu như không gây ra các triệu chứng điển hình. Các triệu chứng của bệnh tương đối mờ nhạt và rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý thông thường.
Do đó, đa phần bệnh nhân bị ung thư đều chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Tuy nhiên ở giai đoạn này, khả năng điều trị khỏi là rất thấp vì tế bào đột biến đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể (còn được gọi là giai đoạn ung thư di căn).
Chính vì vậy, tầm soát ung thư có vai trò quan trọng trong phát hiện sớm mầm móng ung thư – ngay cả khi tế bào chưa chuyển thành ác tính. Việc phát hiện ung thư sớm giúp tăng khả năng điều trị dứt điểm, giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh, hạn chế gánh nặng về kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
Ngoài ra, tầm soát ung thư định kỳ còn giúp bệnh nhân tránh được cảm giác lo lắng về sức khỏe của bản thân – đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cần biết về xét nghiệm tầm soát ung thư. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về phương pháp này và chủ động trong việc sàng lọc ung thư để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Xem thêm: TOP 12 bài thuốc dân gian chữa viêm xoang mãn tính bác sĩ khuyên dùng
Tin mới nhất
- Viêm khớp ngón tay cái là gì? Có chữa khỏi không? Cách điều trị
- Đa polyp gia đình (FAP)
- Rối loạn điện giải: Hiểu rõ để phòng ngừa sớm
- Nước xạ đen có tác dụng chữa bệnh gì? Lưu ý khi dùng nước xạ đen
- Bữa trưa ăn gì? Gợi ý 8 món ăn trưa ngon lành, bổ dưỡng
- Tìm hiểu về bệnh ung thư vú
- Cách dùng lá xạ đen khô? Những lưu ý khi sử dụng lá xạ đen
- Nhục thung dung và những bài thuốc dân gian quý hiếm không nên bỏ qua
- Thoái hóa khớp vai
- Ợ hơi khó thở – Biểu hiện, những cách chữa trị và lưu ý cho người bệnh