Ngứa hậu môn – Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Hiện tượng ngứa hậu môn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như vệ sinh kém, tác dụng phụ của thuốc điều trị, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn,… Tuy nhiên trước khi tiến hành điều trị, cần xác định nguyên nhân cụ thể để lựa chọn biện pháp khắc phục tương ứng.

Triệu chứng ngứa hậu môn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

Hiện tượng ngứa hậu môn – Dấu hiệu nhận biết?

Hậu môn là phần cuối cùng của cơ quan tiêu hóa, có vai trò đào thải phân ra bên ngoài. Ngứa hậu môn xảy ra khi vùng da bên trong và xung quanh hậu môn bị ngứa ngáy, khó chịu và có thể đi kèm với một số biểu hiện như sưng viê, đỏ, tấy, nhức, tụ mủ, chảy máu hoặc dịch.

Ngứa hậu môn có thể xảy ra vào ban đêm, sau khi đi vệ sinh hoặc xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Các nguyên nhân khiến bạn bị ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn cho thấy vùng da xung quanh và bên trong của hậu môn bị kích thích và tổn thương. Vì vậy cần tiến hành xác định nguyên nhân để tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến vùng hậu môn bị kích thích và ngứa ngáy, bao gồm:

1. Vệ sinh kém

Vệ sinh kém là một trong những nguyên nhân khiến vùng da ở hậu môn ngứa ngáy và sưng viêm. Hậu môn là nơi phóng thích chất thải (chủ yếu là phân) ra khỏi cơ thể.

Vì vậy nếu không vệ sinh đúng cách, phân có thể tích tụ tại niêm mạc và gây ngứa ngáy. Trong trường hợp để kéo dài, niêm mạc hậu môn có thể bị ngứa ngáy dữ dội và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

2. Bệnh trĩ (lòi dom)

Bệnh trĩ (cách gọi dân gian: bệnh lòi dom) là hiện tượng tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn bị giãn, gây ra hiện tượng xung huyết.

Hậu môn bị ngứa và viêm kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh trĩ (bệnh lòi dom)

Ban đầu, bệnh trĩ biểu hiện bằng triệu chứng ngứa/ kích thích nhẹ ở vùng hậu môn. Sau đó cơ quan này có thể bị sưng, khó chịu và đau nhức do huyết khối hình thành tại búi trĩ. Ngoài ra ở những người mắc bệnh trĩ, hậu môn có thể bị đau rát và chảy máu sau khi đi đại tiện.

3. Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là tình trạng niêm mạc hậu môn xuất hiện vết rách sau khi đi đại tiện. Bệnh lý này thường xảy ra ở người có chế độ ăn ít chất xơ, thường xuyên hút thuốc lá, trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai.

Vết nứt ở hậu môn thường gây khó chịu, ngứa ngáy, sưng viêm và đau rát. Khi đại tiện, vết rách có thể bị kích thích, dẫn đến hiện tượng chảy máu.

4. Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là hiện tượng tổn thương da do tiếp xúc vật lý với dị nguyên (tác nhân gây dị ứng). Vùng da ở hậu môn có thể bị viêm và ngứa ngáy do tiếp xúc xà phòng hoặc ma sát với quần lót.

Nếu ngứa hậu môn do viêm da tiếp xúc, bạn dễ dàng nhận thấy vùng da quanh hậu môn có dấu hiệu đỏ, ngứa ngáy và xuất hiện các mụn nước li ti.

5. Nhiễm giun kim

Nhiễm giun kim là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Giun kim là loài ký sinh trùng sinh sống chủ yếu tại hậu môn của người.

Vào ban đêm, giun cái sẽ di chuyển đến hậu môn và đẻ trứng tại nếp gấp của cơ quan này. Trong quá trình đẻ trứng, giun có thể tiết ra chất gây kích thích và ngứa ngáy vùng hậu môn. Vì vậy nếu ngứa hậu môn do nhiễm giun kim, bạn sẽ nhận thấy triệu chứng xuất hiện chủ yếu vào ban đêm.

6. Tiêu chảy mãn tính

Tiêu chảy mãn tính thường là triệu chứng do hội chứng ruột kích thích, chế độ ăn không đảm bảo hoặc đại tràng bị tổn thương.

Tiêu chảy mãn tính có thể tăng ma sát lên thành niêm mạc và khiến hậu môn bị ngứa, kích thích

Tiêu chảy kéo dài gây tổn thương vùng niêm mạc hậu môn và kích thích phản ứng ngứa ngáy. Ngoài ra ở người bị tiêu chảy mãn tính, tần suất đại tiện thường cao hơn bình thường. Vì vậy phân có thể ma sát với hậu môn và làm tăng nguy cơ ngứa ngáy cơ quan này.

7. Dấu hiệu tiền mãn kinh

Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thường có nồng độ estrogen thấp. Khi hormone nữ suy giảm, âm đạo thường có xu hướng tiết nhiều dịch nhầy. Dịch này không chỉ gây ngứa ngáy âm đạo mà còn kích thích niêm mạc hậu môn.

Trong trường hợp ngứa hậu môn do tiền mãn kinh, bạn có thể nhận thấy một số dấu hiệu đi kèm khác như mệt mỏi, da khô, kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, muộn phiền, mất ngủ,…

8. Sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng toàn bộ/ một phần trực tràng bị lộn lại và đi ra ngoài qua hậu môn. Sa trực tràng được làm 2 loại, bao gồm sa toàn bộ và sa niêm mạc.

Sa trực tràng có thể khiến hậu môn bị ngứa, có cảm giác sà xuống và chảy máu khi đại tiện

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết sa trực tràng là vùng hậu môn bị kích thích, ngứa ngáy và có cảm giác sà xuống. Bên cạnh đó bệnh có gây táo bón, đi tiêu nhiều lần, chảy máu khi đi đại tiện,…

9. Khối u ở hậu môn

Khối u (u lành/ u ác tính) ở hậu môn cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa ngáy và khó chịu. Ngoài ra, sự xuất hiện của khối u ở cơ quan này còn gây ra tình trạng chảy máu khi đại tiện, người mệt mỏi, chán ăn và gầy sút.

Nếu khối u lành tính, bạn có thể điều trị bằng cách phẫu thuật. Tuy nhiên với trường hợp u ác, cần tiến hành thăm khám để xác định mức độ và tiến triển của khối u trước khi chỉ định điều trị.

10. Nhiễm nấm/ vi khuẩn do quan hệ đồng giới nam

Quan hệ qua đường hậu môn (quan hệ đồng giới nam) có thể gây ngứa ngáy hậu môn do nhiễm nấm Candida hoặc lậu cầu. Tình trạng này xảy ra khi không sử dụng bao cao su hoặc quan hệ với những đối tượng mắc các bệnh lây nhiễm.

Ngoài triệu chứng ngứa ngáy, nhiễm vi khuẩn và nấm ở hậu môn còn gây chảy máu, đau rát, tiết dịch/ mủ và đau khi đại tiện.

11. Các nguyên nhân khác

Bên cạnh đó, ngứa hậu môn còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như:

Ngoài ra hiện tượng hậu môn bị ngứa có thể khởi phát do căng thẳng, mang thai hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng
  • Căng thẳng thần kinh
  • Mang thai
  • Biến chứng của bệnh tiểu đường
  • Thường xuyên bị táo bón
  • Thừa cân – béo phì
  • Quần lót không được vệ sinh kỹ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Ăn thực phẩm gây kích ứng
  • Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Bị ngứa hậu môn có nguy hiểm không?

Ngứa hậu môn là triệu chứng thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu do mang thai, vệ sinh vùng kín kém, dấu hiệu tiền mãn kinh,… triệu chứng này có thể dễ dàng được cải thiện.

Ngược lại trong trường hợp triệu chứng khởi phát do khối u ở hậu môn, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng,… bạn cần tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất. Ngứa hậu môn kéo dài có thể gây nhiễm trùng, áp xe và hoại tử niêm mạc.

Ngoài ra với một số nguyên nhân nghiêm trọng (ung thư hậu môn), bệnh nhân có thể tử vong hoặc gặp phải các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị từ sớm.

Các cách điều trị ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy để khắc phục dứt điểm triệu chứng này, cần tiến hành điều trị nguyên nhân bệnh lý.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thuốc trị ngứa hậu môn hoặc áp dụng bài thuốc nam và Đông y để làm giảm triệu chứng này.

1. Sử dụng thuốc trị ngứa hậu môn

Thuốc trị ngứa hậu môn thường được thoa trực tiếp lên da hoặc dùng ở đường uống để làm giảm hiện tượng sưng viêm và ngứa ngáy. Tuy nhiên bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trước khi chỉ định loại thuốc tương ứng.

Có thể sử dụng thuốc kháng H1, thuốc bôi chứa Oxide kẽm và hydrocortisone để giảm ngứa hậu môn

Các loại thuốc có thể được sử dụng:

  • Thuốc bôi dưỡng ẩm: Với những trường hợp bị nứt kẽ hậu môn do da khô, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc bôi dưỡng ẩm để hạn chế vết nứt và giảm ngứa ngáy.
  • Thuốc bôi chứa Oxide kẽm: Oxide kẽm có tác dụng sát trùng, giảm viêm và hạn chế ngứa ngáy. Loại thuốc bôi này thường được sử dụng cho hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn.
  • Thuốc bôi chứa hydrocortisone: Loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa và viêm mạnh, thường được chỉ định khi vùng hậu môn bị sưng viêm và xung huyết.
  • Thuốc kháng histamine H1: Với những trường hợp ngứa ngáy nặng vào ban đêm (chủ yếu là do nhiễm giun kim), bạn có thể sử dụng thuốc kháng H1 đường uống để giảm triệu chứng này.

2. Mẹo chữa ngứa hậu môn với thuốc Nam

Thuốc Nam là thuật ngữ bao gồm các loại thảo dược sinh sống và có nguồn gốc từ nước ta. Với tình trạng ngứa hậu môn, dân gian đã tận dụng các thảo dược có đặc tính sát trùng, giảm ngứa và chống viêm để cải thiện cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.

Nước ép tỏi có khả năng chống viêm, sát trùng và giảm tình trạng hậu môn bị ngứa do nhiễm giun kim
  • Nước ép tỏi: Dùng 1 – 2 củ tỏi, bóc vỏ, giã nát và thêm vào một ít nước. Sau đó rửa sạch hậu môn và thoa nước ép tỏi vào, thực hiện 2 – 3 lần để giảm ngứa hậu môn. Cách này thích hợp với trường hợp kích thích hậu môn do nhiễm giun kim.
  • Đắp rau diếp cá: Rau diếp cá có tính mát, giảm viêm và ngứa ngáy. Sử dụng diếp cá giã nát đắp trực tiếp lên hậu môn có thể giảm sưng viêm, đau rát và ngứa ngáy. Ngoài ra, hợp chất thực vật từ rau diếp cá còn hỗ trợ làm bền thành mạch và hạn chế hiện tượng xung huyết. Mẹo giảm ngứa hậu môn bằng diếp cá thích hợp với bệnh nhân trĩ, sa trực tràng và nứt kẽ hậu môn.
  • Thoa bột nghệ: Hàm lượng curcumin trong nghệ có thể giảm ngứa, viêm và phục hồi tổn thương ở hậu môn. Vì vậy bạn có thể hòa bột nghệ với nước, thoa trực tiếp lên hậu môn và rửa lại bằng nước sạch.

Các cách giảm ngứa hậu môn
bằng thuốc Nam thường dễ thực hiện, an toàn và ít tốn kém. Tuy nhiên tác dụng của những biện pháp này thường chậm phát huy, vì vậy bạn cần kiên trì khi thực hiện.

3. Áp dụng bài thuốc Đông y

Ngoài các mẹo chữa từ thuốc Nam, bạn cũng có thể làm giảm ngứa ngáy hậu môn với các bài thuốc từ Đông y sau đây.

Đông y điều trị ngứa hậu môn với bài thuốc uống, thuốc đặt, xông và rửa

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do nhiễm giun kim

Bài thuốc này thích hợp với người bị ngứa ngáy dữ dội vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và khiến cơ thể suy nhược.

  • Bài thuốc uống: Chuẩn bị nam qua tử nhân và tân lang, mỗi thứ 15g. Sắc uống liên tục trong 3 ngày, nên uống khi đói.
  • Bài thuốc đặt: Dùng hặc sắt và bách bộ mỗi thứ 15g, khổ luyện căn bì 30g. Đem các vị tán bột, sau đó đựng trong viên nang. Trước khi ngủ, vệ sinh hậu môn với nước ấm và đặt viên thuốc vào bên trong.
  • Bài thuốc rửa: Chuẩn bị khổ sâm, hặc sắc và bách bộ mỗi thứ 15g và hoa tiêu 6g. Đem các vị sắc thành nước và dùng để rửa hậu môn trước khi ngủ.

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do thấp nhiệt

Ngứa hậu môn do thấp nhiệt đặc trưng bởi tình trạng vùng da xung quanh hậu môn nóng đỏ, ngứa ngáy và khó chịu.

  • Bài thuốc xông rửa: Chuẩn bị khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 15g. Sắc đặc, sau đó dùng để xông và rửa hậu môn.
  • Bài thuốc đặt: Chuẩn bị khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 30g. Sắc thuốc trong 2 giờ, sau đó trộn với 6g bột hùng hoàng và vo lại thành 15 viên. Tối trước khi đi ngủ nhét vào bên trong hậu môn.

Biện pháp chăm sóc khi vùng hậu môn bị ngứa

Ngoài các biện pháp điều trị, bạn nên kết hợp với chế độ chăm sóc để làm dịu niêm mạc hậu môn, từ đó làm giảm ngứa ngáy và khó chịu.

Uống nhiều nước để làm mềm phân và hạn chế tình trạng kích thích hậu môn khi đại tiện

Các biện pháp chăm sóc khi vùng hậu môn bị ngứa ngáy, bao gồm:

  • Cần vệ sinh hậu môn và vùng kín đúng cách. Nên rửa với nước sạch/ nước muối loãng và lau khô bằng khăn.
  • Hạn chế gãi hậu môn hoặc mặc quần lót quá chật. Trong thời gian điều trị, bạn nên ưu tiên những bộ trang phục có chất liệu thoáng mát và kích cỡ phù hợp.
  • Thay thế xà bông tắm, nước xả vải hoặc giấy vệ sinh nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân khiến vùng da ở hậu môn bị kích thích và ngứa ngáy.
  • Giặt quần lót sạch sẽ và phơi khô dưới ánh nắng để tiêu diệt vi khuẩn tiềm ẩn.
  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, đồng thời nên xây dựng thói quen tình dục an toàn để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
  • Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm hạn chế táo bón. Bên cạnh đó nên kiêng cử các loại thực phẩm có khả năng kích thích hậu môn như đồ ăn cay nóng và nhiều gia vị.

Ngứa hậu môn là một trong những triệu chứng thường gặp. Nếu tình trạng không có cải thiện khi thực hiện các biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà, bạn nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện các chẩn đoán cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

  • 5 mẹo chữa ngứa hậu môn tại nhà cực hay – Hết ngứa tức thì
  • Cách chữa bệnh trĩ tại nhà 1 tháng là khỏi dù trĩ ngoại – nội

Xem thêm: Uống nước lá sen có công dụng gì? Uống thế nào đúng cách?

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!