Nội soi dạ dày cho trẻ em: Nên hay không? Cần lưu ý những gì?

Nội soi dạ dày cho trẻ em là phương pháp giúp chẩn đoán sớm và chính xác nhất các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên của trẻ. Tuy nhiên, liệu nội soi dạ dày ở trẻ em có an toàn và nên thực hiện khi nào? Phụ huynh cần hiểu về những rủi ro có thể xảy ra khi cho trẻ nội soi dạ dày cùng những lưu ý cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho con tốt nhất.

Các phương pháp nội soi dạ dày cho trẻ em

Nội soi dạ dày là kỹ thuật thăm dò được sử dụng rất phổ biến nhằm chẩn đoán và can thiệp điều trị các bệnh ở đường tiêu hóa trên. Nội soi dạ dày gây mê và không gây mê đều có thể sử dụng được cho trẻ em. Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm nhất định, tuy nhiên nội soi gây mê được sử dụng trong hầu hết các trường hợp vì trẻ nhỏ thường không hợp tác tốt với bác sĩ nếu thực hiện nội soi khi tỉnh táo.

Nội soi dạ dày truyền thống (không gây mê)

Nội soi dạ dày truyền thống được thực hiện bằng cách dùng ống nội soi mềm có gắn camera và đèn chiếu sáng đưa vào miệng rồi nhẹ nhàng luồn vào thực quản, dạ dày và tá tràng để ghi nhận những hình ảnh bên trong nhằm chẩn đoán bệnh và thực hiện các can thiệp điều trị. Quá trình nội soi được tiến hành khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.

Nội soi dạ dày không gây mê.

Ưu điểm của phương pháp nội soi này là loại trừ được rủi ro xảy ra tai biến khi sử dụng thuốc gây mê. Tuy nhiên, trên thực tế, nội soi khi bệnh nhân tỉnh táo lại có nguy cơ gây ra những tổn thương thực thể nhiều hơn; đặc biệt là với đối tượng trẻ em. Nguyên nhân là do ống nội soi đi qua họng kích thích lưỡi gà và vòm khẩu cái khiến trẻ có cảm giác nôn nao, buồn nôn. Vì vậy, chúng dễ có phản ứng chống đối làm cản trở quá trình nội soi đồng thời gây ra những tổn thương cho niêm mạc họng và các bộ phận của đường tiêu hóa.

Nội soi dạ dày cho trẻ em gây mê

Nội soi gây mê là phương pháp khắc phục được nhược điểm của nội soi thông thường. Phương pháp nội soi này được thực hiện với quy trình gần tương tự như nội soi thông thường, tuy nhiên bác sĩ sẽ gây mê cho trẻ trước khi nội soi dạ dày, bé sẽ tỉnh lại sau khi quá trình nội soi kết thúc.

Nội soi dạ dày gây mê giúp trẻ không phải trải qua cảm giác khó chịu hay lo sợ và không có các phản ứng giãy giụa nên các bác sĩ có thể tiến hành các thao tác nội soi nhanh chóng và chuẩn xác nhất. Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương cho niêm mạc họng, dạ dày và thực quản vì vậy được giảm thiểu tối đa, kết quả chẩn đoán cũng có độ chính xác cao hơn.

Hiện tại, đây là phương pháp nội soi được đánh giá là an toàn hơn và được các chuyên gia khuyên dùng khi nội soi dạ dày cho trẻ em.

Nội soi dạ dày ở trẻ em có nguy hiểm không?

Nội soi dạ dày ở tre có nguy hiểm, hay nội soi dạ dày có đau không là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ hiện nay. Mặc dù, phương pháp nội soi dạ dày được đánh giá là phương pháp an toàn, ít gây tai biến nhưng vẫn có những rủi ro nhất định cho sức khỏe người bệnh. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, các cơ quan bộ phận trên cơ thể đều còn non yếu và rất nhạy cảm; những tổn thương là rất dễ xảy ra.

Trong nội soi không gây mê, trẻ em thường phản kháng khiến ống nội soi va chạm và ma sát gây xước niêm mạc họng, thực quản và dạ dày. Vì vậy mà phương pháp này rất ít được sử dụng cho trẻ nhỏ.

Nội soi gây mê giúp khắc phục được tình trạng trẻ giãy giụa gây nguy hiểm nhưng lại có những rủi ro khác liên quan đến việc sử dụng thuốc gây mê. Trẻ em nhạy cảm với thuốc gây mê hơn người lớn. Vì vậy, việc gây mê cần được tiến hành cẩn trọng để giảm thiểu tối đa nguy cơ xuất hiện các tai biến khi gây mê như: tăng/tụt huyết áp, tim đập không đều, suy hô hấp, hít sặc hay tai biến hiếm gặp hơn như dị ứng thuốc tê tại chỗ. Những tai biến khi nội soi gây mê là ít gặp nhưng vẫn cần hết sức cảnh giác.

Khi trẻ được chỉ định nội soi dạ dày, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng vì kỹ thuật nội soi hiện đại ngày nay sử dụng thiết bị nội soi với kích thước phù hợp cùng với kỹ thuật gây mê trong thời gian ngắn (chỉ khoảng 5-10 phút), đảm
bảo độ an toàn cao cho sức khỏe của trẻ.

Đối với trẻ em dưới 10 tuổi, cần thận trọng cân nhắc trước khi quyết định cho trẻ nội soi dạ dày, bất kể sử dụng phương pháp gì. Đây là độ tuổi rất nhạy cảm, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ. Trẻ cần được khám lâm sàng kỹ càng để xác định việc thực hiện nội soi dạ dày là thật sự cần thiết.

Nội soi dạ dày cho trẻ em sử dụng kỹ thuật gây mê trong thời gian ngắn, đảm bảo độ an toàn cao cho sức khỏe của trẻ

Có nên nội soi dạ dày cho trẻ em hay không?

Trẻ em có nên nội soi dạ dày hay không? Điều này phụ thuộc phần lớn vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý dạ dày của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh dạ dày như đầy hơi, đau bụng kéo dài, tiêu chảy, ăn không ngon, chậm tăng cân…; cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để xác định bệnh lý và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nội soi dạ dày cho trẻ em chỉ nên sử dụng khi các biện pháp chẩn đoán khác tỏ ra không hiệu quả và trong trường hợp cần tiến hành các can thiệp chuyên sâu. Cụ thể là:

  • Đã tiến hành các biện pháp chẩn đoán khác như: chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân… nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây ra các biểu hiện bệnh lý ở trẻ.
  • Kết quả thăm khám lâm sàng phát hiện những nghi ngờ có bệnh lý, cần nội soi thăm dò để lấy mẫu tế bào xét nghiệm.
  • Đã xác định được bệnh lý và cần nội soi can thiệp để điều trị.
Nội soi dạ dày cho trẻ em là can thiệp xâm lấn chỉ nên sử dụng tới trong trường hợp thật sự cần thiết.

Một số trường hợp cần thực hiện nội soi dạ dày cho trẻ em:

  • Trẻ bị mắc dị vật trong thực quản.
  • Trẻ bị chít hẹp thực quản.
  • Trẻ bị barrett thực quản.
  • Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản nặng cần can thiệp thắt cơ vòng thực quản.
  • Trẻ bị viêm loét dạ dày.
  • Trẻ bị polyp dạ dày.
  • Trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, cần nội soi để tầm soát ung thư.
  • Trẻ bị đau bụng kéo dài, có tiền sử dùng thuốc chống viêm không chứa steroid hoặc corticoid.

Hiện nay, trước tình trạng mắc các bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng nhiều ở trẻ em; nhiều cha mẹ có tâm lý lo lắng, muốn đưa con đi nội soi để phát hiện bệnh sớm. Lời khuyên cho cha mẹ là nếu trẻ ăn uống bình thường và không xuất hiện bất kỳ biểu hiện bệnh lý nào thì không cần thiết và không nên nội soi dạ dày cho trẻ. Cha mẹ có thể đưa trẻ đi khám nhưng ưu tiên sử dụng các biện pháp chẩn đoán khác như: chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm chức năng mà không cần tới can thiệp xâm lấn bằng nội soi.

Khám dạ dày cho trẻ em ở đâu?

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, việc lựa chọn một cơ sở nội soi uy tín có tầm quan trọng đặc biệt. Các bệnh viện, phòng khám lớn có chuyên khoa tiêu hóa là nơi trang bị máy móc nội soi hiện đại, đảm bảo vấn đề vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn chéo và có đội ngũ bác sĩ trình độ cao với kinh nghiệm lâu năm. Dưới đây là danh sách một số cơ sở y tế nội soi dạ dày uy tín cho trẻ em mà cha mẹ có thể an tâm tin tưởng:

Tại Hà Nội:

  • Khoa Nội soi – Bệnh viện Nhi Trung ương.
  • Trung tâm Nội soi Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai.
  • Trung tâm Nội soi – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bệnh viện Nhi Trung ương là địa chỉ nội soi dạ dày uy tín, an toàn cho các bé.

Tại TP.HCM:

  • Khoa Nội tiêu hóa – Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
  • K
    hoa Nội soi – Bệnh viện Chợ Rẫy.
  • Khoa Nội soi – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Nội soi dạ dày cho trẻ em không chỉ đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn mà còn cần am hiểu tâm lý và có kinh nghiệm khám chữa bệnh cho trẻ. Với các bệnh nhi dưới 10 tuổi, cha mẹ nên ưu tiên đưa trẻ tới khám nội soi tại bệnh viện Nhi Trung ương hoặc Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Đây là các cơ sở y tế giàu kinh nghiệm trong thăm khám và điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý và chăm sóc y khoa tốt nhất cho trẻ.

Những lưu ý khi nội soi dạ dày cho trẻ em

Bên cạnh việc lựa chọn một cơ sở nội soi uy tín, cha mẹ cần thực hiện tốt việc chuẩn bị trước nội soi và chăm sóc trẻ sau khi nội soi để giúp con trải qua quá trình này an toàn và suôn sẻ nhất.

Trước và sau khi thực hiện nội soi dạ dày, cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn của trẻ cho phù hợp.

Chuẩn bị trước khi trẻ nội soi dạ dày:

  • Trẻ đang sử dụng thuốc trị bệnh dạ dày sẽ được bác sĩ yêu cầu ngưng dùng thuốc để tránh tình trạng hình ảnh nội soi bị nhòe mờ. Cần ngưng sử dụng trước nội soi 1 tháng đối với thuốc kháng sinh và tối thiểu 2 tuần đối với thuốc giảm tiết axit dạ dày.
  • Cha mẹ cũng cần thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng và tình trạng dị ứng thuốc (nếu có).
  • Khoảng 1 tuần trước khi nội soi, nên cho trẻ ăn các món ăn giàu chất xơ, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước.
  • Trước khi nội soi 1 ngày, nên cho trẻ ăn các món mềm; không sử dụng các loại thực phẩm cứng và các thực phẩm có màu như nước ngọt, siro, sữa.
  • Cho trẻ nhịn ăn uống trong ít nhất 6 giờ trước khi nội soi (trẻ nên được nội soi vào buổi sáng để không phải nhịn ăn trong thời gian dài gây mệt mỏi)
  • Chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi nội soi bằng cách giải thích cho trẻ về những gì sắp xảy ra để bé không bị bỡ ngỡ và hoảng sợ khi phải nội soi.

Chăm sóc trẻ sau khi nội soi dạ dày:

  • Sau khi nội soi dạ dày, trẻ thường có cảm giác khó chịu, cha mẹ nên để con nghỉ ngơi ít nhất 30 phút sau đó mới bắt đầu cho ăn nhẹ bằng sữa ấm, súp hay cháo loãng.
  • Trong khoảng một vài ngày sau khi nội soi, trẻ nên được ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nên bổ sung vào thực đơn của trẻ các loại thực phẩm như thịt nạc, cá, trứng, khoai lang, đậu hà lan, cải xanh, bơ, chuối, táo,…
  • Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi nội soi dạ dày, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường như: đau bụng dữ dội, nôn mửa, khó thở, sốt cao 38 độ hay bị ớn lạnh, tim đập không đều… thì cần báo ngay cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Nội soi dạ dày cho trẻ em ngày càng an toàn hơn nhờ sử dụng máy móc với kích thước phù hợp và kỹ thuật gây mê nhanh chóng. Tuy nhiên, nội soi là kỹ thuật can thiệp xâm lấn chỉ nên sử dụng cho trẻ em khi thật sự cần thiết. Cha mẹ và bác sĩ điều trị cần thảo luận và đánh giá kỹ càng trước khi đưa ra quyết định nội soi dạ dày, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Xem thêm: U hắc bào ác tính

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!