Thoái hóa khớp ở người cao tuổi và cách phòng ngừa
Thoái hóa khớp là một bệnh lý không còn xa lạ đối với người cao tuổi. Càng ngày, bệnh càng có xu hướng trẻ hóa gây nên nhiều phiền phức ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của con người. Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin để quý bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như có biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả.
Thoái hóa khớp là gì?
Khớp là bộ phận tiếp nối hai đầu xương trong cơ thể, giúp cho các xương có thể hoạt động một cách nhịp nhàng, dễ dàng và linh hoạt. Khớp gồm:
- Bao khớp: Bao bọc xung quanh khớp
- Sụn khớp: Lớp sụn mềm giữa hai đầu xương
- Dịch khớp: Lớp dịch nhầy đóng vai trò là chất bôi trơn
Trong cơ thể con người có vô số khớp như khớp đốt sống cổ, khớp đốt sống thắt lưng, khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, bàn chân, khớp ngón tay,…
Thoái hóa khớp là sự lão hóa có tính quy luật theo thời gian của lớp sụn khớp khiến các bộ phận của khớp bị tổn thương, không còn giữ được trạng thái và chức năng vốn có, dẫn đến đau nhức cũng như khó khăn khi cử động.
Thoái hóa khớp thường gặp ở độ tuổi từ 40 trở lên, đặc biệt ở người cao tuổi thì tình trạng bệnh trở nên phổ biến và diễn biến phức tạp. Ngày nay thoái hóa khớp đang có xu hướng trẻ hóa và xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi hơn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp, về cơ bản thì nguyên nhân cốt yếu là do lão hóa tuổi già. Tuổi càng cao, hiện tượng lão hóa biểu hiện càng rõ rệt, trong đó có lão hóa sụn khớp xương. Ngoài ra còn phải kể đến một số lý do khác khiến quá trình thoái hóa diễn ra sớm hơn và nhanh hơn như:
- Béo phì: Việc thừa cân, trọng lượng cơ thể quá lớn gây áp lực lên các khớp xương. Khi các khớp xương phải chịu áp lực quá tải và kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương và dễ thoái hóa.
- Di truyền: Việc lão hóa sớm có thể kể đến nguyên nhân di truyền. Lão hóa sớm kéo theo lão hóa sụn khớp gây nên tình trạng thoái hóa khớp trong cơ thể con người.
- Nội tiết: Hoạt động của thuốc Tây hay sự thay đổi nội tiết tố như mãn kinh,… có thể tác động gây ra các bệnh lý về loãng xương, thoái hóa khớp xương,…
- Chuyển hóa: Việc rối loạn chuyển hóa Purin làm tăng Acid uric máu gây nên bệnh gut – viêm khớp, tổn thương khớp xương trong cơ thể.
- Chấn thương: Việc các khớp bị chấn thương (ngã, tai nạn lao động, chấn thương thể thao) không được phục hồi hoặc phục hồi không đúng cách cũng đều dễ dàng dẫn đến thoái hóa khớp.
Biểu hiện
Khi bị thoái hóa khớp, người bệnh sẽ có thể gặp các triệu chứng sau:
Đau nhức
Đây là triệu chứng đầu tiên khi bị thoái hóa khớp. Việc tổn thương sụn khớp khiến các xương khó khăn trong việc cử động, khi cử động sẽ gây hiện tượng đau nhức khó chịu. Về lâu khi bệnh tiến triển nặng hơn thì tình trạng này thậm chí diễn ra ngay cả khi không cử động. Nhất là vào những thời điểm giao mùa hay thời tiết thay đổi, người bệnh sẽ đau nhức hơn ở mức cường độ cao. Đặc biệt khi thoái hóa đốt sống lưng, dây thần kinh bị chèn ép sẽ khiến người bệnh đau nhức dọc lưng xuống dưới chân.
Cứng khớp
Khi thoái hóa khớp, lớp sụn khớp và dịch khớp bị tổn thương nặng nề không thể thực hiện tốt chức năng bôi trơn, do đó quá trình hoạt động của các xương sẽ không còn linh hoạt và dễ dàng như trước. Ở người cao tuổi, hiện tượng này thường xuyên xảy ra, nhất là vào buổi sáng khi người bệnh ngủ dậy hay sau khi ngồi lâu không hoạt động. Người bệnh nặng thường sẽ mất khoảng 30 phút để xoa bóp, tập luyện mới có thể tiếp tục hoạt động trở lại.
Tiếng lạo xạo khi cử động
Khi lớp sụn khớp không còn phát huy được chức năng là lớp đệm ở giữa thì khi hoạt động hai đầu xương sát vào nhau, thậm chí có thể chạm vào nhau gây nên những tiếng lạo xạo. Độ tuổi càng cao, các triệu chứng của bệnh càng trở nên rõ rệt.
Khó vận động
Thoái hóa khớp sẽ làm nhiều dây thần kinh bị chèn ép, kết hợp với việc các khớp xương không thể hoạt động linh hoạt cũng là cản trở lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của con người. Người bệnh sẽ mất đi khả năng thực hiện một số động tác như quay cổ, cúi gập người, quỳ,… Ở những người cao tuổi, thoái hóa khớp gối khiến người bệnh khó khăn trong việc đi lại, thậm chí là không thể đi lại được.
Biến dạng
Khi các khớp không còn giữ được chức năng ban đầu dần dần nảy sinh hiện tượng biến dạng khớp, sưng khớp thậm chí gây lệch khớp. Ví dụ như cong vẹo ngón, sưng đốt ngón tay, lệch trục đầu gối,…
Hậu quả
Thoái hóa khớp không chỉ gây nên tình trạng đau nhức, khó chịu, khó vận động ở người bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người như:
Tăng cân đột ngột
Thoái hóa khớp làm suy giảm vận động nên người bệnh dễ tăng cân, thậm chí là béo phì. Từ đó mà gây nên nhiều biến chứng như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp, tim mạch,…
Trầm cảm
Người mắc chứng thoái hóa khớp dễ ở trong trạng thái lo âu phiền muộn, vì thế dễ dàng dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, nặng hơn có thể gây ra rối loạn tâm thần, đặc biệt là ở nữ giới.
Mất ngủ
Các triệu chứng do bệnh thoái hóa khớp gây ra khiến người bệnh đau nhức khó chịu, ngủ không ngon, không sâu giấc, thậm chí là mất ngủ, gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Tình trạng mất ngủ diễn ra phức tạp hơn ở người cao tuổi, dẫn đến suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ.
Biến chứng
Thoái hóa khớp để lâu dài không điều trị sẽ gây nên các biến chứng như:
- Gãy xương, giòn xương
- Chảy máu, nhiễm trùng, hoại tử khớp
- Hoại tử xương
- Tổn thương dây thần kinh
Phương pháp điều trị
Để điều trị bệnh thoái hóa khớp thông thường có ba cách sau
Điều trị thoái hóa khớp không dùng thuốc
Đây là phương pháp áp dụng khi bệnh mới ở giai đoạn bắt đầu, mức độ chưa nghiêm trọng. Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp chườm nóng, xoa bóp, chiếu đèn hồng ngoại, xung điện để giúp giảm đau.
Điều trị thoái hóa khớp bằng thuốc
Khi bệnh bắt đầu tiến triển mạnh dần lên, những cơn đau xuất hiện nhiều hơn với cường độ mạnh hơn, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau để giảm bớt các triệu chứng do bệnh gây ra. Bên cạnh đó người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc làm chậm quá trình lão hóa để kìm hãm mức độ phát triển của bệnh. Một số loại thuốc thường được sử dụng như: diacerein, acid hyaluronic, glucosamine sulfate,… Người bệnh lưu ý cần có sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc tại nhà.
Phẫu thuật
Đây có thể xem là giải pháp cuối cùng để điều trị thoái hóa khớp cho đến thời điểm hiện nay. Các thủ thuật được tiến hành có thể kể đến: thay khớp nhân tạo, sửa trục khớp,… Tuy nhiên cần cân nhắc kĩ lưỡng trước khi thực hiện biện pháp này, nhất là đối với người cao tuổi sức khỏe yếu.
Cách phòng tránh
Vì thoái hóa khớp xuất phát từ sự lão hóa có tính quy luật lên không hẳn lúc nào cũng có thể phòng tránh căn bệnh này. Tuy nhiên chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế cũng như làm giảm quá trình diễn ra sớm của bệnh:
- Chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo thành phần canxi hợp lý trong khẩu phần ăn theo lứa tuổi.
- Sống lành mạnh, tránh các chất kích thích, bia rượu,… gây lão hóa sớm
- Kiểm soát lượng đường trong máu vì nồng độ đường quá cao sẽ gây ảnh hưởng đến cấu trúc của sụn khớp
- Kiểm soát cân nặng: Việc thừa cân có thể gây áp lực lớn lên các khớp làm diễn biến của các bệnh về khớp trở nên nhanh hơn
- Tránh mang vác các vật nặng và làm việc quá sức, đảm bảo nghỉ ngơi đúng cách
- Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi lâu một chỗ, giữ tư thế đúng, tránh làm việc sai tư thế dẫn đến lệch khớp, thay đổi cấu trúc khớp
- Hạn chế các môn thể thao nguy hiểm để tránh chấn thương
- Thường xuyên tập luyện thể dục nhẹ nhàng, điều độ, đúng cách để nâng cao sức khỏe và duy trì hoạt động của các khớp.
- Khám sức khỏe định kì để đo lường tình trạng sức khỏe và phát hiện bệnh kịp thời
Khi có dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở uy tín để được xác định chính xác mức độ của bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Tránh các thủ thuật nấn bóp, hơ đốt tại các cơ sở chưa được kiểm định, gây tác động xấu đến xương khớp và hệ thần kinh.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi. Hy vọng rằng đây sẽ là những thông tin bổ ích giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về căn bệnh này để kịp thời có biện pháp phòng ngừa cũng như lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp khi mắc phải.
Xem thêm: Đau đầu nên làm gì? Phương pháp điều trị hữu ích nhất cho người bệnh
Tin mới nhất
- Top 3 Điều Cần Biết Về Nấm Linh Chi Gold
- Bệnh viêm đại tràng mãn tính là gì? Triệu chứng và bài thuốc chữa từ thảo dược
- 5 thực phẩm mẹ bầu nên ăn để bé có tim khỏe mạnh
- Chủ quan trước bệnh VIÊM ĐẠI TRÀNG – Tình trạng chung đáng báo động của người Việt hiện nay
- Khám phá ý nghĩa các thuật ngữ chăm sóc da
- Hội chứng tiết hormone chống lợi tiểu bất hợp lý
- Địa chỉ tin cậy mua nấm lim xanh ở Tây Ninh công dụng của nấm lim
- U xơ tuyến tiền liệt (tăng sinh tuyến tiền liệt lành tính)
- Các loại thực phẩm ít chất béo tốt cho sức khỏe mà bạn nên ăn
- Trẻ bị viêm họng hạt có mủ nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh?