Bệnh viêm đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc ruột già bị viêm khu trú hoặc lan tỏa. Bệnh thường xảy ra do nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, nấm men hoặc do rối loạn tự miễn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh lý này có thể tiến triển nặng gây mất nước, rối loạn điện giải, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, trụy tim mạch và tăng nguy cơ tử vong.
Bệnh viêm đại tràng là gì?
Đại tràng là cơ quan của hệ thống tiêu hóa có chức năng hấp thu nước, tạo khuôn phân và chứa các chất cặn bã. Ngoài ra, một số chất dinh dưỡng không được ruột non hấp thu sẽ được hấp thu hoàn toàn tại ruột già. Vì chức năng chính là lưu trữ chất thải nên ruột già dễ bị tổn thương do hại khuẩn sinh sôi và phát triển quá mức.
Viêm đại tràng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc ruột già (đại tràng) với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Biểu hiện lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ viêm ở niêm mạc và cơ địa của từng bệnh nhân.
Trong đó, triệu chứng của viêm đại tràng cấp thường xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh và dễ phát sinh biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Ngược lại, viêm đại tràng mãn tính gây ra các triệu chứng có mức độ nhẹ đến trung bình nhưng tính chất dai dẳng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Phân loại bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng được chia thành 2 loại chính, bao gồm viêm đại tràng cấp và viêm đại tràng mãn tính:
1. Viêm đại tràng cấp tính
Viêm đại tràng cấp tính là tình trạng niêm mạc ruột già bị viêm và tổn thương đột ngột. Các triệu chứng của bệnh thường khởi phát ồ ạt và diễn tiến nhanh chóng. Nếu không kịp thời điều trị, viêm đại tràng cấp có thể gây rối loạn điện giải do mất nước, trụy tim mạch và tăng nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp chủ yếu là do ngộ độc/ dị ứng thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn, siêu vi hoặc nấm. Các tác nhân gây nhiễm trùng thường có trong các thực phẩm bẩn và nước không được đun sôi hoàn toàn. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn, nấm và virus nhanh chóng di chuyển xuống ruột già, phát triển mạnh và gây tổn thương cơ quan này.
2. Viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng đại tràng bị viêm kéo dài, mức độ viêm thường nhẹ hơn so với dạng cấp tính. Triệu chứng của bệnh có đặc điểm khởi phát chậm nhưng tiến triển dai dẳng và hay tái phát. Đối với viêm đại tràng mãn tính, nguyên nhân có thể là do viêm đại tràng cấp không được điều trị, do tự miễn hoặc có thể không xác định được nguyên nhân.
Mặc dù có diễn tiến chậm hơn so với viêm đại tràng cấp nhưng trong một số trường hợp, viêm đại tràng mãn tính có thể gây loét niêm mạc, dẫn đến chảy máu và thủng ruột. Ngoài ra, hiện tượng viêm kéo dài còn tăng nguy cơ phình giãn ruột và ác tính hóa tế bào.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp – mãn tính
Viêm đại tràng là bệnh lý tiêu hóa có nguyên nhân và biểu hiện phức tạp. Trên thực tế, bệnh lý này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau – trong đó phổ biến nhất là do nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn và do tự miễn (rối loạn miễn dịch).
Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính:
- Ngộ độc, dị ứng thức ăn: Ngộ độc và dị ứng thức ăn là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm đại tràng cấp. Khi bị dị ứng, cơ thể có xu hướng đối kháng với dị nguyên bằng cách phóng thích histamine vào thành ruột già, dẫn đến hiện tượng viêm cấp tính. Ngoài ra, ngộ độc thức ăn cũng có thể dẫn đến viêm ruột già cấp. Độc tố, vi khuẩn và một số ký sinh trùng trong thức ăn nhiễm bẩn có thể gây viêm, loét hoặc thậm chí chảy máu đại tràng.
- Virus, vi khuẩn, nấm và siêu vi: Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm đại tràng cấp tính. Các tác nhân gây nhiễm trùng như lỵ amip, giun tóc, giun kim, giun đũa, lỵ trực khuẩn (Shigella), E. coli, Salmonella (vi khuẩn thương hàn), Rotavirus (thường gặp ở trẻ nhỏ), nấm Candida,… có thể xâm nhập vào đường ruột qua thực phẩm và nước uống nhiễm bẩn.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, viêm đại tràng cấp còn có thể khởi phát khi có các yếu tố thuận lợi như táo bón kéo dài, căng thẳng thần kinh, sử dụng kháng sinh dài hạn dẫn đến loạn khuẩn ruột (viêm đại tràng giả mạc),…
Nguyên nhân gây viêm đại tràng mãn tính:
- Tự miễn: Tự miễn là tình trạng hệ miễn dịch tự tạo ra kháng thể tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể. Thực tế cho thấy, bệnh Crohn (một dạng viêm đường ruột mãn tính) là hệ quả do rối loạn tự miễn gây ra. Đối với viêm đại tràng do nguyên nhân này, niêm mạc có thể bị loét và chảy máu nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
- Không điều trị viêm đại tràng cấp dứt điểm: Nếu không điều trị dứt điểm viêm đại tràng cấp, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,… có thể tồn tại trong ruột già và gây viêm nhiễm kéo dài.
- Không rõ nguyên nhân: Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bị viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân. Một số bệnh viêm đại tràng mạn không xác định được nguyên nhân bao gồm viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) và một số bệnh lý khác.
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cũng có thể tăng lên nếu có các yếu tố thuận lợi sau:
- Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích và thức ăn nhiều axit, chứa gia vị cay nóng.
- Táo bón, tiêu chảy mãn tính
- Nhiễm giun sán
- Căng thẳng kéo dài
- Sử dụng thuốc dài hạn
- Tuổi tác cao
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm đại tràng
Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng có sự khác biệt rõ rệt giữa các cá thể mắc bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân, phân loại và mức độ tổn thương ở ruột già.
1. Nhận biết viêm đại tràng cấp
Triệu chứng của viêm đại tràng cấp thường khởi phát đột ngột, dễ nhận biết và diễn tiến nhanh chóng. Tuy nhiên trên thực tế, biểu hiện lâm sàng và mức độ còn phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
Viêm đại tràng cấp do lỵ trực khuẩn:
- Đau bụng
- Đi ngoài ra phân lỏng kèm máu
- Sốt
- Đi tiêu nhiều lần
- Số lần đi tiêu tăng lên đáng kể nếu do Shigella shiga (phân lỏng hoàn toàn và không thể đóng khuôn)
- Dễ mất nước và rối loạn điện giải
Viêm đại tràng cấp do lỵ amip:
- Đi đại tiện liên tục nhưng lượng phân mỗi lần đi không đáng kể
- Đau quặn bụng từng cơn
- Phân có kèm máu và chất nhầy
Viêm đại tràng cấp do những nguyên nhân khác:
- Chủ yếu gây đau bụng, đau từng cơn hoặc đau dọc theo khung đại tràng
- Đau thắt vùng bụng dưới
- Cứng bụng
- Đi phân nước có thể kèm chất nhầy và máu
- Tiêu chảy đột ngột
- Người mệt mỏi và gầy sút nhanh chóng
Các triệu chứng của viêm đại tràng cấp khởi phát đột ngột và diễn tiến nhanh chóng. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, trụy tim mạch và tử vong.
2. Biểu hiện của viêm đại tràng mãn
Viêm đại tràng mãn thường khởi phát triệu chứng chậm và tiến triển dai dẳng. Tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh không có tính đặc hiệu và có sự khác biệt rõ rệt ở từng bệnh nhân. Bệnh viêm đại tràng mãn được chia thành từng thể riêng biệt dựa vào biểu hiện lâm sàng.
Thể tiêu lỏng và đau bụng:
- Đau bụng thường xuyên
- Hay buồn đi đại tiện
- Đau bụng giảm rõ rệt sau khi đi tiêu
- Trung bình đi tiêu khoảng 3 – 4 lần/ ngày (thường là sau khi ăn hoặc sáng sớm sau khi ngủ dậy)
- Các triệu chứng của thể này ít khi xảy ra buổi chiều hay buổi tối
- Phân đặc ở phần đầu, phần sau lỏng và kèm theo chất nhầy
Thể táo bón và đau bụng:
- Đau bụng
- Phân khô, cứng và ít (táo bón)
- Thể bệnh này thường gặp ở người cao tuổi và nữ giới
Thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ:
- Xen kẽ từng đợt tiêu chảy và táo bón
- Bụng đầy hơi và chướng
- Thể trạng người bệnh bình thường và không bị ảnh hưởng nhiều
Ngoài ra, viêm đại tràng mãn tính còn gây ra một số triệu chứng thứ phát như ăn uống kém, toàn thân mệt mỏi, ngủ kém, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, người mệt mỏi, hốc hác,…
Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng là bệnh tiêu hóa khá phổ biến, thường gặp ở trẻ nhỏ và người trung niên. Mức độ nguy hiểm của bệnh lý này phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân và cơ địa của từng người. Hầu hết các bệnh viêm đại tràng cấp đều có diễn tiến nhanh và dễ phát sinh biến chứng. Trong khi đó, viêm đại tràng mãn tính có đặc điểm dai dẳng, dễ tái phát nhưng hiếm khi đe dọa đến tính mạng.
Nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời, viêm đại tràng có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Giãn đại tràng: Tình trạng viêm nhiễm nặng ở niêm mạc có thể khiến thành đại tràng bị phình giãn. Hiện tượng này thường xảy ra ở đại tràng sigma và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Đại tràng phình giãn dẫn đến giảm nhu động ruột, tăng nguy cơ táo bón và viêm nhiễm đường ruột.
- Thủng ruột: Thủng ruột là biến chứng nặng nề của viêm đại tràng. Biến chứng này xảy ra khi niêm mạc ruột già bị viêm loét nặng dẫn đến chảy máu và thủng. Thủng ruột tạo điều kiện cho chất thải và vi khuẩn xâm nhập vào ổ bụng gây nhiễm trùng phúc mạc hoặc thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm đại tràng. Khi niêm mạc ruột bị tổn thương nặng, lòng mạch có thể bị vỡ và gây chảy máu vào ống tiêu hóa. Biểu hiện điển hình của biến chứng này là tình trạng bụng đau dữ dội, buồn nôn và tiêu phân đen.
- Tăng nguy cơ ung thư đại tràng: Một số nghiên cứu cho thấy, người bị ung thư đại tràng thường mắc các vấn đề về đường ruột mãn tính. Theo lý giải từ các chuyên gia, hiện tượng viêm kéo dài có thể khiến mô đường ruột biến đổi về cấu trúc, loạn sản và dẫn đến hình thành khối u ác tính.
Trên thực tế, viêm đại tràng gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài những biến chứng trên, bệnh còn gây mệt mỏi, mất nước, suy nhược cơ thể, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng, rối loạn giấc ngủ,…
Chẩn đoán viêm đại tràng bằng cách nào?
Viêm đại tràng cần được chẩn đoán trước khi điều trị. Dựa vào biểu hiện lâm sàng (cấp – mãn tính), bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp chẩn đoán tương ứng.
Chẩn đoán viêm đại tràng cấp tính:
- Xét nghiệm phân để soi tươi, nuôi cấy và xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng
- Nội soi trực tràng và đại tràng để quan sát ổ viêm loét và sinh thiết mô nếu cần thiết
Chẩn đoán viêm đại tràng mãn tính:
- Chụp X-Quang cản quang nhằm phát hiện ổ loét và tình trạng của đường ruột
- Nội soi đường tiêu hóa dưới và sinh thiết mô để xác định nguyên nhân gây bệnh
- Xét nghiệm phân nếu nghi ngờ hiện tượng viêm xảy ra do nhiễm khuẩn
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán khác tùy theo triệu chứng lâm sàng và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp. Ở một số ít trường, hiện tượng viêm và chảy máu đại tràng có thể là biểu hiện của bệnh lý hệ thống.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng cần được điều trị trong thời gian sớm nhất nhằm kiểm soát tiến triển bệnh và dự phòng biến chứng nguy hiểm. Điều trị bệnh lý tương đối đa dạng, bao gồm điều chỉnh lối sống, điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Các biện pháp điều trị viêm đại tràng phổ biến:
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là lựa chọn ưu tiên đối với cả viêm đại tràng cấp và mãn tính. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp sau:
- Bù nước và chất điện giải qua đường uống hoặc đường tiêm đối với viêm đại tràng cấp. Mục đích của biện pháp này là cân bằng điện giải, hỗ trợ phục hồi thể trạng và phòng ngừa trụy tim mạch.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus và thuốc diệt ký sinh trùng nếu viêm đại tràng cấp xảy ra do nhiễm trùng. Đây là nhóm thuốc điều trị đặc hiệu nên cần sử dụng đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt và dự phòng các tác dụng không mong muốn.
- Thuốc kháng histamine H1 được chỉ định đối với bệnh viêm đại tràng do dị ứng thực phẩm. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động phóng thích histamine vào niêm mạc và làm giảm các triệu chứng do dị ứng gây ra.
- Ngoài ra dựa vào triệu chứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc chống co thắt, thuốc nhuận tràng, thuốc cầm tiêu chảy và viên uống bổ sung probiotic (lợi khuẩn). Các loại thuốc này có thể được dùng trong điều trị viêm đại tràng cấp và viêm đại tràng mãn tính.
2. Điều trị ngoại khoa
Rất ít trường hợp bị viêm đại tràng phải can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật để bảo toàn tính mạng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Điều trị ngoại khoa được chỉ định khi:
- Phẫu thuật cắt bỏ ruột già trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, dai dẳng và không thể kiểm soát bằng điều trị nội khoa. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ ruột ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, biện pháp này chỉ được thực hiện khi lợi ích cao hơn so với rủi ro.
- Can thiệp ngoại khoa cũng có thể được thực hiện nếu viêm đại tràng đi kèm với một số bệnh lý như ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng.
3. Xây dựng lối sống khoa học
Điều chỉnh lối sống là biện pháp quan trọng đối với bệnh nhân bị viêm đại tràng – đặc biệt là viêm đại tràng mãn tính. Lối sống khoa học và lành mạnh có thể giảm nhẹ một số triệu chứng khó chịu, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và làm chậm tiến triển của bệnh.
Lối sống khoa học dành cho bệnh nhân bị viêm đại tràng:
- Nên cung cấp đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày để bù lượng nước thất thoát do tiêu chảy và buồn nôn. Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp điều hòa nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón.
- Bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, sữa chua, ngũ cốc, trái cây, cá, các loại hạt,… Hạn chế thực phẩm chứa nhiều axit, chất bảo quản, dầu mỡ, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.
- Không dùng rượu bia, thuốc lá và thức uống chứa caffeine.
- Trên thực tế, các sản phẩm từ sữa động vật – trừ sữa chua có thể gây đầy hơi, chướng bụng và làm nghiêm trọng triệu chứng của viêm đại tràng. Vì vậy, bệnh nhân nên thay thế bằng các loại sữa hạt.
- Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh lo lắng và căng thẳng quá mức.
- Nên dành ít nhất 15 phút/ ngày để tập các động tác có cường độ nhẹ. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất giúp cải thiện hệ miễn dịch, điều hòa nhu động ruột và có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng.
- Ăn chín uống sôi và cần vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thực phẩm.
Nếu mắc các bệnh lý đường ruột mãn tính như bệnh Celiac, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích,… bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.
Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng
Viêm đại tràng có thể tái phát ngay cả khi đã điều trị dứt điểm. Chính vì vậy ngoài các biện pháp y tế, bệnh nhân cần thực hiện song song với một số cách phòng ngừa sau:
- Tuyệt đối không dùng thực phẩm sống và nước chưa được đun sôi. Vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có trong nước và thực phẩm có thể xâm nhập vào cơ thể và gây tái phát viêm đại tràng.
- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/ lần.
- Đảm bảo vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.
- Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này có thể gây loạn khuẩn ruột và tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc nhằm duy trì sức khỏe, giảm căng thẳng và lo âu quá mức.
- Ngâm rửa thực phẩm kỹ trước khi sử dụng – kể cả rau xanh và trái cây.
- Xây dựng chế độ ăn khoa học là biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với các bệnh đường tiêu hóa nói chung và viêm đại tràng nói riêng.
- Hạn chế dùng bữa ở các quán ăn lề đường. Thay vào đó, nên tự chế biến món ăn tại nhà để đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cần biết về bệnh viêm đại tràng. Nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh lý này, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất. Tình trạng chủ quan và lơ là với các biểu hiện bất thường có thể khiến bệnh tiến triển nặng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Xem thêm: Đau nhức xương khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Tin mới nhất
- Bệnh gout không khó, đã có Hoàng Tiên Đan
- Viêm xoang cấp tính: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa dứt điểm
- Người bị viêm phổi cấp do virus corona có thể hồi phục không và những câu hỏi liên quan
- Biến chứng của bệnh tiểu đường đáng sợ hơn bạn nghĩ
- Mất trí nhớ
- 4 biểu hiện của tinh trùng yếu mà nam giới cần lưu ý
- Đi tiểu rắt và buốt ở phụ nữ: Nguyên nhân & cách chữa trị
- Nấm lim xanh giá bao nhiêu tiền 1kg và mua nấm lim rừng ở đâu?
- Bệnh sỏi thận uống sữa gì? Top 6 loại sữa tốt nhất
- Bệnh viêm đại tràng mạn tính