Dây thìa canh
Dây thìa canh
Tên tiếng Việt: Lõa ty rừng, Dây thìa canh, Dây muối
Tên khoa học: Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br.ex Schult.
Họ: Asclepiadaceae
Công dụng: Sốt, đau họng, ho, viêm túi mật, đau gan, lợi tiểu, cảm mạo (cả cây).
Hình ảnh Dây thìa canh
1. Mô tả:
- Dây leo cao 6–10 m, nhựa mủ màu trắng.
- Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6–7 cm, rộng 2,5–5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4-6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5–8 mm.
- Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12–15 mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng.
- Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới; hạt dẹp, lông mào dài 3 cm. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây Dây thìa canh hay cây muôi.
- Mùa hoa quả: tháng 7-8.
2. Nơi sống và thu hái:
Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Dược điển Ấn Độ có ghi lại Dây thìa canh (Tiếng Ấn Độ gọi là cây Gumar) được sử dụng tại Ấn Độ từ 2000 năm trước để trị bệnh tiểu đường. Loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng Paltacot miền Trung Nam Ấn Độ, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.
Tại Việt Nam, loại cây này mới được tìm thấy vào năm 2006. Người đầu tiên phát hiện ra loài cây này là Ts. Trần Văn Ơn – trưởng bộ môn Thực vật – Đại học Dược Hà Nội. Loại cây này ban đầu được tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc Việt Nam từ Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình tới Thanh Hoá.
- Hiện nay loài cây này được quy hoạch trồng thành vùng tại Nam Định và Thái Nguyên. Thu hái các bộ phận của toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
3. Thành phần hóa học:
- Thành phần hóa học có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh là hoạt chất GS4 gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid.
- Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như flavone, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,…
- Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alcaloid.
4. Tác dụng dược lý:
Acid Gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy, nhờ đó tăng sản sinh Insulin, tăng hoạt lực của Insulin, giúp cơ thể tái thiết lập được khả năng cân bằng đường huyết tự nhiên.
- Acid Gymnemic còn ức chế hấp thu đường ở ruột do có cấu trúc phân tử gần giống với đường Glucose, khi vào đến ruột sẽ cạnh tranh với đường Glucose, lấp đầy thụ thể ruột và ngăn không cho hấp thu đường từ ruột vào máu.
- Acid Gymnemic còn ức chế gan tái tạo Glucose vào máu, đồng thời kích thích các enzyme chịu trách nhiệm tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Nhờ đó hoạt chất này đem lại hiệu quả giảm đường huyết.
Ngoài ra trong Dây thìa canh còn chứa peptide Gumarin. Khi ăn và nhai lá Dây thìa canh tươi thì Peptide này lấp đầy thụ thể lưỡi làm lưỡi không hấp thu được đường Glucose. Gumarin tác động vào vùng dưới đồi làm mất cảm giác đối với vị ngọt và vị đắng, vì vậy gây mất cảm giác ngọt. Tuy nhiên tác dụng này mất đi khi Dây thìa canh được nấu chín hoặc phơi khô.
5. Công dụng
Dây thìa canh có tác dụng làm giảm đường huyết, giảm nồng độ LDL-cholesterol, triglicerid trong máu, ngăn ngừa xơ vữa mạch máu, giảm huyết áp ở bệnh nhân có cao huyết áp.
Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hoá, còn dùng tán thành bột để chống độc, ở Ấn Độ, người ta dùng đắp lên vết cắn và dùng sắc uống trong để trị rắn độc cắn.
- Ở Trung Quốc, người ta dùng cả cây bỏ rễ và quả làm thuốc trị phong thấp tê bại, viêm mạch máu, rắn độc cắn, trĩ và các vết thương do dao, đạn; còn dùng diệt chấy rận.
Liều dùng, cách dùng:
- Mỗi ngày nên dùng 50 g Dây thìa canh khô đun sôi với 1,5 lít nước trong 15 phút và uống 3 lần/ngày sau bữa ăn 15-20 phút.
- Dây thìa canh thích hợp dùng cho cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và 2.
6. Nghiên cứu về Dây thìa canh
Tác dụng điều hòa đường huyết và làm giảm đường huyết
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh, tái tạo tế bào β-tụy đảo Langerhans, nhờ đó tăng sản sinh insulin, làm tăng hoạt lực insulin, giúp cơ thể thiết lập cân bằng đường huyết tự nhiên.
Cụ thể:
– Nghiên cứu trên 22 bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Cục Hóa Sinh, Viện Y tế Khoa học cơ bản Madras, Ấn Độ cho sử dụng 400mg hoạt chất Dây thìa canh/ngày, kết hợp thuốc tiểu đường nhóm sulfonylurea trong 8 – 20 tháng. Kết quả: Bệnh nhân có sử dụng hoạt chất từ dây thìa canh, đường huyết lúc đói giảm trung bình 3mmol/l, các tế bào beta được phục hồi và 100% bệnh nhân có thể giảm thuốc uống trị tiểu đường, 24% có thể ngừng sulfonylurea, chất béo trong máu cũng giảm đáng kể.
– Theo báo cáo của Viện dược liệu (2013), dịch chiết nước lá cây Dây thìa canh với mức liều 20 mg/ngày trong 20-60 ngày làm cân bằng mức đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường do làm phục hồi tế bào tụy đảo, làm tăng gấp đôi số lượng tế bào β-Langerhans.
Tăng sản xuất Insulin
Acid gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh, tái tạo tế bào β-tụy đảo Langerhans, nhờ đó tăng sản sinh insulin, làm tăng hoạt lực insulin, giúp cơ thể thiết lập cân bằng đường huyết tự nhiên.
– Trong nghiên cứu “A Novel Gymnema sylvestre Extract Stimulates Insulin Secretion from Human Islets In Vivo and In Vitro” của A. Al-Romaiyan đã thấy rằng sử dụng chiết xuất Dây thìa canh đường uống trong 60 ngày có tác dụng gia tăng đáng kể insulin và C-peptide lưu hành, điều này có liên quan đến việc giảm đáng kể đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn.
– Nghiên cứu “Đánh giá tác động chiết xuất cồn của Dây thìa canh đối với sự tiết insulin từ các đảo Langerhans và một số dòng tế bào beta tuyến tụy trên chuột” của tác giả Persaud SJ et al vào năm 1999 đã khẳng định rằng: Dây thìa canh kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta HIT-T15, MIN6 và RINm5F và từ các đảo. Những kết quả của nghiên cứu xác nhận tác dụng kích thích của Dây thìa canh đối với sự giải phóng insulin.
Ức chế hấp thu glucose ở ruột
Phân tử gymnemic acid trong Dây thìa canh có cấu trúc tương tự như phân tử glucose, do đó ngăn chặn sự kích hoạt các thụ thể bằng các phân tử đường có trong thực phẩm.
– Nghiên cứu “Gymnema sylvestre: A Memoir” của tác giả Parijat Kanetkar vào năm 2007 cho thấy: Phân tử gymnemic acid (hoạt chất được phân lập từ Dây thìa canh) có cấu trúc tương tự như phân tử glucose. Những phân tử này cạnh tranh vị trí gắn với các receptor của glucose do đó ngăn chặn sự kích hoạt các thụ thể bằng các phân tử đường có trong thực phẩm. Tương tự, các phân tử Gymnemic acid gắn vào các vị trí thụ thể tại các lớp màng ngoài hấp thụ của ruột do đó ngăn chặn sự hấp thụ các phân tử đường qua đường ruột, dẫn đến lượng đường trong máu giảm.
Tác dụng giảm mỡ máu, giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Dây thìa canh có tác dụng làm tăng đào thải cholesterol toàn phần, do đó giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch. Dây thìa canh còn được ghi nhận là có tác dụng tăng HDL. Các hoạt chất trong dây thìa canh có tác dụng chống oxy hóa, tương đương với vitamin E nên cũng góp phần làm giảm tác hại của các gốc tự do.
Cụ thể:
– Nghiên cứu “The saponin-rich fraction of a Gymnema sylvestre R. Br. aqueous leaf extract reduces cafeteria and high-fat diet-induced obesity” của Reddy RM et al vào năm 2012 cho kết quả: Chiết xuất lá Dây thìa canh giàu saponin liều uống 100 mg/kg trọng lượng cơ thể, được sử dụng 1 lần/ngày trong nhóm điều trị có tác dụng giảm đáng kể lượng thực phẩm tiêu thụ, trọng lượng cơ thể, trọng lượng cơ quan nội tạng và cải thiện mức độ lipid (giảm triglyceride, cholesterol toàn phần, lipoprotein tỷ trọng thấp, lipoprotein tỷ trọng rất thấp, chỉ số xơ vữa và tăng mức độ lipoprotein tỷ trọng cao).
Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Sm.
Dây thìa canh có tên gọi khác là Lõa ti rừng, Dây muôi, tên khoa học là Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Sm.. Dây gần như leo, thân hình trụ, lúc non có lông, lá mọc đối, hình trái xoan hoặc thuôn. Dây thìa canh được dùng điều trị đái tháo đường ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.
1. Mô tả:
- Dây gần như leo. Thân hình trụ, lúc non có lông. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc thuôn, dài 2,8-4,5cm, rộng 1,2-2,4cm, gốc tròn, đầu có mũi nhọn ngắn, hai mặt lúc đầu hơi có lông, sau nhẵn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, cuống là dài 5-7mm, màu xám nhạt hoặc hơi tía, có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim tán, hoa nhỏ màu vàng nhạt, đài và tràng có lông nhỏ, tràng phụ có 5 răng hình tam giác.
- Quả gồm hai đại, mọc choãi, có khi một đại bị thui chột.
2. Bộ phận dùng:
- Thân leo
3. Thành phần hóa học:
- Lá chứa nonacosan, hentriacontan, pentatriacontan, α và β – chlorophyll, phytin, acid gymnemic, gymnestrogenin, gymnemagenin, gymnamin, condurital.
- Acid gymnemic và gurmarin có tác dụng khử vị ngọt. Acid gymnemic và condurital đều có tác dụng hạ đường huyết.
- Các saponin chính từ dây thìa canh gồm: gymnemosid a và b. Gymnemosid b và acid gymnemic V đều là các hoạt chất hạ đường huyết.
4. Tác dụng dược lý:
- Hoạt tính hạ đường huyết
- Đã nhận xét thấy tác dụng chống tăng đường huyết của bột lá khô dây thìa canh trên thỏ gây đái tháo đường bằng tiêm alloxan cùng với sự giảm hoạt độ các enzym tân tạo đường và sự cải thiện của quá trình bệnh lý khởi phát trong gan trong giai đoạn tăng glucose máu. Cho chuột cống trắn uống lá dây thìa canh tán bột (500mg/chuột) trong 10 ngày có tác dụng dự phòng sự tăng glucose máu gây bởi việc tiem tĩnh mạch berylli nitrat ở chuột cống trắng và làm bình thường hoá glucose huyết trong thời gian ngắn hơn so với chuột đối chứng không điều trị. Dây thìa canh không có tác dụng hạ glucose huyết ở chuột cống trắng bình thường.
- Hoạt tính hạ glucose huyết phụ thuộc vào liều
- Việc uống cao chiết là dây thìa canh (400mg/ngày) trong 18 -20 tháng cùng với trị liệu thường quy, có tác dụng tốt trên 22 bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đã nhận xét thấy sự giảm glucose huyết, giảm nhu cầu sử dụng thuốc thường quy. Có 5 bệnh nhân ngừng điều trị với thuốc thường quy và duy trì nội cân bằng glucose huyết chỉ với cao chiết dây thìa canh. Ngoài ra, nồng độ insulin huyết thanh tăng, gợi ý về tác dụng gây tiết insulin của cao.
- Cho uống cao lá dây thìa canh (400mg/ngày) cho 27 bệnh nhân đái tháo đường phụ thuộc insulin được điều trị với insulin làm hạ glucose huyết, hemoglobin glycosyl hoá, protein glycosyl hoá huyết tương khi đói và nhu cầu về insulin. Ngoài ra, cao còn làm giảm nồng độ lipid huyết thanh tới gần mức bình thường Grover J.K. et al., 2002).
- Hoạt chất conduritol A có thể có tác dụng dự phòng bệnh đục thể thuỷ tinh, là hậu quả của bệnh đái tháo đường, do ức chế enzym aldose reductase ở thể thuỷ tinh. GS 4, một cao chiết từ lá dây thìa canh, có tác dụng rất tốt kiểm soát chứng tăng glucose huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thuộc cà hai típ 1 và 2 (Li W.L et al., 2004).
- Cao chiết lá dây thìa canh (600mg/kg, trong 15 ngày) làm giảm nồng độ của một hoặc cả hai hormon tuyến giáp, triiodothyronin và thyroxin. Cao này cũng làm giảm nồng độ glucose huyết thanh, cho thấy hoạt tính giảm glucose máu củ cao có thể được trung gian qua sự ức chế chức năng tuyến giáp. Không nhận xét thấy sự tăng peroxy hoá lipid ở gan hoặc sự giảm hợt dộc của superoxyd dismutase hoặc catalase, chứng tỏ cao lá dây thìa canh với liều đã dùng không ảnh hưởng tới gan (Gholap S. et al., 2002).
- Hoạt tính ức chế trên đáp ứng vị giác
- Lá dây thìa canh ngăn ngừa sự nhận thức vị ngọt ở tất cả các vùng ở miệng.
- Hoạt tính hạ lipid huyết
- Cho động vật uống cao lá dây thìa canh trong 2 tuần có tác dụng dự phòng sự tăng triglycerid, cholesterol toàn phần và các phân đoạn lipoprotein tỷ trọng rất thấp và tỷ trọng thấp gây bởi chế độ ăn có nhiều mỡ, và làm tăng lipoprotein tỷ trọng cao trong máu một cách phụ thuộc vào liều, với sự cải thiện đồng thời về về chỉ số chống tạo vữa mạch ở chuột tăng lipid huyết. Hoạt tính chống tăng cholesterol huyết của cao có thể ảnh hưởng tốt trên chức năng tim vì tăng cholesterol huyết là một nguyên nhân quan trọng của bệnh mạch vành tim (Bishayee A et al., 1992).
- Dự phòng sâu răng
- Acid gymnemic từ dây thìa canh dự phòng sự phân huỷ đường và sản sinh glycan nởi vi khuẩn Streptococcus mutans gây sự tạo cao răng và sâu răng. Acid gymnemic có thể dự phòng sâu răng khi cho thêm vào thức ăn, hoặc dùng lá dây thìa canh pha trà uống (Williamson E.M et al., 2002: 167 – 169; Lemnens R.H.M.J. et al., 2003: 228 – 236).
- Hoạt tính bảo vệ gan
- Cao ethanol lá dây thìa canh đưa vào dạ dày chuột cống trắng với liều 300mg/kg có tác dụng dự phòng nhiễm độc gây tổn thương gan bởi carbon tetraclorid. Tác dụng này được chứng minh thông qua các thông số hình thái học, hoá sinh và chức năng (Rana A.C. et al., 1992).
- Hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus
- Cao cồn lá dây thìa canh có hoạt tính kháng khuẩn đói với Bacillus pumilis, B. subtilis, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus (Satdive R.K. et al., 2003). Các acid gymnemic A và B từ Gymnema sylvestre có hoạt tính kháng virus cúm. Acid gymnemic A có hoạt tính mạnh nhất, acid gymnemic B có hoạt tính mức độ vừa (Hayaoashi K. et al., 1997; Williamson E.M. et al., 2002: 167 – 169).
- Chống độc tính nọc rắn
- Kali gymnemat có tác dụng ức chế ATPase từ nọc rắn mang bành và rắn Vipera russelli. ATPase của nọc rắn được cho là có tác dụng gây sốc cho nạn nhân bị rắn cắn bởi sự thuỷ phân bất thình lình của adenosin triphosphat (ATP) và cần có Mg2+ để có hoạt tính này. Phân tích bằng chụp Rơnghen huỳnh quang cho thấy sự kết hợp của ATP và kali gymnemat với enzym ATPase của nọc rắn mang bành ở cùng các vị trí của enzym và như vậy xác minh kiểu cạnh tranh của tương tác ức chế (Selvanayagan Z.E. et al., 1994).
- Chống béo phì
- Chế phẩm thảo dược OB – 200G chứa dây thìa canh, cỏ xước, gừng, tiêu lốt và hai dược liệu khác được dùng với liều mỗi ngày 4 viên trong 6 tháng cho 32 bệnh nhân béo phì. Kết quả cho thấy thuốc có hiệu quả làm giảm thể trọng ở tất cả bệnh nhân về mặt lâm sàng (Argawal J.K. et al., 2001).
- Chống oxy hoá
- Dây thìa canh có tác dụng chống oxy hoá có thể so sánh được với a – to cophenol.
- Giảm cơ trơn
- Cao nước dây thìa canh chứa acid gymnemic có tác dụng ức chế sự co cơ vòng ruột chuột cống trắng gây bởi nồng độ cao K+ một cách phụ thuộc vào liều, và sự co cơ tự nhiên cũng giảm hoặc bị ức chế hoàn toàn. Điều này có thể do sự tham gia của yếu tố cường phân cực từ oxyd nitric và nội mô.
- Sự an toàn
- Acid gymnemic có vẻ không độc đối với người, nhưng bệnh nhân đái tháo đường dùng thuốc hạ đường huyết có thể cần phải giảm liều lượng thuốc nếu điều trị kết hợp với dây thìa canh. Liều LD50 của cao cồn 50% toàn cây (loại trừ rễ) tiêm trong mạng bụng cho chuột nhắt trắng là 375mg/kg thể trọng (Williamson E.M et al., 2002: 167 – 169). Nghiên cứu độc tính mạn tính cho thấy không có thay đổi bất thwongf nào ở động vật thí nghiệm (Chakraborty T., 1992).
5. Tính vị, công năng:
- Dây thìa canh có vị đắng, cay. Lá của cây, khi nhai, có tác dụng làm tê, trong vài giờ, vị giác đối với các chất ngọt và đắng. Có tác dụng mát, bổ, làm dễ tiêu và lợi tiểu (Sastr B.N. et al., 1956: 276 – 277; Kirtikar K. R. et al., 1998: 1625 – 1627)
6. Công dụng:
- Dây thìa canh được dùng làm trị đái tháo đường với liều uống hàng ngày là 4g lá khô (Võ Văn Chi, 1997; 396 – 397). Dây thìa canh được dùng điều trị đái tháo đường ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.
- Ở các nước Đông Nam Á, ngoài công dụng trị đái tháo đường, rễ và lá được dùng trị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, viêm mạch máu, phù, sốt, ho, trĩ, nhọt, mụn, lở, rắn cắn, thuốc làm dễ tiêu và lợi tiểu. Lá có khi được dùng làm rau ăn.
- Ở Trung Quốc, tất cả các bộ phận của cây, đặc biệt là rễ, được dùng trị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, viêm mạch máu, phù, sốt, trĩ và rắn cắn (Lemnens R.M.H.J. et al., 2003: 228 – 236).
- Ở Ấn Độ, lá của dây thìa canh được dùng trị đái tháo đường và một số chứng bệnh khác như khó tiêu, trĩ, táo bón, sốt rét, ho, viêm phế quản, hen. Dây thìa canh được dùng làm thuốc trợ tim, lợi tiểu, làm dễ tiêu, nhuận trành, gây tăng trương lực cơ tử cung, trị các bệnh đa tiết mật, giác mạc và thể kính ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Lá đắp trị vết thương và trộn với dầu thầu dầu đắp trị sưng hạch, gan to và lách to.
- Rễ tán bột chữa rắn cắn.
- Quả đắng và có tác dụng làm giảm trướng bụng, và được dùng trị bệnh phong, đái tháo đường, viêm phế quản, chữa loét, trị ngộ độc và diệt giun.
- Toàn cây dùng trị lỵ.
- Trong thú y, dây thìa canh được dùng cho gia súc ăn để lợi sữa.
- Ở Đông Phi, rễ tán bột và sắc lấy nước uống để điều trị động kinh, rắn cắn và dùng ngoài trị nhọt (Kirtikar K.R. et al., 1998: 1625 – 1627; Williamson E.M. et al., 2003: 228 – 236).
Xem thêm: Cắt đại tràng
Tin mới nhất
- Bệnh vảy nến: Nguyên Nhân Triệu chứng và cách điều trị an toàn nhất
- Bị đau dạ dày nên làm gì? Cách kiểm soát cơn đau dạ dày tại nhà đơn giản
- Nuốt nước bọt đau họng là bị gì? Cách khắc phục nhanh chóng
- Các thuốc điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày
- Xác định HLA
- Bạch cương tàm điều trị nám tàn nhang, liệt dương, động kinh
- Viêm âm đạo ra mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa hiệu quả
- Tảo Spirulina (tảo xoắn Nhật) là gì? Lợi ích và cách sử dụng hiệu quả
- Viêm tĩnh mạch
- Những lợi ích của củ hành đối với sức khỏe bạn không nên bỏ qua