Điều trị bệnh ung thư bằng tia bức xa ( Phần 2 )

Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hoá có năng lượng cao. Đó là các sóng điện từ (tia X, tia gama,…) hoặc các hạt nguyên tử (électron, nơtron, proton,..) để điều trị bệnh ung thư. Phương pháp này đã được sử dụng từ 100 năm nay song nó vẫn là một trong những phương pháp chủ yếu và có kết quả trong điều trị ung thư.

3. CÁC KỸ THUẬT XẠ TRỊ

3.1. Các phương pháp chiếu xạ

– Chiếu xạ từ ngoài vào:

Đây là phương pháp được chỉ định khá rộng rãi với kỹ thuật là: Nguồn xạ đặt ngoài cơ thể người bệnh. Máy sẽ hướng các chùm tia một cách chính xác vào vùng thương tổn (vùng cần xạ trị) để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Ưu điểm:

Kỹ thuật thực hiện nhanh, gọn, ít gây khó chịu cho người bệnh.

Có thể điều trị ở diện tương đối rộng và ở nhiều vùng tổn thương, ở nhiều vị trí khác nhau.

Trước khi điều trị phải xác định một cách cụ thể, chính xác vị trí và thể tích vùng cần chiếu xạ sao cho vùng chiếu phải bao trùm toàn bộ những nơi mà tế bào của khối u có thể xâm lấn tới. Việc tính toán liều lượng phải chính xác tỷ mỷ vừa đủ để tiêu diệt tế bào ung thư bởi lẽ các tổ chức lành, tế bào lành nằm trong vùng chiếu xạ cũng bị tổn thương do tia. Theo nhiều tác giả thể tích bia chiếu xạ phải lớn hơn so với thể tích khối u (thường ≥ 2 cm so với chu vi khối u), thể tích đó bao gồm các vùng sau:

 

– Các máy xạ trị từ ngoài vào:

+ Máy xạ trị Cobalt: hiện nay ở nhiều nước phát triển việc sử dụng máy cobalt đã giảm dần và không sử dụng nữa. Tuy nhiên tại các nước đang phát triển máy Cobalt vẫn giữ vai trò quan trọng trong xạ trị bệnh ung thư. Máy Cobalt là loại thiết bị dùng nguồn phóng xạ nhân tạo Co60. Nguồn có dạng hình những đồng xu (đường kính khoảng 2 cm) xếp chồng lên nhau trong một ống hình trụ với 2 lớp vỏ bằng thép, toàn bộ nguồn được đặt trong khối chì hay uran nghèo, khối chì này có thể chuyển động hoặc cố định để đóng mở nguồn. Nguồn Co60 phát ra tia gama với hai mức năng lượng là 1,17 MeV và 1,33 MeV, thời gian bán huỷ của nguồn là 5,27 năm, như vậy cứ sau 1 tháng cường độ của nguồn sẽ giảm 1% và sau 5 -7 năm sử dụng, người ta phải thay nguồn khác.

+ Máy gia tốc: là một loại thiết bị tăng tốc chùm hạt (điện tử, proton, alpha…) đến một giá trị năng lượng nào đó theo yêu cầu mình đã đặt ra. Trong thực tế lâm sàng, hiện nay người ta sử dụng các máy có dải năng lượng từ vài MeV đến vài chục MeV(5-40 MeV) và thường sử dụng 2 loại bức xạ: chùm Electron và chùm Photon (còn gọi là tia X). Máy gia tốc có 2 loại: Máy gia tốc thẳng và máy gia tốc vòng. Hiện nay máy gia tốc thẳng thường được sử dụng nhiều hơn vì cấu tạo máy gọn hơn.

– Xạ trị áp sát (Brachythérapie)

Các nguồn xạ (như radium, Cesium, Iridium…) được đặt áp sát hoặc cắm trực tiếp vào vùng thương tổn. Một số các đồng vị phóng xạ dạng lỏng như Iod 131, phốtpho 32 có thể dùng bơm trực tiếp vào trong cơ thể để nhằm chẩn đoán và điều trị các tế bào ung thư.

Ưu điểm:

Phương pháp này giúp nâng liều tại chỗ lên cao trong khi các tổ chức lành xung quanh ít bị ảnh hưởng hơn so với chiếu xạ từ ngoài vào do sự giảm liều nhanh xung quanh nguồn.

Nhược điểm:

Khi thực hiện phải có sự chuẩn bị cụ thể (ở cả thầy thuốc và bệnh nhân). Nhiều lúc tạo nên sự khó chịu cho người bệnh.

Phương pháp này chỉ áp dụng được đối với một số u ở một số vị trí nhất định (da, hốc tự nhiên) và chỉ thực hiện được khi bệnh còn ở giai đoạn tương đối sớm, với những trường hợp tổn thương đã lan rộng thì xạ trị áp sát không điều trị được (do cường độ tia giảm nhanh ở vùng xung quanh)

Một số kỹ thụât xạ trị áp sát

  •  Tấm áp bề mặt: Các kim hoặc tuýp Radium gắn vào các tấm áp bề mặt rồi đặt vào vùng tổn thương. Hiện còn dùng tấm áp phốt pho 32.
  •  Xạ trị trong các khoang, hốc, khe kẽ,trong mô: Nguồn xạ là kim hoặc tuýp Radium cắm vào vùng tổn thương

3.2. Các tia bức xạ sử dụng trong điều trị ung thư

Các tia phóng xạ dạng sóng điện từ (photon)

– Tia X

Tia này được tạo ra khi các điện tử âm được gia tốc trong các máy phát tia X hoặc các máy gia tốc Betatron, gia tốc thẳng…

– Tia gamma

Được phát ra trong quá trình phân rã các nguyên tố phóng xạ hoặc đồng vị phóng xạ. Hiện y học thường dùng một số nguồn sau:

Radium (Ra) là nguyên tố phóng xạ tự nhiên, chu kỳ bán huỷ dài song hiện nay ít dùng vì khó bảo quản và gây hại nhiều khi sử dụng.

Cobal 60 (Co60) và Cesium 137 (Cs137) cho tia gamma có cường độ từ 1,7 MeV -> 1,33 MeV.

Iod 125 và Iridium 192 (Ir192) là những nguồn mềm, có thể uốn nắn theo ý muốn tuỳ theo vị trí và thể tích u, nên được sử dụng rộng rãi.

– Tia b

Là những tia yếu thường dùng để chẩn đoán và điều trị tại chỗ một số ung thư. Nó thường được gắn vào những chất keo, chất lỏng để bơm vào vùng u hoặc vào cơ thể (dưới dạng dược chất phóng xạ). Hiện nay có 2 nguồn hay được sử dụng là Iod 131 (I131) và phospho 32 (P32).

Các tia phóng xạ dạng hạt:

Là các tia có năng lượng cao, khả năng đâm xuyên lớn và được tạo ra bởi các máy gia tốc.

Đây chính là thành tựu của nền khoa học kỹ thuật hiện đại nên ngày càng được sử dụng nhiều ở các nước phát triển, bởi lẽ khi sử dụng rất an toàn, chính xác và dễ bảo quản, không gây nguy hại đến các môi trường và sức khoẻ con người. Tuỳ theo loại máy phát mà ta có được các loại tia với cường độ khác nhau.

Ví dụ:

– Chùm photon: Có năng lượng 5 – 18 MeV

– Chùm electron: Có năng lượng 4 – 22 MeV

3.3. Đơn vị đo lường và liều lượng

Theo phân loại quốc tế thấy có 2 loại đơn vị

– Liều xuất: Là một lượng tia xạ đã được sau khi tia ra khỏi nguồn xạ. Đơn vị được tính bằng rơnghen (R = Roentgen).

– Liều hấp thụ: Đây có thể coi là liều xạ sinh học. Nó đo được tại một vị trí, một tổ chức nào đó trong cơ thể ở vùng chiếu xạ. Đơn vị tính là Rad (Radioactive Absober Dose) ngày nay người ta thường dùng đơn vị mới là Gray (1gray = 100 Rad = 100 centigray).

Có sự khác nhau giữa 2 loại đơn vị đo liều trên bởi lẽ khi vào cơ thể, tia xạ sẽ bị giảm dần liều do có sự tương tác giữa các tổ chức với tia xạ. Bởi vậy khi tính toán liều lượng người ta phải xác định rõ vị trí, thể tích, và độ sâu của khối u để từ đó mới tính được liều xuất cần chiếu bao nhiêu để đạt được liều tại khối u như dự kiến.

Với sự trợ giúp của máy chụp cắt lớp vi tính,máy tính điện tử, máy mô phỏng… Hiện người ta đã vẽ được các bản đồ đường đồng liều và lập kế hoạch điều trị theo không gian 3 chiều (3D). Do vậy người thầy thuốc xạ trị có khả năng điều trị được một cách tương đối chính xác các khối u ở nhiều vị trí hóc hiểm trong cơ thể với độ tin cậy khá cao.

3.4. Liều lượng chiếu xạ

Liều lượng chiếu xạ hoàn toàn phụ thuộc vào loại bệnh, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, xong bên cạnh đó chúng ta còn phải chú ý đến sự tái tạo của tế bào cũng như sự phân bố của chúng. Vì vậy chỉ định liều lượng chiếu xạ hoàn toàn phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể.

Nhìn chung người ta thấy rằng. Nếu liều xạ ở mức dưới 40 Gy thì tia ít có tác dụng. Xong nếu liều đạt trên 80 gy thì dễ gây ra các biến chứng cho người bệnh. Bởi vậy liều lượng trung bình đủ diệt tế bào ung thư là khoảng 55 Gy đến 65 Gy.

Vì phụ thuộc vào tác dụng không mong muốn của tia xạ, cũng như sự tái tạo của tế bào. Đồng thời để tăng hiệu quả của tia và hạn chế tới mức thấp nhất sự tổn thương của tế bào lành, theo quy định quốc tế người ta tia 200 centigray (ctg) trong một ngày và 1000 ctg trong một tuần: Như vậy toàn bộ tổng liều xạ để đạt sự thoái lui của bệnh sẽ được tia trải ra trong khoảng 6 – 8 tuần. Vấn đề này còn phụ thuộc vào loại tia xạ sử dụng, kinh nghiệm điều trị của từng nước và từng thầy thuốc.

4. CÁC CHỈ ĐỊNH XẠ TRỊ

Trong điều trị ung thư, xạ trị là phương pháp điều trị có chỉ định tương đối rộng, có hiệu quả rõ rệt và nhằm nhiều mục đích khác nhau.

4.1. Điều trị triệt căn

Để đạt được mục đích này, khi xạ trị phải đảm bảo 2 yêu cầu sau:

Vùng chiếu phải bao trùm toàn bộ khối u và những nơi mà tế bào ung thư có khả năng xâm lấn tới.

Tia toàn bộ hệ thống hạch khu vực. Đó là những hạch bạch huyết có nguy cơ cao bị di căn ung thư.

Do vậy người thầy thuốc xạ trị cần phải lập ra cho được phương án, chiến thuật và kỹ thuật thì mới có thể điều trị triệt để cho người bệnh. Điều trị triệt để có thể là:

– Điều trị đơn độc: Ví dụ ung thư vòm mũi họng

– Điều trị phối hợp với phẫu thuật

Cách phối hợp tuỳ theo loại bệnh và giai đoạn bệnh. Tia có thể thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật, cũng có thể phối hợp xen kẽ (ví dụ ung thư vú, ung thư cổ tử cung).

Một điểm đặc biệt quan trọng là tia xạ đã góp phần làm cho nhiều bệnh nhân ung thư từ chỗ không phẫu thuật được (vì bệnh ở giai đoạn muộn) trở thành phẫu thuật triệt căn được. Ví dụ: ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung.Sau xạ trị u thu nhỏ lại và có khả năng phẫu thuật triệt căn, do vậy tăng hiệu quả điều trị lên rất nhiều.

– Xạ trị phối hợp với hoá chất

Sự phối hợp xạ trị và hoá chất nhiều khi đưa lại kết quả tốt hơn là điều trị đơn độc một phương pháp trong một số loại ung thư.

Xạ trị trực tiếp vào khu u nguyên phát sẽ làm giảm thể tích của một khối u quá lớn, vì vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoá chất tiêu diệt tế bào ung thư còn lại.

Ngược lại, một số loại hoá chất sẽ làm tăng sức chịu đựng của tế bào lành đối với tia xạ và làm tăng mức độ nhậy cảm cỷa khối u đối với tia xạ (như cyclophosphamide, cytosine arabinoside…), do vậy có thể nâng liều xạ lên cao để điều trị triệt để khối ung thư. Bên cạnh đó, hoá chất sẽ tiêu diệt tất cả các tế bào ung thư đã di căn xa mà tia không với tới được.

4.2. Xạ trị tạm thời

Áp dụng với những trường hợp bệnh ở giai đoạn muộn, không thể điều trị triệt để được. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn là rất cao. Theo ước tính của bệnh viện K thì có khoảng 70 – 80% bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, bệnh đã lan rộng và có biến chứng. Vì vậy xạ trị tạm thời thường được chỉ định, xong tuỳ từng trường hợp cụ thể mà việc điều trị nhằm các mục đích khác nhau.

Xạ trị nhằm giảm và chống lại các biến chứng của ung thư: Như điều trị chống đau, chống chèn ép,chống bít tắc, chống chảy máu.

Ví dụ:

– Khối u trung thất gây chèn ép trung thất. Xạ vào vùng trung thất.

– Hạch lớn chèn ép đường tuần hoàn máu và bạch huyết gây phù nề chi:xạ vào vùng hạch.
– Di căn vào xương của các ung thư gây đau đớn dữ dội. Khi xạ trị vào tại chỗ sẽ làm giảm đau mạnh và tăng việc tái tạo xương (đối với thể tiêu xương)

– Cầm máu trong ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn.

Xạ trị để đề phòng các biến chứng ung thư có thể xảy ra, làm chậm tốc độ phát triển của bệnh, cải thiện chất lượng đời sống cho bệnh nhân. Từ đó phần nào kéo dài thêm đời sống và làm cho họ sống thoải mái hơn trong những ngày còn lại.

5. CÁC PHẢN ỨNG VÀ TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN DO TIA BỨC XẠ GÂY RA

Tia xạ gây nên nhiều ảnh hưởng xấu với sức khoẻ con người. Vì vậy khi điều trị có thể gặp một số tác dụng không mong muốn của tia xạ như sau:

5.1. Các phản ứng sớm

Vài ngày sau khi xạ trị người bệnh sẽ có hiện tượng mệt mỏi chán ăn, đôi khi thấy choáng váng ngây ngất, buồn nôn. Các hiện tượng này sẽ mất dần do cơ thể thích nghi với tia xạ. Do vậy, trong thời gian đầu mới xạ trị phải yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi và bồi dưỡng tốt.

Phản ứng da và niêm mạc tuỳ thuộc vào liều xạ: thời kỳ đầu có hiện tượng viêm đỏ. Liều tăng lên, da sẽ khô và bong, niêm mạc viêm loét. Vì vậy đòi hỏi người bệnh phải giữ vệ sinh tốt da và niêm mạc, không được làm tổn thương da vì sẽ rất khó liền sẹo. Người ta cũng có thể làm tăng sức chịu đựng của da bằng cách thoa nhẹ lên da vùng chiếu xạ một lớp kem dưỡng da.

Ỉa chảy: Hiện tượng này thường xảy ra khi tia vào vùng bụng và chậu vùng niêm mạc ruột. Bởi vậy có thể cho bệnh nhân dùng một đợt kháng sinh nhẹ và thuốc làm săn niêm mạc ruột.

Các phản ứng viêm đường tiết niệu sinh dục xảy ra khi chiếu xạ vào vùng chậu. Điều trị bằng cách dùng kháng sinh hoạt phổ rộng với uống nước nhiều và giữ vệ sinh sinh dục tốt. Dặn bệnh nhân cần đi tiểu trước khi vào máy xạ trị

Hệ thống máu và cơ quan tạo máu: Sau khi được xạ trị, công thức máu của bệnh nhân thường bị thay đổi. Sớm nhất là các dòng bạch cầu bị giảm, kế đến là tiểu cầu và hồng cầu.

Khi số lượng bạch cầu và hồng cầu giảm nặng cần phải ngừng tia, nâng cao thể trạng và dùng thuốc kích thích tạo bạch cầu và hồng cầu.

Các cơ quan tạo máu rất dễ bị tổn thương do đó khi chiếu xạ cần phải che chắn và bảo vệ (lách, tuỷ sống và tuỷ xương…).

5.2. Các phản ứng và biến chứng muộn

Về lâu dài: Các tổ chức phần mềm vùng chiếu xạ sẽ bị xơ hoá và teo nhỏ các tổ chức đó kể cả các tuyến.

Chiếu xạ liều cao gây tổn thương hệ thống mạch máu, điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc phẫu thuật nếu cần phải áp dụng xạ trị.

– Liều xạ quá cao gây hoại tử các tổ chức

Một số cơ quan trong cơ thể khi bị chiếu xạ khó hồi phục và ảnh hưởng tới các chức năng của chúng như mắt, thanh quản, tuỷ sống, buồng trứng, và tinh hoàn. Do vậy cần chú ý bảo vệ.

CHỦ ĐỀ ĐANG XEM:

Nguồn: http://benhvienk.com/tin-tuc/danh-cho-thay-thuoc/ung-thu-hoc-dai-cuong/955-dieu-tri-benh-ung-thu-bang-tia-buc-xa-phan-2

Xem thêm: 15 dấu hiệu ung thư bạn không thể bỏ qua

Rate this post

Tin Liên quan

error: Content is protected !!