Viêm Phế Quản Cấp Ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không? Hướng Điều Trị
Viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh lý hô hấp thường gặp, gây nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Hiểu sai và thiếu kiến thức về bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây khó khăn trong quá trình điều trị dứt điểm. Tìm hiểu về triệu chứng điển hình, các phương pháp điều trị và cách chăm sóc trẻ trong bài viết sau đây.
Viêm phế quản cấp ở trẻ em là gì? Triệu chứng thường gặp
Phế quản là một bộ phận thuộc đường hô hấp dưới, đóng vai trò quan trọng trong sự trao đổi khí của cơ thể với môi trường ngoài. Có thể thấy, hô hấp là con đường thuận lợi nhất cho sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Do đó, viêm phế quản là bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt ở những đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu.
Viêm phế quản cấp ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm ống niêm mạc phế quản – phổi, gây biểu hiện phù nề, sưng đỏ tương đối nghiêm trọng. Khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài kích thích sự xuất tiết lượng đờm nhầy qua đường mũi, họng, gây khó chịu cho người bệnh.
Các biểu hiện viêm phế quản cấp tính có thể thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 5-7 ngày tích cực điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng hơn, điều trị không đúng cách sẽ khiến bệnh diễn tiến mãn tính và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Nhận biết từ sớm các biểu hiện đặc trưng của bệnh là cách tốt nhất để có hướng điều trị dứt điểm, cải thiện các rủi ro biến chứng có thể xảy ra.
Một số triệu chứng điển hình của tình trạng viêm phế quản cấp ở trẻ em như sau:
- Ho nhiều: Niêm mạc phế quản bị sưng đau gây ho ở trẻ. Có thể bắt đầu với biểu hiện ho khan, ho thành cơn kéo dài, ho có đờm, tiếng ho nặng
- Khó thở: Ống dẫn khí phế quản – phổi có tình trạng phù nề, gây bít tắc đường thở khiến trẻ nhỏ khó thở, tiếng thở rít nghe rõ
- Xuất tiết đờm: Trẻ khạc đờm, đờm trong hoặc có màu xanh/vàng/đục như mủ (cảnh giác với tình trạng đờm chuyển màu)
- Sốt nhẹ, sốt cao: Cơ thể xuất hiện viêm nhiễm thường đi kèm với biểu hiện sốt ở trẻ nhỏ. Ba mẹ cần lưu ý và áp dụng các biện pháp hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ
- Nghẹt mũi, sổ mũi: Dịch nhầy ứ đọng có thể gây nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục
- Rối loạn tiêu hóa: Tình trạng này có thể đi kèm một số biểu hiện về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đau bụng, buồn nôn
- Một số biểu hiện khác: Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, người mệt mỏi, đặc biệt về đêm
Ngoài ra còn có một số biểu hiện không đặc hiệu khác ở trẻ, gây khó chịu và ảnh hưởng đến trẻ. Tốt nhất trong trường hợp này, ba mẹ cần cảnh giác và đưa trẻ đi khám từ khi triệu chứng mới khởi phát để điều trị dứt điểm. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ uống tránh tác dụng phụ có thể xuất hiện.
Nguyên nhân viêm phế quản cấp ở trẻ em
Viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ. Tình trạng này gây ra bởi nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, cụ thể như:
- Virus, vi khuẩn: Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm phế quản ở mọi đối tượng, trong đó có cả trẻ em. Thường gặp với các chủng liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn,…Ở trẻ nhỏ, virus hợp bào hô hấp RSV là loại virus phổ biến nhất gây các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản
- Hệ miễn dịch suy giảm: Cơ thể trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện, hệ miễn dịch chưa đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, trong đó có nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp
- Điều trị các bệnh hô hấp khác không dứt điểm: Do biến chứng từ những bệnh lý khác, điều trị không dứt điểm, kéo dài dai dẳng (viêm mũi, viêm tai, cảm cúm,…)
- Môi trường ô nhiễm: Trẻ nhỏ sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, hóa chất độc hại, có người thân hút thuốc lá,…cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột (nhất là khi chuyển từ nóng sang lạnh) khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh tấn công
- Cơ địa dị ứng ở trẻ: Một số trường hợp viêm phế quản cấp gây ra do bệnh dị ứng với phấn hoa, lông vật nuôi, thức ăn,…
- Nằm điều hòa thường xuyên: Với trẻ sơ sinh, nhiều gia đình thường cho nằm trong phòng điều hòa gần như 24/7. Mặt trái của việc làm này có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp do nhiệt độ điều chỉnh quá thấp
Nhận biết nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị đúng hướng và đảm bảo an toàn cho trẻ. Ba mẹ nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa đi khám ngay khi cần thiết.
Viêm phế quản cấp ở trẻ em có nguy hiểm không?
Viêm phế quản cấp ở trẻ em không phải bệnh quá nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm hoàn toàn nếu có phương pháp phù hợp. Các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi có thể hết hoàn toàn sau 7-10 ngày tích cực điều trị
Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh tình diễn tiến nghiêm trọng hơn do bố mẹ không để ý các biểu hiện ban đầu của trẻ hoặc tự ý điều trị mà không đi khám. Khi đó, một số nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, trong đó phải kể đến các biến chứng sau:
- Viêm phế quản mãn tính: Các biểu hiện cấp tính kéo dài dai dẳng, khó điều trị và tái phát nhiều lần trong năm. Mỗi lần mắc có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của trẻ
- Hen suyễn: Các triệu chứng khó thở lâu ngày có thể dẫn đến hen suyễn – chứng bệnh mãn tính chưa có cách điều trị dứt điểm, chỉ có thể dùng thuốc kiểm soát cơn hen khi phát bệnh
- Viêm phổi: Phế quản – phổi có mối liên hệ mật thiết. Do đó, trẻ bị viêm phế quản lâu ngày không điều trị dứt điểm có thể ảnh hưởng xuống phổi. Tình trạng viêm phổi nặng hơn, khó chữa trị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng khác
- Các bệnh lý tai – mũi – họng khác: Các bệnh lý về tai, mũi, họng thường đi kèm với nhau. Nếu không điều trị dứt điểm viêm phế quản có nguy cơ gây các bệnh khác như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi,….diễn tiến thành chứng viêm nhiễm mãn tính
- Suy dinh dưỡng: Các biểu hiện của bệnh lý hô hấp gây nhiều khó chịu cho trẻ, khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng đa phần thường mắc các bệnh lý về đường hô hấp
Để ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra, ba mẹ cần lưu ý và đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy các biểu hiện sau:
- Sốt cao li bì, sốt theo cơn hoặc sốt kéo dài nhiều ngày (trên 38,5 độ)
- Trẻ bí tiểu
- Miệng khô, có mùi hôi đặc trưng
- Ho đờm xanh, vàng hoặc có màu đục như mủ trắng
- Thở rít, nghe rõ tiếng khi áp tai vào ngực
- Nôn trớ nhiều, bỏ ăn, người mệt lả
Trẻ bị viêm phế quản bao lâu thì khỏi? Sốt mấy ngày?
Viêm phế quản cấp ở trẻ em không quá nguy hiểm, có thể ổn định sau 7-10 ngày nếu điều trị sớm và đúng cách. Các triệu chứng sẽ hoàn toàn biến mất sau 10-15 ngày, khi kết thúc phác đồ của bác sĩ. Thực tế, thời gian kéo dài của bệnh còn tùy thuộc mức độ bệnh và thời điểm tiến hành chữa trị.
Do đó, ba mẹ nến lưu tâm đến sức khỏe của trẻ, đưa đi khám ngay nếu có các biểu hiện bệnh. Thông thường, viêm phế quản cấp thường đi kèm biểu hiện sốt nhẹ đến sốt cao. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể chống lại các ổ viêm nhiễm, ba mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu sốt cao lâu ngày, sốt kéo dài trên 38,5 độ, trẻ cần được đưa đi khám ngay.
Sốt cao liên tục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ, để lại biến chứng khó lường. Ba mẹ cũng phải lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng quá liều rất nguy hiểm
Chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em
Lựa chọn đúng phương pháp điều trị là yếu tố quan trọng hàng đầu khi chữa viêm phế quản cấp ở trẻ em. Ba mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc hô hấp để được thăm khám chính xác nhất.
Tùy thế bệnh và tình trạng diễn tiến của người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất: dùng thuốc hoặc áp dụng các mẹo dân gian tại nhà.
Thuốc điều trị viêm phế quản cấp
Đa số các tình trạng viêm phế quản với biểu hiện cấp tính đều được chỉ định sử dụng thuốc Tây y để chữa trị. Nhóm thuốc này có tác dụng cải thiện nhanh các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh sau 5-7 ngày sử dụng và dứt điểm hoàn toàn sau 10-15 ngày.
Phác đồ điều trị của Tây y thường gồm liều điều trị và liều duy trì. Do đó, trẻ em cần sử dụng đúng và đủ liều đảm bảo mầm bệnh trong cơ thể được tiêu diệt hoàn toàn
- Thuốc kháng sinh: Kê khi nguyên nhân chính của tình trạng viêm nhiễm là virus, vi khuẩn. Các dạng thuốc cho trẻ em thường bào chế dưới dạng siro, bột pha uống với hàm lượng ít hơn người lớn. Ba mẹ lưu ý liều lượng và dạng dùng thuốc được kê, tránh nhầm lẫn gây nguy hiểm cho trẻ
- Thuốc hạ sốt: Dùng cho trẻ khi sốt cao trên 38,5 độ. Dạng thuốc thông dụng cho trẻ nhỏ là dạng viên đạn đặt hậu môn
- Thuốc giãn phế quản: Kê khi trẻ có biểu hiện khó thở, thở rít do co thắt phế quản. Thường sử dụng dưới dạng khí dung, dạng xịt,….
- Thuốc kháng viêm: Kê nhằm mục đích tiêu diệt các ổ viêm, làm lành và tái tạo các lớp niêm mạc mới, cải thiện tình trạng sưng đau, nóng đỏ ở cổ họng
- Thuốc giảm ho, long đờm: Cải thiện triệu chứng ho nhiều, ho có đờm, ho khi nuốt. Có nhiều dạng như kẹo ngậm, siro ho phù hợp cho trẻ sử dụng, ba mẹ cũng nên lưu ý khi mua cho phù hợp
Đảm bảo việc dùng thuốc trị viêm phế quản cấp ở trẻ em theo đúng phác đồ bác sĩ đưa ra đảm bảo hiệu quả trong điều trị. Việc cho trẻ uống thuốc không dễ dàng nhưng ba mẹ cũng phải kiên trì đảm bảo đủ liều trong ngày. Tránh hiện tượng “nhờn thuốc” do việc dùng thuốc không đúng, cản trở việc điều trị lâu dài
Chữa bằng mẹo dân gian tại nhà
Với chứng bệnh mới khởi phát, các triệu chứng còn nhẹ, ba mẹ có thể áp dụng mẹo dân gian tại nhà. Ưu điểm của phương pháp này là tương đối lành tính, không gây tác dụng phụ hay ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đa số các bài thuốc này đều là mẹo truyền miệng, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh. Ba mẹ cũng cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ nhỏ
- Chanh đào – mật ong: Bài thuốc này có thể chế biến và bảo quản trong tủ lạnh, dùng lâu dài cho các chứng đau họng, viêm phế quản,…Chanh đào thái lát, ngâm trong mật ong tối thiểu 3-4 ngày. Mỗi lần dùng 1 lát, ngậm sâu trong miệng giảm triệu chứng ho khá hiệu quả
- Nước dứa: Thành phần nước dứa chứa các chất kháng viêm, kháng khuẩn tốt cho cổ họng. Ba mẹ có thể ép lấy nước cho trẻ uống hàng ngày thay nước khoáng rất tốt cho bệnh viêm phế quản
- Xông hơi: Đây cũng là biện pháp được khuyến khích lựa chọn, nhất là khi trẻ có biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở. Có thể hòa thêm một số loại tinh dầu hoặc lá thảo dược khác thêm vào nước xông, tăng hiệu quả điều trị. Ba mẹ cần lưu ý canh chừng trẻ trong suốt quá trình xông hơi, tránh bỏng
- Lá hẹ chưng đường phèn: Bài thuốc từ lá hẹ và đường phèn từ lâu cũng được khuyến khích sử dụng cho các chứng bệnh hô hấp. Lá hẹ thái nhỏ, thêm vào bát cùng 1 lượng nước và đường phèn vừa đủ. Chưng cách thủy trong vòng 15 phút, để nguội bớt và cho trẻ dùng phần nước.
Các bài thuốc dân gian cần có thời gian để đem lại hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, ba mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng các bài thuốc này. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, không sử dụng các bài thuốc có thành phần mật ong, tránh gây ngộ độc.
Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản
Kết hợp việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, quá trình chăm sóc cũng ảnh hưởng một phần đến thời gian dứt bệnh của trẻ. Ba mẹ có thể tham khảo thêm thông tin từ phía bác sĩ chuyên khoa về chế độ dinh dưỡng, kiêng khem trong sinh hoạt.
Trẻ bị viêm phế quản ăn gì, kiêng gì?
Các triệu chứng của viêm phế quản cấp ở trẻ em thường gây khó chịu cho trẻ, khiến trẻ chán ăn, quấy khóc. Do đó, thiết lập một chế độ dinh dưỡng đúng và đủ rất quan trọng trong thời điểm này. Cụ thể như sau:
- Bổ sung dinh dưỡng từ nhóm thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa,…
- Bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi vào bữa ăn chính hoặc bữa nhẹ mỗi ngày. Có thể ép thành nước cho trẻ dễ uống
- Uống nhiều nước, tránh để cổ họng bị khô
- Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ dễ tiêu hóa, nhất là với những trẻ có tình trạng nôn trớ
- Hạn chế cho trẻ ăn món nhiều dầu mỡ vì có thể gây kích ứng cổ họng và biểu hiện ho dữ dội hơn
- Hạn chế sử dụng đồ uống có gas, bánh kẹo nhiều đường có thể khiến trẻ khó thở nhiều hơn
- Chế biến các món ăn cho trẻ đơn giản nhất có thể, hạn chế thêm nhiều gia vị (mặn, ngọt, cay,…)
Viêm phế quản cấp ở trẻ em có nên tắm không?
Nhiều quan điểm cho rằng, trong thời gian điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ em nên hạn chế việc tắm rửa. Tiếp xúc với nước có thể khiến tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Tuy nhiên, đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Giữ vệ sinh cơ thể thông qua việc tắm rửa giúp trẻ dễ chịu hơn, làm sạch môi trường phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong quá trình tắm rửa cho trẻ như sau:
- Tắm với nước ấm, có thể sử dụng các loại lá thảo dược đun nước tắm giải nhiệt cơ thể
- Tắm nhanh khoảng 10 phút, đảm bảo vệ sinh cơ thể sạch
- Lau khô và giữ ấm cơ thể cho trẻ sau khi tắm
- Nếu trẻ sốt cao, thay vì tắm rửa, dùng khăn ẩm lau người cho trẻ, vừa có tác dụng làm sạch vừa hạ nhiệt cơ thể
Phòng tránh bệnh như thế nào?
Viêm phế quản cấp ở trẻ em là bệnh lý hô hấp thường gặp, tiềm ẩn một số nguy cơ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của chúng. Thực hiện các biện pháp phòng tránh sau đây là điều cần thiết để ngăn ngừa tình trạng này:
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, tối thiểu mỗi lần 1 ngày
- Xây dựng cho trẻ thói quen đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với bàn chải mềm, phù hợp với khuôn miệng của trẻ
- Uống đủ lượng nước tối thiểu mỗi ngày (2 lít)
- Mang mặc trang phục phù hợp với thời tiết, giữ ấm khi trời trở lạnh, đặc biệt là vùng cổ họng
- Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh thường xuyên
- Hạn chế cho trẻ nằm phòng điều hòa thường xuyên, điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, không để quá thấp
- Sử dụng các thiết bị tạo độ ẩm, điều hòa không khí trong phòng ngủ, giúp trẻ dễ thở hơn và phòng tránh các bệnh lý về đường hô hấp
Bài viết vừa rồi đã cung cấp những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý viêm phế quản cấp ở trẻ em. Bệnh lý hô hấp này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, ba mẹ nên chủ động trang bị thêm kiến thức về bệnh và đưa trẻ đi khám ngay khi cần thiết.
Tin mới nhất
- Chẩn đoán tiểu đường tuýp 2
- Viêm khớp là gì?
- 11 Cách điều trị mất ngủ tại nhà không cần dùng thuốc
- Lạc nội mạc tử cung
- Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
- Ăn kiêng bệnh tiểu đường như thế nào cho hiệu quả
- Ợ hơi buồn nôn là bệnh gì, có nguy hiểm không? Cách xử lý
- Giải pháp “vàng” đẩy lùi bệnh thấp khớp hiệu quả từ thảo dược
- Ngứa cổ họng và ho khan hết ngay nếu trị đúng cách
- Bị ngứa khắp người không rõ nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả