Mổ hội chứng ống cổ tay: 6 Điều cần biết trước khi thực hiện
Hội chứng ống cổ tay là một hội chứng rối loạn hệ thần kinh ngoại vi rất hay xảy ra do áp lực đè lên dây thần kinh giữa. Khi dây thần kinh giữa bị rối loạn, dẫn đến mất đi cảm giác và khả năng kiểm soát cổ tay, ngón tay, bàn tay. Lúc này, người bệnh sẽ được cân nhắc thực hiện mổ hội chứng ổng cổ tay để khắc phục tình trạng này.
Nếu bạn sắp phải thực hiện phẫu thuật này thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để nắm rõ một số thông tin về quá trình thăm khám, chuẩn bị ra sao trước phẫu thuật.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay (có tên tiếng Anh là Carpal tunnel syndrome) là tình trạng mất khả năng kiểm soát và tiếp nhận cảm giác ở cổ tay, ngón tay và bàn tay khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày và nhất là gây khó khăn trong công việc.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay là do áp lực đè nén lên dây thần kinh giữa dẫn đến rối loạn hệ thần kinh ngoại vi. Áp lực này đến từ việc xuất hiện tổn thương, sưng viêm tại bất kỳ thành phần nào trong ống cổ tay, có thể là dây thần kinh giữa hoặc gân gấp các ngón tay.
Bên cạnh đó, dây thần kinh giữa đảm nhiệm vai trò kiểm soát vận động tay và tiếp thu cảm giác. Vì thế nên khi mắc phải hội chứng ống cổ tay sẽ đi kèm với triệu chứng mất cảm giác tại cổ tay.
Theo thống kê của các cuộc nghiên cứu cho thấy, hội chứng này thường xuất hiện ở nữ giới hơn so với nam giới gấp 4 lần. Đặc biệt, căn bệnh này thường liên quan nhiều đến nghề nghiệp của người bệnh. Chẳng hạn như như công việc đòi hỏi cần phải hoạt động cổ tay nhiều như ghi chép, đánh máy, lái xe, công nhân tại các dây chuyền sản xuất…có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài các yếu tố khách quan từ công việc khiến cổ tay bị chấn thương do lặp đi lặp lại một hoạt động thì còn một số nguyên nhân khác của bệnh lý này đã được nghiên cứu gồm:
- Do di truyền khiến người bệnh có ống cổ tay nhỏ
- Do chấn thương dẫn đến bong gân, gãy xương
- Do mang thai, mắc các bệnh huyết áp, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp…
Chính vì vậy, việc khám và điều trị hội chứng ống cổ tay càng sớm càng tốt thông qua 2 phương pháp chính là phẫu thuật và không phẫu thuật tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
6 điều cần biết trước khi mổ hội chứng ống cổ tay
Mổ hội chứng ống cổ tay là gì?
Mổ hội chứng ống cổ tay là một cuộc phẫu thuật được tiến hành nhằm làm giảm áp lực lên dây thần kinh giữa và điều trị tận gốc hội chứng này.
Việc mổ hội chứng ống cổ tay càng sớm sẽ giúp hạn chế được tình trạng bệnh kéo dài và gây ra mất chức năng vĩnh viễn tại bàn tay mắc bệnh. Lúc này, sau khi khám và chẩn đoán hội chứng ống cổ tay thì bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp trị ngoại khoa tức là phẫu thuật thay vì nội khoa sẽ chỉ làm giảm tạm thời các cơn đau chứ không khỏi bệnh tận gốc.
Trong quá trình mổ hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay nhằm giải phóng áp lực, làm tăng không gian hoạt động của dây thần kinh giữa cũng như các gân gấp ở ngón tay. Kết quả là cải thiện tình trạng mất cảm giác, giảm đau đớn, tê rần và phục hồi chức năng của cổ tay, ngón tay, bàn tay.
Những trường hợp nào cần mổ ống cổ tay?
Mặc dù mổ ống cổ tay là phương pháp tối ưu nhất để điều trị hội chứng ống cổ tay, tuy nhiên, không phải bất kỳ người bệnh nào cũng có thể tùy ý thực hiện. Thay vào đó, để quyết định xem bạn có cần phải mổ hay không thì các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh thông qua các phương pháp chẩn đoán.
Bên cạnh đó, thông thường các phương pháp điều trị không phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện trước. Có thể kể đến như uống thuốc giảm đau, nẹp cổ tay, tiêm steroid giúp giảm sưng đau hoặc vật lý trị liệu…Tuy nhiên, những phương pháp này được đánh giá là chỉ đem lại hiệu quả khi bệnh ở mức độ nhẹ vừa khởi phát mà thôi, nếu bệnh đã diễn tiến phức tạp hơn thì các cách này chỉ làm trì hoãn thêm thời gian trị bệnh.
Ở bệnh nhân mắc bệnh trong một thời gian dài và có nhiều biểu hiện sau đây sẽ được chỉ định thực hiện mổ hội chứng ống cổ tay:
- Kết quả đo điện cơ cho thấy chức năng dây thần kinh giữa đã bị tê liệt hoàn toàn.
- Các cơ bàn tay, cổ tay yếu đi, teo nhỏ và dần dần dẫn đến việc mất chức năng vĩnh viễn.
- Tình trạng bệnh kéo dài trên 6 tháng và không đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa.
Các phương pháp mổ hội chứng ống cổ tay
Theo các chuyên gia phân tích thì hiện nay có 2 phương pháp chính mổ hội chứng cổ tay gồm mổ hở (mổ truyền thống) và mổ nội soi.
Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt đứt các dây chằng xung quanh cổ tay để giải phóng áp lực cho dây thần kinh giữa. Sau khi phẫu thuật xong, các dây chằng sẽ được nối lại để hoạt động bình thường.
Chi tiết 2 phương pháp phẫu thuật như sau:
- Phẫu thuật hở: Đây là dạng phẫu thuật truyền thống mà các bệnh viện thường áp dụng. Bác sĩ sẽ rạch một vết cắt lớn có kích thước khoảng 5cm tính từ cổ tay đến lòng bàn tay để tiếp tục thực hiện các thủ thuật điều trị bên trong.
- Phẫu thuật nội soi: Người bệnh sẽ được rạch một vết cắt nhỏ khoảng 1 – 2cm ở khu vực cổ tay. Sau đó, đặt thiết bị camera chuyên dụng trong phẫu thuật vào bên trong vùng sắp tiến hành phẫu thuật. Lúc này, những hình ảnh về các tổn thương bên trong, dây chằng cũng như dây thần kinh sẽ hiện lên trên màn hình với độ phân giải cao. Lúc này, bác sĩ sẽ quan sát và thực hiện các bước phẫu thuật cần thiết.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì phẫu thuật nội soi là phương pháp mổ hội chứng ống cổ tay được khuyến khích thực hiện bởi ít gây đau đớn, vết thương nhỏ nên nhanh lành hơn cũng như hạn chế được các nguy cơ gây ra biến chứng về sau. Bác sĩ sẽ là người tư vấn và bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ về nguyên vọng điều trị, khả năng kinh tế nhằm lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp nhất.
Những nguy cơ khi mổ hội chứng ống cổ tay
Cũng tương tự với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, việc mổ hội chứng ống cổ tay cũng sẽ không tránh được các rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng trong suốt quá trình phẫu thuật, bạn sẽ được gây tê tại vị trí cổ tay hoặc gây mê toàn thân nếu bạn quá lo lắng và sợ đau. Vì vậy, rủi ro đầu tiên đó chính là có thể xảy ra tình trạng cơ thể phản kháng với thuốc tê hoặc thuốc mê, sốc phản vệ, dị ứng thuốc.
Ngoài ra, mổ hội chứng ống cổ tay còn tiềm ẩn một số nguy cơ khác như:
- Gây chảy máu
- Nhiễm trùng tại vết rạch ở cổ tay
- Làm tổn thương dây thần kinh giữa, các mạch máu, gân cơ hoặc các sợi dây chằng xung quanh
- Vết khâu không cẩn thận sẽ để lại sẹo xấu.
Ngoài ra, những rủi ro khác có thể xảy ra tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, do tay nghề của bác sĩ, điều kiện dụng cụ phẫu thuật của bệnh viện…Chính vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ càng về vấn đề mổ hội chứng ống cổ tay, chọn bệnh viện uy tín và bác sĩ có chuyên môn nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện phẫu thuật ống cổ tay?
Để đảm bảo cuộc phẫu thuật được diễn ra suôn sẻ thì bạn cần lưu ý một số điều trước khi thực hiện gồm:
- Hãy báo cho bác sĩ biết về tất cả những loại thuốc mà bạn đã và đang sử dụng, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin, thảo dược…Trong đó, nếu bạn có sử dụng một số loại thuốc như Aspirin, Ibuprofen hay Naproxen…thì cần phải dừng lại ngay vì đây đều là những loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình cầm máu.
- Nếu bạn là người hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ thuốc trước khi tiến hành phẫu thuật. Bởi khói thuốc lá chính là một trong những nguyên nhân làm trì hoãn quá trình làm lành vết thương.
- Khám tiền phẫu bao gồm các bước cận lâm sàng cơ bản từ xét nghiệm máu, đo huyết áp, cho đến đo điện tâm đồ nhằm loại trừ khả năng bạn mắc các bệnh lý khác và hạn chế rủi ro trong quá trình phẫu thuật.
- Người bệnh cũng sẽ được căn dặn trước là không được ăn hoặc uống bất kỳ thức gì trước khi phẫu thuật 6 – 12 tiếng. Nếu cuộc phẫu thuật diễn ra vào buổi sáng thì kể từ 12h đêm trước phẫu thuật bạn sẽ không được ăn bất kỳ thứ gì.
- Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ dặn dò các yêu cầu đặc biệt khác.
Quá trình mổ hội chứng ống cổ tay diễn ra như thế nào?
Đối với mổ hội chứng ống cổ tay thì thường sẽ được thực hiện ngoại trú. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể về nhà ngay trong ngày nếu quá trình trong và sau khi phẫu thuật được diễn ra thuận lợi.
Tùy thuộc vào phương pháp thực hiện phẫu thuật mà quá trình diễn ra sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc chung đều là tiến hành cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay (mái của đường hầm cổ tay) nhằm làm tăng không gian bên trong, giảm áp lực lên dây thần kinh giữa và các cơ gân bên trong ống cổ tay.
Chính vì vậy, mỗi loại phương pháp phẫu thuật sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Cụ thể như sau:
Phẫu thuật hở
- Ưu điểm: Dễ thực hiện, quá trình thực hiện nhanh chóng và đem lại kết quả sau phẫu thuật lên đến 100%.
- Khuyết điểm: Bắt buộc phải can thiệp trên diện rộng vì cần khoảng không lớn mới có thể tiến hành trực tiếp cắt dây chằng một cách chính xác. Chính điều này khiến cho thời gian hồi phục lâu hơn so với phương pháp nội soi và nếu không chăm sóc kỹ sẽ để lại sẹo.
Phẫu thuật nội soi
- Ưu điểm: Nhanh chóng, có độ thẩm mỹ cao, không để lại sẹo hoặc sẹo rất nhỏ vì vết rạch ban đầu rất nhỏ.
- Khuyết điểm: Đòi hỏi phải có thiết bị, máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao, được đào tạo bài bản nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Những điều cần biết sau khi mổ hội chứng ống cổ tay
Sau khi thực hiện mổ hội chứng ống cổ tay, người bệnh có thể sẽ được cho về nhà ngay trong ngày nếu trong thời gian quan sát không xảy ra bất kỳ phản ứng tiêu cực nào. Lúc này, bạn cần tìm hiểu kỹ một số những điều sau:
Chăm sóc vệ sinh sau mổ hội chứng ống cổ tay
- Sau khi mổ xong thì trong khoảng 1 tuần đầu tiên, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh, rửa vết mổ bằng nước muối sinh lý 0.9%, thực hiện thay bằng 1 lần/ngày. Việc làm này sẽ giúp bạn theo dõi sát sao vết mổ, phát hiện sớm các bất thường để đưa ra cách xử trí kịp thời tránh tình trạng viêm nhiễm, nứt vết mổ.
- Ngoài ra, bạn cần lưu ý để thực hiện thay băng và rửa vết thương được an toàn thì cần phải vệ sinh tay sạch sẽ, loại bỏ vi khuẩn bám trên tay nhằm hạn chế tình trạng đưa vi khuẩn tiếp xúc với vết thương.
- Cuối cùng, sau khi băng bó thì giữ cho tay luôn được khô ráo, ránh để bị bẩn hoặc ướt vì lúc đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào và gây viêm nhiễm.
Chế độ dinh dưỡng sau khi mổ hội chứng ống cổ tay
Bên cạnh việc chăm sóc thì việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học dành riêng cho bệnh nhân sau mổ hội chứng ống cổ tay cũng là điều cần thiết.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thì, bạn cần cung cấp đầy đủ:
- Hàm lượng calo và protein cho cơ thể để kích thích vết thương lành lại nhanh chóng. Mỗi ngày từ 120 – 150g protein và 2500 – 3000kcal. Một số loại thực phẩm nên bổ sung thường xuyên như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, hạt…
- Chất béo: Thay dầu động vật bằng các loại dầu thực vật như dầu cải, dầu oliu để chế biến thức ăn. Hấp thụ chất béo từ các loại hải sản sẽ tốt hơn từ thịt heo, bò gà nên hãy hạn chế chất béo từ động vật.
- Vitamin và khoáng chất: Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi vì hàm lượng chất xơ và vitamin C có tác dụng rất tốt trong việc làm lành vết thương. Trong đó, vitamin C sẽ giúp kháng khuẩn tại vết mổ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể…Hàm lượng vitamin A trong các loại thực phẩm như cà rốt, đu đủ, bí đỏ, khoai lang…sẽ giúp kích thích việc hình thành mô sẹo, giúp vết thương nhanh lành, vitamin B rất tốt cho hệ thần kinh và hỗ trợ phục hồi chức năng dây thần kinh giữa ở cổ tay.
Thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày
Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống thì người bệnh cũng cần điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt của mình sao cho phù hợp. Một số điều sau mà bạn cần lưu ý:
- Tránh khuân vác, cầm nắm vật nặng để tránh tạo áp lực cho tay. Tốt nhất nên nghỉ ngơi trong vòng 6 tuần để tay hồi phục chức năng.
- Kết hợp ăn uống với một lối sống lành mạnh, ngủ sớm, vận động và uống thuốc theo đơn của bác sĩ đều đặn mỗi ngày để vết thương nhanh chóng lành lại.
- Lưu ý khi ngủ hằng đêm bạn nên đặt cẳng tay và cổ tay cao hơn thân người mình bằng cách dùng một chiếc gối mỏng kê lên tay để tránh tính trạng sưng phù.
- Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy báo ngay cho bác sĩ điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra,
Mổ hội chứng ống cổ tay bao lâu thì lành?
Theo đánh giá của các chuyên gia thì quá trình hồi phục cụ thể sau hậu phẫu sẽ diễn ra như sau:
- 1 tuần sau khi phẫu thuật: Người bệnh có thể di động được các ngón tay cũng như phối hợp thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để kích thích làm giãn các khớp.
- Sau 2 – 4 tuần: Người bệnh đã có thể tự hoạt động nhẹ ở bàn tay và các cơn đau cũng sẽ giảm dần.
- Sau 4 tuần: Người bệnh đã có thể thực hiện các hoạt động nặng hơn ở bàn tay như lái xe, viết chữ, đánh máy…mà không còn cảm giảm đau đớn. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý về việc hoạt động quá sức để không gây áp lực lên cổ tay.
- Sau 6 – 12 tuần: Người bệnh đã hoạt động lại hoàn toàn bình thường với toàn bộ sức mạnh ở bàn tay. Tuy nhiên, khi quá sức thì vẫn có thể xảy ra các cơn đau nhẹ.
- 2 – 3 tháng sau khi phẫu thuật là thời gian để cổ tay hồi phục hoàn toàn, bạn cần kiểm soát lực hoạt động ở cổ tay sao cho phù hợp, tránh tình trạng quá sức và sau khoảng 1 năm thì quá trình hồi phục cổ tay sẽ hoàn tất, bạn hoàn toàn sẽ không còn cảm nhận được các cơn đau nhức hay tê tay nữa mà có thể sử dụng tay thoải mái không sợ biến chứng.
Như vậy có thể thấy, sau phẫu thuật khoảng 1 – 2 tuần là vết thương sẽ bắt đầu quá trình lành lại. Tuy nhiên, với những trường hợp dây thần kinh giữa bị tổn thương quá lâu không chữa trị thì quá trình hồi phục sau phẫu thuật sẽ càng kéo dài hơn so với bình thường và khoảng 10 – 12 mới hoàn toàn khôi phục lại toàn bộ sức mạnh ở vùng cổ tay, bàn tay và ngón tay.
Còn trong lúc chưa lành thì bác sĩ sẽ cho bạn mang nẹp cổ tay tạm thời để hạn chế những cử động vô ý thức như gập duỗi tay để tránh chạm đến vết thương và nhanh lành hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được hẹn lịch tái khám để tháo băng nẹp và giúp bác sĩ đánh giá vết mổ và cho thực hiện các phương pháp kiểm tra chức năng của cổ tay, ngón tay và bàn tay.
Hãy báo cho bác sĩ biết về quá trình hồi phục của bạn có gì bất thường hay, chẳng hạn như xuất huyết, vết mổ tiết dịch mủ, có mùi hôi xung quanh vết mổ bị sưng, viêm, đau nhức và hành sốt để sớm có hướng khắc phục kịp thời.
Có nên thực hiện vật lý trị liệu hay không?
Các bác sĩ khuyến khích để tránh tình trạng cứng khớp sau khi tháo nẹp, bạn vẫn có thể cử động nhẹ nhàng các ngón tay và thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để giúp quá trình hồi phục rút ngắn lại. Những bài tập này đóng vai trò rất quan trọng sau khi phẫu thuật, nó không chỉ giúp cải thiện chức năng, sức mạnh của cơ vùng cổ tay, ổn định các cấu trúc vùng cổ tay sau khi mổ mà còn giúp hỗ trợ điều trị sẹo, tăng tính thẩm mỹ cho bàn tay và thúc đẩy quá trình hồi phục.
Một số bài tập đơn giản mà người bệnh nên thực hiện như:
- Bài tập ngửa bàn tay và ngửa thanh gỗ: Với bài tập này, bạn sẽ sử dụng một thanh gỗ để hỗ trợ luyện tập, dùng nó để xoay tròn trên tay theo chiều kim đồng hồ.
- Bài tập trượt gân: bài tập này có tác dụng kích thích khả năng tuần hoàn máu ở cổ tay, ngón tay và bàn tay. Từ đó hạn chế tình trạng phù nề, cứng cơ và thúc đẩy các mô, sợi gân, dây chằng hoạt động linh hoạt hơn.
- Bài tập xoay bàn tay: Xoay bàn tay theo chiều kim đồng hồ, gập lại mở ra, nắm lại mở ra…sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và giúp cổ tay trở nên linh hoạt.
Sau khi mổ hội chứng ống cổ tay có khỏi hoàn toàn không?
Theo thống kê tại các bệnh viện thì nếu người bệnh tuân thủ hoàn toàn về cách thức điều trị, chăm sóc, ăn uống thì khả năng hồi phục sẽ rất cao, bằng chứng là có đến 90% trường hợp sau khi phẫu thuật đã khỏi hoàn toàn và không hề tái phát lại.
Ở giai đoạn đầu, có thể bạn sẽ vẫn cảm nhận được những cơn đau nhẹ khi hoạt động cổ tay, tuy nhiên các triệu chứng này sẽ biến mất dần sau vài tháng nếu chăm sóc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trường hợp vẫn xuất hiện cảm giác tê tay hoặc đau nhức sau khi phẫu thuật thì có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân sau:
- Một là các sợi dây chằng chưa được giải phóng hoàn toàn
- Thần kinh bị tổn thương do bị chèn ép trong thời gian dài nên khi phẫu thuật xong gây tổn thương nội tại thần kinh.
Theo các chuyên gia thì nếu thật sự nếu là do dây chằng chưa được giải phóng hết sẽ khiến cho tổn thương ở dây thần kinh giữa không được khắc phục hoặc chỉ cải thiện một phần thì sẽ khiến bệnh ngày càng diễn tiến xấu đi, kéo dài sẽ gây ra bị liệt cơ.
Vì vậy, hãy báo cho bác sĩ ngay về các dấu hiệu bất thường mà bạn nghi ngờ xảy ra sau khi phẫu thuật để được khắc phục kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tóm lại, mổ hội chứng ống cổ tay là một phương pháp xử lý tận gốc căn bệnh này. Phẫu thuật này cũng không quá nghiêm trọng, có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, an toàn, ít tốn kém và tỉ lệ tái phát cũng rất thấp. Nếu bạn đã thực hiện phẫu thuật, hãy tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, nghỉ ngơi, ăn uống và tập luyện khoa học để rút ngắn thời gian hồi phục bạn nhé.
Có thể bạn quan tâm: Hội chứng ống cổ tay khi mang thai và sau sinh mẹ nên lưu ý
Tin mới nhất
- Viêm gân vai vôi hóa
- Chè dây Sapa
- Ở đâu mua bán khổ qua rừng tại quận 10 uy tín
- Sỏi mật trái sung: Thành phần, công dụng, cách dùng, giá bán 2020
- Top 21 trà giảm cân hiệu quả được tin dùng hiện nay
- Nổi mề đay ở tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Xét nghiệm gì cho chẩn đoán đột quỵ?
- Ngứa nổi mẩn đỏ ở bộ phận sinh dục nam và 5 bệnh liên quan
- Vì sao người cao tuổi dễ mắc bệnh viêm phổi?
- [CHI TIẾT] Viêm loét dạ dày HP: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả nhất