Mọc mụn trứng cá bọc ở vùng kín: Nguyên nhân và cách xử lý
Mọc mụn trứng cá bọc ở vùng kín thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ thói quen vệ sinh vùng kín kém, mặc quần lót chật và bí, rối loạn nội tiết tố hoặc do ảnh hưởng của các bệnh nội tiết.
Nhận biết mụn trứng cá bọc ở vùng kín
Mụn trứng cá bọc là tình trạng mụn nặng, nốt mụn có kích thước lớn, viêm đỏ và ứ mủ trắng ở bên trong. Nốt mụn thường mọc ở những vùng da bài tiết nhiều dầu và bã nhờn như mặt, ngực, lưng và vùng kín.
Nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín là tình trạng khá phổ biến, xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Mặc dù không ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ như mụn ở trên mặt nhưng nốt mụn thường gây đau nhức nhiều, ngứa ngáy và khó chịu do ma sát với quần/ váy.
Nhận biết nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín:
- Nốt mụn lớn hơn so với các nốt mụn thông thường
- Nhân mụn màu trắng, bên trong ứ mủ
- Nốt mụn và vùng da xung quanh bị viêm, đỏ, đau nhức kèm ngứa ngáy
- Sau vài ngày, nhân mụn nổi rõ lên bề mặt da và dễ vỡ
- Sau khi làm sạch mủ và nhân mụn, da sẽ nhanh chóng liền lại và hồi phục hoàn toàn
- Mụn trứng cá bọc thường xuất hiện ở môi lớn và vùng bẹn
Thống kê cho thấy, tình trạng nổi mụn ở vùng kín thường xảy ra ở người 35 tuổi. Người trung niên và cao tuổi ít bị nổi mụn hơn do hoạt động bài tiết bã nhờn thuyên giảm, dẫn đến giảm nguy cơ bít tắc lỗ chân lông và hạn chế sự hình thành các nốt mụn.
Mọc mụn trứng cá ở vùng kín – Nguyên nhân do đâu?
Cơ chế trực tiếp hình thành mụn trứng cá bọc là do da tăng tiết hoạt động bài tiết bã nhờn, nang lông bị sừng hóa khiến cho bụi bẩn, dầu thừa tích tụ và gây bít tắc lỗ chân lông. Nang lông bị bít tắc tạo môi trường yếm khí để vi khuẩn P. acnes dễ dàng phát triển và hoạt động mạnh.
Khi xảy ra viêm nhiễm, tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến vùng da bị tổn thương, gây ra hiện tượng viêm nhằm bảo vệ cơ thể. Tình trạng này là nguyên nhân khiến nốt mụn bị viêm, nóng đỏ và đau nhức.
Tuy nhiên trên thực tế, cơ chế hình thành mụn trứng cá chỉ có thể xảy ra khi có những điều kiện thuận lợi như:
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách: Vệ sinh vùng kín kém không chỉ gây viêm nhiễm vùng kín và các bệnh phụ khoa mà còn là nguyên nhân gây nổi mụn trứng cá bọc. Nguyên nhân là do bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết không được làm sạch hoàn toàn, gây bít tắc nang lông và hình thành nốt mụn.
- Mặc quần lót chật, bí: Mặc quần lót chật và có chất liệu bí, khó thấm hút có thể khiến làn da ở vùng kín đổ nhiều mồ hôi và luôn trong trạng thái ẩm ướt. Bã nhờn được bài tiết quá mức tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại nấm men phụ thuộc lipid phát triển mạnh. Ngoài mụn trứng cá, thói quen này còn tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã nhờn, hắc lào, lang ben và một số bệnh da liễu do nấm khác.
- Rối loạn nội tiết: Rối loạn nội tiết tố – đặc biệt là tăng hormone androgen là một trong những nguyên nhân khiến mụn trứng nổi ồ ạt. Ngoài nguyên nhân này, mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể khiến vùng kín tiết nhiều dịch nhờn, dẫn đến tình trạng ẩm ướt và kích thích sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây mụn.
- Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức: Hoạt động bài tiết bã nhờn có tác dụng làm mềm, bảo vệ da và điều hòa thân nhiệt. Chính vì vậy khi cơ thể nóng hoặc sốt, da có xu hướng sản xuất nhiều bã nhờn và mồ hôi hơn bình thường. Tuy nhiên thực tế, có một số người bị rối loạn tuyến bã nhờn dẫn đến tăng sản xuất dầu thừa quá mức và gây ra các loại mụn trứng cá.
- Ảnh hưởng của một số bệnh nội tiết: Nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín có thể là hệ quả do một số bệnh nội tiết như cường giáp, đa nang buồng trứng và hội chứng Cushing. Các bệnh lý này gây rối loạn nội tiết tố, dẫn đến tăng sản xuất dầu thừa và hình thành mụn.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, nổi mụn bọc ở vùng kín còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, sinh sống trong thời tiết nóng ẩm, lạm dụng thuốc bôi corticoid, dị ứng với dung dịch vệ sinh phụ nữ,…
Nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín có nguy hiểm không?
Nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín là tình trạng khá phổ biến và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu chăm sóc đúng cách, nhân mụn sẽ nhanh chóng bị loại bỏ và vùng da tổn thương sẽ lành hẳn sau khoảng vài ngày.
Ngược lại trong trường hợp không xử lý đúng cách, mụn trứng cá bọc có thể gây ra một số vấn đề sau:
- Áp xe: Ở một số trường hợp, nốt mụn có thể phát triển và gây ra ổ áp xe. Khác với mụn bọc thông thường, áp xe thường gây đau nhức nhiều – đặc biệt là khi đi lại và vận động (do ma sát với quần/ váy). Trường hợp áp xe chứa nhiều mủ có thể phải tiến hành dẫn lưu mủ và thoa kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm.
- Hình thành sẹo: Làn da ở vùng kín tương đối nhạy cảm và mỏng. Do đó nếu xử lý mụn trứng cá bọc không đúng cách, da có thể bị tổn thương và hình thành sẹo thâm, sẹo lõm. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều như sẹo ở mặt nhưng tình trạng này cũng có thể tác động tiêu cực đến sự tự tin của nữ giới.
Ngoài ra, nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và hiệu suất lao động – nhất là các nốt mụn có kích thước lớn.
Cách xử lý mụn trứng bọc cá bọc ở vùng kín
Mụn trứng cá bọc ở vùng kín có thể được điều trị hoàn toàn nếu xử lý và chăm sóc đúng cách. Dưới đây là một số cách xử lý mụn trứng cá bọc đơn giản bạn có thể áp dụng:
1. Vệ sinh và giữ vùng kín khô thoáng
Mụn trứng cá bọc xuất hiện ở vùng kín thường nổi 1 – 2 nốt mụn và hiếm khi nổi ồ ạt như da mặt. Vì vậy, đa phần các nốt mụn sẽ nhanh chóng khô lại và lành hẳn sau khoảng vài ngày.
Trong thời gian này, bạn nên vệ sinh và giữ cho vùng kín khô thoáng để giảm sưng đỏ nốt mụn, giúp nhân mụn nhanh khô và hạn chế bội nhiễm.
- Lựa chọn quần lót có kích cỡ vừa với vòng 3, chất liệu cotton mỏng và thấm hút. Đồng thời nên thay quần lót 2 lần/ ngày và giặt kỹ với nước ấm để loại bỏ vi khuẩn
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH cân bằng, không chứa hương liệu và chất bảo quản để làm sạch vùng kín 1 lần/ ngày. Việc làm sạch da sẽ giúp hạn chế hình thành các nốt mụn mới và giảm hiện tượng tấy đỏ ở các nốt mụn cũ.
- Trong thời gian điều trị, nên hạn chế mặc quần jean và các trang phục bó sát, chất liệu dày và bí. Thay vào đó, nên mặc quần ống rộng hoặc váy dài có chất liệu thấm hút để giảm lượng mồ hôi bài tiết và hạn chế mức độ ma sát với nốt mụn.
- Tránh chà xát và gãi cào lên nốt mụn. Tình trạng này có thể khiến nốt mụn bị chảy máu, tấy đỏ nặng và dễ bị bội nhiễm.
Sau khi áp dụng các biện pháp này khoảng vài ngày, nhân mụn sẽ hiện rõ trên bề mặt da và thường bị vỡ khi vệ sinh vùng kín. Lúc này, bạn nên lau khô vùng kín và mặc quần áo thông thoáng để vết thương ở da nhanh lành.
2. Sử dụng một loại thuốc bôi
Trong trường hợp nốt mụn có kích thước lớn, viêm đỏ và sưng đau nhiều, bạn có thể trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn một số loại thuốc bôi. Thông thường, thuốc bôi chỉ được sử dụng khi nốt mụn xuất hiện ở vùng bẹn hoặc môi lớn. Trường hợp nổi mụn sâu bên trong vùng kín thường không có chỉ định dùng thuốc tại chỗ.
Các loại thuốc bôi được sử dụng để điều trị mụn trứng cá bọc ở vùng kín:
- Kháng sinh dạng bôi: Bạn có thể sử dụng các loại thuốc kháng sinh dạng bôi như gel trị mụn Erossan (chứa Erythromycin) hoặc các chế phẩm chứa Clindamycin để ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes. Ngoài ra, các loại thuốc này còn giúp ngăn ngừa bội nhiễm ở nốt mụn. Tuy nhiên khi dùng kháng sinh tại chỗ, nên sử dụng đều đặn 2 lần/ ngày trong vài tuần để ngăn ngừa mụn tái phát.
- Thuốc bôi chứa axit salicylic: Axit salicylic (BHA) có khả năng tan trong dầu, làm sạch bã nhờn, bụi bẩn và ngăn chặn hiện tượng sừng hóa của nang lông. Mặc dù không tác động trực tiếp đến vi khuẩn P. acnes nhưng BHA có thể giảm sự phát triển của loại vi khuẩn này bằng cách phá vỡ môi trường yếm khí. Nếu sử dụng cho vùng kín, nên trao đổi với dược sĩ để được chỉ định loại thuốc chứa nồng độ vừa phải.
- Kem trị mụn chiết xuất tự nhiên: Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc bôi điều trị mụn trứng cá bọc chiết xuất từ thiên nhiên như tràm trà, rau má, rễ cam thảo,… Các thành phần này được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên, an toàn và khá lành tính. So với các loại thuốc bôi trị mụn chứa hoạt chất tổng hợp, các sản phẩm trị mụn từ thiên nhiên cho hiệu quả chậm hơn nên chỉ thích hợp với trường hợp mụn bọc không quá nặng.
Đối với những trường hợp bị mụn do ảnh hưởng của rối loạn nội tiết và các bệnh nội tiết (cường giáp, đa nang buồng trứng,…) nên kết hợp sử dụng thuốc bôi trị mụn và điều trị nguyên nhân để ngăn ngừa mụn tái phát.
3. Lấy nhân mụn, dẫn lưu mủ
Khi nhân mụn được đẩy lên khỏi bề mặt da, nốt mụn có xu hướng bị vỡ trong quá trình vệ sinh vùng kín. Lúc này, bạn có thể dễ dàng loại bỏ hoàn toàn mủ và nhân mụn ứ bên trong nang lông. Tuy nhiên đối với những nốt mụn bị chai, mủ có thể bị ứ và phát triển ngược vào cấu trúc da, dẫn đến đau nhức nhiều hoặc thậm chí hình thành áp xe.
Trong trường hợp này, nên hạn chế tự ý nặn mụn tại nhà vì có thể gây sót nhân mụn, tăng nguy cơ bội nhiễm và hình thành sẹo lõm, sẹo lồi. Vì vậy để đảm bảo an toàn, nên chủ động đến bệnh viện da liễu để được nhân viên y tế lấy nhân mụn hoặc dẫn lưu mủ trong trường hợp đã hình thành áp xe. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh tại chỗ và toàn thân trong vòng vài ngày để ngăn ngừa bội nhiễm và tái phát mụn.
Phòng ngừa mụn trứng cá bọc ở vùng kín
Làn da ở vùng kín có hoạt động bài tiết bã nhờn mạnh, da dễ bị bí và đổ mồ hôi hơn so với những vùng da khác. Do đó nếu không chủ động phòng ngừa, mụn trứng cá bọc có thể tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ hình thành sẹo thâm và sẹo lõm.
Vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:
- Vệ sinh vùng kín 1 – 2 lần/ ngày và thay quần lót thường xuyên. Nên giặt quần lót với nước ấm và phơi dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ nấm men và vi khuẩn có hại.
- Thận trọng khi lựa chọn sản phẩm làm sạch vùng kín. Tránh sử dụng các sản phẩm có độ pH cao, chứa nhiều hương liệu và chất bảo quản.
- Vào thời tiết nóng ẩm, nên ưu tiên mặc những trang phục có chất liệu cotton và linen để giữ da khô thoáng, tránh ẩm ướt do tăng tiết mồ hôi quá mức.
- Kiểm soát tình trạng rối loạn tiết tố nữ, bệnh Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang, tiểu đường, cường giáp,… để hạn chế nổi mụn trứng cá ở mặt, vùng kín, lưng và ngực.
Nổi mụn trứng cá bọc ở vùng kín là tình trạng khá phổ biến. Nếu xử lý đúng cách, nốt mụn sẽ nhanh chóng khô lại và lành hẳn sau vài ngày. Tuy nhiên trong trường hợp mụn tấy đỏ nặng và ứ nhiều mủ, nên đến bệnh viện để được thăm khám, lấy nhân mụn và dẫn lưu mủ kịp thời.
Tin mới nhất
- Tiêu ban hoàn bì thang có dùng cho phụ nữ sau sinh được không?
- Trải lòng của người phụ nữ nông thôn khi phát hiện viêm cổ tử cung ở độ tuổi ngũ tuần
- Dị ứng Paracetamol: Nguyên nhân và những điều cần lưu ý
- Những điều cần biết về bệnh ung thư mũi là gì? Có chữa được không?
- Não gan (hôn mê gan)
- Bà bầu viêm họng uống thuốc gì cho an toàn, hiệu quả?
- 14 lợi ích sức khỏe của dâu lingon
- Ung thư tai ngoài: Triệu chứng và cách điều trị
- Chữa yếu sinh lý bằng trứng vịt lộn có hiệu quả không?
- Nội soi lồng ngực